Thần Tài là một trong những vị thần dân gian phổ biến nhất trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam. Đối ngược với Thần Tài, có vị thần mà không ai thích chào đón, đó là… Thần Nghèo!
Việc thờ cúng Thần Tài thể hiện mong muốn giàu sang và khát vọng có được cuộc sống hạnh phúc của con người, vì vậy có phong tục “rước Thần Tài” ở nhiều nơi vào ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch. Trái ngược với tâm lý khao khát sự giàu có, con người lại rất sợ nghèo, do đó luôn muốn tránh xa Thần Nghèo.
Thần Nghèo từng là… vua
Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng Thần Nghèo tên là Chuyên Húc (颛顼), tức Huyền Đế hay Cao Dương Thị, là một vị vua thời cổ đại. Trong khi đó, văn học dân gian lại cho rằng Thần Nghèo là vợ của Khương Tử Nha.
Nhìn chung, có một vị Thần Nghèo trong truyền thuyết Trung Quốc gọi là Cùng thần (穷神). Vào thời nhà Thanh, Bồ Tùng Linh viết Trừ nhật tế cùng thần văn (除日祭穷神文), còn Đái Danh Thế thì viết quyển Cùng quỷ truyện (穷鬼传), cả hai đều nhắc đến Thần Nghèo như là một con ma nghèo (Cùng quỷ).
Trước tiên, xin phép bàn về phong tục liên quan tới “cái nghèo”. Bách khoa thư Baidu cho biết, theo truyền thống ở Trung Quốc, vào ngày thứ ba của năm mới, người Quảng Đông tổ chức ngày Tống cùng nhật (送穷日), tức ngày tống tiễn cái nghèo, bao gồm trí cùng (trí tuệ nghèo nàn), học cùng (học dốt), văn cùng (văn kém), mệnh cùng (mệnh xấu) và giao cùng (giao tiếp kém).
Người Khách Gia gọi ngày này là Tống cùng (送穷) hoặc Sanh trùng (生虫), tức ngày sâu bọ. Người Phúc Kiến cũng có ngày tương tự gọi là Cùng quỷ nhật (穷鬼日: ngày ma nghèo) hay Xích quỷ nhật (赤鬼日: ngày ma đỏ).
Riêng ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch là ngày Ngọ, thời xưa gọi là ngày Diệc, mọi người bắt đầu tiến hành công việc, kể cả kinh doanh vào ngày này. Do từ đầu tháng Giêng âm lịch, người ta không vệ sinh nhà cửa cho đến ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch, nên đến ngày mùng 6 thì họ tổng vệ sinh và làm sạch nhà xí (ngày nay người ta sử dụng nhiều thiết bị phòng tắm mới hơn nên không còn tục lệ này nữa).
Ngày này cũng có nghĩa là ngày mà những người nông dân thời xưa bắt đầu ra đồng, chuẩn bị cho việc cày cấy mùa xuân. Ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch còn là ngày cúng tế ma nghèo và tống cùng (tiễn cái nghèo).
Tuy nhiên, tùy theo địa phương, người Trung Quốc tổ chức tống tiễn cái nghèo vào những ngày khác nhau, có thể là ngày mùng 3 hoặc mùng 5. Tuy cách tổ chức có khác nhau đôi chút, song nhìn chung, mọi người thức dậy vào lúc bình minh, đốt pháo và dọn dẹp, với mong muốn là xua đuổi ma quỷ, tai họa, đón chào may mắn.
Theo Tuế Thời Quảng Ký (岁时广记) của Bác Văn Lục, một biên niên sử về lễ hội dân gian (40 quyển) được biên soạn vào thời Nam Tống, thì “Ngày 29 tháng Giêng âm lịch là ngày Tống cùng (送穷), người nghèo quét sạch bụi bẩn trong nhà rồi ném xuống nước, gọi là ‘tiễn cái nghèo'”. Đây là tục lệ hình thành từ việc kết hợp “cho cái nghèo ra đi” với “vệ sinh gia đình”. Nó không chỉ giúp cải thiện vệ sinh môi trường mà còn xóa bỏ vận đen, xua đuổi cái nghèo.
Tống tiễn vợ của Khương Tử Nha
Ngày nay, ở Lữ Thuận, Trang Hà thuộc thành phố Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) và những nơi khác vẫn còn tục “Tống Khương Tử Nha lão bà” bằng nhãn dán. Nhiều người treo một dải vải đỏ lên khung cửa, đồng thời buộc những dải vải đỏ khác trên cổng và tay nắm cửa trông khá vui mắt.
Theo truyền thuyết, phong tục dán vải màu như thế trong lễ hội ngày xuân có liên quan đến vợ của Khương Tử Nha. Do nhà nghèo, bán thịt từ nhỏ nên Khương Tử Nha bị vợ bỏ. Sau khi gặp Văn Vương của nhà Chu, Khương Tử Nha mới thực hiện được tham vọng của mình.
Khi ông được phong thần, người vợ cũ đến xin ấn, Khương Tử Nha ban cho người này chức… “Cùng thần” và nói: ““Cô có thể đi bất cứ nơi đâu, ngoại trừ nơi cô được ban phúc”. Do đó, trong lễ hội mùa xuân, người ta thường dán chữ “phúc” (福) để ngăn chặn Cùng thần đến.
Khương Tử Nha sợ Cùng thần đi chơi tết Nguyên Đán, mang lại xui xẻo cho người khác nên qui định rằng cô chỉ được đến nhà những người giàu có. Khi biết chuyện, người dân đã treo giẻ lên cửa để ngăn không cho vị thần xui xẻo vào nhà.
Tóm lại, người ta chỉ thích Thần Tài đem lại sự giàu có, hạnh phúc chứ không ai thèm đón tiếp Thần Nghèo cả.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/nguoc-voi-than-tai-vi-than-ngheo-tren-the-gian-nay-la-ai-post1459365.html