Ngoài miễn học phí cho trẻ 5 tuổi, học sinh THCS công lập, Chính phủ thống nhất hỗ trợ học phí cho học sinh diện phổ cập trường ngoài công lập.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 nêu rõ một số chủ trương liên quan đến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Chính phủ thống nhất thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bổ sung chính sách nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non, từ trung cấp lên cao đẳng sư phạm, theo lộ trình quy định tại dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
“Thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29 khóa XI”, nghị quyết của Chính phủ nêu.
Học sinh THCS ở Hà Nội tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018. Ảnh: Ngọc Thành.
Trước đó khi dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3, nội dung “miễn học phí cho học sinh THCS” bị đưa ra khỏi dự luật. Hai Bộ Tài chính và Nội vụ không đồng tình với đề xuất này vì làm tăng chi ngân sách nhà nước trong khi đang gặp khó khăn.
Bộ Giáo dục giải thích, việc nhà nước mới miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS chưa được miễn học phí, gây khó khăn khi huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số. Mức thu học phí không quá cao, nhưng cũng là gánh nặng đối với gia đình thu nhập thấp, tiệm cận chuẩn nghèo.
Miễn học phí bậc THCS sẽ huy động được trẻ lứa tuổi này đến trường, định hình việc phân luồng học sinh THCS và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT rõ ràng hơn, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế. “Miễn học phí đối với học sinh THCS sẽ góp phần giảm chi phí cho mỗi cá nhân, gia đình và tiết kiệm nguồn lực cho cả xã hội”, Bộ Giáo dục khẳng định.
Hiện Việt Nam đã phổ cập giáo dục mầm non với trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và THCS (từ lớp 6 đến 9). Tuy nhiên, hiện mới có học sinh tiểu học được miễn học phí. Nếu thực hiện chủ trương miễn học phí mầm non với trẻ 5 tuổi và bậc THCS, mỗi năm sẽ có hơn 5 triệu học sinh được hưởng lợi.
Lấy ý kiến về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia
Trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học về dự án Luật Giáo dục sửa đổi, trong đó có việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Trước đó, kỳ thi THPT quốc gia 2018 gây bức xúc trong dư luận khi một số địa phương như Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La có sai phạm trong chấm thi, nhiều cán bộ giáo dục bị khởi tố, bắt giam. Hiện ngoài Hà Giang, hai địa phương còn lại chưa xác định được thủ đoạn gian lận, số thí sinh được nâng điểm.
Nhiều ý kiến sau đó cho rằng, trước mắt nên thay đổi kỳ thi THPT quốc gia theo hướng giao các đại học chủ trì tổ chức thi, chấm thi. Về lâu dài nên bỏ kỳ thi hai trong một này và giao việc xét tốt nghiệp THPT cho địa phương, để các đại học tự tổ tuyển sinh.
Vấn đề về cử tuyển cũng được Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục phối hợp với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc rà soát.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 16/11/2017 công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục lần hai với nhiều điểm mới. Ngoài đề xuất lương nhà giáo cao nhất bảng lương hành chính sự nghiệp, dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 105 để học sinh THCS trường công lập cũng không phải đóng học phí.
Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý. HĐND cấp tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh, từ đề nghị của UBND.
Cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Khoản 22 điều 71 dự thảo Luật sửa đổi nội dung quy định về trình độ của giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Theo đó dự thảo quy định “có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên tiểu học”.
Theo VnExpress