Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

8:53 | 18/10/2024

Cô Giang mặc áo vải trắng dài, quần lụa thâm, đầu chít khăn trắng, tay cầm bó hương cháy đứng trước huyệt chung của 13 người bên rừng nứa cách không xa khu pháp trường, cô đếm đúng 13 nén cắm trên mồ mới đắp. Rồi, Cô Giang tới mộ bên cạnh của 4 người trước đó chỉ có thể nhận ra bằng một khoang đất mới lấp, cỏ vẫn chưa kịp mọc, cắm 4 nén hương trên mộ này. Cô Giang quỳ lạy hai nấm mộ 17 lần, mỗi lần đọc tên một liệt sĩ.

-­ Anh Nguyễn Thanh Thuyết. Anh Nguyễn Văn Tiệp. Anh Ngô Hải Hoằng. Anh Đặng Văn Lương. ­ Anh Nguyễn Như Liên. Anh Bùi Tư Toàn. Anh Nguyễn An. Anh Hà Văn Lao. Anh Đào Văn Nhít. Anh Ngô Văn Du. Anh Nguyễn Văn Tiềm. Anh Đỗ Văn Tứ. Anh Nguyễn Văn Cửu. Anh Bùi Văn Chuẩn. Anh Nguyễn Văn Thịnh. Anh Phó Đức Chính. Anh Nguyễn Thái Học.

Nước mắt Cô Giang chan hòa. Nhà báo Louis Roubaud bước đến bên cô.

– Chào bà! Bà có nói được tiếng Pháp? (Tiếng Pháp)

Cô Giang vội lau nước mắt:

– Chào ông! Ông cần gì ạ? (Tiếng Pháp)

– Tôi là ký giả của tờ Le Petit Parisien… Sáng nay, tôi đã có dịp quan sát bà ở pháp trường… Đoán bà là người thân của một trong những tử tội kia… (Tiếng Pháp)

Cô Giang ngắt lời: ­

– Không phải tử tội, mà là các anh hùng của chúng tôi! (Tiếng Pháp)

Roubaud gật đầu.

– Trong đời, chưa bao giờ tôi được biết đến vẻ đẹp của sự bi hùng trước cái chết như hôm nay… Những tiếng hô “Việt Nam” đã làm cho tôi, một người ngoại quốc, cũng phải cảm động tận đáy lòng… Tôi chợt nghĩ: gây nên những cảnh tượng rùng rợn như thế, phải chăng đó cũng là kết quả của một chính sách vụng về của người Pháp ở xứ này… (Tiếng Pháp).

– ­ Với cảm xúc đó của ông, tôi tin rằng ông không phải là mật thám… Và tôi xin được thay mặt những liệt sĩ chân thành cảm ơn ông! (Tiếng Pháp). ­

– Đêm qua, tôi lại một lần nữa được tiếp xúc với ông đảng trưởng; và tôi chứng kiến ông ta đã hỏi viên Cố đạo nhiều câu làm cho vị Giáo sĩ Gia tô khó nghĩ, như: “Làm việc cứu quốc có phải là phạm vào một điều cấm trong kinh thánh chăng?” (Tiếng Pháp).

Cô Giang chợt nở nụ cười tự hào kín đáo.

– ­ Ôi, ông thực là người sung sướng… (Tiếng Pháp).

Roubaud như vẫn sống trong một giấc mộng.

– ­ Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! Quê hương phương Nam! Tôi nghe thấy mười ba lần hô vang lên như vậy, cho đến khi thấy hình bóng cuối cùng bị tử hình là ngài Le Grand Professeur Nguyễn Thái Học… (Tiếng Pháp).

Cô Giang bước đến, chủ động bắt tay ông ký giả Pháp.

– Một lần nữa xin cảm ơn ông. Tôi đã coi ông là người bạn của dân tộc tôi, một dân tộc đau khổ… (Tiếng Pháp).

Roubaud ngỡ ngàng.

-­ Bà là ai? Xin lỗi vì sự tò mò theo thói quen nghề nghiệp: hình như, bà có mối quan hệ rất đặc biệt với người cuối cùng lên đoạn đầu đài? (Tiếng Pháp).

Cô Giang giữ vẻ lạnh lùng song không giấu nổi sự xúc động trong ánh mắt:

– ­Ông chỉ cần biết, tôi là đồng chí của những người bị rơi đầu sáng nay trên máy chém, và cũng là bạn của những người Pháp có tâm hồn như ông… (Tiếng Pháp).

Cô Giang và bạn đời Nguyễn Thái Học.

Ở một nhà trọ tồi tàn của thị xã Yên Bái, trưa hôm ấy, Cô Giang nén nước mắt và xoa bụng như an ủi thai nhi thi thoảng lại đạp, ngồi viết thư tuyệt mệnh.

Thư thứ nhất:
Thưa thầy mẹ! Con chết là vì hoàn cảnh đã bó buộc, con không báo thù được cho nhà, cứu được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở Đền Hùng, giờ con tìm về chỗ quê cha đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con.
Đứa con dâu thất hiếu kính lạy.

Bức thứ hai:
Anh kính yêu! Anh đã là người yêu nước, không làm trọn được nghĩa vụ cứu nước. Anh giữ lấy tinh thần cao cả để về dưới suối vàng chiêu binh, rèn súng đánh đuổi quân thù. Phải chịu đựng nhục nhã mới mong có ngày vẻ vang. Các bạn đồng chí còn sống lại sau anh sẽ phấn đấu thay anh, để đánh đuổi cường quyền mà cứu đồng bào đau khổ.
Tổng thư ký, phụ trách tuyên truyền binh vận của Đảng, em Giang đang đến với anh.
Madame Nguyễn Thái Học.

Rồi Cô Giang ra ga Yên Bái. Vừa lúc tàu xuôi Bạch Hạc xịch tới. Cô lên toa. Đoàn tàu trườn đi giống một con rắn khổng lồ bị tử thương. Cả đêm qua, cô sống trên đoàn tàu ngược mang sinh mạng của chồng và 12 đồng chí tới pháp trường Yên Bái, chỉ cách các anh vài toa tàu… Khi đặc tình báo tin Hỏa Lò đưa các anh đi, đang trong một cuộc họp bí mật, cô xách túi vội vã chạy ra khỏi phòng. Một người đàn ông giữ tay cô lại. ­

– Em định đi đâu? ­

– Em đi theo công­-voa tử tù… ­

– Không được! Em đang bụng mang dạ chửa…

– ­Em phải đi. Anh có dọa bắn chết em ngay, em cũng phải đi… Cha của con em đang gọi em kia kìa…

– Thế để anh cử người đi cùng em…

-­ Cơ sở ở Hỏa xa chắc chỉ lo được một người thôi. Lên đó, em sẽ kết nối ngay với cơ sở trong binh lính chưa bị vỡ, tìm cách đánh tháo pháp trường…

Người đàn ông nhún vai bất lực. Mọi người xúm quanh Giang tỏ sự cảm thông, lo lắng. Một người dúi vào tay cô chiếc túi vải: “Có chiếc bánh mỳ patê, và con dao phòng thân”. Giang lấy ra con dao đem trả lại:

-­ Em có vũ khí rồi. Các anh chị đừng lo cho em!

Cô chạy đi tất tưởi, biết rõ là mọi người nhìn đang theo ái ngại. Cô vội vã bước vào một văn phòng sở Hỏa xa. Một người đàn ông trạc 40 tuổi ngồi trước đống giấy tờ, nhìn thấy Cô Giang, liền hốt hoảng nhìn quanh, rồi chạy tới, kéo cô ra một chỗ khuất. Họ nói vài lời thì thầm, rồi người đàn ông khóa vội căn phòng, họ cùng đi ra sân ga. Người đàn ông quan sát trước sau, đưa Cô Giang tới đầu máy xe lửa. Ông trèo lên trước, bí mật nói với bác tài giữa lúc một người thợ đang chất những xẻng than cuối cùng vào lò máy đỏ rực. Người đàn ông giơ tay ra hiệu gọi Cô Giang trèo lên đầu máy. Bác tài đưa cô vào một góc khuất giữa các đống than, rồi tìm một manh chiếu đem tới rải cho cô ngồi.

Khi đoàn tàu hú một hồi dài tựa tiếng kêu của một con thú tử thương, rồi bánh xe lửa nghiến đường ray ken két rợn người rời ga, hùng hổ xé rách màn đêm lao vào bóng tối thăm thẳm, thì Cô Giang thoáng nhìn thấy bác tài kín đáo nhìn vị khách đặc biệt đang ngồi vẻ ngơ ngác, bất lực và đau đớn khôn cùng giữa đống than; ông khẽ thở dài, ứa nước mắt cảm thông, thương xót… Sau đó, tiếng hát tử tù theo gió vẳng lại giữa tiếng xình xịch ầm ào, Cô Giang ngẩng đầu lắng nghe: Ngàn lau vi vu ngàn lau vi vu/ Hồn Việt Nam muôn đời! Hồn Việt Nam muôn đời, cất lên lời ca… Bác tài đang chăm chú tay lái chợt nở nụ cười. Cô Giang bó gối trên chiếc chiếu nhỏ bên đống than. Ánh lửa từ lò than hắt trên mắt cô, rung rinh theo nhịp lắc đoàn tàu…

Cô Giang nhớ lại lần đầu gặp người thanh niên đang ở toa tàu bên mà số phận đã dính kết hai người với nhau trong tình nghĩa Tao Khang(1)… Hôm đó, Cô Giang và ba cô gái giả cấy lúa ở Yên Dũng để đón người bên Việt Nam Quốc Dân đảng tới gặp đảng trưởng Việt Nam Dân quốc bàn hợp nhất hai đảng. Trong lúc Cô Giang đưa đảng trưởng Nguyễn Thái Học và trưởng ban tổ chức của Tổng bộ Phó Đức Chính đến gặp xứ Nhu, cô đã hỏi:

-­ Nghe nói, tổ chức của các anh không kết nạp phụ nữ? Còn từ bây giờ? ­ – Chính đang tìm cách trả lời thì Học mỉm cười: ­

– Thế thì chúng tôi phải hỏi em: Liệu bác xứ Nhu và em có tiếp nhận chúng tôi vào tổ chức Việt Nam Dân quốc không?

-­ Sao anh hỏi vậy? Từ khi được biết Việt Nam Quốc dân đảng ra đời ở Hà Nội, có anh đứng đầu, bác xứ Nhu mừng mất ăn mất ngủ… Bác ấy bảo: thế là chúng ta đã có đồng minh tốt; Nguyễn Thái Học là một nhà cách mạng trẻ rất nhiệt huyết, rất đáng kính trọng…

Học cười nhẹ:

-­ Anh sẽ gắng để không phụ lòng tin tưởng của bác xứ Nhu. Và hy vọng được kết nối với các nhà cách mạng trẻ nhiệt huyết bên này, trong đó có em…

– Đảng trưởng của chúng tôi vừa gián tiếp trả lời câu hỏi hóc của cô đấy! ­ Phó Đức Chính chêm luôn.

-­ Vậy là anh đồng ý kết nạp em rồi phải không? ­ Quay sang Chính ­ Chắc anh cũng bằng tuổi tôi, phải làm đồng minh bảo vệ tôi khi đảng trưởng bắt nạt đấy nhé !

-­ Nhưng kiểu này thì không khéo cô bắt nạt cả đảng trưởng mất thôi!

Mọi người cùng cười. Cô Giang giục:

-­ Thôi, bác xứ Nhu và ban lãnh đạo đang chờ… Em mong quá, giờ phút hợp nhất của hai đảng chúng ta…

Cô chợt nghe văng vẳng tiếng hát của mình: “Rằng là anh Hai ơi… anh Hai về là anh Hai tính là anh Hai toán… Tính toán làm gì… Có yêu nhau thì lấy quách nhau đi…” Tiếng hát từ một khoảng sân có bóng trăng thanh lọt qua cành nhãn, trong khi chủ nhà là ông Lý trưởng tự tay rót rượu ra những chiếc chén mắt trâu, đưa đến tận tay từng người của cuộc họp bí mật. Cô dường say thêm tiếng hát của mình bởi nhận ra anh đảng trưởng ngẩn ra nghe hát, và đương trộm ngắm say sưa gương mặt dễ thương hiền dịu của cô dưới ánh trăng… Trước đó, trong bữa ăn đầm ấm có thịt gà luộc, canh cua đồng với cà pháo muối, Cô Giang nghe được câu nói của anh: “Đã lâu lắm tôi mới được ăn một bữa cơm quê thân tình, dân dã như thế này”, cô chợt dấy niềm thương cảm… Hôm sau, lúc chia tay Học và Cô Giang, ông xứ Nhu dặn: “Giang về trước cùng anh Học. Cháu được đảng trưởng của chúng ta trực tiếp bảo vệ, có ai bằng nào?” Học bảo: “Thưa bác, chính em mới là người được cô gái giỏi võ nghệ này bảo vệ đấy ạ!” Cô Giang lườm: “Vâng. Nhưng nếu anh hèn nhát bỏ chạy khi có biến, em mặc kệ đấy!” Học cười to: “Bác ơi, tổ chức chúng ta có được những người như cô Jeanne d’Arc thế này thì còn lo gì nữa! Thôi, em chào bác! Hẹn gặp lại!” Giang cũng chắp tay khi hai người thủ lĩnh vòng tay chào nhau theo nghi thức võ sĩ vùng Kinh Bắc.

Hai người, một trai một gái trên đường về Thổ Tang. Ếch nhái kêu ran. Con đường đất chỉ thấy nhờ nhờ một vệt trước mắt rồi mất hút trong bóng tối mênh mông. Hai người dừng lại bên quán nước gốc đa. Quán nước có chiếc ghế bằng gióng tre, ban ngày bán củ khoai củ sắn cho người làm đồng nghỉ ngơi và khách vãng lai tránh mưa nắng. Bên ngoài có ba cây rơm còn mới của vụ lúa chiêm. Học chỉ tay vào quán:

-­ Làng không xa nữa, nhưng anh mỏi chân quá rồi. Ta vào nghỉ chút.

Họ bước vào. Học vào trước, phủi bụi chiếc ghế tre và giơ tay trịnh trọng.

-­ Xin mời ủy viên liên lạc Tổng bộ!

Học đứng ngắm nhìn Cô Giang, cô mặc chiếc áo nâu, đầu vấn khăn để tóc đuôi gà, gương mặt phúc hậu, nền nã và cương nghị. Học bỗng tỏ ra lúng túng trước Cô Giang. Cô bật cười khẽ, lùi lại vào góc ghế:

-­ Anh cũng ngồi xuống đi, kêu mỏi mà! Em không ăn thịt đâu mà sợ!

Mãi rồi Học mới tìm được cớ để nói. Học cất giọng ngâm:

-­ Mourir pour sa partie/ C’est le sort le plus bau/Le plus digne d’envie… (Chết cho Tổ quốc/ Hiến thân tuyệt vời/ Ước ao chính đáng nhất).

-­ Bài thơ hay đó, anh. Nhưng… Lúc này em muốn anh nói gì khác cơ…

Học lúng túng.

-­ Có dịp, anh sẽ đưa em về Hà Nội xem bộ phim La passion de Jeanne dʹArc…

-­ Có phim đó hả anh? Hồi học tiểu học ở thị xã Bắc Giang, em và chị Bắc rất thích nữ anh hùng này…

Học cười:

-­ Người Pháp cũng không ngờ là đã truyền bá đắc lực một tấm gương ái quốc cho dân ta!

-­ Thế phải bảo anh Nhượng Tống biên dịch và xuất bản bài báo về Jeanne dʹ Arc cho dân ta biết đi, anh!

Học nhìn Cô Giang với đôi mắt biết cười chứa đầy sự tin, yêu, thán phục.

-­ Ừ… Chi bộ phụ nữ các cô cũng giúp cơ sở phát triển ngày càng rộng…

Cô Giang nguýt:

-­ Thế mà suýt nữa cánh chúng em phải đứng ngoài tổ chức đấy! Anh còn định không kết nạp phụ nữ vào đảng không?

Học cười.

-­ Thì em đã là phụ nữ mở đầu của đảng ta rồi còn gì…

Cô Giang nhìn tinh quái: ­

– Thế cô đào đóng Jeanne có đẹp không anh? ­

– Cô Renée Falconetti, 18 tuổi, lần đầu đóng phim. Tóc cắt ngắn, không hề son phấn. Anh chưa thấy diễn viên Pháp nào đẹp như thế… Nhất là khi cô ấy đứng trong dàn lửa thiêu để bảo vệ đức tin của mình…

Cô Giang nhìn Học như bị thôi miên. Học nói chầm chậm.

-­ Anh ước ao gặp được người bạn đời có tinh thần yêu nước như Jeanne DʹArc….

Cô Giang im lặng, lúng túng, tấm thân vô tình nép vào Học. Anh trìu mến:

­ Gió quá nhỉ! Chắc Giang lạnh?

Giang trả lời khe khẽ:

­ Vâng, gió quá… Lại sắp mưa to…

Trời nổi cơn giông, sấm sét ầm ầm. Gió quật mạnh vào mái tranh, liếp nứa, làm rung lên bần bật. Học đứng lên.

-­ Kiểu này, cái lán gianh không che nổi cho chúng ta đâu…

Học kéo tay Cô Giang ra khỏi quán. Họ đi về phía ba cây rơm. Anh lúi húi một lát bên một cây rơm rồi gọi.

-­ Em lại đây nào!

Cô Giang bước tới cây rơm, càng ngạc nhiên khi nhìn thấy một lổ hổng lớn giữa thân cây rơm mà Học vừa bới ra.

-­ Em vào trước nhé, anh đã kiểm tra an toàn rồi, không bị ẩm, không có rắn rết.

Cô Giang cuí khom lưng chui vào bên trong. Vừa lúc mưa bắt đầu như trút nước, gió giật mạnh. Khi Cô Giang vào hẳn được bên trong cây rơm, Học cũng chui vào. Anh cẩn thận chèn cửa thân cây rơm. Mưa càng nặng hạt hơn. Tiếng sấm nổ. Tia chớp lóe lên, rọi qua kẽ hở, giúp cô nhìn thấy phía sau tấm lưng có đôi vai nở, rắn chắc dưới lớp áo ướt dẫm mồ hôi. Cô Giang cũng đủ thời gian để ngồi nép xuống dịch phía trong.

-­ Hốc ẩn náu này là của đám thằng Nho em anh làm đấy, nó đánh dấu mà chỉ bọn trẻ trâu nhà anh biết.

Một tia sáng lóe lên đi liền với tiếng sấm. Học có cớ để nói:

-­ May quá. Mưa giữa cánh đồng không áo tơi thì ướt hết!

­- Vâng, ướt hết…

­- Nếu ướt, thân tôi sẽ che chở cho Giang…Vâng, che chở suốt đời…

Cô Giang cắn môi bẽn lẽn.

-­ Anh… Em… Vâng…

-­ Tay em đâu?

Cô Giang đưa tay cho Nguyễn Thái Học, anh nắm tay cô.

-­ Em lạnh rồi này… Lạnh quá…

Hai người đều như bị điện giật. Cô Giang để yên bàn tay nhỏ nhắn của mình trong bàn tay to khoẻ của Học đang vuốt ve và che chở. Họ im lặng khá lâu, có thể nghe rõ tiếng tim đập thình thịch trong ngực mỗi người. Học thì thầm giữa tiếng mưa ào ạt:

-­ Ma bien aimée. Je te respecte toujours (Anh rất yêu em. Cô gái mà anh thực lòng quí trọng).

Cô Giang nói nhỏ bằng tiếng Pháp:

-­ Je t’aime beaucoup et aussi notre but (Em rất yêu thương anh. Và yêu sự nghiệp của chúng mình).

Bất giác, Cô Giang ngả vào lòng anh. Họ im lặng ôm nhau hồi lâu. Rồi Học tâm sự: “Cái lần anh và cậu Chính về Yên Dũng… Đêm ấy, anh đang lơ mơ ngủ thì thấy bác Nhu nhỏm dậy, bước tới bàn thở tổ tiên thắp hương, lầm rầm khấn: ‘Biết ơn liệt tổ liệt tông đã phù hộ độ trì cho con được kết tình thân như cha con, bằng hữu với hai chàng trai trẻ tuấn kiệt này, để cùng lo phụng sự đất nước… Con linh cảm thấy giữa thời mưa máu gió tanh này, mối lương duyên giữa đôi trai tài gái sắc kia sẽ thành tựu, kính xin liệt tổ liệt tông chứng giám và bảo hộ cho mối tình của họ…’ Anh đã ứa nước mắt… Lúc chiều, khi anh nói: ‘Em thêm quyết tâm gắn bó với đảng các bác, cũng nhờ ở những người như cô Giang. Còn cái chuyện gán ghép của anh chàng phổi bò Chính kia, bác đừng để tâm ạ! Em đã thề…’, thì bác Nhu đã nghiêm mặt, dí dí ngón tay: ‘Đừng có vội thề! Cái duyên cái số nó kỳ lắm. Chúng tôi có ngọc chẳng nỡ bán rao, nhưng khi chú mày đã tìm thấy kho báu mà bỏ qua thì có tội với trời đất đó!’ Thế là anh vội chắp tay: ‘Đa tạ lời dạy bảo của đại huynh!”

Cô Giang cười:

-­ Hóa ra anh làm theo lời đại huynh chỉ để tuân lệnh thôi à?

Họ cùng cười. Rồi Học rời Cô Giang ra, duỗi người nằm sấp, hai chân quặp lên và nói trước khi vào giấc ngủ:

-­ Em ngả lưng nghỉ chút đi… Sớm mai anh thưa với thầy mẹ… Rồi dẫn em ra đình làng, trình với ʺMọʺ của làng: em là vợ anh, là người của làng Thổ Tang…

Trong bóng đêm, bàn tay cô lần vuốt ve mái tóc, cánh mũi và vầng trán rắn rỏi của anh lúc đó đã ngủ say. Cô Giang thì thầm:

-­ Nếu có chết, em sẽ về làng Thổ Tang để chết!… Cảm ơn mưa gió!….

Tiếng gà gáy ran. Cô Giang choàng tỉnh, ngơ ngác một lúc rồi mới nhớ mình đang ở đâu. Cô lay Học dậy. Trời còn lem nhem, chưa rõ mặt. Bà Quỳnh lập cập dậy đốt đèn khi thấy tiếng Học gọi khẽ. Cô Giang ấp úng chào hai ông bà. Học trịnh trọng:

-­ Thưa thầy mẹ, đây là cô Nguyễn Thị Giang, cùng tổ chức với con. Con cũng thưa thêm với thầy mẹ, là chúng con đã có hẹn ước trăm năm…

Cô Giang nhỏ nhẹ:

-­ Mẹ cho con thẻ hương, mai thắp hương bàn thờ nhà mình xong, chúng con sẽ ra thắp hương ngoài đền Thổ Tang và Miếu Trúc

Đêm, Cô Giang nằm bên bà Quỳnh. Mắt cô nhìn mãi vào khoảng không, nghĩ về những đoạn đời của Học, ngậm ngùi cho cuộc hôn nhân đầu bất hạnh của Học với người đàn bà hơn anh những bảy tuổi… Sớm hôm sau, bà Quỳnh nắm cho hai người một mo cơm với muối vừng để tiện ăn trên đường. Thắp hương đền Thổ Tang xong, hai người vòng sang Miếu Trúc. Cô Giang lầm rầm khấn:

­- Con là Nguyễn Thị Giang, nay hợp duyên hợp số cùng anh Nguyễn Thái Học, xin được về làm dâu con ở đất này. Con nguyện làm người trung nghĩa với liệt tổ liệt tông họ tộc và dân làng Thổ Tang. Mong thần linh thổ địa cùng các bậc thánh thần chứng giám và phù trợ cho chúng con… Chúng con thề nguyền sống chết cùng nhau…

Rồi mấy tháng sau, đúng vào những ngày căng thẳng nhất, hai người lại về Thổ Tang lần nữa bằng đường tắt qua Vĩnh Yên. Đi qua quán nước gốc đa Đồng Vệ, thấy người lố nhố đứng ngồi chỗ bà chủ quán mà không dám dừng lại. Chưa tối hẳn, về nhà lúc này cũng không tiện. Học và Cô Giang vòng qua cánh đồng như người thăm ruộng. Những chân ruộng sâm sấp nước, vừa được cày bừa xong. Những thửa mạ non xanh mơn mởn rải rác đang chờ nhổ cấy.

-­ Chắc thầy mẹ và các em mong lắm… – Cô Giang thổ lộ.

Học muốn giảm sự lo lắng cho người yêu, đánh trống lảng: ­

– Này em, hôm mới gặp nhau ở quê bác Nhu, em có cảm tưởng về anh thế nào?

-­ Cảm tưởng anh là một L’ idiot (chàng ngốc)!

-­ Ôi, thế mà người đẹp cất công đeo đuổi mãi, chàng ngốc mới chấp nhận cho làm vợ đấy!

Cô Giang bĩu môi:

-­ Cao giá thế nhỉ? Đừng tưởng bở!

Bỗng Học dừng lại, nắm chặt bàn tay Giang. Anh nói trong hơi thở:

-­ Chúng mình yêu nhau, lấy nhau trong thời buổi loạn lạc… Anh thương em…

Cô Giang kéo tay Học áp vào bụng mình, thì thầm:

­- Anh có cảm nhận được trái tim nhỏ của con đang đập không?

Học vui sướng như phát điên, ôm lấy Cô Giang mà hôn lấy hôn để.

-­ Anh cám ơn em!… ­ Bỗng anh chợt buồn thiu ­ Nhưng anh thương nó phải chịu vất vả cùng mẹ, rồi phải sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan…

-­ Anh có nhớ cô Kiều nói gì trong buổi đầu gặp Kim Trọng không? ­ – Học nhíu mày nghĩ, thì Giang tiếp luôn ­ Bây giờ gặp mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao…

-­ Còn buổi đầu gì nữa! Đã có cả cuộc đời bên nhau lâu rồi… Mà em nói gở. Anh phạt…

Chiếc hôn dài vừa phạt lại vừa thưởng giữa cánh đồng lộng gió. Thỉnh thoảng Học dừng lại, ôm chặt Cô Giang… Chập choạng tối hai người mới về đến nhà. Bà Quỳnh cuống quýt khi thấy con giai và con dâu xuất hiện. Bà ra ngó nghiêng bên ngoài, đóng cổng cẩn thận rồi quay trở lại. Ông Hách hạ giọng:

-­ Bữa trước Công sứ Vĩnh Yên có giấy sức về Tri phủ Vĩnh Tường đòi lùng bắt con nộp lên sở Cẩm…

Bà Quỳnh vội kể:

-­ Hôm trước thấy ảnh truy nã con và ông xứ Nhu ngoài chợ, mẹ lạnh toát cả người…

Cô Giang không thể chợp mắt nổi đêm ấy, bởi cô biết bà mẹ chồng đã mê mải ngồi ngắm con dâu và lo nghĩ cho tương lai hạnh phúc của đôi trẻ suốt năm canh…

Đoàn tàu hãm phanh vào ga. Cô Giang gật mình nhìn ra. Kim giờ chỉ số 1 trên đồng hồ lớn trên ga. Cô Giang giơ tay chào bác tài, xuống tàu, lật đật lẩn vào bóng tối phía sau ga Yên Bái, rồi lần theo đường tàu, lên quá gác ghi, rẽ ra phía vườn hoa nhà kèn. Bước chân Cô Giang dò dẫm trên đá gồ ghề… Tại nhà một cơ sở Yên Bái, người đàn ông khắc khổ lấy cốc nước lạnh cho Cô Giang, cô uống ừng ực. Ông nhìn Cô Giang ái ngại.

-­ Cơ sở bị vỡ hết rồi. Buổi chúng hành quyết các anh Thuyết, Hoằng, Tiệp, Lương, chúng tôi cũng bất lực… Bây giờ, càng khó hơn. Chúng canh phòng cẩn mật lắm…

Cô Giang bặm môi:

-­ Em cải trang đàn ông trà trộn người xem, rồi liều mình cứu chồng…

Ông Cơ sở lắc đầu buồn:

-­ Làm sao em lao vào đám lính được? Cũng không thể nổ bom tay tại chỗ, chết dân… Không thể cứu được các anh ấy nữa rồi!

Ngay sau lúc Cô Giang tưởng chừng bị quật ngã bởi tiếng lưỡi dao cuối cùng phập xuống thân chồng, có ai đó đỡ cô kịp thời, cô chợt đắm hồn trong giọng đọc Hịch hiệu triệu khởi nghĩa do chính đảng trưởng Nguyễn Thái Học soạn thảo:

“Hỡi Quốc Dân đồng bào! Vâng lệnh Tổ quốc, các đảng viên Việt Nam Quôc Dân đảng xin cùng Quốc Dân đồng bào hợp sức đứng lên đánh đuổi thực dân ra khỏi Đông Dương.
Đuổi người Pháp về nước Pháp, đem nước Nam trả lại người Nam.
Độc lập, Tự do phải về tay người Việt.
Bình đẳng, Bác ái phải trong tay người Việt.
Toàn thể Quốc Dân đồng bào hãy nghe theo tiếng gọi non sông cùng chúng tôi đồng lòng cứu nước.
Lời hiệu triệu này được viết bằng tâm huyết của những người Việt Nam yêu nước”.

Những lời Hịch đó đã giúp cô trấn tĩnh lại để có thể thực hiện những thủ tục linh thiêng không một chút sai sót đối với chồng và các chiến hữu nơi nghĩa địa sát pháp trường, như một người vợ và một Tổng thư ký của đảng trước các nấm mồ tử sĩ.

Xuống tàu, Cô Giang đi bộ thất thểu về làng Thổ Tang. Trăng tà, bóng cô in xiêu vẹo trên mặt đất xù sì méo mó. Đến trước nhà Nguyễn Thái Học, Cô Giang thận trọng gõ cửa. Bà Quỳnh hé cửa, vừa thấy con dâu bà kêu lên khe khẽ:

– Kìa, con!

Cô Giang ôm lấy mẹ chồng, rồi khóc nấc. Bà Quỳnh ngã vật xuống bên thềm nhà không thể thốt lên được lời nào. Ông Hách cũng bước tới lặng yên, cúi đầu. Hai người em cũng chạy tới, ôm lấy mẹ và chị cùng khóc.

Cô Giang chít khăn trắng thắp hương trên ban thờ tổ tiên, rồi quỳ lạy cha mẹ chồng. Cô Giang cố ghìm nước mắt.

– ­Thưa thầy mẹ, chúng con đã không làm tròn trọng trách của Tổ quốc giao phó… Và cũng không thể làm tròn nghĩa vụ của những người con… Thầy mẹ hãy tha thứ cho chúng con… Con xin vĩnh biệt!

Bà mẹ gào lên đau đớn.

-­ Con ơi! Học mất rồi, sao con nỡ bỏ thầy mẹ mà đi…

Cô Giang cố gỡ những ngón tay bấu víu của bà Quỳnh, rồi chạy đi, vừa chạy vừa lau nước mắt.

Trong ngôi Miếu Trúc, Cô Giang khấn lạy hồn thiêng thánh Mẫu và Lân Hổ. Rồi cô tất tưởi đi về phía đường cái quan, trong chiếc áo vải trắng dài, quần lụa thâm, xổ dài mái tóc cuốn khăn trắng. Gió giữa đồng lồng lộng như giật chiếc khăn tang trên mái tóc cô để ném vào không trung vô định. Cô Giang ra tới quán nước gốc đa, nơi ghi dấu mối tình sử không quên. Bỗng tựa có một luồng khí lạnh sau gáy khiến Cô Giang rùng mình. Lời Nguyễn Thái Học vẳng lại: “Nếu phải chết, sẽ về làng để cùng chết!” Cô khẽ kêu lên: “ Nguyễn Thái Học ơi! Em đi với anh đây!”

Rồi cô rút khẩu súng mà Nguyễn Thái Học tặng đưa lên ánh trăng ngắm nghía. Cô bùi ngùi sống lại ngày nước sôi lửa bỏng nhất… Tại cơ sở bí mật ở thôn Trụ, Lương Tài, Bắc Ninh đã có cuộc gặp gỡ của mấy nhà cách mạng Việt Nam Quốc Dân đảng vừa thoát khỏi sự truy sát của địch: Nguyễn Thái Học, Sư Trạch, Lê Hữu Cảnh, Nguyễn Xuân Huân, Nguyễn Đôn Lâm và Nguyễn Thị Giang. Bàn bạc công việc xong, mọi người phân tán, mỗi người đi mỗi ngả. Lúc ấy Cô Giang mới khóc nấc lên và ôm chầm lấy Học:

–  Chị Bắc bị bắt rồi anh ơi!

Học sững sờ.

-­ Tội nghiệp chị Bắc… Không hiểu chị có chịu đựng nổi những đòn tra khảo sắp tới?

-­ Em tin rằng không gì đánh gục nổi chị ấy đâu…

-­ Còn anh với em bây giờ lại phải chia tay nhau, đi gây lại cơ sở thôi.

-­ Em thương anh quá… Sự nghiệp của anh dở dang mất rồi…

-­ Sự nghiệp của chung chứ em! Không sao, thua keo này bày keo khác! Giờ quan trọng nhất là em cần tự mình bảo trọng, giữ gìn giọt máu của anh. Anh còn phải nhờ cậy em nhiều…

-­ Tan vỡ hết cả rồi anh ơi! Lần này anh đi, lành ít dữ nhiều…

Học cố tìm lời động viên, song nghẹn lời. ­

– Nếu anh có mệnh hệ gì, thì cũng là do vận nước chưa gặp thời… Em chỉ cần nói với thầy mẹ là anh đã sống xứng đáng là đứa con hiếu trung…

Cô Giang cũng nghẹn lời.

-­ Anh ơi… Biết bao giờ mới gặp lại anh?

Học cương quyết đứng lên:

-­ Em nhớ tự bảo trọng… Những điều chúng ta chưa làm được, con sẽ làm thay

Hai người ghì siết nhau. Không gian như chết lặng. Học rút ra đưa cho Cô Giang khẩu súng ngắn. Cô Giang gạt đi.

-­ Anh cần đến nó hơn em

-­ Em rất cần để phòng vệ, bởi sẽ nhiều tình huống nguy hiểm. Với lại, đây cũng có thể là kỷ vật cuối cùng của anh…

Cô Giang giơ hai tay cầm lấy khẩu súng định mệnh.

-­ Vâng, nếu đã vậy thì cũng là lời thề của em nữa… ­ Học nhìn vợ chờ đợi ­ Ta sẽ chết cùng nhau!

Học gật đầu: ­

– Nếu phải chết, sẽ về làng để cùng chết!

Cô Giang cắt một lọn tóc đưa cho Học: ­

– Còn đây cũng là kỷ vật cuối cùng của vợ anh đó!

Người góa phụ nhìn thật lâu vào khẩu súng chợt mờ nhòa đi trong mắt cô, và lời người chồng vừa bị rơi đầu trên máy chém mà cô tận mắt chứng kiến sáng hôm qua lại chợt hiện về: “Nếu phải chết, sẽ về làng để cùng chết!” Cô Giang thốt lên: “Nguyễn Thái Học ơi! Em đi với anh đây!”, rồi đưa nòng súng lên sát tim mình. Cô bóp cò súng. Năm ấy, Cô Giang vừa tròn 21 tuổi.

Thi hài Cô Giang

Trong năm đó, nhà cách mạng Phan Bội Châu đã viết bài “Văn tế Cô Giang” thống thiết, trong đó ông kính cẩn gọi Cô Giang là “Chị”, và xưng “Em Châu”, ông so sánh Cô Giang với các nữ anh hùng nước Pháp và nước ta: “Xem sách Pháp từng đem óc nghĩ Lân Đá (Jeanne d’Arc), La Lan (Mme Rolland) thuở nọ, chị em mình há dễ ai hơn; Giở sử nhà thoạt vỗ tay reo Bà Trưng, Triệu Ẩu xưa kia, non nước ấy có đâu hồn chết…”


(1) Từ chữ “tao khang chi thê” (người vợ tấm cám), chỉ tình nghĩa vợ chồng gắn bó từ thuở khốn khó.

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN
VĂN HIẾN VIỆT NAM – SỐ 7+8 (354+355) 2024

Cùng chuyên mục

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Người rời thành phố vào sáng sớm

Người rời thành phố vào sáng sớm

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Phó Đức Phương và khát vọng sử ca

Phó Đức Phương và khát vọng sử ca

Nỗi lòng của một khán giả khi xem vở tuồng “LỤC VÂN TIÊN VÀ KIỀU NGUYỆT NGA”

Nỗi lòng của một khán giả khi xem vở tuồng “LỤC VÂN TIÊN VÀ KIỀU NGUYỆT NGA”