Lâm Đồng: Lãnh đạo huyện Di Linh làm việc với Câu lạc bộ VIENC

21:09 | 19/09/2022

Ngày 18-9 đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa huyện Di Linh (Lâm Đồng) với Đoàn Doanh nghiệp đến từ TP.HCM thuộc CLB Kết nối Doanh nhân Việt Nam Quốc tế ( VIENC). Hội nghị nhằm giới thiệu cơ hội đầu tư và kêu gọi hợp tác vào các dự án trọng điểm trên địa bàn Huyện.

Ông Đinh Vĩnh Cường phát biểu tại Hội nghị.

Mở đầu hội nghị, ông Đinh Văn Tuấn – Bí thư Huyện ủy Di Linh cho biết, Di Linh là huyện miền núi thuộc khu vực Tây Nguyên có nhiều tiềm năng và nguồn lực để đầu tư và phát triển. Cảnh quan thiên nhiên nơi đây rất đẹp, thuận lợi để phát triển du lịch tại các khu vực như: hồ Kala, núi Brah Yàng, thác 7 tầng, thác Tul, hạ tầng Cụm công nghiệp Gia Hiệp, Tam Bố đã quy hoạch và triển khai. Thế mạnh của huyện là nông nghiệp, là vùng chuyên canh nhiều loại cây công nghiệp có giá trị như càphe, mắc ca, tiêu, và cây ăn quả như sầu riêng, bơ… Ngoài ra còn thuận lợi cho phát triển các loại hoa, dâu tằm, rau màu khác. Nên sẽ là vùng nguyên liệu lớn cho phát triển CN chế biến…

Một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh Lâm Đồng là thu hút các nhà đầu tư lớn để đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư, khu vui chơi giải trí – tham quan quy mô lớn tại các khu vực có tiềm năng của huyện Di Linh; kết nối các tuyến du lịch trung chuyển hành khách và hàng hoá giữa Lâm Đồng với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ, miền Đông và Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, địa phương sẽ đầu tư phát triển hạ tầng số, phát triển dữ liệu, nền tảng số; hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, quy hoạch công bố công khai…

PGS, TS. Trần Đình Thiên phát biểu tại Hội nghị.

Đẩy nhanh tiến độ đô thị hoá để năm 2025 thị trấn Di Linh đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đến năm 2030, Di Linh sẽ trở thành một trong những địa bàn trọng điểm kinh tế – xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trên tất cả các lĩnh vực, đáp ứng các tiêu chí xây dựng huyện Di Linh trở thành thị xã. Nhằm tạo động lực để Di Linh phát triển toàn diện, Lâm Đồng cũng ưu tiên nguồn lực từ ngân sách tỉnh và huyện để đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối liên vùng, đường vành đai.

Theo ông Đinh Vĩnh Cường – Chủ tịch CLB Doanh nhân quốc tế (VIENC), Chủ tịch Tập đoàn 365 (365 Group) cho biết: Công ty Yamato Express 365 là đơn vị Logistics phục vụ hoạt động thu mua sản phẩm nông sản chất lượng cao để xuất khẩu, trong đó ông đặc biệt quan tâm đến 2 sản phẩm cà phê và sầu riêng. Ông Cường cho biết thu mua sẵn cà phê của nông dân với giá cao hơn thị trường nếu sản phẩm đạt chuẩn “cà phê sạch”. Ông cũng đưa ra khuyến cáo rằng người nông dân trong huyện Di Linh nên thay đổi tư duy làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ để sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhưng mang lại giá trị kinh tế cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU,

Quang cảnh Hội nghị.

Ông Cường cho biết, trong khoảng thời gian sinh sống ở Nhật Bản, ông đã từng chứng kiến nhiều nông dân Nhật làm giàu từ chính sản phẩm nông sản do họ làm ra, sản phẩm họ làm ra bán giá rất cao vì đáp ứng được các quy định khắt khe về An toàn thực phẩm. Tư duy của người nông dân Nhật là “làm ra sản phẩm tốt nhất” chứ không phải “làm ra sản phẩm bán nhanh”. Qua quá trình khảo sát, ông Cường nhận thấy các cơ sở chế biến sầu riêng tại huyện Di Linh vẫn còn thô sơ.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng khuyến nghị chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân cùng phối hợp tạo ra thương hiệu riêng cho trái sầu riêng của huyện “Sầu riêng Di Linh” đăng ký nhãn hiệu, đăng ký mã vùng trồng cũng như chỉ dẫn địa lý cho trái sầu riêng để sau này người mua dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Ông Cường cũng bày tỏ mong muốn xây dựng một Nhà máy chế biến sầu riêng theo công nghệ hiện đại, tiên tiến tại huyện Di Linh. Ngoài sầu riêng thô, có thể làm ra nhiều sản phẩm chế biến từ sầu riêng như sầu riêng sấy, mứt sầu riêng, cà phê sầu riêng, …

