Nhà còn một chiếc giỏ tre
Lửng lơ góc bếp lặng nghe gió đồng
Con về gặp chiếc giỏ không
Lặng im mà bỗng ngập lòng ngày xa
Khúc tre vườn cũ cội già
Tay cha vót những thật thà thành nan
Con ngồi ngắm chiếc giỏ đan
Chợt nghe tiếng ếch đê làng gọi mưa
Đồng xa mót tép, mò cua
Mẹ về nghẹn gió giữa trưa nắng trầy
Giỏ thì nặng, mẹ lại gầy
Bát canh mẹ nấu cũng đầy mồ hôi
Đội mưa cõng nắng vào đời
Giỏ theo con suốt một thời hàn vi
Đầy vơi giỏ chẳng nói gì
Quanh năm lấm láp cũng vì nuôi con
Một đời ngấm vị bùn non
Thời gian sương khói vẫn còn dấu quê
Cúi đầu tạ chiếc giỏ tre
Cho con đi biết nhớ về chốn xưa.
Nguyễn Văn Song
Lời bình của Đặng Toán
Với người sinh ra và lớn lên ở nông thôn, giỏ tre là vật dụng quá đỗi thân thuộc, tiện lợi. Nhà nào cũng có một vài chiếc to, nhỏ dùng để đựng tôm, cua, cá, ếch… mỗi khi ra đồng tìm kế sinh nhai. Giỏ được mua ở chợ hoặc tự đan, sau khi treo trên gác bếp đun rơm rạ một thời gian cho ám khói, ám bồ hóng, nhằm tạo thêm độ dẻo dai, bền chắc.
Ngày nay, chẳng mấy nhà còn dùng đến giỏ tre. Chiếc nào còn được lưu giữ lại thì sẽ trở thành kỉ niệm để nhắc ta nhớ về một thuở hàn vi “đội mưa cõng nắng”.
Những điều kể trên đã là thực tế hiển nhiên và chiếc giỏ tre thì nhiều người cũng từng biết. Nhưng, nhìn chiếc giỏ tre mà nghe được tiếng ếch đê làng gọi mưa, thấy được tiếng gió đồng dào dạt và gặp được cả một khoảng trời ngày xa ùa về ngập lòng thì chỉ thi sĩ Nguyễn Văn Song mới có được thứ năng lực đó. Điều ngỡ phi lí ấy thú vị thay lại như được mặc định trong tâm hồn những thi nhân đích thực.
Và khi đã có được thứ “quyền năng” thần tình đó, những hình ảnh của một thời xưa xa ấy sẽ được anh khắc họa thật rõ nét ngay trước mắt người đọc: “Đồng xa mót tép, mò cua/ Mẹ về nghẹn gió giữa trưa nắng trầy/ Giỏ thì nặng, mẹ lại gầy/ Bát canh mẹ nấu cũng đầy mồ hôi”.
Công việc lam lũ, cực nhọc với những động tác rất gợi tả “mót tép, mò cua” lại diễn ra trong thời điểm khắc nghiệt nhất của thời tiết “nghẹn gió, trưa nắng trầy”. Rồi hình ảnh so sánh đối lập: “Giỏ thì nặng, mẹ lại gầy”.
Và đặc biệt câu “bát canh mẹ nấu cũng đầy mồ hôi” sử dụng hình thức ẩn dụ cho thấy, tác giả đã rất dụng công cho một khổ thơ. Kí ức theo đó ùa về và cảm xúc tự nó hiện ra bằng con chữ. Vậy nên đọc đến đâu ta cũng như cảm thấy khóe mắt mình cay cay đến đó.
Nói về chiếc giỏ tre nhưng kì thực thi sĩ đang viết về người mẹ thương yêu của mình với tất cả lòng biết ơn, trân trọng nhất: “Đội mưa cõng nắng vào đời/ Giỏ theo con suốt một thời hàn vi/ Đầy vơi giỏ chẳng nói gì/ Quanh năm lấm láp cũng vì nuôi con”.
Đây là khổ thơ giàu cảm xúc. Những đức tính quý báu của người mẹ: Tảo tần, khiêm nhường, hết lòng vì con cái, được thể hiện thật sinh động và sâu sắc qua hai câu cuối của khổ thơ, càng cho thấy sự tinh tế cũng như tình cảm rất đỗi trân quý mà tác giả dành cho đấng sinh thành.
Giống như nhà thơ Đỗ Trung Quân nhắn nhủ: “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người!”.
Nguyễn Văn Song ghi nhớ điều đó và anh đã thể hiện bằng hành động thành tâm rất cụ thể: “Cúi đầu tạ chiếc giỏ tre/ Cho con đi biết nhớ về chốn xưa”. Hình ảnh vừa chân thực nhưng cũng đầy chất thơ đã tạo cho tác phẩm một kết thúc mở, lan tỏa tình cảm cùng bao điều tốt đẹp trong cuộc đời của mỗi chúng ta.
Theo GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/gio-tre-post603450.html