Hơn 21 năm nay, những cán bộ, chiến sỹ Đội K52 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai ngày đêm “băng rừng, vượt núi” âm thầm lần theo những dấu chân hành quân xưa để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng tìm kiếm, cất bốc và đưa đồng đội trở về với đất mẹ.
“Xuyên rừng” tìm đồng đội trên nước bạn
Đội K52 được thành lập vào tháng 1/2002 với nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia là Ratanakiri, Stung Treng và Preah Vihear.
Để có thông tin chiến trường nơi đóng quân xưa, Đội đã đề xuất với Bộ Chỉ Huy Quân sự tỉnh phối hợp với các cựu chiến binh đã từng chiến đấu trên nước bạn nhằm “góp nhặt” những thông tin về vị trí các chiến sỹ đã ngã xuống. Từ đó, Đội K52 đã thu thập hồ sơ, tư liệu về các trận đánh, sơ đồ chôn cất, mai táng liệt sỹ để lên một bản đồ tìm kiếm các hài cốt liệt sỹ trên 3 tỉnh của nước Campuchia.
Những cán bộ, chiến sỹ Đội K52 thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng tìm kiếm, cất bốc và đưa đồng đội trở về với đất mẹ
Cứ bước vào mùa khô hàng năm, Đội K52 lại khăn gói đồ nghề băng qua những cánh rừng khô khốc ở Campuchia để thực hiện nhiệm vụ cao cả tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam. Hành trang của các cán bộ, chiến sỹ Đội K52 đơn giản chỉ là một vài nhu yếu phẩm cần thiết và chiếc võng.
Trên hành trình ấy, họ cùng giúp nhau vượt qua cái giá rét giữa chốn “rừng thiêng, nước độc” để có thể tìm đến được những vị trí mà đồng đội đã ngã xuống. Đội K52 dựa vào kinh nghiệm, địa hình, địa vật còn lại tại hiện trường để tiến hành đào thăm dò từng khu vực nghi vấn. Khi đã xác định được vị trí chính xác có hài cốt, toàn đội sẽ dốc toàn lực đào sâu xuống lòng đất từ 5- 12m theo hình dích dắc hay chặn đầu…để tìm kiếm.
Thượng tá Nguyễn Xuân Toản – người “tù trưởng” trực tiếp “trèo đèo, lội suối” cùng toàn đội đưa ra những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công, thất bại của mỗi chuyến đi
Hơn 21 năm qua, các thành viên của Đội K52 đã vượt quãng đường hơn 1 triệu km rừng núi hiểm trở. Dấu chân của những người lính K52 đã in hằn trên 1.270 buôn làng, phum sóc của 139 xã, của 23 huyện, thuộc 3 tỉnh Đông Bắc nước Camphuchia. Đội đã đào hơn 100.000 m3 đất đá, gần 200 km đường hào, với nhiều lần cày xới. Kết quả, Đội K52 đã cất bốc đưa về gần 1.500 bộ hài cốt liệt sĩ an táng tại các nghĩa trang của tỉnh Gia Lai.
Ngoài nhiệm vụ chính, đội đã tổ chức hàng nghìn lượt khám bệnh miễn phí; giúp nhân dân nước bạn sửa chữa nhà, làm công trình nước sạch, thu hoạch mùa màng. Cũng chính những điều này đã giúp khoảng cách giữa nhân dân nước bạn và bộ đội ta ngắn lại.
Nhân dân Campuchia cũng nhiều lần cung cấp thông tin, dẫn đường, xác định đúng vị trí các hài cốt. Bằng công tác dân vận, Đội K52 đã vận động được 1 người từng là Trung đoàn trưởng Pool Pốt của một tỉnh ở Campuchia tự nguyện chỉ dẫn, quy tập được 45 hài cốt liệt sĩ.
Hơn 21 năm nay, Đội K52 đã tìm kiếm, hồi hương gần 1.500 bộ hài cốt liệt sĩ an táng tại các nghĩa trang của tỉnh Gia Lai
Thượng tá Nguyễn Xuân Toản – Đội trưởng Đội K52 chia sẻ: “Khi mới đặt chân sang đất nước Campuchia, cán bộ, chiến sỹ Đội K52 luôn gặp khó khăn bởi ngôn ngữ, phong tục tập quán của địa phương nước bạn. Đặc biệt một số địa bàn, một bộ phận nhân dân Campuchia bị các phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động, xuyên tạc về tình đoàn kết, hữu nghị giữa Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước; xuyên tạc nhiệm vụ quy tập của Đội gây khó khăn trong việc nắm bắt thông tin, ảnh hưởng nhiều đến kết quả quy tập”.
Vượt qua những khó khăn, thử thách, các cán bộ, chiến sĩ Đội K52 luôn giữ vững và phát huy hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ”, “Người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam” với tình đoàn kết trong sáng, thuỷ chung, chí nghĩa, chí tình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên nước bạn.
Đội K52 trên hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sỹ
Hơn 21 năm nay, Đội K52 đã tìm kiếm hồi hương gần 1.500 bộ hài cốt liệt sĩ an táng tại các nghĩa trang của tỉnh Gia Lai. Trong sự đóng góp của toàn đội không thể không kể đến những người lãnh đạo Đội K52 qua các thời kỳ. Những người “tù trưởng” trực tiếp “trèo đèo, lội suối” cùng toàn đội đưa ra những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công, thất bại của mỗi chuyến đi.
Để tìm hiểu về những cuộc hành trình gian nan ấy, chúng tôi đã tìm gặp Đại tá Vũ Văn Sơn- Nguyên Đội trưởng Đội K52 (Giai đoạn từ năm 2010 – 2017).
Tỉnh Gia Lai long trọng tổ chức lễ viếng, truy điệu và an táng 18 liệt sĩ hi sinh ở Campuchia về với đất mẹ Việt Nam hồi tháng 5/2022
Chia sẻ về hành trình tìm kiếm đồng đội trên nước bạn, ông Sơn kể lại: “Trước năm 2010 công việc tìm kiếm dễ dàng hơn bởi nơi chôn cất các liệt sỹ thường được xác định rõ ràng và người dân địa bàn cũng hỗ trợ nhiều trong việc cung cấp thông tin vị trí. Tuy nhiên, từ năm 2010 trở đi, công tác tìm kiếm vô cùng khó khăn khi không có người chỉ đường, địa hình đi phải vào rừng già, hang động…vị trí xác định chỗ chôn cất cũng mập mờ tốn rất nhiều thời gian, công sức tìm kiếm”.
“Vì vậy, tôi đã cùng ban chỉ huy và cán bộ, chiến sỹ Đội K52 tập trung tìm kiếm những tư liệu về các trận đánh, sơ đồ chôn cất, mai táng liệt sỹ. Đồng thời, liên hệ chặt chẽ với chính quyền và nhân dân nước bạn để tranh thủ sự giúp đỡ tìm kiếm thông tin…Từ đó, đơn vị tổ chức phân tích, so sánh, đối chiếu với hồ sơ quy tập các năm trước để sàng lọc, khoanh vùng, chốt địa bàn, đưa vào kế hoạch cụ thể, chi tiết, làm cơ sở quy tập”, ông Sơn phân tích.
Cũng theo ông Sơn, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người đội trưởng phải phối hợp chặt chẽ với đội để đưa ra những suy đoán dựa trên những nghiên cứu, kinh nghiệm rút ra “Quy luật chôn cất, mai táng” hoặc quy luật “Tìm mộ thứ hai trở lên khi xác định được mộ thứ nhất”, hoặc sáng kiến “đào hào theo hình chữ chi”; “dùng thuốn thăm dò”… nhằm tìm hài cốt liệt sỹ, quyết không bỏ sót ngôi mộ nào.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai tổ chức lễ xuất quân đưa Đội K52 lên đường thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia
Ngoài nhiệm vụ thiêng liêng tìm kiếm, cất bốc và đưa đồng đội ở nước bạn trở về với đất mẹ, đội K52 còn có nhiệm vụ phối với các cơ quan trên địa bàn tỉnh Gia Lai tìm kiếm, cất bốc các hài cốt liệt sỹ trong tỉnh. Dựa trên những thông tin mà các cựu chiến binh cung cấp, Đội K52 đã ngày đêm cùng các đội tìm kiếm các hài cốt liệt sỹ.
Một trong vô số lần đặc biệt phải kể đến, lần ấy Đội K52 đã phối hợp với Ban Chỉ đạo 24 thị xã An Khê (Gia Lai) vận động, cảm hóa được những người bên kia chiến tuyến là ông Huỳnh Văn Sỹ (người lính Việt Nam Cộng hòa) nhằm trình báo về câu chuyện được giữ kín sau 50 năm (tại mặt trận tại An Khê năm 1968).
Từ thông tin của ông Sỹ, Đội K52 đã quy tập được ngôi mộ chung chôn 25 hài cốt liệt sĩ và 6 mộ lẻ nằm tại Gò Sặc (thuộc tổ dân phố 1, phường An Bình, thị xã An Khê). Từ cách làm tốt công tác dân vận đã góp phần giúp cho Đội K52 có thêm nhiều nguồn thông tin quý phục vụ công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ hiệu quả hơn.
Thượng tá Nguyễn Xuân Toản – Đội trưởng Đội K52 chia sẻ: “Nhiều lần nâng được một phần hài cốt phủ trong lớp đất dày ở độ sâu hơn 7m, cả đội đã cùng khóc vì sung sướng, hạnh phúc vỡ oà khi đã tìm được các anh. Đây cũng là động lực để anh em Đội K52 quên hết mệt mỏi, gian nan nhằm cùng nhau bước tiếp trên cuộc hành trình chưa có hồi kết”.
Với những nỗ lực, thành tích đã đạt được, Quân uỷ trung ương, Bộ Quốc phòng đang trình đề nghị Nhà nước phong tặng Đội K52 danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân thời kỳ đổi mới…
Trần Hiền
Nguồn Báo Công Luận
https://www.congluan.vn/hanh-trinh-bang-rung-vuot-nui-tim-va-dua-dong-doi-tro-ve-voi-dat-me-cua-doi-k52-post206210.html