Việc xây dựng “Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến” là cần thiết, góp phần vào tiến trình xây dựng và phát triển nền công nghiệp điện ảnh
Đề án “Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến” đang ở dạng dự thảo, vừa được phía Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, người trong giới.
Thêm kênh để lựa chọn
Điện ảnh Việt Nam không nằm ngoài xu hướng phát triển của điện ảnh toàn cầu. Thế giới có nền tảng thu phí như Netflix, Việt Nam hiện nay cũng có các nền tảng thu phí như FPT Play, Galaxy Play… Ngoài đáp ứng nhu cầu giải trí, các nền tảng này cũng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt ra thế giới.
Phim “Truyền thuyết về quán Tiên” do nhà nước đặt hàng sản xuất. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Số lượng người dân Việt Nam sử dụng mạng ngày càng lớn, đứng thứ 12 trên thế giới về tỉ lệ tăng trưởng người sử dụng mạng xã hội giai đoạn 2021-2026, nhu cầu giải trí qua mạng tăng nhanh chóng, nhất là giai đoạn giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19. Các nền tảng thu phí Việt hiện có hạn chế là chỉ đăng tải những phim Việt do tư nhân sản xuất và đã chiếu rạp, những phim bộ độc quyền, các chương trình do các nền tảng tự sản xuất.
Những phim Việt do nhà nước đầu tư, các phim tài liệu, phim hoạt hình… đều chưa được khai thác. Việc có một Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến do nhà nước đầu tư sẽ giúp tận dụng hết các nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu của khán giả. Một cơ hội để điện ảnh Việt tiếp cận lượng khán giả tiềm năng cho điện ảnh truyền thống, gia tăng nguồn tài chính để tái đầu tư sản xuất, nâng cao đời sống tinh thần người dân.
Theo các nhà chuyên môn, phim điện ảnh do nhà nước đầu tư sản xuất từ trước đến nay chỉ được phát hành chủ yếu qua phương thức truyền thống tại rạp. Phim được chiếu trong thời gian ngắn do không thể cạnh tranh với các phim thương mại, sau đó được gửi lưu trữ hoặc chỉ được chiếu lại trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, điều này gây lãng phí. Trong khi các địa phương luôn trong tình trạng khan hiếm phim phục vụ.
Nhà báo Cát Vũ cho rằng xây dựng Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến là cần thiết để những phim nhựa, phim chủ đề yêu nước, ngợi ca truyền thống cách mạng, các phim kinh điển giai đoạn đầu của điện ảnh Việt được đưa lên mạng, phục vụ cho khán giả có nhu cầu. Nhiều khán giả muốn thưởng thức lại những tác phẩm này nhưng chẳng biết tìm xem ở đâu. Những khán giả ở địa phương chưa có rạp chiếu phim, muốn thưởng thức phim Việt trên nền tảng mạng, có thêm kênh để lựa chọn.
Dám đi mới thành đường
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho rằng việc xây dựng Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến là cần thiết, góp phần vào tiến trình xây dựng và phát triển nền công nghiệp điện ảnh.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng điều hành Viện Phim Việt Nam: “Hiện nay, kho phim của Viện Phim Việt Nam ở Hà Nội và TP HCM đang lưu trữ gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại. Trung bình một năm, viện số hóa được khoảng 700 cuốn phim nhựa cho độ phân giải 2K. Với nhân lực cùng trang thiết bị số hóa hiện nay của viện để số hóa toàn bộ kho phim là một vấn đề hết sức nan giải. Tôi kiến nghị cần có một kế hoạch tổng thể, đồng bộ trong việc số hóa kho phim”.
Đề án “Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến” đã đưa ra giải pháp nhà nước cung cấp 100% kinh phí cho việc đầu tư hệ thống thiết bị và kinh phí vận hành trong 5 năm đầu tiên.
Đến giai đoạn 2, nhà nước chỉ cấp một phần kinh phí và giai đoạn 3 từ năm 2031 sẽ tự bảo đảm chi phí vận hành nhờ lượng thuê bao có trả tiền theo năm, với mục tiêu phấn đấu đạt từ 3 triệu lượt truy cập kênh và 1,5 triệu thuê bao có trả tiền theo năm.
“Chúng ta thấy rõ sự cần thiết có Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến. Ngay bây giờ chúng ta phải cố gắng làm, phải đi mới thấy đường và dám đi mới thành đường. Tôi nghĩ cần phải có thêm đề án song song với chủ đề “số hóa toàn bộ phim nhà nước chưa được số hóa”, thống kê và đưa ra tiến trình để số hóa toàn bộ. Phim của đơn vị không phải nhà nước đầu tư cần được quan tâm bởi khán giả sẽ chú ý hơn vào các phim này. Việc đưa phim tư nhân vào trung tâm cũng cần có cơ chế rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm, bản quyền” – ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh.
“Phát hành phim trực tuyến là phương thức phát hành mới, đáp ứng nhu cầu hiện nay. Việc ra đời của trung tâm là phù hợp với xu thế thời đại. Từ hiện thực, điện ảnh Việt đòi hỏi phát triển trung tâm phát hành phim trực tuyến có vai trò điều hành của nhà nước. Trung tâm này cũng góp phần cân bằng giữa phim nước ngoài và phim trong nước , tăng cơ hội tiếp cận khán giả của phim trong nước” – Đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội Nhân dân, nêu ý kiến.
MINH KHUÊ
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/dua-dien-anh-den-gan-cong-chung-20220815205559142.htm