Hội thảo khoa học ‘Lê Đại Cang với Bắc Thành Hà Nội’

16:55 | 16/04/2018

Lê Đại Cang là danh nhân, công thần của Bắc thành và Hà Nội. Đây là ghi nhận của các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội” do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 16/12, tại Hà Nội. tại khách sạn Công Đoàn số 14 Trần Bình Trọng (Hà Nội).

 

VIDEO HỘI THẢO

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Lê Đại Cang với Bắc Thành Hà Nội”.

Tham dự hội thảo, có ông Phạm Quang Nghị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; GS Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam; PGS TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội  khoa học lịch sử Việt Nam; Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng hơn 100 nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn nghệ sĩ đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong nước cùng đại diện dòng tộc họ Lê tại Tuy Phước – Bình Định, quê hương của Lê Đại Cang.

Hội thảo đã tập trung nghiên cứu, đánh giá những đóng góp to lớn của Lê Đại Cang trong gần 20 năm ông thực thi trách Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; tổng kết, đánh giá toàn bộ sự nghiệp, con người Lê Đại Cang cũng như bài học làm người, làm quan sâu sắc mà ông đã để lại cho hậu thế.

GS Hoàng Chương phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Lê Đại Cang là một vị quan tổng đốc liêm chính, văn võ song toàn nổi danh triều Nguyễn trải qua 3 đời vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị . Ông quê ở làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS Hoàng Chương nêu rõ: “ Lê Đại Cang đã để lại một tấm gương ngời sáng của một công bộc toàn tâm toàn ý tận trung tận hiếu với nước với dân. Qua nhiều thăng trầm, nhiều bất trắc hiểm nguy, nhiều thử thách sống còn, Lê Đại Cang đã thể hiện một nhân cách cao đẹp, một bản lĩnh phi thường”. GS cho rằng, hoạt động của Lê Đại Cang là hết sức phong phú, hoạt động hết sức đa diện, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, hành chính, hình pháp, thủy lợi, giáo dục, ngoại giao… Câu đối “Đê tồn Cang tại/ Đê hoại Cang vong” do Lê Đại Cang tự đề trên công đường Nha Đê chính ở Cửa Nam đã thể hiện ý thức sống chết để hoàn thành nhiệm vụ được giao của ông.

Nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại Hội thảo.

GS Nguyễn Minh Tường đến từ Viện Sử học đúc rút những bài học hành trạng và sự nghiệp của Lê Đại Cang. Bài học về thân phận và tài năng của một kẻ sỹ chân chính trong thời buổi nhiều xáo trộn. Cái thời mà công việc hành chính của đất nước luôn phải trao vào ta các võ tướng ít học, chứ không phải do các nho sỹ điều hành. Bài học về nạn tham nhũng, hối lộ tràn lan, phổ biến trong quan trường. Lê Đại Cang với tư cách Hữu Tham tri Hình bộ, lãnh Hình tào Bắc thành làm thế nào để giữ mình, làm thế nào để tỉnh táo và cương quyết vượt qua được những cám dỗ vật chất.

PGS TS Nguyễn Thị Phương Chi cho rằng, cuộc đời của Lê Đại Cang là một tấm gương đối với quan chức về sự tận tụy hết mình, luôn đi sâu đi sát thực tế, đến tận nơi xem tình hình cụ thể. Trong đó có những bài học về không sợ hiểu lầm, không sợ bị vu oan giáng họa, khi làm quan có lúc thăng lúc trầm, cái gì có lợi cho dân thì gắng sức làm, cái gì có hại cho dân thì tuyệt đối tránh. Ngày nay, một số tỉnh có đê ở Đồng bằng Bắc Bộ, nhất là các tỉnh và nhân dân hai bờ sông Hồng, có được những con đê cao lớn, trải dài, ít còn bị lũ lụt hạn hán, vỡ đê như xưa, đó cũng là một phần công khó nhọc của ông cha ta, là những bậc tiền nhân. Trong đó có công của các quan phụ trách việc đê điều, Hà đê sứ, đê chính thần… như Lê Đại Cang.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải thì tôn Lê Đại Cang là bậc “Quốc sỹ”. Nhà văn đặt dấu hỏi vì sao Lê Đại Cang lại giỏi việc hình án như thần đến vậy? Lê Đại Cang nắm vững luật pháp đã đành, điều quan trọng là ông xét xử bằng trí sáng suốt, bằng tâm trong sáng đức độ. Đồng thời, nhà văn nhắc lại việc trị thủy của Lê Đại Cang xứng đáng xếp cụ ngang hàng với Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Họ đều là các bậc tể thần lương đống, có tài kinh bang tế thế lỗi lạc.

Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng đánh giá rất cao Lê Đại Cang. Lê Đại Cang là một người làm quan, đòi hỏi về phẩm chất trung quân ái quốc, ông là một người rất mẫu mực. Chức quan của Lê Đại Cang không to, nhưng những gì ông để lại thật đa dạng, làm lay động tâm can bao thế hệ. Lê Đại Cang là người thiên lo lắng, thiên cay đắng. Ông thực sự là một tấm gương hết lòng trung quân ái quốc, sống với lương tâm và trách nhiệm của mình trước nước trước dân.

Còn nhà thơ Vũ Bình Lục cho rằng: Tuy sinh ra và trưởng thành tại Bình Định nhưng Lê Đại Cang từng in dấu chân trên khắp mọi miền đất nước. Hình như ở đâu có khó khăn, phức tạp về quân sự, tình hình chính trị bất ổn, đê điều cần được đào đắp, tu bổ, sửa sang, sông ngòi cần được khai thông, nắn dòng để ngăn ngừa thiên tai bất thường thì ở nơi ấy có mặt vị quan năng nổ, liêm khiết và giàu tâm huyết họ Lê. Không có tài năng, không có dũng lược, không được triều đình nhà Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng đến Thiệu Trị tin tưởng, sao có thể làm nên công trạng, sự nghiệp đáng nể như vậy.

Nói về danh nhân Lê Đại Cang, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ghi nhận: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn và thời đại nhiễu nhương, bất ổn, việc học tập theo trường lớp của Lê Đại Cang có nhiều trắc trở. Tuy nhiên khi có điều kiện, ông lại là người nêu tấm gương về tính hiếu học, tinh thần tự học. Nhờ tự học, Lê Đại Cang đã tỏ rõ tầm hiểu biết về nhiều lĩnh vực như địa lý, lịch sử, văn hóa, chính trị… Chính vì vậy, dù không có bằng cấp gì, Lê Đại Cang vẫn được cử làm Chánh chủ khảo kỳ thi Hương ở Thăng Long.

Nhà sử học Dương Trung Quốc tổng kết Hội thảo.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (ảnh trên) tổng kết Hội thảo nhấn mạnh Lê Đại Cang có gần 20 năm ông thực thi trách nhiệm tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Ít có nhân vật trong 4 năm có 3 cuộc Hội thảo nói lên sự quan tâm của tất cả chúng ta. Lê Đại Cang có điều kiện để bộc lộ, thi thố tài năng khi xử lý, giải quyết những công việc hành chính nan giải, khiến cho các bạn đồng liêu và dân chúng vị nể, khi mắc sai phạm thì bị xử phạt nghiêm và khi lập công được vua Minh Mạng hết lời khen ngợi. Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc Hội thảo đã làm sáng tỏ công lao của Lê Đại Cang với Hà Nội và đất nước, đề nghị Hà Nội đặt tên đường phố hoặc một công trình mang tên Lê Đại Cang.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI THẢO

 

 

Theo PV/VHVN

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh