Tôi với Đặng Khánh Hội học cùng lớp suốt cấp 2, 3 trường Nguyễn Huệ, thị xã Hà Đông những năm 1960-1966. Anh là học sinh giỏi toàn diện, gần như năm học nào cũng đứng đầu lớp, đầu khóa. Chúng tôi chơi khá thân với nhau trong một nhóm bạn yêu văn chương nghệ thuật từng bị thầy hiệu trưởng Phan Quang Di gọi đùa là nhóm “nhân văn giai phẩm con”. Cha của Hội là bác Đặng Đình Nùng, từng có thời gian học Mỹ thuật Đông Dương, từng là chủ hiệu ảnh Đại chúng thời Pháp. Hòa bình lập lại. Bác vừa làm họa sĩ cho Ty Văn hóa vừa sinh sống bằng nghề vẽ truyền thần. Bác Nùng là bậc thầy vẽ truyền thần bằng mực Tàu với kỹ thuật tạo hạt, tạo vân kỳ tài mà Hà Nội khi ấy chỉ một vài họa sĩ sở hữu. Hội được cha dạy vẽ từ nhỏ nên những năm học cùng tôi anh đã vẽ nhiều tranh phong cảnh, sinh hoạt, chân dung bằng chất liệu màu nước. Chính nhờ Hội, tôi đã được xem các bộ sưu tập của các bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng như Puskin, Trechiakov, Hermitage, của các danh họa Levitan, Repin, Moner, Degas, Renoir…Tôi từng nghĩ rồi Hội sẽ kế nghiệp cha, thành một họa sĩ.
Nhưng sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hội được gọi vào khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội, trở thành thầy giáo dạy toán. Anh lên dạy ở Yên Bái, về Nguyễn Huệ, Hà Đông rồi được cử đi du học ở Cộng hòa Belarus lấy bằng phó Tiến sĩ khoa học (Kandidat nauk), một thời gian sau tiếp tục du học ở Cộng hòa Liên bang Nga lấy bằng Tiến sĩ khoa học (doktor nauk).
Công trình nghiên cứu lấy bằng tiến sĩ khoa học của Hội mang tên “Các nghiệm tuần hoàn của hệ model các phương trình vi phân” được đánh giá rất xuất sắc. Trong công trình, bài toán về các nghiệm tuần hoàn của một vài phương trình toán tử vi phân model trên các đa tạp Riman đã được nghiên cứu. Với sự giúp đỡ của phương pháp giải tích hàm, của lý thuyết xấp xỉ Điophăng, đã tìm được các điều kiện đủ đối với các tham số của bài toán, mà khi đó phương trình toán tử vi phân model có nghiệm tuần hoàn duy nhất.
Công trình cũng đã chứng minh được rằng tập hợp các chu kỳ mà với chúng thì các điều kiện này được thực hiện là tập hợp phạm trù thứ nhất và có độ đo dương (còn đối với bài toán tuyến tính – độ đo đầy đủ). Trong công trình, các đánh giá dưới đối với độ đo của tập hợp các chu kỳ có được cũng được đưa ra.
Các kết quả cũng đã được áp dụng vào một loạt các phương trình model cụ thể bao gồm các phương trình kiểu Srodingere, phương trình kiểu telegraph trên các hình cầu và hình xuyến nhiều chiều. Các kết quả có thể được sử dụng không những như trong lý thuyết tổng quát của bài toán biên đối với phương trình toán tử vi phân mà còn như trong các hệ phức tạp model toán học khác.
Công trình nghiên cứu này sau đó đã được xuất bản thành sách tại Đức. Cuốn sách là tài liệu tham khảo đối với các sinh viên, nghiên cứu sinh, các cộng tác viên khoa học, các chuyên gia trong các lĩnh vực toán lí, giải tích hàm và toán học tính toán.
Về nước, sau nhiều năm dạy ở các trường đại học công lập, Đặng Khánh Hội đã được phong hàm Phó giáo sư và là Chủ nhiệm khoa Cơ bản, trường Đại học Hoà Bình, Hà Nội.
Những tưởng Đặng Khánh Hội đã đi hẳn vào linh vực toán học và thành danh như thế chắc anh đã thôi chuyện vẽ vời từ lâu thì bất ngờ cách đây 2 năm, biết tôi đã ra công tác tại Hà Nội, Hội nhắn mời tôi tới xem triển lãm tranh sơn mài của nhóm Sơn ta tại 29 Hàng Bài.
Hóa ra, Đặng Khánh Hội hiện là thành viên của Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam được thành lập từ năm 2013 gồm những họa sĩ tự nguyện liên kết sinh hoạt nghề nghiệp, giao lưu học hỏi trên tinh thần kế thừa, phát huy thành tựu của cha ông và các thế hệ họa sĩ đi trước, tìm tòi sáng tạo nhằm khẳng định những giá trị độc đáo của tranh sơn mài Việt Nam. Từ khi thành lập, các thành viên trong nhóm đã tích cực tham gia các cuộc triển lãm Mỹ thuật quốc tế và giao lưu tại một số nước như Nga, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… và tạo ấn tượng tốt đẹp với công chúng yêu mến tranh sơn mài Việt Nam.
Trong cuộc triển lãm ở 29 Hàng Bài tháng 9 năm 2016, Đặng Khánh Hội tham gia hai bức “Tắm” và “Vũ điệu của trăng” khá đẹp, độc đáo, sáng tạo cả về ý tưởng, khí chất lãng mạn lẫn kỹ thuật thể hiện.
Gặp nhau, Hội cho biết thực ra Hội chưa bao giờ bỏ vẽ khi quyết định chọn nghề Toán bởi vẽ đã như một cái nghiệp tiền định với anh. 50 năm qua, dù dạy học ở Yên Bái, Hà Đông, Hà Nội, đi du học tại Nga, Hội vẫn dành thời gian để vẽ như một cách tọa thiền, với nhiều chất liệu khác nhau: màu nước, khắc gỗ, sơn dầu, phấn màu…Anh đặc biệt yêu thích và đi theo phong cách hội họa ấn tượng, một trường phái hội họa vượt thoát không khí u ám của những xưởng vẽ để ra giữa thiên nhiên sống động, lộng lẫy về màu sắc và ánh sáng với những tên tuổi như Claude Monet, Edgar Degas, Camille Pissarro, Pierre-Auguste Renoir, Vincent van Gogh….Chính tình yêu hội họa ấn tượng đã dẫn Đặng Khánh Hội đến với chất liệu sơn mài bởi sự cuốn hút khó cưỡng của vàng thếp, bạc thếp, vỏ trai… trên nền sơn son đằm thắm và sơn then sâu thắm.
8 năm trước đây, Hội đã có một bừng thức về sức quyến rũ, sự độc đáo của tranh sơn mài như thế. Anh chợt thấy tranh sơn mài có tương quan màu sắc như tương quan các phạm trù toán học, các cặp tương phản trong tranh như tối-sáng, đều-không đều, xa nhau-giao nhau…thì trong toán là rỗng-không rỗng, đa giác đều và đa giác không đều, giao nhau khác rỗng và giao nhau bằng rỗng.
Sơn mài lại có khả năng diễn tả một thế giới không thực, không gian ước lệ, con người có thể tưởng tượng và chấp nhận được. Đặng Khánh Hội đã hiểu được vì sao một số họa sĩ ấn tượng phương Tây đã dày công tìm đến nghiên cứu chất liệu sơn mài Việt Nam và Á Đông. Đặng Khánh Hội cũng hiểu ra vì sao từ năm 1953 tại chiến khu Việt Bắc, danh họa Tô Ngọc Vân đã khẳng định chắc nịch: tương lai của Hội họa Việt Nam là ở tranh sơn mài. Và anh càng hiểu vì sao hàng loạt danh họa Việt Nam trong thế kỷ XX như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Văn Cẩn…đều đã làm nên những tác phẩm hội họa lớn của mình bằng chất liệu sơn mài.
Tù đó, dù đã hơn 60 tuổi, Đăng Khánh Hội đã bền bỉ theo học nghề sơn mài tại Trường Trung cấp Nghề Tổng hợp Hà Nội tại 21 Bùi Bằng Đoàn, Hà Đông, nơi từng được coi là cái nôi của nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Đây là trường dạy nghề sơn mài rất bài bản, khoa học, đầy đủ các công đoạn từ pha chế sơn then, sơn cánh gián, kỹ thuật vặn, lọc sơn, đến quy trình làm vóc: Gắn gỗ, thảo sơn, đánh vải, bó sơn, mài bó, hom sơn, mài hom, kẹt sơn, mài kẹt, kẹt lỗi, thí sơn, quang sơn, mài quang, đánh bóng…
Các học viên được hướng dẫn cách làm bảng màu trực tiếp, bảng màu gián tiếp, kỹ thuật gắn trứng, trai, ốc, kỹ thuật thếp vàng, bạc như thếp bóng, nhăn, hoa gấm, nhồi kẹ, rắc bạc, trứng, vỏ trai vụn; thủ pháp tạo chất như tạo nhăn, nhỏ nước, hoa văn; cách kẹt màu, mài phá, ủ “cướp”, toát, đánh bóng… Sau khi nắm vững kỹ thuật, học viên ứng dụng vào vẽ tranh, làm tượng hoặc làm đồ thủ công mỹ nghệ…
Nhờ trường dạy nghề sơn mài uy tín này, Đặng Khánh Hội đã làm chủ được kỹ thuật sơn mài để ứng dụng thuần thục, sáng tạo vào vẽ tranh và đã tạo nên hàng loạt bức tranh vừa truyền thống vừa tân kỳ như “Được mùa”, “Cầu mưa”, “Tắm”, “Thiếu nữ và biển”, “Phong cảnh 1”, “Phong cánh 2”, “Chùa Trăm gian”, “Đánh chắt”, “Cháu Khôi”…
Đến thăm Đặng Khánh Hội vào một ngày mưa tại khu tập thể Bà Triệu bên dòng sông Nhuệ thân thuộc với chúng tôi từ thủa ấu thơ, Hội nói với tôi rằng, bước vào tuổi “Nhân sinh thất thập” (Hội sinh năm 1948), anh rất hạnh phúc vì vẫn có được hai niềm vui lớn: đi dạy toán và vẽ tranh sơn mài. Tôi cũng rất vui và tự hào về người bạn đồng môn Nguyễn Huệ ngày nào và muốn khoe với bạn đọc một số tác phẩm của anh, nhà toán học vẽ tranh sơn mài…
Một số tác phẩm tiêu biểu:
Nguyễn Thế Khoa/VHVN