Bùa yêu ăn phải, dạ càng ngẩn ngơ
Biết rằng đâu trong đục mà chờ?…
Cô tôi lẩm nhẩm câu hát ấy vào một buổi chiều, khi bà tôi từ ngoài đồng trở về với đôi quang gánh đầy nhóc lá trâm, vắt vẻo thêm một chùm dủ dẻ chín vàng mọng nước.
“Tít đâu! Ra bà cho!”. Bà đặt đôi gánh xuống sân, giở nón cời phe phẩy xua cái nắng oi nồng. “Cháu bà là nhất!” – cô tôi đùa khi bà thả cái nón, gỡ chùm dủ dẻ xuống. “Ăn đi rồi rải lá vào chuồng cho heo nằm giúp bà!” – quay sang cô tôi vẫn còn đứng bên hiên đong đưa hát, bà giục: “Bắc nồi cơm chưa? Ăn sớm mẹ còn ngâm gạo mai xay bột đúc bánh xèo cho Tít, nó sắp về thành phố”.
Cô tôi nhanh nhẹn vào bếp thổi lửa phù phù, bụi tro bay tứ tung, lát sau bếp lửa đã phừng phực. Bữa cơm dọn ra trên tấm chiếu manh, chỉ có ba người với bát canh rau tập tàng hái trong vườn nhà. Tôi hít hà đĩa cá chuồn kho mít của bà, món này biết tôi ưng nên lần nào ra chợ có cá chuồn là bà mua về rồi ra vườn vặt xuống trái mít non. Cái nồi gang còn lấm tấm tàn rơm, tôi mở vung xới cơm cho bà ra cái chén nhôm lâu năm đã mòn vẹt nhưng bà nhất định không vất nó đi. “Cái chén này từ ngày ông chưa đi xa…” – nghe tôi nhắc đến ông, bà lại nghẹn ngào.
“Bà thương ông nên không đi lấy chồng chứ gì!” – tôi ngô nghê nói chưa hết câu đã thấy bắp đùi đau điếng vì cái nhéo của cô. Tôi len lén nhìn sang, cô tôi cau mày ra hiệu yên lặng. Bà gắp miếng mít non, đôi đũa trong tay bỗng run run.
“Bà kho cá chuồn với mít là ngon nhất trần đời!” – tôi chồm qua dụi đầu vào ngực bà, trong một thoáng tôi cũng kịp nhìn thấy đôi mắt già nua đang ầng ậng nước. “Cha mày! Nịnh bà là giỏi, nay cũng mười hai mười ba rồi chứ không ít, khéo mươi năm nữa lấy chồng, bà được ăn bữa đám!” – bà cười, miệng còn vương chút nước trầu, quay qua với tay lấy cái quạt mo phe phẩy cho tôi.
Ngày còn trẻ bà tôi là cô gái đẹp nhất làng. Bà gặp ông tôi, hai người bén duyên từ cái nhìn đầu tiên. Về sống với nhau được ba năm, bà đã kịp cho ra đời hai người con là bố và cô tôi.
Cô tôi vừa tròn năm, ông tôi theo bạn lên rừng lấy gỗ rồi không về. Toán người lúc đi có năm, về chỉ còn lại hai. Người ta kể rằng cơn lũ rừng đột ngột ập về lúc nửa đêm, cuốn trôi cả người, nhà cửa và heo gà ở ngôi làng đó. Hôm sau lũ yên, người ta tìm thấy xác một người, còn hai người mất tích, trong đó có ông tôi. Bà tôi sau cơn vật vã thì khăn gói lên đường ngược xuôi tìm chồng. Gửi hai đứa con cho ông bà nội, bà lặn lội đi, hết năm này sang năm khác. Ai thấy cũng thương, khuyên bà thôi ý định, bao nhiêu năm rồi, xác ông giờ cũng vùi tận nơi nào biết đâu mà tìm. Lặn lội ngược xuôi tìm chồng không thành, bà trở về lên chùa, khấn vái tứ phương.
Năm ông ra đi, bà hãy còn là thiếu phụ xinh đẹp, mới ngoài hai mươi, đến trai làng chưa vợ nhìn bà cũng say. Ông bà cố tôi thấy con gái còn quá trẻ, khuyên đi bước nữa, còn hai đứa con để ông bà mang về nuôi giúp. Bà chỉ yên lặng, lầm lũi sớm hôm ra đồng, nghe ai đi rừng bà cũng tìm đến hỏi thăm, nơi nào có chút manh mối bà lại khăn gói lên đường. Nhiều gã trai làng theo đuổi bà không thành thì quay qua ác miệng, bảo bà tôi ăn phải bùa yêu của ông từ thời con gái nên cứ chờ cứ đợi, chứ người ta thấy đâu đó một lần ai như ông tôi, đã có một gia đình khác.
Năm bố tôi vào đại học, người đàn ông mất tích cùng với ông tôi bỗng đột ngột trở về với đôi chân tàn phế sau mười lăm năm đăng đẳng. Ông kể mình bị lũ cuốn trôi, đá tảng đè vào dập nát chân. Trong cơn lũ hung bạo ông nghĩ mình sẽ chết. Lúc tỉnh lại thấy mình nằm trong ngôi nhà của một người dân tộc thiểu số. Đôi chân của ông được chữa lành nhưng vĩnh viễn không còn đi lại được nữa. Bà tôi hay tin lòng khấp khởi hy vọng. Hôm sau, bà khăn gói lên đường tìm đến ngôi làng người đàn ông ấy đã ở. Một tuần sau bà trở về, đôi mắt câm lặng và miệng gần như mất cả nụ cười.
Bà bắt đầu tìm đến thầy bói, thầy cúng trong làng. Ai chỉ đâu bà đi đó. Trong cơn tuyệt vọng, bà gần như mù quáng. Có lão thầy cúng trong làng còn làm cho bà cái bùa cột bằng những sợi chỉ xanh, đỏ. Đi đâu bà cũng mang nó trong người, vì tin rằng có lá bùa này hương linh ông nội ở đâu cũng sẽ tìm về báo mộng cho bà.
Năm tháng trôi, bố tôi lập gia đình, còn cô tôi ở vậy chăm bà. Bà nói cách gì cô cũng một mực không nghe. Đám trai làng thầm thương cô, lượn lờ năm này qua năm nọ rồi cũng thôi, chẳng ai đeo đuổi một người cả đời cứ quay mặt đi. Cô tôi ngoài ba mươi vẫn hồn nhiên trong trẻo như gái đôi mươi; sáng ra đồng, chiều về vừa đi vừa hát nghêu ngao…
* * *
Tôi chạy chân trần trên cánh đồng vàng xuộm, đuổi bắt con châu chấu to bằng ngón tay. Cô tôi theo sau, mớ tóc dài xổ tung cùng với nụ cười chấp chới nắng. Hai ngày nay, bà tôi than mệt trong người, chỉ ăn qua loa rồi đi nằm. Hai cô cháu lên đồi hái lá trâm. Cô tôi đi trước, đôi gánh kĩu kịt theo bước chân nhún nhảy. Tôi theo sau, thở hồng hộc như con Mực chạy ngoài đồng giữa trưa. Đến cái ao bèo, cô dừng lại chặm mồ hôi, cởi nón phe phẩy; những giọt mồ hôi rịn ra bết vào mớ tóc mai đang rũ xuống. Tôi ngồi bệt xuống mương nước giữa đồng, ngửa mặt nhìn những đám mây, bâng quơ hát bài đồng dao tôi mới học từ tụi trẻ chăn trâu: “Huê hà huê hưởng/Cà cưỡng bay cao/Chào mào bay thấp/Chim bay về ấp/Đỏ mỏ về trời/Nghe tiếng tao mời/Về ăn thịt chuột/Mâm trên thì luộc/Mâm dưới thì đầu/Mời chú mời lâu/Chăn trâu nuốt hết…”.
Cô tôi phe phẩy cái nón trong tay thì quay qua phì cười, giục: “Về thôi, không bà lại đợi!”. Tôi xăm xăm đi trước, đến cái vũng trâu đằm nhảy phóc qua rồi co chân chạy trước, cô tôi lặc lè gánh lá phía sau.
Về đến nhà đã trưa trầy trưa trật. Từ đầu ngõ, tôi đã gọi bà thiệt to. Không có tiếng trả lời. Vào nhà cũng không thấy bà đâu, tôi chạy xuống bếp, tro bếp lạnh tanh. Mọi hôm giờ này, bà đã vần nồi cơm bên bếp lửa. Linh tính, tôi vào buồng. Bà nằm trên giường, tấm chăn mỏng đắp ngang người. Tôi lại gần khẽ lay. Bà vẫn nằm im. Tôi hốt hoảng lao ra ngoài định gọi hàng xóm, vừa lúc cô tôi vào đến hiên.
