Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), nhiều hoạt động tri ân, tưởng niệm đã được tổ chức trang trọng tại nhiều địa phương trên cả nước.
Ngày 26/7, tại nghĩa trang liệt sĩ quận 7, TP Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã mất trong đại dịch COVID-19. Các Tăng, Ni, Phật tử và các gia đình thương binh liệt sĩ, chính quyền địa phương cùng nhau cầu nguyện cho anh linh các anh hùng liệt sĩ, người mất vì COVID-19 được siêu thoát.
Tối 26/7, nhiều hoạt động thắp nến tri ân anh hùng liệt sĩ tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Mỗi bông hoa, mỗi ngọn nến thể hiện tấm lòng thành kính, sự biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay với công lao to lớn của những người đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thắp nến tri ân tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Tại Cao Bằng, Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Quảng Hòa. Chương trình giao lưu “Bài ca hoà bình” cũng đã được tổ chức.
Tại Khánh Hòa, Lễ thắp nến tri ân anh hùng liệt sĩ cũng đã được tổ chức trang nghiêm tại nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung – nơi an táng của gần 1.000 liệt sĩ. Tại buổi lễ, lãnh đạo địa phương đã trao quà tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, cựu chiến binh và trao học bổng cho con em gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.
Tại Gia Lai, Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ cũng diễn ra tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Hơn 1.300 cán bộ đoàn viên thanh niên đã tham gia hoạt động ý nghĩa này.
Tối 26/7, tại Bình Thuận, gần 9.000 ngọn nến đã được thắp lên từng phần mộ của các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Tỉnh Đoàn Bình Thuận đã trao tặng 20 phần quà cho các gia đình chính sách, người có công và 20 suất học bổng cho con em người có công.
Một buổi Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ và chương trình văn nghệ với chủ đề “Tuổi trẻ Cần Thơ viết tiếp câu chuyện hòa bình” cũng đã được tổ chức tối 26/7 tại Cần Thơ. Hơn 5.200 ngọn nến cho các phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố.
Nhiều hoạt động tri ân, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ đã được tổ chức trang trọng tại nhiều địa phương trên cả nước.
Nhiều hoạt động tri ân, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ đã được tổ chức trang trọng tại nhiều địa phương trên cả nước.
Còn tại Sóc Trăng, lãnh đạo địa phương cùng trên 500 đoàn viên, thanh niên đã tham gia Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh đoàn tiếp tục triển khai đợt hoạt động “Tuổi trẻ Sóc Trăng – Viết tiếp câu chuyện hòa bình”.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – liệt sĩ và tuyên dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2022 mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh & Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ năm nay đã được các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao,
Các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sâu rộng ngay từ cơ sở như tổ chức Lễ trao Bằng tổ quốc ghi công, Lễ kỷ niệm và tri ân người có công, Lễ thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ, viếng đài liệt sĩ, các hoạt động tưởng niệm tại các di tích lịch sử cách mạng như nhà tù, nhà lao Côn Đảo, Phú Quốc, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Quảng Trị,…các căn cứ địa cách mạng, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách,…
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước triển khai đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hệ thống pháp luật, chính sách về người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng.
Đến nay đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, trên 139 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, gần 800 ngàn thương binh, bệnh binh và gần 320 ngàn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học, gần 111 ngàn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng,…
Cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực.
75 năm qua, nối tiếp truyền thống tương thân tương ái, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, phong trào chăm sóc thương binh, gia đình chính sách của các địa phương, các tổ chức xã hội và nhân dân trong cả nước trở thành công việc thường xuyên của toàn xã hội; phong trào tặng nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; tặng vườn cây tình nghĩa; phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng; chăm sóc giúp đỡ con thương binh, con liệt sĩ; đi tìm đồng đội, quy tập hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin…đã góp phần chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công ngày một tốt hơn.
Với ý chí tự lực, tự cường, phát huy phẩm chất “Anh bộ đội cụ Hồ”, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “tàn nhưng không phế”, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hoà mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, trở thành những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, học tập…, góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
PV
Nguồn Báo Công Luận
https://www.congluan.vn/thang-7-thap-nen-tri-an-cac-anh-hung-liet-si-post206260.html