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Ngoài ra, ông Cường cũng mong muốn xây dựng một Trung tâm Logistics (kho lạnh) để lưu trữ sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến, đóng hộp xuất khẩu. Về kho lạnh, ông Cường cho biết sẽ áp dụng công nghệ âm 40 độ có thể bảo quản trái sầu riêng từ 2 – 3 năm, đồng thời từ Kho lưu trữ Logistics này, có thể thu mua cà phê Organic (cà phê hữu cơ). Với 45 Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Di Linh, phía CLB VIENC sẽ mời các chuyên gia Mỹ và Nhật qua hướng dẫn cho nông dân sản xuất cà phê và sầu riêng theo tiêu chuẩn Organic.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS, TS. Trần Đình Thiên – Chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, cho rằng, sở dĩ hiện nay, Di Linh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư là do “Bối cảnh thời đại”. Khoảng cách thì gần nhưng chất lượng đường giao thông thấp, hẹp, không thuận lợi. Đánh giá những điểm bất lợi của huyện Di Linh, ông Thiên nêu dẫn chứng rằng, trước đây Ninh Thuận chỉ có nắng, gió thì lại là lợi thế làm điện mặt trời, Quảng Bình về mặt tự nhiên có nhiều hang động nên có lợi thế làm du lịch hang động.

Đại diện VPPN – Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập chia sẻ ý kiến tại hội nghị.

“Quy mô kinh tế của Di Linh còn bé, số lượng doanh nghiệp nhỏ, thu nhập đầu người ít, phải chuyển hóa giá trị của đất đai thành giá trị kinh tế, phải mời được doanh nghiệp có quy mô lớn vào để tạo ra thế và lực để phát triển, kéo theo nhiều doanh nghiệp khác vào theo “lót ổ đón Đại Bàng”. Lãnh đạo huyện cần phải phân tích lợi thế trong bối cảnh “Xu thế thời đại mới” thì mới đúng về bản chất. Lợi thế thực tiễn là “Lợi thế cạnh tranh” chứ không phải là “Lợi thế tiềm năng””, ông Thiên phân tích.

Bên cạnh phân tích những điểm còn hạn chế của huyện, PGS, TS. Trần Đình Thiên cũng đề xuất một số giải pháp hướng phát triển cho huyện Di Linh. Cụ thể, huyện cần tìm cách mời, tiếp cận nhà đầu tư phù hợp với thế mạnh của địa phương. Thường thì nhà đầu tư lớn chủ yếu tiếp cận từ phía tỉnh nên khó thuận lợi cho huyện. Huyện cần chủ động mời gọi đầu tư trên thế mạnh sẵn có. Đồng thời, huyện Di Linh cần chủ động đề xuất với tỉnh Lâm Đồng về “khẩu vị”, tiêu chí nhà đầu tư phù hợp để tỉnh đưa ra chính sách hướng tới các nhà đầu tư phù hợp, có chuỗi giá trị sẵn để tạo lợi thế cộng hưởng. Ông Thiên cũng đồng tình với huyện về việc hợp tác với các doanh nghiệp VIENC để kết nối với nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản phù hợp với các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Ông Trần Duy Khiêm, Phó Chủ tịch CLB VIENC phân tích thế mạnh 90,000 ha đất rừng ở Di Linh là nguồn tài nguyên phù hợp với xu hướng trao đổi Tín dụng Carbon trên thế giới. Dẫn chứng từ điển hình bán Tín dụng Carbon của Tập đoàn xe điện Tesla, ông Khiêm đề nghị Huyện Di Linh quan tâm nghiên cứu sâu về việc tham gia sàn giao dịch tín dụng Carbon sẽ sớm được hình thành trong thời gian tới.

