Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.
Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.
Nhiều kết quả khích lệ
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Ảnh: TTXVN phát
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) – Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2020, cho thấy so với năm 2015, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể như: Tại nơi làm việc giảm từ 42,6% xuống 30,9%; Tại nhà giảm từ 59,9% xuống 56,0%. Tỷ lệ người bệnh được tư vấn cai nghiện thuốc lá tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020. Số bệnh nhân cai nghiện thành công từ năm 2017 đến năm 2020 là 1.111 người.
Trong lứa tuổi học sinh 13-17 tuổi, kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh Toàn cầu tại Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới thực hiện năm 2019 cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36%năm 2013 xuống 2,78% năm 2019 (giảm 50%), tỷ lệ học sinh đã thử thuốc lá hoặc thuốc lào giảm từ 12,1% xuống 8,3%.
Nhận thức về tác hại của thuốc lá năm 2020 cao hơn năm 2015; có 96,2% người tin rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi; 81,1% tin rằng hút thuốc lá gây đột quỵ, 77,8% tin rằng hút thuốc lá gây đau tim và 72,2% tin rằng hút thuốc là gây ra cả 3 bệnh trên. 65,2% người dân đã từng nghe tới Luật phòng chống tác hại thuốc lá…
“Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam trong thời gian qua, đáp ứng được một trong những mục tiêu quan trọng của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đó là ngăn ngừa hút thuốc trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho hay.
Hỗ trợ thực hiện hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá được thành lập theo Quyết định số 47/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thời gian qua, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành, các tổ chức Chính trị xã hội và Ủy ban nhân dân các tỷnh, thành phố tăng cường thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Trong thời gian qua, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá tập trung hỗ trợ nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và các văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó, Quỹ phối hợp với các địa phương nhân rộng các mô hình môi trường không khói thuốc tại các cơ quan đơn vị và các tỷnh, thành phố.
Cùng với nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên phòng, chống tác hại thuốc lá và Cơ quan điều hành Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Quỹ thực hiện nghiên cứu, đánh giá về tình hình sử dụng thuốc lá, tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội để cung cấp bằng chứng phục vụ công tác Phòng, chống tác hại thuốc lá. Quỹ cũng thực hiện thí điểm thực hiện công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá qua điện thoại và công tác tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá tại các cơ sở y tế.
Hiện, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đang hỗ trợ hơn 100 các cơ quan, đơn vị bao gồm các Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các tỷnh, thành phố và bệnh viện thực hiện các hoạt động về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
“9 năm từ khi thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ Y tế – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, sự nỗ lực của Quỹ và sự phối hợp tích cực của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội và các tỷnh thành phố, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lượng Ngọc Khuê cho biết.
Nhân rộng môi trường không khói thuốc
Các hoạt động xây dựng nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, thành phố du lịch, khách sạn, nhà hàng không khói thuốc được triển khai nhân rộng. Các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động.
Nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quy định về môi trường không khói thuốc như Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cơ quan Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Tại các tỷnh, thành phố công tác xây dựng cơ sở y tế không khói thuốc cũng được chú trọng triển khai. Một số bệnh viện điển hình như Bệnh viện Đa khoa tỷnh Đắk Lắk, Bệnh viện huyện Hải hậu, Nam Định…
Bên cạnh đó, mô hình khách sạn, nhà hàng không khói thuốc lá cũng đang được nhiều khách sạn, nhà hàng hưởng ứng như khách sạn Novotel và Lotus tại Hạ Long; Khách sạn Hữu nghị tại Hải Phòng; Chuỗi nhà hàng Thái Express; Khách sạn Caravelle Thành phố Hồ Chí Minh… với quy định cấm hút thuốc khu vực bên trong khách sạn, nhà hàng.
Theo báo cáo của các tỷnh, thành phố, chỉ trong 2 năm 2019-2020, số lượng các đơn vị thực hiện nghiêm quy định môi trường không khói thuốc đạt được là: 7.957 trường mẫu giáo, 7.846 trường tiểu học, 4.606 trường trung học cơ sở, 1.318 trường trung học phổ thông, 202 trường đại học, cao đẳng; 598 bệnh viện tuyến tỷnh, huyện; 4325 nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong nhà; 377 công ty xe khách thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và cấm hút thuốc trên xe khách; 371 khách sạn, 513 nhà hàng thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong nhà.
Còn nhiều khó khăn
“Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta đang phải đối mặt với một số thách thức như tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao; các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện như thuốc lá điện tử, thuốc lá hút Shisha…”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lượng Ngọc Khuê cho biết.
Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo nghiên cứu về Sức khỏe thanh thiếu niên ở nhóm tuổi 13 – 17 tuổi của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử chiếm 2,6% năm 2020. Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 – 24 tuổi với tỷ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 – 44 tuổi (3,2%), 45 – 64 tuổi (1,4%).
Hiện, thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Việt Nam là nước có mức thuế thiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với các nước phát triển. Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam là 75% giá xuất xưởng. Nếu tính trên giá bán lẻ mức thuế này chỉ chiếm 36,1%.
“Thuế thuốc lá thấp làm giá thuốc lá rẻ. Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới, giá trung bình của một bao thuốc lá hai mươi điếu có xu hướng giảm (12.101 đồng Việt Nam/bao năm 2015 và 11.848 đồng Việt Nam/bao năm 2020 sau khi đã hiệu chỉnh lạm phát). Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lượng Ngọc Khuê cho hay.
Bên cạnh đó, thông điệp về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người in trên bao bì thuốc lá đã thực hiện 5 năm nhưng chưa có thay đổi về hình ảnh và nội dung. Các bằng chứng trên thế giới cho thấy tác động của diện tích hình ảnh cảnh báo lớn trên bao bì các sản phẩm thuốc lá lên nhận thức và hành vi sử dụng thuốc lá. Các hình ảnh này cùng với các thông điệp có thể làm tăng mong muốn bỏ thuốc và giảm tỷ lệ bắt đầu hút thuốc. Diện tích cảnh báo bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc hiện nay chỉ là 50%, còn nhỏ so với các nước khác trong khu vực Lào, Brunei và Myanmar là 75%.
Đặc biệt, khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam còn rất dễ dàng, thuốc lá được bày bán khắp nơi. Hiện nay, chúng ta chưa có quy định về việc cấp phép để quản lý các điểm bán thuốc lá lẻ. Việc giảm số lượng các điểm bán lẻ thuốc lá thông qua việc quản lý, cấp phép cho các điểm bán đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ là biện pháp hữu hiệu để giảm tiếp cận của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thuốc lá.
“Kinh nghiệm của các nước cho thấy, vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, nên phòng, chống tác hại của thuốc lá là một chương trình lâu dài cần có những chính sách mạnh mẽ về tăng thuế, xây dựng môi trường không khói thuốc, truyền thông hiệu quả. Cùng với đó là sự can thiệp phù hợp đối với những sản phẩm thuốc lá mới và cấm hoàn toàn các chiêu thức quảng cáo, khuyến mại của ngành công nghiệp thuốc lá… Với nỗ lực thường xuyên và bền bỉ mới có thể giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá và giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng sản phẩm này”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lượng Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Bích Thủy (TTXVN)
Nguồn Báo Tin Tức
https://baotintuc.vn/xa-hoi/ty-le-hut-thuoc-la-dien-tu-trong-thanh-thieu-nien-gia-tang-nhanh-20220530153812616.htm