Bức “Đàn ông khỏa thân – Ba giai đoạn trong đời người đàn ông” do danh họa Picasso thực hiện, khắc họa 3 người đàn ông thuộc 3 lứa tuổi.
Bức “Nus masculins (Les trois âges de l’homme)” (Đàn ông khỏa thân – Ba giai đoạn trong đời người đàn ông) vừa được bán ra tại một cuộc đấu giá do nhà đấu giá Sotheby tổ chức ở Paris, Pháp, và đạt mức giá 4.136.800 euro (tương đương 101 tỷ đồng).
Bức tranh khắc họa ba người đàn ông ở ba độ tuổi ngồi trong một xưởng vẽ. Người trẻ tuổi nhất ngồi thổi sáo bên cửa sổ, người trung tuổi đứng và cầm trên tay một chiếc mặt nạ, người cao tuổi nằm trên sàn.
Bức vẽ được thực hiện hồi năm 1942. Đây là thời kỳ Thế chiến II xảy ra, khi ấy, nhiều bạn bè trong giới mỹ thuật của Picasso đã lựa chọn đi tới những vùng miền an toàn hơn, còn Picasso quyết định ở lại Paris.
Picasso không phải một người thờ ơ với thế sự. Quan sát những diễn biến của thời cuộc, Picasso lựa chọn ở lại Paris, nhưng sống cách ly với xã hội thời bấy giờ, đối với ông, đó là một cách để biểu đạt tinh thần phản chiến.
Tất cả thời gian của mình khi ấy, Picasso dành để vẽ tranh, ông luôn ở trong xưởng vẽ của mình, coi đó là cả thế giới riêng. Thực tế, các tác phẩm của Picasso luôn biểu đạt cách nhìn nhận của ông về thế giới xung quanh qua từng thời kỳ.
Khi chứng kiến chiến sự xảy ra, Picasso có cách biểu đạt mới trong tranh vẽ, ông thể hiện rõ tinh thần phản chiến, sự yêu chuộng hòa bình. Qua tranh ông, người ta có những sự cảm nhận về thế giới mà ông đang sống.
Những cảm nhận ấy có thể được thể hiện qua cách ông khắc họa gương mặt người phụ nữ trong tranh hay những đường nét trên tác phẩm điêu khắc. Picasso không phải một nghệ sĩ thích luận bàn về những câu chuyện chính trị – thời sự, nhưng khi chiến tranh nổ ra, ông thể hiện rõ quan điểm của mình – một người yêu hòa bình.
Trong bức “Đàn ông khỏa thân”, Picasso lựa chọn những màu sắc rất giới hạn một cách đầy chủ ý, các sắc độ trong tranh không đa dạng, đó là một thông điệp của Picasso, dù vậy, vẫn có thể thấy rõ trong tranh chủ nghĩa khoái lạc.
Người đàn ông trẻ tuổi nhất trong tranh ngồi bên bệ cửa sổ thổi sáo, gợi nhắc tới nam thần Pan trong thần thoại Hy Lạp – vị thần của thiên nhiên hoang dã, âm nhạc đồng quê, bản năng tình dục.
Người đàn ông trung tuổi đứng và cầm trên tay chiếc mặt nạ, người này có dáng vóc đẹp nhất, như thể đang ở thời kỳ đỉnh cao phong độ. Dáng đứng của người đàn ông này gợi nhắc tới những bức tượng khắc họa những dáng vóc “nam thần” trong lĩnh vực điêu khắc.
Người đàn ông lớn tuổi khiến người ta nhớ tới nam thần Dionysus trong thần thoại Hy Lạp – vị thần của rượu nho, của những cuộc vui và sự say xỉn, điên rồ.
Bức họa “Đàn ông khỏa thân” đã lồng ghép những ẩn dụ về thú vui và sự tận hưởng trong cuộc đời con người, với những gì thuộc về bản năng, với khát khao tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc. Đề tài ấy là sự đối chọi lại với những tàn khốc và chết chóc trong chiến tranh.
Giữa những hoang tàn, đổ nát do chiến tranh gây ra, Picasso khắc họa những giá trị tận hưởng cơ bản vốn rất quen thuộc trong đời sống văn hóa phương Tây.
“Đàn ông khỏa thân” là một tác phẩm có những yếu tố táo bạo về mặt hình ảnh, nhưng vẫn đưa lại cảm nhận về sự trang nhã, chính vì cách sử dụng màu sắc rất tiết chế trong tranh. Tác phẩm chứa đựng những ý nghĩa ẩn dụ về sức mạnh của nghệ thuật, đối với Picasso, nghệ thuật chính là cách để vượt qua bi kịch, vượt qua những nỗi kinh hoàng của chiến tranh.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/van-hoa/dan-ong-khoa-than-co-gia-101-ty-dong-20220427105255640.htm