Nghiêng về phía nỗi đau – vụn vỡ và long lanh

8:11 | 10/10/2024

Bích Ngân là nhà văn, hoạt động chính trong ngành văn xuôi. Nhưng NGHIÊNG VỀ PHÍA NỖI ĐAU (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2024 ) mới trình làng lại là một tập Thơ. Một tập thơ đầu tay. Một dấn thân mới trong một lĩnh vực mới.

Ngay tên của tập Thơ đã là một bộc lộ cả về chủ đề, quan điểm sáng tác cùng nội dung mà tập thơ hàm chứa. Trong lời đầu tiên của cuốn sách, Bích Ngân cũng nói rõ: Tập thơ này được viết bằng một trái tim trụi trần hạnh phúc… Thơ, một hình hài khác của giọt máu vắt ra từ quả tim nơi lồng ngực. Không ú tim, không làm xiếc. Bởi Thơ mang tố chất của một chiến binh. Gan góc phơi bày. Dũng cảm phơi bày. Chân thành phơi bày… Thật dữ dội, thật quyết liệt, minh bạch. Giống như một tuyên ngôn. Và Bích Ngân đã làm được điều đó.

Thơ viết từ trái tim trụi trần nên thiên về cảm nhận nhưng không phải cảm nhận trực diện. Hạnh phúc nhưng rất ít tiếng reo vui hoan hỉ. Đau nhưng không bi lụy, không tuyệt vọng và cũng không ảo tưởng. Không giả vờ thương vay khóc mướn. Chị dũng cảm phơi bày bản ngã mình, tình cảm mình, ham muốn mình. Không xa xôi, không rào đón, không thanh minh. Trần trụi bộc lộ. Và thật may. Tất cả những điều đó đều được thể hiện bằng ngôn từ được chắt lọc, trí tuệ chứ không suồng sã, buông thả, tùy tiện: Em, người đàn bà rất đàn bà/ đỏng đảnh nhất trần gian/ tham lam nhất trần gian/ muốn ghì siết cả ảo ảnh mây trời/ với trập trùng non cao núi biếc/ được neo giữ bằng sinh mệnh trái tim (Anh mang cho em cả đại ngàn). Cuồng nhiệt Eva được hòa trộn trong phẩm hạnh của Teresa tạo nên chia sẻ và tận cùng hiến dâng. Ngay trong tình yêu, cả đến khi chị nói: Em không giấu anh điều gì/ cả những ngóc ngách thầm kín/ nơi thịt da em, huyết quản em/ và những vui buồn em đeo mang… (Thầm thì thâm thì) thì cũng chỉ là những thầm thì kiểu phụ nữ “có đạo”. Một bộc bạch của con chiên trước Chúa. Một trần trụi của lửa. Một thầm thì quấn quýt dẫn dụ của Khói, của Bùa mê.

Là một phụ nữ thông minh sắc sảo, một tâm hồn đầy nữ tính, Bích Ngân tự tạo cho mình một chất thơ riêng. Chị luôn ý thức đặt mình ở vị trí chủ thể, chủ động nói lên khát vọng đến cháy bỏng trước cuộc đời. Thiên tính nữ, số phận đa đoan, những khát vọng về hạnh phúc, tình yêu luôn hiện diện trong Thơ Bích Ngân. Nhưng cách thể hiện thì đã mang được một phong cách và sắc thái riêng, rất khó bị trộn lẫn. Như một con chim chọn hạt, chị không tham, không xô bồ vơ vào mình quá nhiều các chủ đề. Qua khe cửa hẹp nhìn ra thế giới bên ngoài. Có một chút khắc khoải. Một chút lo âu. Một chút chủ quan… nhưng cái chính là “Một phơi bày Thật”.

Bích Ngân gắng giảm bớt sự khai thác bản năng mình để chiêm nghiệm nhiều hơn. Khi này Bích Ngân giống một con chim đang cố bay ngược chiều gió hoặc cũng có khi giống một lữ hành, cứ lặng lẽ đi theo một định hướng có sẵn trong đầu, mải miết, ít nhìn ra xung quanh để tập trung suy tưởng.