Quăng gánh lá xuống sân, cô lao vào buồng hốt hoảng lay bà, vừa lay cô vừa mếu máo “Mẹ làm sao thế này!”, quay qua tôi cô giục: “Nhanh phụ cô đưa bà ra trạm xá”. Lúc này bà hé mắt, ra hiệu cô lại gần: “Đừng đưa mẹ đi đâu hết, đến giờ mẹ theo thầy rồi, thầy đợi mẹ dưới kia!”. “Mẹ!” – cô tôi kêu lên, ôm mặt nức nở.
“Nghe mẹ dặn đây…” – bà tôi thều thào tiếng được tiếng mất. Cô tôi áp tai vào bà, nước mắt lưng tròng, đầu khe khẽ gật. Tôi đứng như trời trồng trong tiếng bà đứt quãng: “Mẹ đi đây, đợi anh con về, lôi cái rương dưới gầm giường… mở ra rồi… chôn đồ trong đó… theo mẹ”. Lúc này, tôi như sực tỉnh, hiểu điều gì đang xảy ra. Tôi lao đến ôm chặt bà nức nở: “Bà ở lại với con, đừng đi mà! Mới hôm nào bà còn bảo…”.
Bà tôi buông một tiếng thở hắt, cánh tay thõng xuống chiếu, đôi mắt nhẹ nhàng khép lại. Bố tôi về đến nơi, bà đã nằm như say ngủ. Ông lặng đi bên bà, hai hốc mắt khô rang. Có lẽ nước mắt bố tôi chảy ngược hết vào trong. Bố ôm bà, thầm thì “Mẹ đi đột ngột quá, chẳng đợi con!” rồi nấc nghẹn.
Người làng kéo đến chật kín nhà lo việc ma chay cho bà. Lúc này, cô tôi mới sực nhớ lời bà trăng trối. Cô kéo bố tôi vào buồng lôi cái rương dưới gầm giường ra. Bố quệt ngón tay phủi lớp bụi, chầm chậm mở nắp rương, bàn tay ông khẽ run lên. Ánh sáng bên ngoài rọi qua ô cửa chấn song, tôi nhìn thấy trong rương một mớ hũ sành lớn nhỏ, chiếc nào cũng có nắp đậy. Bố mở hũ đầu tiên ra, bên trong một nắm đất đã vón lại, khô cứng như đá. Bố mở tiếp hũ thứ hai, hũ thứ ba, rồi thứ tư… Cả thảy mười lăm hũ sành, bên trong đều có một nắm đất đã khô cứng. Dưới đáy rương bố tôi còn tìm thấy một lá bùa được cột bằng những sợi chỉ màu. Lá bùa thì tôi hiểu nhưng ngơ ngác không hiểu bà cất làm gì những mười lăm hũ đất. Góc buồng, cô tôi ôm mặt khóc rấm rứt, tiếng khóc bật ra rồi nghẹn lại. Bố tôi, sau một hồi gục đầu vào hai bàn tay, ông rưng rưng nâng từng chiếc hũ lên, đậy nắp cẩn thận rồi đặt lại vào chiếc rương như cũ.
“Đây là những nắm đất trên đường, nơi bà đã đi tìm ông. Có lẽ không biết thân xác ông lưu lạc phương nào nên đến mỗi nơi bà nhặt một nắm đất mang về, xem như luôn có ông bên cạnh” – tiếng bố tôi thầm thì. “Em cũng nghĩ vậy!”- cô tôi nghẹn ngào.
Người làng mặc cho bà tôi bộ áo dài đẹp nhất, đó là bộ áo dài ngày bố mẹ tôi về với nhau. Bà nằm đó, gương mặt thanh thản, miệng như nở nụ cười mãn nguyện khi bố tôi nhẹ nhàng xếp lá bùa và mười lăm hũ sành cho vào chiếc áo quan.
Ngày đưa bà ra đồng, bố tôi lặng lẽ đi trước, tôi đi bên cô, ngước đôi mắt đỏ hoe nhìn đoàn người lũ lượt tiễn bà. Nắng lên cao, tôi nghe thấy tiếng con chim “bắt cô trói cột” lanh lảnh hót vang trên những tán cây ven đồi. Một mùa thu nữa lại về. Trong trẻo. Yên lành…
Truyện ngắn của VŨ NGỌC GIAO
https://nld.com.vn/van-nghe/chiec-ruong-cua-ba-20220528195540118.htm