Còn ông Mai Như Trinh, Phó chủ tịch CLB VIENC mạnh dạn đề xuất mong muốn đầu tư nhà máy sản xuất tinh dầu tại Địa phương vì đã có sẵn kinh nghiệm và hệ sinh thái. Nếu địa phương có sự quan tâm và quyết tâm thu hút, hỗ trợ, sẽ có nhiều doanh nghiệp tương đồng với doanh nghiệp thăm viếng và tìm cơ hội tại vùng đất nhiều tiềm năng của Di Linh.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Lập – Đại diện VPPN Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, cho biết: Di Linh là vùng đất bazan màu mỡ có rất nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, với diện tích cà phê rộng nhất tỉnh là 45.000 ha và hơn 9.000 ha trồng xen các cây ăn quả, rất thích hợp trồng các cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, Di Linh là vùng đất có độ cao trung bình 1.000m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa quanh năm (có nhiệt độ trung bình khoảng 23 độ C), có nhiều cảnh quan đẹp, thác nước tự nhiên nên rất thích hợp phát triển du lịch nghĩ dưỡng, du lịch y tế, có thể kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực này.

Đồng thời, ông Lập cũng đề xuất với huyện Di Linh cần tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, kho Logistics để hỗ trợ nông dân mua sản phẩm được giá cao, vì sản phẩm đã qua chế biến thì khả năng xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật, Hàn Quốc, EU… sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn so với các sản phẩm nông sản tươi, nông sản thô.

Ông Trần Đức Công – Chủ tịch UBND huyện Di Linh phát biểu tại hội nghị.

Kết luận Hội nghị, ông Trần Đức Công – Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết: Hiện nay huyện Di Linh tập trung kêu gọi đầu tư ở 4 lĩnh vực chính gồm: nông nghiệp; công nghiệp; du lịch, dịch vụ và văn hóa – xã hội. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Di Linh sẽ ưu tiên các đơn vị đầu tư vào các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa; trồng rừng, bảo vệ rừng; trồng cây dược liệu; chăn nuôi gia súc, gia cầm; khu chế biến thức ăn gia súc, gia cầm.

Nét đẹp truyền thống của điệu múa cồng chiêng – Nét văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên.

Trong lĩnh vực công nghiệp, ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp chế biến nông sản; phát triển các ngành nghề, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, địa phương ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, điểm du lịch; sản xuất hàng hóa tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch; sản phẩm đặc sản của địa phương. Đồng thời, hướng tới xã hội hóa ở các lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo và dạy nghề; y tế; văn hóa và thể thao; môi trường.

Trước đó, Đoàn công tác đi khảo sát thực tế tại các dự án mời gọi đầu tư vào ngày 17/9.

Để thực hiện hiệu quả việc thu hút đầu tư, UBND huyện Di Linh đã thành lập tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư để lập hồ sơ thông tin của danh mục dự án thu hút đầu tư và xây dựng cẩm nang đầu tư. Huyện Di Linh cũng đã nhìn nhận, đánh giá lại kết quả thực hiện thu hút các dự án thuộc danh mục kêu gọi đầu tư của cả giai đoạn 2016 – 2020 để rút kinh nghiệm cho công tác xây dựng danh mục dự án đầu tư của giai đoạn mới 2021 – 2025.

CLB VIENC, được thành lập ngày 4/02/2022 theo quyết định số 01/2022/QĐ-EDRI do Viện Trưởng Viện nghiên cứu phát triển doanh nhân Việt Nam – ASEAN ký. VIENC có sứ mệnh: 1) KẾT NỐI (Networking): Kết nối chất lượng các Doanh nghiệp và Doanh chủ trong và ngoài nước. 2) CHIA SẺ (Sharing): Chia sẻ cơ hội kinh doanh / hợp tác / đầu tư. 3) NÂNG TẦM (Level up): Nâng cao năng lực quản trị cho Doanh nghiệp, Nâng cao phong cách sống. 4) TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI (Social Responsibility): đóng góp cho Cộng đồng bằng các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người nghèo, trẻ em khuyết tật. Website CLB VIENC: www.vienc.org.

 

Nguyên Ngọc

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả