Đại dịch cúm Tàu, như cách dân gian vẫn gọi, bùng nổ từ Vũ Hán, Trung Quốc, từ cuối năm 2019, hoành hành dữ dội trên toàn thế giới trong suốt hai năm 2020-2021, rồi dần suy yếu từ đầu năm 2022.
Một cuộc chiến tranh thế giới – Thế chiến III, chiến tranh vi trùng – nhưng quy mô mở rộng hơn nhiều so với hai Thế chiến trước đó. Nó tràn ra cả bên ngoài châu Âu và châu Á, vượt hẳn ra khỏi bức tường các đại dương để sang đến tận châu Mỹ và châu Úc.
Một cuộc thiết quân luật và cả giới nghiêm quy mô toàn thế giới.
Nó có nhiều tên gọi: dịch Corona, dịch Covid-19, dịch virus Wuhan… nhưng chung quy, gọi tên nào thì người ta đều hiểu đúng cái nghĩa gốc: dịch cúm Tàu.
Kẻ khởi lên và gieo rắc dịch cúm này, dù chơi dao cũng đã phải tàn hại vì dao, nhưng chúng cũng đang ngầm đắc chí. Từ nay, chúng đã biết nhân loại sợ cái gì, chúng biết cần sử dụng vũ khí gì để khống chế nhân loại và thực hiện thiết quân luật trên toàn thế giới.
Đó là lý do cần phải nhắc lại lời của Julius Fučík: Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!
Phải nhắc lại nhiều lần, hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!
Và phải kịp thời có biện pháp đối phó, thậm chí chủ động tấn công. Một nỗ lực ở tầm nhân loại.
Ở Việt Nam, biết bao đau thương với hơn ba vạn người dân bị cướp đi mạng sống. Người thoát khỏi tử thần thì đời sống khốn đốn vì bị cách ly, bị phong tỏa, thoi thóp trong tình trạng thiếu thốn tất cả những gì thiết yếu.
Bao nhiêu nước mắt đã chảy, bao nhiêu lo sợ, phập phồng, hoảng loạn. Bao nhiêu số phận tan cửa nát nhà. Một cuộc tháo chạy hỗn loạn ra khỏi các đô thị.
Bất kể những sai lầm và chậm trễ của thể chế, người dân khắp đất nước đã phải tự mình nỗ lực vượt lên cái chết, cùng lúc ghi nhận công lao của những người anh hùng ngành y trên tuyến đầu của cuộc chiến.
Rồi người ta sẽ ghi lại những mất mát đau thương này bằng nhiều hình thức, trong đó có văn chương.
Nhưng trước hết, xin tạm tập hợp lại đây những tiếng cười giọng giễu, châm biếm những điều trớ trêu nực cười xảy ra trong đại dịch: những sai lầm của con người khi phải đối mặt với một đại nạn chưa từng có. Những chậm trễ vụng về của những người gánh chịu trách nhiệm trước toàn thể dân chúng và cả đất nước. Những kẻ trục lợi ngay trong nỗi đau thương của đồng loại.
Cười. Cười. Cười.
Và cười.
Trong tận cùng tiếng cười bao giờ cũng là nước mắt.
Người sưu tầm không lướt mạng. Bạn bè khắp nơi tìm thấy và gửi đến cho đọc những điều cười ra nước mắt này. Tôi tập hợp lại, chọn lựa ra những tiếng cười có ý thức, tức không phải là sự cười cợt.
Đây mới là một phần nhỏ trong cái biển cười dân gian giữa đại dịch. Những khái niệm nảy sinh trong thời cúm Tàu, hiện tại chưa cần phải chú thích nhiều, nhưng về lâu dài sẽ cần có giải thích để cho những thế hệ sau dễ hiểu.
Tuyển tập này bao gồm những tiểu phẩm lan truyền trên mạng và trong dân chúng nên hầu hết là khuyết danh. Nếu như có tác giả nhận ra sản phẩm của mình thì xin rộng lòng cho người đọc được sử dụng theo hình thức phi lợi nhuận.
Văn chương trào phúng thời cúm Tàu gồm bốn phần:
Phần một: Thành ngữ – Tục ngữ – Lời vàng ý ngọc.
Phần hai: Ca dao – Thơ – Phú – Văn khấn.
Phần ba: Giai thoại – Chuyện châm biếm.
Cuối cùng là phần Phụ lục: Những ca đầu tiên trên khắp thế giới – “Đội quân cảm tử Tàu” xuất phát từ Vũ Hán.
Hồ Anh Thái/VHVN