“Không có người mẹ nào lại muốn vứt bỏ con mình. Có lẽ mẹ tôi đã gặp phải điều gì đó kinh khủng lắm mới bỏ tôi mà đi. Và có lẽ, bà đã dằn vặt vì điều đó suốt phần đời còn lại của mình. Thực tâm, tôi biết ơn bà đã sinh ra tôi, và nhờ bà ấy mà tôi có được cuộc sống tuyệt vời hiện tại. Cảm ơn mẹ vì tất cả”.
Đó là những lời mở lòng của Chàng trai Pháp gốc Việt, Loic Langeard (tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Tân), trong hành trình trở về quê hương tìm lại người đã sinh ra mình.
Cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi khi mới 12 ngày tuổi
Cậu bé Nguyễn Văn Tân rời xa vòng tay mẹ khi còn đỏ hỏn vì người mẹ không chồng mà sinh con, khi đó anh được đưa đến nuôi dưỡng tại nhà nuôi trẻ mồ côi quận Gò Vấp, TP. Sài Gòn.
12 ngày tuổi, anh được một cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi, sau đó mang bé Tân về sống ở Athis-Mons yên bình trong vùng đô thị Paris. Anh nhận được tình yêu thương từ bố mẹ nuôi, và có một cuộc sống hạnh phúc như bao đứa trẻ cùng trang lứa tại đất nước này.
Bà Nelly Laneard (61 tuổi, mẹ nuôi Tân) xúc động nói rằng: “Loic là một người hiền lành và tử tế, lại rất chăm chỉ. Từ ngày nhận nuôi cháu, tôi sinh thêm một đứa con trai. Vì vậy, chúng tôi xem cháu là phước lành mà Chúa ban tặng cho gia đình. Tôi mong sau này cháu sẽ tìm được mẹ ruột, để không phải băn khoăn về gốc gác của mình”.
Thắc mắc về ngoại hình khác biệt
Tuổi thơ của Tân là những ngày anh không ngừng thắc mắc về ngoại hình khác biệt của mình. Anh vẫn thường hỏi bố mẹ tại sao mình không có làn da trắng, tóc vàng hay đôi mắt xanh như các bạn.
Tân kể: “Lúc nào cũng vậy, bố mẹ luôn nhắc nhở tôi phải tự hào về vẻ ngoài và kể cho tôi nghe về đất nước nơi tôi sinh ra. Nhờ có bố mẹ, tôi biết đến Việt Nam nhiều hơn và bắt đầu tìm hiểu, khám phá về nó”.
Từng đến Việt Nam hơn 5 lần, Tân xem đó là hành trình “trở về nhà” của mình. Anh hiểu thêm về vẻ đẹp con người, văn hóa Việt và rồi khát khao tìm mẹ ùa về. “Đến một lúc nào đó, ai rồi cũng sẽ mong muốn tìm về với nguồn gốc của chính mình. Mẹ tôi trông ra sao? Tại sao bà ấy lại bỏ tôi lại? Bà ấy vẫn còn sống khỏe mạnh chứ? Bà ấy còn nhớ tới tôi không?”, những thắc mắc đó không ngừng thôi thúc Tân tìm lại mẹ.
5 lần từ Pháp về Việt Nam tìm lại mẹ
Năm 2018, Tân trở về Việt Nam tìm lại mẹ mình. Trước khi đi, bố mẹ nuôi đã đưa cho anh tất cả những thông tin mà họ có. Họ vẫn giữ gìn cẩn thận nó suốt gần 30 năm nay, chỉ chờ đến ngày anh cần.
Do khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa cũng như không có người quen tại Việt Nam nên hành trình tìm mẹ của anh không có nhiều kết quả. Anh đã đăng thông báo trên các diễn đàn người Pháp ở Việt Nam nhưng cũng không có phản hồi.
Trên giấy chứng sinh, Nguyễn Văn Tân sinh ngày 12/10/1993 tại BV Hùng Vương (Quận 5 TP. HCM), nặng 2,3 kg. Mẹ của anh tên Nguyễn Thị Mai, khi đó 18 tuổi và thường trú tại địa chỉ 341/C Đầm Sen, P.5, Q.11, TP. HCM.
Tờ địa chỉ này cách đây đã gần 30 năm, phố phường đã thay đổi nhiều, thông tin trên đó lại khá mơ hồ không có tên đường, số nhà cụ thể.
