Trong thơ Hồ Minh Thông, thiên nhiên, thế giới ngoại cảm và thế giới nội tậm của chủ thể trữ tình luôn hòa điệu, trong mối tương thông, tương cảm; thậm chí cộng hưởng trong tâm tồn tạo nên những vẻ đẹp thi ca. Đọc thơ chị, dễ nhận ra thời gian, không gian, song hành đồng hiện.
Trước hết nói về ẩn dụ của các vì tinh tú, trong thơ từ cổ chí kim, không thể thiếu “trăng”, “sao”. Từ tự nhiên, trăng, sao đi vào thơ trở thành những biểu tượng nghệ thuật.
Trong văn học thế giới, nếu nhắc đến những bài thơ hay nhất về trăng, phải “gọi tên” Lý Bạch (701 762), một thi sĩ lãng mạn đời Đường. Nhắc đến ông, viết về ông các nhà phê bình văn học không thể quên được hình ảnh vầng trăng, bởi lẽ nó đã trở thành biểu tượng, mảnh sáng nhất trong tâm hồn nhà thơ. Trong âm nhạc, “Sonate ánh trăng” là một trong những bản nhạc bất hủ của thiên tài Beethoven.
Trong văn học hiện đại Việt Nam, nhắc đến trăng, bạn đọc sẽ nhớ ngay đến Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) với câu thơ khắc khoải “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”; hoặc Xuân Diệu “Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá”…Có thể nói rằng, các bài thơ về trăng thành công là những bài thơ của các nhà thơ lẵng mạn.
Với Hồ Minh Thông vầng trăng khúc xạ qua tâm hồn chị trở thành biểu tượng nghệ thuật. Nói không “ngoa ngôn”, nhắc đến chị là nhắc đến một nhà thơ của ánh trăng. Hồ Minh Thông đã có tập thơ mang tên “Ngồi tựa vào trăng”; trong đó ngoài bài thơ được lấy làm tên chung cho cả tập còn có: “Ngồi kể với trăng”, “Thú tội dưới trăng”, “Trăng hóa đá”, “Trăng vỡ”, “Bóng trăng”. Đúng là chị “tựa vào trăng”, trăng không chỉ là miền cổ tích của tuổi nhỏ trong đêm “Phá cỗ trăng rằm” mà còn mộng mơ tình yêu…Lớn hơn thế, trăng với Hồ Minh Thông có thân phận, là người bạn tâm giao thủ thỉ để chị có thể “kể”, “tựa”, “thú tội”.
Hồ Minh Thông là nhà thơ có tâm hồn lãng mạn, dễ tan, dễ vỡ. Nhân vật “tôi” trong thơ của chị khi mong nhớ, hờn dỗi người yêu, khi chuếnh choáng…chị đều kể lể với trăng. Trăng trở thành “từ khóa”, có tên trên “căn cước” của người đàn bà “Yêu như sóng vỗ”, (tên một bài thơ của chị). Nhiều khi chị tự hỏi:
…
Có phải tôi là trăng
Hóa đá từ rằm ấy
Bao mùa trôi vẫn vậy
Chờ đợi tôi… mây bay
(Trăng hóa đá)
Không hẳn trăng hóa đá, nhưng tâm hồn người ngắm trăng nhiều lúc hóa đá. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Hồ Minh Thông đã quan sát, tưởng tượng rất tinh tế. Nhiều lúc nhìn lên trời cao, vào những ngày có trăng, từng lớp mây bay dưới chân trăng, trăng lúc mờ, lúc tỏ. Hẳn đó là những thời khắc, dưới vầng trăng có mây, ngoài mây có trăng, nhưng tâm hồn nhà thơ trống vắng. “Tôi treo ngược tôi giữa bóng trăng/ Đêm qua ai khóc, bóng mây chăng?/ Ngón tay đau buốt cào trong gió/ Chỉ chạm chút trăng vỡ bẽ bàng” (Bóng trăng).
Trăng với Hồ Minh Thông đẹp cùng vô thức, huyễn hoặc, lúc chị ước được bay cùng mây, lúc chị lang thang cùng dòng sông và nhặt được mảnh trăng vỡ, “Từ đó/ mặt trăng trong tôi/ cũng mang hình trăng vỡ” (Trăng vỡ).
Mặt trăng là một trong “ngũ hành tinh” của Hệ Mặt trời nhưng là hành tinh duy nhất đi vào truyền thuyết, tôn giáo, tâm linh; trở thành hình tượng của nhiều loại hình nghệ thuật, lễ hội… Hay nói cách khác, trăng hay “chị Hằng Nga” là hình ảnh có tính biểu tượng. Mặt trời và mặt trăng là biểu tượng cho cân bằng âm dương. Điều đặc biệt là, mặt trăng tượng trưng cho người phụ nữ, cho tình yêu, cho sự phục hồi và nhiều thứ khác.
Với Hồ Minh Thông, trăng là nơi tâm hồn chị neo gửi, nơi chị nhận ra đầy vơi, hao khuyết ở cuộc đời với nhiều ý niệm thi ca. Hay nói cách khác, trăng nhiều khi trở thành ẩn dụ, cất tiếng nói của tư tưởng. Dĩ nhiên, cũng như những nhà thơ khác, trong thơ chị, ngoài trăng, sao còn có những biểu tượng nghệ thuật về cỏ, cây, hoa, lá, dòng sông, cánh đồng; ngoài ra còn có âm thanh, mùi vị….; biểu tượng thời gian, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, nhất là mùa thu. Nhà thơ sinh vào đầu tháng 7, nhưng dường như là người của mùa thu. Tất cả tạo nên một không gian nghệ thuật tinh tế của tâm hồn đa mang.
**
“Anh không ngủ. Phải vì em đang nhớ/ Một trời sao rực cháy giữa đôi ta/ Em nhắm mắt cho lòng anh lặng gió/ Cho trời sao yên rụng một đêm hoa”. Nhà thơ Chế Lan Viên từng có những câu thơ tài tình về tình yêu đôi lứa. Trăng, sao trong đôi mắt của tình yêu là những vì tinh tú. Hồ Minh Thông không ngoại lệ, trăng, sao thành thi ảnh ẩn dụ. Hồ Minh Thông từng có một giấc mơ.
…
Giấc mơ cầm tù tôi
tôi cầm tù đêm
dù biết người đã thuộc về đêm khác…
(Giấc mơ)
Thơ suy cho cùng là giấc mơ, các nhà thơ là người làm cái việc ʺgiải mãʺ giấc mơ. ʺGiấc mơʺ của nhà thơ ở đây là giấc mơ về tình yêu, nhà thơ đang vật vã giải mã về tình yêu. Rất nhẹ nhàng, xa xót ʺdù biết người đã thuộc về đêm khácʺ chứ không phải ở trong không gian đêm mà ʺtôiʺ đang “cầm tù” nó.
Đọc thơ Hồ Minh Thông, người yêu thơ nhận ra, không chỉ có trăng sao mà còn có bầu trời đêm rộng lớn, bí ẩn, huyễn hoặc. Theo khái niệm của nhà LLPB, PGS.TS. Hoàng Kim Ngọc, giảng viên Đại học Thăng Long thì “đêm” trong thơ là thời gian nghệ thuật đặc biệt. Trong thơ hai tập thơ “Ngồi tựa vào trăng” và “Đêm trở dạ” của nhà thơ Hồ Minh Thông có khá nhiều bài mượn không gian đêm.
“Ngồi tựa vào trăng” có 55 bài thơ, có bài “Vết thương xuyên đêm”; “Đêm trở dạ” có 82 bài thơ, có “Đêm trở dạ” có “Đêm trở dạ”, “Đêm hóa đá”, “Đêm”, “Chuyện của đêm”, “Sông đêm”… Đêm không chỉ xuất hiện ở tên các bài thơ này mà còn có mặt ở nhiều bài thơ khác. Hay nói cách khác, Hồ Minh Thông đã dựng lên “không gian nghệ thuật” mang tên đêm trong 2 tập thơ: “đêm”, “bóng đêm” “nguyên bản đêm”, “lõa thể của đêm”, “đêm đen”…
..
Tôi bóc da thịt của tôi
bóng đêm trị vì đặc quánh
Sao người không làm tên lính
canh cánh cổng của đêm
nơi giam giữ tôi suốt cả một đời
(Bóc)
Theo PGS.TS. Hoàng Kim Ngọc, thời khắc đêm là khởi điểm của tâm trạng rõ nét nhất. Đi sâu vào mổ xẻ “đêm” với tư cách là thi pháp, nhà văn, ThS. Hoàng Thụy Anh thì cho rằng: “Giữa bóng tối và ánh sáng, bóng tối thường là nơi trú ngụ của những tâm hồn cần dưỡng khí, ràng rịt vết thương lòng. Vì thế, đêm được xem là không gian tâm trạng, là nơi chốn người nghệ sĩ đối diện với bóng với vách để bộc bạch hay chất vấn chính mình”. Đọc khổ thơ cuối (đã dẫn) trong bài thơ “Bóc” của Hồ Minh Thông thấy rõ hoàn cảnh đối thoại của tác giả, “Tôi bóc từng lớp vỏ của đêm”, từ ngoài vào trong để “ràng rịt vết thương lòng”, như cách nói của Hoàng Thụy Anh. Chắc chắn, nhà thơ được ràng rịt nhưng đêm hẳn đau đớn, tê tái, khi bị lột đến “lõa thể”.
“Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần/ Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng” (Truyện Kiều); không chỉ tác giả hiện đại mà các tác giả trung đại đã từng sử dụng hình tượng nghệ thuật đêm. Những ai mê Truyện Kiều của Nguyễn Du, hẳn nhận ra “Đêm” gắn với giấc mơ vào đời của Thúy Kiều về định mệnh và tình yêu. Nó đeo bám dai dẳng suốt cuộc đời Kiều, càng cố gắng lí giải thì càng lún sâu vào cảm giác mơ hồ, ảo ảnh.
Với nhà thơ Hồ Minh Thông, trong vô thức của ảo ảnh, chị muốn được “giam giữ suốt cả một đời” cùng bóng đêm. Đó cũng là một “hiện thực tinh thần” của Hồ Minh Thông. Nếu nói theo cách của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì hiện thực ấy mới luôn chuyển động, sinh nở, và biến ảo. “Đêm” không chỉ là hiện thực cứu rỗi, mà là hiện thực thúc đẩy sáng tạo trong cô đơn nhà thơ.
“Đêm sinh nở nỗi cô đơn không tuổi” (Đêm trở dạ); “Tôi chỉ là con cá thia lia/ Mắc cạn trong đầm lầy của bóng đêm chật chội” (Cá thia lia); “Về đi /Móng tay em đứt gãy/Gỡ giọt nước mắt đêm qua hóa đá/Bám vào đêm” (Đêm hóa đá); “Ta ướp mưa đêm vào tim/Mưa ướp hồn ta vào mộng” (Ướp mưa);…
..
Ta chạy trốn hoàng hôn
Chấp chới bay cùng đàn chim thiên di vội vã
Ngóng chờ gì ở miền đất xa lạ
Khi cuối hành trình là bóng đêm?
(Tự thú)
…
Những tiếng thở của đêm
Làm em rùng mình
Tưởng tiếng thét của con thú bị thương giãy mình
chờ chết
Đêm cựa mình tí tách
Nghe tiếng hạt đau bóc vỏ nảy mầm
(Đêm)
Hồ Minh Thông đã có những liên tưởng thơ, hay nói cách khác là sáng tạo trong “không gian đêm” của chị: “Trăng sàng sẩy đêm” (Trăng); “Những tiếng thở của đêm” (Đêm); “Đêm / chênh chao những điều mộng mị” (Dự cảm tháng ba); “Em như thiên thần của đêm” (Em)…Tất cả các trạng thái tình cảm trong đêm tạo nên sinh quyển thơ, từ khóa để “tìm kiếm”, nhận diện. Hơn thế, trong tập “Đêm trở dạ”, “đêm” đã trở thành sinh thể, có khả năng phồn sinh, nảy nở.
Hồ Minh Thông là thế hệ nhà thơ 8X, còn quá trẻ để nói rằng đã sống kỹ với thân phận, hiểu biết về Phật giáo, tâm linh…; nhưng trong nhiều bài thơ của chị, hình tượng đêm gắn với giấc mơ, hoặc lúc mất ngủ; gắn với trăng, sao trong vũ trụ. Hồ Minh Thông đã vượt ra ngoài tự sự đơn thuần để suy nghĩ về khát vọng; suy tư về nhân tình thế thái, tồn sinh trong kiếp người.
Còn quá trẻ nên con đường sáng tạo của nhà thơ Hồ Minh Thông vừa tít tắp, vừa “mênh mông”, như cách nói của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Dẫu vậy, thơ Hồ Minh Thông khi xuất hiện trên thi đàn đã là tiếng nói bản thể khác biệt. Dấu chân ít để lại trên lối mòn. Con đường thơ chị đang “khai phá” đã có những đóng góp bước đầu, đáng ghi nhận.
6/7/2024 – NGÔ ĐỨC HÀNH