Chiến thắng Điện Biên Phủ: Tầm nhìn, nhãn quan chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh

9:03 | 08/05/2023

Tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn gắn liền với vai trò đặc biệt quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh”.


Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Quyết định mang tầm chiến lược
Thời điểm cuối năm 1953, nghĩa là gần một năm trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, trong mắt nhìn của người Pháp, Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá”. Thời điểm đó, lực lượng của Pháp ở Điện Biên Phủ gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và phi đội không quân thường trực có 14 chiếc. Tổng số binh lực là 16.200 tên, bố trí thành tập đoàn cứ điểm gồm 49 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm, mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống hoả lực nhiều tầng.

Tám cụm cứ điểm họp thành ba phân khu, 80% lực lượng không quân ở Đông Dương và nhiều loại vũ khí hiện đại khác của Pháp và Mỹ đã được đưa vào tác chiến ở Điện Biên Phủ.

Số quân đông, hoả lực mạnh, công sự vững chắc, “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm”- đó là những gì mà các tướng tá Pháp và Mỹ thường tự hào về tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Nhưng cũng chính tại thời điểm đó, về phía ta, công việc chuẩn bị cho chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được bí mật tiến hành.

Trước đó, tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại cuộc họp này, Bộ Chính trị đã bàn bạc, thống nhất thông qua phương án tác chiến trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Trong phiên bế mạc cuộc họp, Bác đã nhấn mạnh: “Tổng Quân ủy phải có một kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, về hướng hoạt động, phải lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa”.

Chỉ chưa đầy 3 tháng sau đó, ngày 6/12/1953, tại bản Tỉn Keo, thôn Lục Giã (nay là xã Phú Đình) huyện Định Hoá-Thái Nguyên, thuộc ATK Việt Bắc, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại cuộc họp, Bác nhận định tình hình chiến sự Đông-Xuân đã thống nhất, sau nhiều chiến dịch tổ chức thắng lợi, ta đang ở thế chủ động chiến lược, còn địch ở thế bị động. Từ đó, đi đến quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược – đòn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cũng chính tại cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với cả quốc tế… Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tháng 1/1954, cũng tại bản Tỉn Keo, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị họp, quyết định bộ máy chỉ huy chiến dịch, kế hoạch điều động quân chủ lực lên Tây Bắc và các lực lượng quân-dân-chính Đảng phối hợp, hỗ trợ cho chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tín nhiệm giao nắm toàn quyền về quân sự: Tổng Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chuyện kể rằng khi tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mặt trận, Bác Hồ đã dặn đi dặn lại: “Tổng Tư lệnh ra Mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú quyền quyết định. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Chính lời dặn dò, tư tưởng chỉ đạo với tầm nhìn, nhãn quan chiến lược lớn ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có căn cứ để xử trí hết sức sáng tạo, linh hoạt trong quá trình thực tế chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, dẫn tới thắng lợi của Chiến dịch.

Trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, động viên quân dân ta

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: TTXVN)

Do tính chất tối quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ nên Bác dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, động viên quân và dân ta từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch. Người đã truyền cho các chiến sĩ ta một ý chí quyết chiến quyết thắng, một nghị lực, một sức mạnh phi thường, một niềm tin sắt đá để quân và dân ta vượt qua khó khăn hiểm nguy giành thắng lợi hoàn toàn.

Tết Giáp Ngọ (1954), Bác đã gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sỹ ở mặt trận một chiếc ca uống nước có in hàng chữ đỏ tươi “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”.

Ngay khi chiến dịch sắp bắt đầu, Người đã gửi thư cho bộ đội ở Điện Biên Phủ: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng cũng rất vinh quang, Bác tin chắc chắn rằng các chú sẽ phát huy những thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”. Lời kêu gọi được đăng trên Báo Quân đội nhân dân, xuất bản tại mặt trận, số 131, ngày 14 tháng 3 năm 1954, một ngày sau khi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mở màn (ngày 13 tháng 3).

Ngay sau khi quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, ngày 15/3/1954, Người gửi bức điện khen ngợi các chiến sĩ Điện Biên Phủ: “Bác và Trung ương Đảng được báo cáo về trận thắng đầu tiên của Quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và Trung ương có lời khen các đồng chí. Các đồng chí chớ chủ quan khinh địch, quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

Ngày 8/5/1954, chỉ một ngày sau khi các chiến sĩ ta đã đánh chiếm Sở Chỉ huy của địch, bắt sống tướng De Castries và toàn bộ Bộ Chỉ huy của địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi, Người đã viết thư khen ngợi: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sỹ lập nhiều chiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi trả lời một chính khách nước ngoài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hồ Chí Minh là một nhà chiến lược thiên tài, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Những biến đổi phi thường của lịch sử Việt Nam trong mấy chục năm qua đều gắn liền với công lao và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng viết: “Dân tộc ta có thể tự hào rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta đã chứng minh một chân lý vĩ đại. Chân lý đó là trong thời đại ngày nay một dân tộc thuộc địa bị áp bức, khi đã biết đứng dậy đoàn kết đấu tranh, kiên quyết chiến đấu cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội thì có đầy đủ khả năng để chiến thắng quân đội xâm lược hùng mạnh của một nước đế quốc chủ nghĩa”.

Nguyễn Hà (T/h)

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/chien-thang-dien-bien-phu-tam-nhin-nhan-quan-chien-luoc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-post246715.html

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông