Lá đơn thứ 72 và ánh sáng công lý Hồ Chí Minh

16:24 | 31/05/2022

Đ/c Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư và NSND Lệ Ngọc.

Sau đêm tổng duyệt tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lá đơn thứ 72 của Sân khấu Lệ Ngọc đã có hai buổi công diễn rất thành công vào ngày 19/5/2022 tại Cung Hữu Nghị Hà Nội. Hơn 2500 khán giả và các đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Thường trực Ban bí thư, Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Lê Hoài Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương…rất hào hứng theo dõi vở diễn với những tràng vỗ tay dài cổ vũ cho nhiều cảnh diễn, nhất là các cảnh có sự xuất hiện của Bác Hồ.

“Chuyện của một con người là nhỏ sao?”

“Chuyện của một con người là nhỏ sao?”. Câu hỏi nghiêm khắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thư ký thân tín Vũ Kỳ sau khi được biết 71 lá thư kêu oan trong suốt 8 năm trời gửi cho Bác của một người tù đang thụ án giết người đã bị Văn phòng Chủ tịch nước coi là chuyện nhỏ không chuyển cho Bác mà trả về người gửi nên đến lá thư thứ 72 nhờ sự “xé rào” của một kiểm sát viên đồng cảm với người viết đơn, Bác mới nhận được. Câu hỏi ấy của Bác là thông điệp nóng bỏng của vở diễn Lá đơn thứ 72 của sân khấu Lệ Ngọc.

Lá đơn thứ 72 là kịch bản của tác giả Hoàng Thanh Du  hoàn thành hơn hai năm trước. Kịch dựa vào câu chuyện thật về một người tù thụ án giết người kiên trì viết thư kêu oan trong 8 năm ròng gửi tới Bác Hồ và tin rằng nhất định Bác Hồ sẽ giải oan cho anh. May mắn là bức thư thứ 72 của anh đã đến được với Bác. Đích thân Bác đã chỉ thị cho điều tra lại bản án mà Người tin có lẽ có oan khuất. Cuối cùng nhờ cán bộ điều tra công minh trách nhiệm, thủ phạm đã bị phát hiện và người tù oan được trả lại tự do.

Phân cảnh Bác Hồ đọc lá thư số 72.

Câu chuyện vụ án đó đã được tác giả hư cấu thành một kịch bản thể hiện niềm tin không gì lay chuyển nổi của nhân dân ta vào sự anh minh của Bác cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh về nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ pháp luật, của những người giữ cán cân công lý: Công lý công bằng phải luôn được dành cho mỗi người dân, dù họ là ai. Đối với Bác, nỗi oan trái của một con người là sự thất bại của nền công lý một đất nước. Hình tượng Bác Hồ trăm công ngàn việc giữa những năm chống Mỹ ác liệt nhất, thức khuya dậy sớm vì sự thành bại của sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, nhưng vẫn không coi số phận của một con người là việc nhỏ. Lá thư kêu oan bền bỉ của một người tù và sự vô cảm đối với đơn thư loại này của hệ thống công vụ đem đến cho Người nhiều suy tư dằn vặt. Không những chỉ thị cho cơ quan pháp luật phải điều tra lại để tránh oan sai mà đích thân Bác đã cải trang cùng thư ký và cảnh vệ đến tận nhà vợ con người tù để hiểu thêm về anh cũng như gia đình. Ngoài những cảnh có sự xuất hiện của Bác, các cộng sự thân thiết, người tù oan và gia đình, đặc biệt xúc động còn là cảnh một người tù vốn là đại úy quân đội, vì quá phẫn nộ trước sự hành hạ nhẫn tâm đối với người mẹ một đồng đội đang ở chiến đấu ở miền Nam của một cán bộ thuế vụ, anh đã lỡ tay bắn chết người này, phải mang án giết người. Nay anh lại ra tay đánh chết một tên tù nguyên là cán bộ lãnh đạo tham nhũng theo công giáo ngay trong phòng giam, khi tên này nhăn nhở nhạo báng Chúa và tuyên bố tấm thẻ Đảng cùng chức vụ Đảng giao cũng chỉ là phương tiện để hắn vinh thân, phì gia. Cảnh này là một sáng tạo đắt giá của tác giả Hoàng Thanh Du.

Lá đơn thứ 72 với ê kíp dàn dựng có NSND Lê Tiến Thọ ở vai trò đạo diễn và NSND Vương Duy Biên là họa sĩ. Hai người đều nguyên thứ trưởng Bộ VHTT&DL, ông Thọ là cựu Chủ tịch Hội NSSKVN, ông Biên hiện đang là Phó Chủ tịch Chuyên trách LHCHVHNTVN. Hai người phối hợp với nhau khá nhịp nhàng trong xử lý không gian sân khấu theo phương pháp ước lệ rất thông minh. Thành công của đạo diễn Lê Tiến Thọ ở Lá thư thứ 72 là đã phối hợp hiệu quả với Chỉ đạo nghệ thuật kiêm NS Văn Hải xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh như một con người vĩ đại mà bình thường, giản dị, nghiêm minh mà nhân ái, bao dung, cương trực mà sâu sắc, tinh tế. Tình yêu đối với Bác, lòng yêu nghề, tinh thần lao động nghiêm túc, sự cộng hưởng sáng tạo với một tập thể tài năng đã làm Văn Hải thực sự thăng hoa, sáng tạo một vai diễn Bác Hồ thực sự xuất sắc.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng các nghệ sĩ của Sân khấu Lệ Ngọc sau buổi diễn.

Bên cạnh NS Văn Hải, NS Anh Tuấn trong vai người tù oan Đỗ Minh, NSND Lệ Ngọc vai vợ Đỗ Minh, NSUT Hoàng Tùng vai Vũ Kỳ, NSUT Lê Chí Kiên vai Giám thị, các nghệ sĩ  Huy Bách vai Viện trưởng kiểm sát, Lâm Cương và Công Phùng vai cán bộ điều tra, Hoàng Nam vai người tù yêu dân yêu Đảng, Huy Hoàng vai người tù tham nhũng, Thanh Hưng vai thủ phạm giết người đội lốt bệnh nhân tâm thần, Anh Đào vai em gái thủ phạm, Châu Sa vai con gái Đỗ Minh đều đã khắc họa rất sắc nét vai diễn để cùng làm nên một Lá đơn thứ 72 chân thật, xúc động và nhiều ý nghĩa.

Sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả trong hai xuất công diễn đầu tiên trong ngày 19/5/2022 tại Cung Hữu Nghị cho thấy với tính thời sự nóng bỏng và chiều sâu nhân văn của Lá đơn thứ 72, tác phẩm sẽ được phổ biến rộng rãi và có sức sống lâu bền trong công chúng. GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia nghiên cứu về Hồ Chí Minh, cho rằng Lá đơn thứ 72 là vở kịch thể hiện rất xuất sắc tư tưởng của Hồ Chí Minh về công lý và quyền con người. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông cũng nhận xét Lá đơn thứ 72 là một trong những tác phẩm hay nhất, tốt nhất hiện nay về đề tài Hồ Chí Minh trên sân khấu nước nhà…

Anh Thảo/ Tạp chí Văn Hiến Việt Nam

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng