Về Trường Lưu nghe chuyện Mộc bản Phúc Giang

10:07 | 16/04/2018

Trường Lưu (nay là xã Trường Lộc – huyện Can Lộc – tỉnh Hà Tĩnh) không chỉ nổi tiếng với “Bát cảnh” do con người và thiên nhiên dựng nên, với điệu ví phường vải bác học, mà còn là nơi lưu giữ những trầm tích của dòng họ Nguyễn Huy văn hiến. Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, Mộc bản Phúc Giang bị mất mát, thất lạc quá nhiều nhưng vẫn thể hiện được tính vẹn toàn và  đã bước ra khỏi ranh giới của làng, của Quốc gia, đến với bạn bè thế giới khi được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới vào hồi tháng 5 năm 2016 vừa qua.

Di tích lịch sử Quốc gia Đền Thờ dòng họ Nguyễn Huy Tự; Nguyễn Huy Hổ tại xã Trường Lưu hàng năm thu hút nhiều nhà nghiên cứu, du khách đến tham quan tìm hiểu.

Mộc bản quý của ngôi làng hơn 5 thế kỷ

Về thăm Trường Lưu, chúng tôi được ông Nguyễn Huy Tuấn – hậu duệ đời thứ 11 của dòng họ Nguyễn Huy và đang giữ chức Chủ tịch UBND xã Trường Lộc, ông Tuấn dẫn đi xem nơi khai sinh ra những tấm mộc bản nổi tiếng vừa được UNESCO công nhận là di sản ký ức của nhân loại. Ông Tuấn cho biết: Làng Trường Lưu có lịch sử hơn 5 thế kỷ, song nổi tiếng khắp nước là từ khi Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 – 1789) về hưu, dày công xây dựng làng. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã lập nên “Phúc Giang thư viện” rồi mở trường dạy học gọi là “Trường Lưu học hiệu” để đào tạo nhân tài cho vùng quê xứ Nghệ.

Ông Nguyễn Huy Thiện (72 tuổi, Duệ tôn đời thứ 6 Nguyễn Huy Tự, thứ 7 Nguyễn Huy Oánh, thứ 8 Nguyễn Huy Tựu) cũng tự hào khi kể về ngôi làng và dòng họ lịch sử của mình: Năm 1779, khi Nguyễn Huy Oánh đang giữ chức Thượng thư bộ Công, ông đã chán ghét triều đình Lê – Trịnh, nên lấy cớ cao tuổi, sức yếu để xin về hưu ở quê nhà là làng Trường Lưu tổng Lai Thạch phủ Đức Quang, tỉnh Nghệ An (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Khác với các bậc khoa hoạn thường tình khi về hưu chỉ lo hưởng chữ nhàn, vui thú ơn vua lộc nước ban thưởng, Nguyễn Huy Oánh về hưu lúc tuổi đã xế chiều song ông vẫn miệt mài cống hiến công sức, trí tuệ, tiền của để xây dựng quê hương thành một làng văn hoá vào loại tiếng tăm bậc nhất ở xứ Nghệ cuối thế kỷ XVIII.

Kể về sự khai sinh Mộc bản Phúc Giang của cụ Nguyễn Huy Oánh, ông Nguyễn Huy Lam (80 tuổi một nhà giáo nghỉ hưu và duệ tôn đời thứ 17 của dòng họ Nguyễn Huy) tự hào cho biết, theo sử sách, Nguyễn Huy Oánh không chỉ là bậc đại khoa, một ông quan nhất phẩm triều đình, ông còn là một nhà giáo mẫu mực từng giữ chức “Tế tửu quốc tử giám”, người đã từng dạy dỗ chúa Trịnh Sâm và vua Lê Dục Tông thuở thiếu thời. Ông cũng là bậc hiền triết thông tuệ cả nho, y, lý, số và là nhà khoa học, nhà trước tác hơn 40 đầu sách có giá trị trong kho tàng Hán Nôm của quốc gia. Vì vậy khi về hưu ở quê nhà ông đã dồn tâm huyết vận động trong họ, ngoài làng xây dựng quê hương. Ông đã mở trường học lấy tên là Thạc Đình học hiệu thu hút hàng trăm sĩ tử trong Nam, ngoài Bắc về Trường Lưu học hành. Bên cạnh Thạc Đình học hiệu Nguyễn Huy Oánh lập ra Phúc Giang thư viện chứa hàng ngàn pho sách Hán, Nôm – có giá trị của nền văn hiến Việt Nam và Trung Hoa xưa. Đặc biệt ở Phúc Giang thư viện, Nguyễn Huy Oánh tổ chức xưởng in sách Hán Nôm. Xưởng này đã in ấn hàng chục vạn trang sách Hán Nôm có giá trị.

Ngày nay con cháu họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu còn giữ được hơn 200 bản khắc gỗ của Nguyễn Huy Oánh dùng in sách cuối thế kỷ XVIII. Vì vậy Phúc Giang thư viện là một công trình tàng trữ sách vào loại sớm và lớn bậc nhất ở nước ta, và đầu tiên có ở xứ Nghệ.

Ông Nguyễn Huy Thiện (72 tuổi, Duệ tôn đời thứ 6 Nguyễn Huy Tự, thứ 7 Nguyễn Huy Oánh, thứ 8 Nguyễn Huy Tựu) kể về ngôi làng và dòng họ lịch sử của mình.

Nói về nét độc đáo Mộc bản của dòng họ mình đã được UNESCO công nhận là di sản của thế giới, ông Nguyễn Huy Tuấn – Chủ tịch UBND xã Trường Lộc cho biết, Mộc bản Trường Lưu là các bản gỗ được khắc chữ nổi ở cả 2 mặt trên ván gỗ (mỗi mặt khoảng 18 – 20 hàng, chữ được khắc theo chiều ngang của ván gỗ), được làm từ gỗ thân cây thị đực (cây thị không ra quả) vừa dai vừa mềm, lại có độ bền cao. Mỗi cuốn mộc dài 30 cm, rộng 20 cm, dày 2 cm.

Trước đây, Mộc bản Trường Lưu được xếp đầy ở ba gian nhà của Phúc Giang thư viện, là nơi thờ Nguyễn Huy Oánh. Từ năm 1953 – 1955, do nơi này bị xuống cấp, Mộc bản Trường Lưu được chuyển về nhà thờ Nguyễn Huy Tự, lúc đó, số lượng còn gần 1.700 bản. Về sau, do nhận thức của nhân dân chưa cao nên nhiều bản bị chẻ làm củi đun. Sau năm 1960, các phái đoàn của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội đưa sinh viên đến tìm hiểu về lịch sử của mộc bản. Kể từ đó đến nay, mộc bản mới được con cháu lưu giữ cẩn thận hơn.

Ông Nguyễn Huy Tuấn cho biết thêm, năm 1991, ông Nguyễn Huy Tự được nhà nước công nhận danh nhân quốc gia, lúc đó đền thờ Nguyễn Huy mới được trùng tu và mộc bản được nhà nước cấp một hòm sắt để gìn giữ. Hiện nay, số mộc bản cổ nói trên chỉ còn 375 bản và đang được gia đình Giáo sư – Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ – Duệ tôn đời thứ 6 Nguyễn Huy Tự, thứ 7 Nguyễn Huy Oánh, thứ 8 Nguyễn Huy Tựu lưu giữ cẩn thận và đã được sao chụp, số hóa gần 800 trang.

Nỗ lực gìn giữ Mộc bản Trường Lưu

Khi Mộc bản Trường Lưu trở thành Di sản tư liệu thế giới thì việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy không còn là việc riêng của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu nữa mà là việc chung của Nhà nước. Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần xây dựng chương trình hành động để “kéo dài tuổi thọ” và đặc biệt là để người dân hiểu và cùng chung tay gìn giữ, phát huy di sản vô giá này.

Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh Nguyễn Trí Sơn, nếu không có chương trình hành động để bảo tồn và phát huy Mộc bản Phúc Giang thì danh hiệu Di sản tư liệu thế giới sẽ bị thu hồi.

Các bậc cao niên dòng họ Nguyễn Huy kể về việc phát huy, gìn giữ mộc bản.

Để bảo tồn và phát huy di sản này phải thực hiện 3 bước, thứ nhất là bảo tồn chu đáo, tránh mất mát, cong vênh, mối mọt. Để làm được bước này phải học hỏi cách bảo quản của các di sản khác như Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Mộc bản triều Nguyền… Hai là khai thác mộc bản trong đó chú trọng dập khuôn, số hóa, phiên âm, dịch nghĩa, in thành sách. Ba là quảng bá mộc bản để các ngành chức năng và nhất là người dân hiểu được giá trị của Mộc bản Trường Lưu và qua đó sẽ có ý thức bảo tồn nó.

Xã Trường Lộc, quê hương và là nơi lưu giữ Di sản tư liệu thế giới Mộc bản Trường Lưu đang nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới và trở thành Làng du lịch văn hóa Trường Lưu. Người dân nơi đây rất đỗi tự hào vì thành quả tri thức của dòng họ Nguyễn Huy đã làm rạng danh đất nước và hiện nay họ rất có ý thức trong việc bảo tồn và phát huy di sản Mộc bản Trường Lưu.

Theo ông Nguyễn Huy Tuấn, trước đây do chưa rõ về giá trị các mộc bản nên chính quyền và nhân dân xã nhà chưa có kế hoạch về việc bảo tồn và tuyên truyền, ngày nay, mọi việc được rõ hơn, Đảng ủy, UBND, HĐND và các cơ quan đoàn thể xã nhà sẽ phối hợp với cơ quan quản lý văn hóa các cấp làm tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị Mộc bản Trường Lưu trong khả năng có thể.

Nói về Làng văn hóa du lịch Trường Lưu, ông Bùi Huy Cường – Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc, cho biết:  Việc xây dựng Làng văn hóa này đã được tỉnh đồng thuận về mặt chủ trương, làng Trường Lưu ở xã Trường Lộc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để xây dựng Làng văn hóa du lịch giống như ở Huế có Làng cổ Phước Tích, ở Hà Nội có Làng cổ Đường Lâm.

Hiện nay, số mộc bản cổ nói trên đang được gia đình Giáo sư – Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ – Duệ tôn đời thứ 6 Nguyễn Huy Tự, thứ 7 Nguyễn Huy Oánh, thứ 8 Nguyễn Huy Tựu lưu giữ cẩn thận tại nhà riêng của mình.

Làng văn hóa du lịch Trường Lưu sẽ có các điểm nhấn như Nguyệt trang hoa mỹ (vườn hoa họ Nguyễn), hệ thống đền chùa, các sản phẩm thi ca đang được lưu giữ tại các nhà thờ như Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự (1743-1790), truyện thơ Mai đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ (1783-1841), Bát cảnh Trường Lưu, đình làng, xem hát ví phường vải…trong đó “đậm” nhất là Mộc bản Trường Lưu. Du khách sẽ được nhìn tận mắt, sờ tận tay mộc bản, đồng thời có thể sẽ làm phiên bản Mộc bản Trường Lưu có dấu gia huy của dòng họ Nguyễn Huy và tùy theo loại gỗ để định giá cho sản phẩm này, đây rất có thể sẽ là sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị và thu hút du khách…

 

Theo Quang Tới – Văn Tuân/VHVN


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