Một cụ bà ở đã sống ở khu Đầm Sen từ hơn 25 năm nói rằng, hầu hết những người ở đây đều mới chuyển đến chục năm nay. Như vậy là gần như không thể tìm được những ai đã từng sống ở đó cách đây gần 30 năm để hỏi thăm tin tức. Cũng không loại trừ trường hợp vào thời điểm đó, người mẹ nhất thời quá đau lòng phải bỏ lại con nên đã kê thông tin địa chỉ không chính xác.
Sau một thời gian nhờ báo chí, diễn đàn người Pháp và cộng đồng mạng tìm kiếm, mà không có kết quả, cuộc tìm kiếm gần như vô vọng, thì bất ngờ tháng 12/2020, anh Tân vui mừng nhận được manh mối từ cô gái tên Hoài, làm bừng lên hy vọng tìm được mẹ ruột xa cách bao năm của mình.
Câu chuyện trùng khớp của người con gái tên Hoài
Chị Lê Thị Ngọc Hoài (22 tuổi) đang sống ở Phú Thọ, đọc câu chuyện của anh Tân trên internet, không hiểu sao chị cứ nghĩ đến câu chuyện mẹ mình cũng bị thất lạc con.
Chị Hoài được mẹ kể cho nghe nhiều lần về người anh trai thất lạc của mình. Hồi đó, bà Trần Thị Thọ vẫn còn là một cô gái, bươn chải vào TP. HCM mưu sinh quanh khu vực Đầm Sen, có quen một người đàn ông, tình cảm giữa 2 người nảy nở và bà đã mang thai anh Tân.
Tuy nhiên, vì không có sự ràng buộc gì với người đàn ông đó, và cuộc sống khó khăn, nên bà Thọ rất bối rối không biết có nên giữ lại đứa con hay không. Sau khi sinh, năm 1993, bà quyết định bỏ lại con tại bệnh viện, với một hy vọng tột cùng là con mình có thể gặp được người tốt và có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Năm 1994, bà về Phú Thọ và sinh thêm một người con gái. Nhưng bà vẫn luôn trăn trở về đứa con trai của mình. Rồi nhiều lần tìm lại con nhưng không có kết quả.
Sau đó, chị Hoài tìm hiểu các thông tin và tìm cách liên lạc với anh Tân. Chị gửi cho anh Tân xem bức hình của mẹ.
Anh Tân xúc động chia sẻ: “Lúc đó, tôi rất xúc động; khi lần đầu tiên thấy mẹ mình qua ảnh. Tôi linh cảm rằng dòng máu đang chảy trong người tôi là của bà, và tôi thấy mình có nhiều nét giống bà”.
Gặp lại cả mẹ và em gái, vỡ òa trong niềm vui nhân đôi
Cô gái tên Hoài, người có duyên kết nối Tân và mẹ lại chính là con gái ruột của mẹ Tân, khi đọc tin tìm mẹ của Tân, chị có một linh cảm rất chân thật: đây chính là người con thất lạc của mẹ mình!
Anh Tân đã gọi điện thoại về cho mẹ của mình. Thông qua phiên dịch từ một người bạn của Tân, hai mẹ con đã kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện. Trong đó, nhiều thông tin về anh được mẹ ruột thuật lại ngọn ngành đầy đủ hơn.
Như vậy niềm vui được nhân lên, Tân vừa tìm được mẹ, vừa gặp được em gái ruột của mình. Dù mọi thông tin đều trùng khớp, tuy nhiên để chắc chắn về mối quan hệ huyết thống giữa Tân và mẹ; anh sẽ tiến hành xét nghiệm ADN trong thời gian sớm nhất. Bố mẹ nuôi của anh cũng khuyến khích anh làm điều đó.
Trong đoạn hội thoại với anh Tân, bà Trần Thị Thọ (57 tuổi) không ngừng nói Tân về với bà. Hiện tại, bà đang sống một mình tại Phú Thọ, làm nhiều nghề vất vả khác nhau như phụ hồ hay giúp việc để sống.
Khi câu chuyện của Tân được nhiều người chia sẻ, anh cho biết bản thân rất ngạc nhiên về điều đó và đang mong hết dịch, sẽ lập tức về Việt Nam thăm mẹ và em gái. Có rất nhiều người đã nhắn tin ủng hộ, động viên khiến bản thân anh thấy ấm lòng, và có thêm sức mạnh trên hành trình tìm lại người thân.
Theo Mucnews