Thiên về nội tâm, từ riêng mình Bích Ngân bung tỏa để cảm xúc vươn tới cõi cao nhất sâu nhất của tâm hồn và vũ trụ. Và chính trạng thái “Thoát xác” này giúp chị “Phiêu” hơn, lãng mạn hơn đồng thời có cái nhìn phổ quát hơn và tăng khả năng soi chiếu phát hiện ra bản chất vấn đề. Nơi này, lục bình lềnh bềnh theo dòng trôi/ Nơi này, em trôi ngược về anh/ Trôi/ chẳng dòng đục trong nào níu giữ… (Trôi ngược về anh) hoàn toàn đó không phải là trôi của buông xuôi, của văng mạng mất kiểm soát như nhánh lục bình trên sông mà là cách trôi ngược gió của cánh buồm căng lên từ lồng ngực đầy khát khao. Và chị coi đó như sự dấn thân của con đò trong chuyến rời bến cuối cùng. Hy vọng sự bập bênh sẽ được đền đáp bằng sự bình yên của nơi không chia nhánh cướp dòng…/ nơi bến bờ neo đậu hoàng hôn. (Trôi ngược về anh).

Cùng với Thời gian, cuộc sống thực tế đã đem lại cho Bích Ngân vô vàn những kinh nghiệm, những nhận thức mới. Cũng như khi viết truyện, chị luôn có sự bình tĩnh và thấu đáo trong cách nhìn nhận và phát hiện, đánh giá cái cốt lõi ẩn sâu trong mỗi sự việc. Luôn muốn được yêu, được nương tựa nhưng không phải từ một ban phát mà bằng hòa nhập tự thân. Sẵn sàng từ chối cái không khí chung xô bồ, mờ nhát để lẩn vào không gian riêng của mình để được tự do bay lượn hoặc đứng lặng trong dó. Có lúc giống trong một trạng thái mộng du. Những mạch ngầm bí hiểm của tiềm thức. Nó là cảm giác Hiện sinh không thể lí giải, không thể nắm bắt, không thể thoát li. Vũ trụ/ bỗng trở nên bé nhỏ/ mà em có thể/ nắm/ trong lòng tay/ Trong lòng tay/ siết chặt/ một vũ trụ/ khô giòn/ vỡ vụn… (Một vũ trụ vỡ vụn).Tất cả đều biến dạng dị thường. Cảm thấy sợ hãi như bị hoang tưởng hoặc bóng đè. Sự tiếp cận một thế giới khác trong chính thế giới hiện thực, một trạng thái mới của trí tưởng tượng. Đêm/ tinh tuyền/ vẩn đục/ Mùa thu/ trong tôi đỏ cháy (Thu thức giấc). Mơ một sự cô đơn, một im lặng, quạnh vắng tuyệt đối: Trong quạnh vắng/ em đầy ắp/ những miền sông/ ngụp lặn thỏa thê/ và đôi khi/ mong chết chìm/ để được trôi xa… (Một vũ trụ vỡ vụn) để được giải thoát khỏi tất cả những vướng bận của đời thường. Để được trọn vẹn là chính mình, mình đối diện với chính mình một cách chân thực nhất không bị ngoại cảnh tác động.

Cuộc sống bộn bề và đa sắc khiến đôi khi trái tim buộc phải chia ô, để đón nhận, để nhớ, để sẻ chia, thậm chí cũng có lúc chả cần phải chứa đựng một cái gì cụ thể. Mở ra… và thấy liên tục là Thu trong mọi trạng thái. Và cũng có thể trong đó trống không. Thế cũng là đủ, đôi khi là một cần thiết. Bởi hầu như những gì thoáng qua, những chợt nhận bất ngờ lại phản ánh sự việc chính xác nhất. Nó chân mộc một bản chất sau lớp son phủ thường ngày. Một chiếc cốc thủy tinh bị vỡ khi rơi trên nền gạch men khô cứng. Nhưng cũng có thể sự vỡ đã chứa đựng trong chiếc cốc từ rất lâu với những vết nứt cũ. Tình yêu cũng vậy. Cũng có những vết nứt, những nỗi đau không được chỉ điểm. Bởi đó là nỗi đau “Kiện tính”, nỗi đau Hiện sinh. “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn – Xuân Diệu”. Đau của Bích Ngân và Buồn của Xuân Diệu là Kiện tính. Đây là khả năng tư duy rất riêng, có định hướng rõ ràng nhưng lại có thể coi là rất ảo: Nỗi đau/không đến từ anh/ chúng đeo bám như lũ đỉa đói/ huyết cầu như không còn đủ/ em tái nhợt/ giữa lằn ranh/ tử sinh/ Nỗi đau ngăn em và anh/ dù khoảng cách/ hẹp hơn một chiếc gối ôm/ và mùi hương vẫn xoắn xuýt… (Nỗi đau không đến từ anh). Rõ ràng cái ảo ấy chính xác và toàn diện hơn cả những liên tưởng thật. Những nỗi đau/ không hiện hình khiến người ta rơi vào tình trạng sợ hãi bí hiểm: Đôi lúc/ những tảng đá ngỡ ngủ yên/ chợt rùng rùng xoay chuyển… Đá tảng đè lên ngực em (Đá tảng đè lên ngực em) – là điển hình và rõ nhất về cảm giác hiện sinh.

Một nhân gian bé tẹo trong đó những con người bé tẹo như những hạt bụi vần vũ quay cuồng trong chuyển động Braonơ ở một không gian vô cùng. Rất khó để tự định hình và khẳng định. Và càng khó hơn nếu muốn nhận biết sự chân xác. Cả Đức Phật, Tượng thần Tự do những phiên bản có mặt khắp nơi/ những phiên bản khác xa bản gốc/ dù cánh tay vẫn vươn về/ phía trời xanh… (Ở cự ly gần) có thể gây nhầm lẫn. Đó là nhìn ở cự li xa. Còn ở cự li gần như đang nhìn từng giọt cà phê rơi xuống chiếc cốc sứ thì những khiếm khuyết sẽ bộc lộ. Ảo ảnh sẽ tan biến. Giọt cà phê không còn làn khói mơ hồ mê hoặc, chợt trở nên đáng ngắt và lạnh tanh trong ánh sáng ban mai của sự thật. Chấp nhận hiện thực trần trụi hay tiếp tục tin tưởng và hy vọng? Thật không dễ dàng gì cho những chọn lựa tiếp theo. Phân vân, ngập ngừng chắc chắn sẽ có và đó là cơ hội để những lo sợ hiện sinh xuất hiện.

Tuy nhiên, nói nỗi đau thuộc về Kiện tính- (facticity)- không thể xóa bỏ là nói đến tính thời điểm chạm vào. Tương lai thì khác. Vẫn có thể đạt được trạng thái “không có nỗi đau” không có nỗi sợ trong Kiện tính của thời gian tới tùy thuộc vào khả năng dự phóng của mỗi người. Theo chiều hướng ấy, sau chập chờn mơ, những giấc mơ bất an (Chuông điện thoại lúc 3 giờ sáng) / Đất cỗi cằn bởi nhọc nhằn sinh nở… (Dẫu nồng nàn) những câu thơ và cảm xúc bây giờ đã thật hơn. Đã có chỗ để bám víu và lí giải. Tình yêu/ ngọn lửa cháy tận cùng/ và tro tàn/ vẫn thơm/ như môi nàng Jiuliet… (Vết sẹo long lanh). Dễ hình dung hơn. Và cũng hợp lí, đúng quy luật hơn. Nỗi đau nào rồi cũng phải lên da non. Anh và em hai tinh cầu xa lạ/ va vào nhau bỏng cháy thịt da…còn lại/ vết sẹo dài/ năm tháng/ Vết sẹo long lanh/ tợ dãy ngân hà (Vết sẹo long lanh).

Ngôn từ hiện đại và hình tượng độc dáo, hoàn toàn là sự liên tưởng “Kiểu Thơ”. Văn xuôi ít ai nói như vậy. Em và anh rời nhau/ bởi chúng ta gần nhau quá đỗi/ không còn khe hở cho giấc mơ nán lại…(Lối đi nào cũng có nắng). Một cách nhìn, cách lí giải rất tinh, rất chính xác cho những rạn nứt trong tình yêu và những đổ vỡ của hôn nhân. Đang thiếu một khoảng cách, một chênh vênh. Sự bóc trần, không giấu diếm chút nhỏ nào bí mật cho riêng mình khiến Tình yêu và Hôn nhân mang hình dạng của hai cái bánh nhân thịt trần trụi cùng bày lên một đĩa. Tất cả đều chỉ còn sự nhàm chán – Sự chia xa là tất yếu. Nhưng rất may, có khi những đổ vỡ lại là khởi đầu của một xây dựng mới. Em bước theo lối đi chưa in dấu chân/ lối đi nào cũng có nắng. Chia xa. Đi theo lối mà ở đó chưa hề in dấu chân ai nhưng chứa hy vọng của một khác lạ, một đổi mới. Không thể thu hẹp lối đi/ và xén bớt khát khao/ nơi những bước chân/ kiếm tìm hạnh phúc (Bố cục). Khát khao là động lực cho Yêu và Sống. Và cho dù hạnh phúc chỉ mong manh như sương khói ngày hè đi nữa thì vẫn phải đi tìm. Ngay cả xén cho bớt rườm rà của con đường cũng không thể. Bới càng hẹp thì càng mất những ba via sai sót. Nghe có vẻ vô lí nhưng con đường đi tìm hạnh phúc là như vậy. Nó cần sai sót, cần đến những lối rẽ bùa ngải để tăng tính mê dụ và khát khao, tăng vị ngọt cho chiến thắng của phấn đấu và nỗ lực chinh phục. Nỗi buồn/ tài sản của chị của em (Nỗi buồn). Có lẽ chỉ có nhà thơ cùng những người Biết khóc, những người không biết giả dối, mới có được cách nhìn đẹp về nỗi buồn như vậy. Niềm vui làm cho người ta sống. Nhưng Nỗi buồn mới làm người ta lớn lên. Và khi thoát ra được khỏi những cám dỗ, những níu giữ trĩu nặng của những mất còn được thua thì nỗi buồn sẽ nâng tâm hồn ta bay lên với khoảng trời xanh thẳm của riêng mình. Vũ trụ bao la… Anh và em/ có kịp yêu thương/ có kịp tha thứ/ có kịp nắm tay nhau cho đến khi/ tóc không còn bạc hơn được nữa (Nghiêng về phía nỗi đau). Một câu hỏi, day dứt nhưng cũng là một tiếng kêu. Nỗi sợ ẩn chứa trong những thảng thốt. Trái đất vẫn quay. Vẫn đang căng ra bởi những xô lệch. “Trái đất ba phàn tư nước mắt- XD” đang nghiêng, có thể vỡ như một quả trứng bất cứ lúc nào. Bởi có quá nhiều đau thương rồi. Đừng làm trái đất nghiêng thêm nữa. Thời gian vẫn không dừng lại. Làm gì đây? Yêu thương, tha thứ, nắm tay nhau? Câu thơ vừa hỏi vừa là một trả lời.

Những cánh hoa/ xòe ra từ lồng ngực/ những giọt sương thật trong/ tan ra từ tinh cầu/ khởi sinh ánh sáng (Báu vật). Hãy biến nỗi đau như là một cứu cánh bởi nó chứa đựng một khởi sinh. Ước gì yêu đương không thoáng chốc cầu vồng/ Ước gì dòng sông ký ức chìm sâu và mất hút/ Ước gì… (Người đàn bà khước từ ký ức). Cái ước như một cầu xin được giải thoát và biến cái chết thành một phương tiện để trở về với thủa trong sáng ban đầu. Làm được điều ấy phụ thuộc rất nhiều vào sợi dây mỏng mảnh đang neo giữ hành tinh của chúng ta: Lòng nhân ái giữa con người với nhau.

Chúng ta chỉ là những kẻ tạm trú. Cả ngọn lửa vĩnh cửu kia/ Cũng tạm trú/ Và những linh hồn chừng như bất tử/ Cũng lang thang trú tạm thế gian này… (Chúng ta chỉ là kẻ tạm trú) Dẫu chiều cuộc đời đã tới nhưng để những năm tháng của tuổi trẻ vẫn sống, vẫn là những ngọn lửa nuôi dưỡng để hồn ta luôn cháy những bình minh. Hãy tin những thanh âm mà con sói già Beetthoven một con sói cô độc mất thính giác vẫn nghe được tiếng tru đồng loại (Định mệnh). Ta gọi ta đừng lạc mất nẻo về. Hãy cứ là một “Cây cô đơn”, một tinh cầu nhỏ nhoi, chơi vơi và chứa đầy nỗi đau. Hãy là Một bông hồng/ tím thẳm/ như con tim/ vắt kiệt/ cho nấm mồ/ và cho những chiếc nôi… (Một bông hồng tím thẳm)

Nghiêng về phía nỗi đau là nghiêng về chính mình. Viết về nỗi đau là viết về chính mình. Gom nhặt nỗi đau là để cho mình lớn thêm. Hãy để Vụn vỡ ta mãi Long lanh như những vì sao cô độc trên dải thiên hà. Và phải chăng đây là thông điệp “thầm thì” mà Trịnh Bích Ngân muốn gửi tới bạn đọc.

Sài Gòn, tháng 7 năm 2024

KAO SƠN

Cùng chuyên mục

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Người rời thành phố vào sáng sớm

Người rời thành phố vào sáng sớm

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Phó Đức Phương và khát vọng sử ca

Phó Đức Phương và khát vọng sử ca