Nhận hỗ trợ từ chương trình “Mai Vàng nhân ái”, hai nghệ nhân ca trù ở Quảng Bình không giấu được xúc động và chân thành cảm ơn món quà ý nghĩa
Tại Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) tỉnh Quảng Bình, chiều 24-7, chương trình “Mai Vàng nhân ái” do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã tổ chức thăm hỏi, trao quà hỗ trợ 2 nghệ nhân ca trù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Quảng Bình.
Hai nghệ nhân ca trù là bà Dương Thị Điểm (63 tuổi, ngụ xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch) và bà Nguyễn Thị Đởng (84 tuổi, ngụ xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn).
Bà Dương Thị Điểm là một trong 15 thành viên của CLB Ca trù thôn Đông Dương, xã Quảng Phương – được thành lập từ năm 1999. Nơi đây được coi là “cái nôi” ca trù của tỉnh Quảng Bình, khi làn điệu này xuất hiện tại địa phương từ hơn 200 năm về trước. Bà Điểm có thâm niên với hơn 30 năm hát ca trù, là một trong những nghệ nhân tâm huyết và có nhiều cống hiến cho loại hình nghệ thuật này. Ly hôn chồng từ sớm, một mình bà Điểm nuôi 2 người con lớn khôn. Đến khi tuổi già, bà mắc bệnh tim khiến gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, khó khăn.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (thứ 2 từ trái sang) cùng Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (bên phải) và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình (bên trái) trao tặng quà đến 2 nghệ nhân ca trù
Bà Nguyễn Thị Đởng cũng là một trong những thành viên hiếm hoi của CLB ca trù xã Quảng Trung – nơi làn điệu ca trù đang dần mai một. Ở cái tuổi “xế chiều”, thân mang trọng bệnh nhưng bà vẫn âm thầm cống hiến cho nghệ thuật dân gian bằng làn điệu ca trù. Bằng tài năng, tâm huyết của mình bà cùng các thành viên trong CLB đã làm sống lại nét văn hóa truyền thống của làng, góp phần gìn giữ, phát triển loại hình nghệ thuật ca trù độc đáo của dân tộc.
Dù tuổi cao sức yếu, thường xuyên đau ốm bệnh tật nhưng cả bà Điểm và bà Đởng vẫn duy trì hát các làn điệu ca trù đều đặn tại các hội làng hay các buổi biểu diễn văn nghệ. Ngoài ra, 2 nghệ nhân này đang tiếp tục truyền đạt những kinh nghiệm, kỹ năng hát ca trù cho các thế hệ trẻ trong làng giúp các thế hệ trẻ bảo tồn và phát huy hồn cốt qua loại hình nghệ thuật dân gian này.
Ghi nhận những đóng góp của 2 nghệ nhân, thay mặt chương trình “Mai Vàng nhân ái”, ông Tô Đình Tuân – Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động – đã gửi lời thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ cho 2 nghệ nhân, mỗi trường hợp 5 triệu đồng. “Truyền thống của Báo Người Lao Động có Giải Mai Vàng đã trải qua liên tục 27 năm. Ba năm trở lại đây, báo có thêm chương trình “Mai Vàng nhân ái” với sự tài trợ của Ngân hàng TMCP Nam Á đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho nhiều văn nghệ sĩ khắp cả nước, có đóng góp, cống hiến cho nghệ thuật. Được biết hoàn cảnh của 2 nghệ nhân ở Quảng Bình khó khăn, 2 bà cũng đã cống hiến nhiều cho địa phương trong việc duy trì, bảo tồn làn điệu ca trù rất đáng trân trọng. Chương trình rất vinh dự được đến thăm và trao quà cho 2 nghệ nhân và chúc 2 bà luôn mạnh khỏe, tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật” – ông Tuân chia sẻ.
Nhận hỗ trợ từ chương trình, bà Nguyễn Thị Đởng không giấu được cảm xúc rồi bộc bạch: “Được sự quan tâm của chương trình, tôi thật xúc động và chân thành cảm ơn. Đây là món quà rất ý nghĩa, giúp tôi có được ít tiền mua thuốc men chữa bệnh”.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình, đã gửi lời cảm ơn chân thành đến chương trình “Mai Vàng nhân ái” của Báo Người Lao Động. “Tôi rất xúc động vì dù xa xôi như thế nhưng chương trình vẫn đích thân đến thăm hỏi, trao quà cho 2 nghệ nhân ca trù có hoàn cảnh khó khăn ở Quảng Bình. Thay mặt lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, tôi vô cùng cảm ơn quý báo. Mong rằng chương trình sẽ tiếp tục đồng hành với các văn nghệ sĩ cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng để góp phần giúp đỡ các văn nghệ sĩ, nghệ nhân vơi bớt khó khăn và đây sẽ là nguồn động viên tinh thần lớn cho các văn nghệ sĩ vượt qua nghịch cảnh để cống hiến hết mình vì nghệ thuật” – bà Thủy cảm động.
Ca trù là loại hình nghệ thuật dân gian (còn gọi là hát ả đào hay hát nhà trò). Làn điệu này rất thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, xuất hiện từ thế kỷ XV, từng là loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc. Tháng 10-2009, UNESCO công nhận là di sản phi vật thể và đưa vào danh mục cần bảo vệ khẩn cấp.
Bài và ảnh: Hồng Hải
Nguồn Báo Người Lao động