Triển lãm “Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê qua 10 năm bảo tồn, phát huy giá trị” đang trưng bày hơn 200 hình ảnh tư liệu quý về nền văn minh Óc Eo.
Ngày 27/9, tại di tích Gò Cây Thị (thuộc khóm Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn), Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang tổ chức triển lãm chuyên đề “Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê qua 10 năm bảo tồn, phát huy giá trị.”
Trong không gian triển lãm giới thiệu hơn 200 hình ảnh tư liệu quý liên quan công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê.
Trong đó có kết quả thực hiện Đề án nghiên cứu cấp quốc gia “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ) 2017-2020”, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì; Đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích giai đoạn 2021-2030 và quá trình hợp tác quốc tế với đối tác các nước: Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ trong nghiên cứu về Văn hóa Óc Eo; việc hiến tặng hiện vật, cổ vật Óc Eo của nhân dân…
Tất cả các hình ảnh được thể hiện bằng phương pháp đồ họa trên chất liệu gọn nhẹ, hiện đại kết hợp tham quan Di tích Gò Cây Thị (nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê), từ đó giúp người xem nhận diện đầy đủ và làm sáng tỏ giá trị của nền văn minh Óc Eo rực rỡ đã từng tồn tại ở vùng đất An Giang.
Ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo cho biết, triển lãm hình ảnh chuyên đề lần này giới thiệu đến An Giang và khách tham quan hiểu thêm về các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Quốc gia Óc Eo – Ba Thê suốt 10 năm qua, quảng bá nền văn hoá đặc biệt này đến với bạn bè thế giới.
Hiện tại, Ban đã xây dựng hoàn thành xong giai đoạn 1 hồ sơ Di sản Văn hoá Thế giới đối với Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê và đã được đăng trên website của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO để bạn bè quốc tế ghi nhận và đề xuất danh mục là di sản văn hoá thế giới trong tương lai.
Đại biểu tham quan triển lãm chuyên đề. Ảnh: Báo An Giang
Khu di tích khảo cổ Óc Eo. Ảnh: TL
Hiện vật chất liệu gốm của nền văn hóa Óc Eo. Ảnh: TL
Óc Eo được biết đến như một nền văn hóa khảo cổ tiêu biểu ở vùng đất Nam Bộ Việt Nam những năm đầu Công nguyên. Chính nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã phát hiện và định danh nền văn hóa Óc Eo vào năm 1944.
Tính đến nay, toàn tỉnh An Giang có hơn 80 di tích văn hóa Óc Eo, trong đó Di tích Óc Eo – Ba Thê được xác định có vị trí hết sức quan trọng, nơi đây từng là một đô thị, cảng thị, một trung tâm kinh tế – văn hóa lớn của vương quốc Phù Nam xưa.
Chính vì những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, Di tích Óc Eo – Ba Thê đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Ngày 4/1/2022, Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê đã được UNESCO đưa vào danh sách dự kiến đề cử di sản văn hóa thế giới.
Trưng bày sẽ phục vụ khách tham quan miễn phí đến hết ngày 27/10/2022.
Thế Vũ
Nguồn Báo Công luận
https://www.congluan.vn/trung-bay-hinh-anh-tu-lieu-quy-ve-nen-van-minh-oc-eo-post215451.html#p-0