Tại kỳ SEA Games 32, nước chủ nhà Campuchia sẽ đưa vào sửa dụng các công trình thi đấu tầm cỡ, gây bất ngờ so với quy mô nền bóng đá Campuchia ở thời điểm hiện tại.
Theo đó, công trình trọng điểm của SEA Games 32 chắc chắn phải là sân vận động quốc gia Morodok Techo, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 20km, có sức chứa tối đa lên đến 75.000 khán giả. Đây là nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc, các trận bán kết, chung kết bóng đá nam, cũng như nội dung thi đấu điền kinh tại SEA Games 32.
Nhìn từ xa, sân vận động quốc gia Morodok Techo giống như một chiếc thuyền buồm, với hai “mũi thuyền” ở hai đầu sân cao 99m, là những điểm cao nhất của sân bóng đá này. Trong khi đó, các khán đài của sân cao gần 40m.
SVĐ Morodok Techo có sức chứa lên đến 75.000 khán giả. Ảnh: FFC
Nhìn từ xa, sân Morodok Techo như một chiếc thuyền buồm. Ảnh: FFC
Morodok Techo là sân vận động lớn nhất của Campuchia. Ảnh: FFC
Mặt cỏ đẹp của sân Morodok Techo. Ảnh: FFC
Sân Olympic, nơi diễn ra các trận đấu thuộc bảng A nội dung bóng đá nam. Ảnh: CFF
Sân Visakha (hay còn gọi là sân Prince) diễn ra các trận đấu thuộc bảng B nội dung bóng đá nam, có sự hiện diện của U22 Việt Nam. Ảnh: Getty
Sân RCAF Old sẽ diễn ra bảng A môn bóng đá nữ SEA Games 32. Ảnh: CFF
Sân RSN sẽ diễn ra bảng B môn bóng đá nữ SEA Games 32. Ảnh: CFF
Ngoài ra, hai cấu trúc mũi nhọn cao nhất ở hai đầu sân còn giống như cử chỉ “Sampeah” của người dân Campuchia, tức là khép hai lòng bàn tay lại với nhau như một lời chào đầy tôn trọng của người dân nước này.
Sân Morodok Techo nằm trong khu liên hợp thể thao quốc gia Campuchia. Khu liên hợp này được bắt đầu xây dựng vào tháng 4/2013, riêng sân Morodok Techo được khởi công từ tháng 8/2017.
Đến tháng 8/2021, tức mất đúng 4 năm để quốc gia chủ nhà SEA Games 32 hoàn tất sân bóng này, với kinh phí xây dựng vào khoảng 168 triệu USD (khoảng 3.950 tỷ đồng).
Trước khi khu liên hợp Morodok Techo được đưa vào sử dụng, các công trình thể thao và sân vận động chính tại Campuchia là khu liên hợp thể thao và sân vận động quốc gia Olympic, tại Phnom Penh.
Ở SEA Games 32, sân Olympic tổ chức các trận đấu thuộc bảng A của nội dung bóng đá nam (gồm chủ nhà Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines và Timor Leste).
Đây cũng là sân bóng khá lớn, với sức chứa lên đến 50.000 người. Sân bóng khá lâu đời, được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 1964. Trước đây, sân Olympic thường sử dụng cỏ nhân tạo, nhưng ở SEA Games 32, toàn bộ mặt sân được sử dụng ở nội dung bóng đá nam là cỏ tự nhiên, nên sân Olympic cũng đã thay đổi mặt cỏ cho phù hợp.
Trước đây, khi chưa có sân Morodok Techo, hầu hết các trận đấu trên sân nhà của đội tuyển Campuchia ở các giải quốc tế, trong đó có các trận đấu tại AFF Cup 2018, diễn ra ở sân Olympic.
Một sân bóng khác được sử dụng tại đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2023 là sân Visakha, hay còn gọi là sân Prince (Hoàng tử), tại Phnom Penh. Đây là sân diễn ra các trận đấu thuộc bảng B của nội dung bóng đá nam, nơi có đội U22 Việt Nam thi đấu.
Sân Visakha có quy mô nhỏ hơn so với sân Morodok Techo và sân Olympic. Sức chứa của sân Visakha là 15.000 người, là sân nhà của câu lạc bộ Visakha FC thuộc giải vô địch bóng đá quốc gia Campuchia.
Mặc dù nhỏ, nhưng sân Visakha cũng khá khang trang. Để chuẩn bị cho SEA Games năm nay, nước chủ nhà đã cho chỉnh trang lại sân bóng này, từ khán đài cho đến mặt cỏ.
Trong khi đó, các trận bóng đá nữ sẽ diễn ra ở hai sân RCAF Old (sức chứa 8.000 khán giả) và RSN (sức chứa 5.000 khán giả), cả hai sân này đều nằm ở Phnom Penh. Sân RCAF Old diễn ra các trận đấu thuộc bảng A của đội nữ Việt Nam, còn sân RSN diễn ra các trận đấu thuộc bảng B nội dung bóng đá nữ, có sự hiện diện của chủ nhà Campuchia và Thái Lan.
L.T.Đ (t/h)
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/an-tuong-voi-cac-san-thi-dau-bong-da-tai-ky-sea-games-32-post244880.html#p-7