Nguyễn Chế Nghĩa: Vị tướng quân phò mã văn võ song toàn của nhà Trần

10:17 | 15/03/2022

Những câu chuyện về vị tướng quân phò mã Nguyễn Chế Nghĩa còn được ghi chép lại trong “Trần triều thế phả hành trạng” và “Hội Xuyên xã thần tích”, đồng thời cũng được lưu truyền trong dân gian vùng Gia Lộc, Hải Dương.


Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online.

Địa linh sinh nhân kiệt

Vùng đất Gia Lộc, Hải Dương là nơi “địa linh”, trong “Hội Xuyên xã thần tích” có ghi chép như sau:

“Xã Hội Xuyên, huyện Gia Phúc (nay đổi là huyện Gia Lộc), Hồng Châu (nay đổi là phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), núi sông hội tụ, lại ở vùng chính khí của nước Nam, thực là khu vực danh tiếng của xứ Đông, mạch đất giăng bày, quần sơn chầu về, muôn sông hội tụ, có hình thế như voi trắng hút nước hồ. Ba thôn của xã đã lập miếu ở đất này để thờ vị Đại vương. Vương họ Nguyễn, tên Chế Nghĩa, người xã Hội Xuyên.”

Theo truyền thuyết, vào thời nhà Trần, ở đây có một người di cư từ phủ Thiệu Thiên, Thanh Hóa tới làm ăn sinh sống, tên là Đinh Thiện. Ông Đinh Thiện đổi thành họ Nguyễn và kết hôn với bà Hoàng Thị Nguyên. Năm 1265, hai vợ chồng sinh được con trai và đặt tên là Nguyễn Chế Nghĩa.

Thuở nhỏ Nguyễn Chế Nghĩa đã có sức khỏe phi thường, ham mê luyện võ, thông thạo 18 loại võ nghệ (thập bát ban võ nghệ) và trận pháp. Ông đặc biệt yêu thích và thành thạo đánh côn. Không chỉ giỏi võ thuật, trận pháp, ông biết cả văn thơ phú, văn võ toàn tài.

Khiến quân Nguyên Mông chịu nhiều tổn thất

Năm 1284, Đại Việt hừng hực khí thế chuẩn bị cuộc chiến chông quân Nguyên Mông lần thứ hai. Hưng Đạo Vương cho mở thi tuyển nhằm chọn tướng tài.

Nguyễn Chế Nghĩa năm ấy 19 tuổi xin đầu quân, xuất sắc bậc nhất vượt qua tất cả các vòng thi. Hưng Đạo Vương khen rằng: “Người chẳng kém gì Phạm Ngũ Lão, ta lại thêm một tướng tài”.

Nguyễn Chế Nghĩa trở thành tướng quân nằm trong đội quân của Phạm Ngũ Lão.

Đầu năm 1285, Trấn Nam vương Thoát Hoan cùng A Lý Hải Nha thống lĩnh 50 vạn quân vượt biên giới tiến đánh Đại Việt. Hưng Đạo Vương giao cho Phạm Ngũ Lão cùng Nguyễn Chế Nghĩa đưa 3.000 quân chặn quân Nguyên từ ải Nội Bàng, ải Nữ Nhi (Bắc Giang) đến Kỳ Cấp (Lạng Sơn).

Nguyễn Chế Nghĩa giao chiến với cánh quân của Trương Bằng Phi, Áo Xích Lỗ. Ông là võ tướng khiến quân Nguyên khiếp sợ. Sau khi tiêu hao được sinh lực quân Nguyên, ông được lệnh rút về cầm chân quân Nguyên không cho vào thành Thăng Long.

Khi Triều đình quyết định rút khỏi kinh thanh Thăng Long, thực hiện kế vườn không nhà trống, Hưng Đạo Vương giao cho Nguyễn Chế Nghĩa ở lại cùng dân chúng đánh đoản binh phía sau quân Nguyên. Ban ngày ông cho quân đánh chặn quân Nguyên vào cướp phá của dân chúng, ban đêm thì đưa quân tấn công vào doanh trại quân Nguyên.

Khi quân Đại Việt chuyển từ phòng thủ sang tổng phản công, Nguyễn Chế Nghĩa lại lập công lớn. Sau khi Đại Việt chiến thắng, ông được nhà Vua phong là U khổng Bắc tướng quân.

Giữ yên vùng biên giới

Tháng 12/1287, quân Nguyên đưa 50 vạn quân vượt biên giới tiến đánh Đại Việt lần thứ 3. Nguyễn Chế Nghĩa được phong làm chánh tướng chặn quân Nguyên. Khi quân Nguyên rút chạy về nước, ông được lệnh đến ải Nam Quan, Chi Lăng đánh quân Nguyên.

Sau khi đánh bại quân Nguyên lần thứ 3, lo lắng quân Nguyên tìm cách trả đũa, Triều đình cử ông làm Tổng trấn Lạng Sơn suốt 6 năm liền nhằm giữ yên vùng biên giới. Sau đó ông được cử làm Tổng trấn Mạnh Hồng nơi có vùng đất quê ông.

Để giữ hòa khí với nhà Nguyên sau cuộc chiến, Triều đình đã 3 lần cử Nguyễn Chế Nghĩa cùng đoàn Sứ bộ sang nhà Nguyên vào các năm 1312, 1321, 1331.

Phò mã văn võ song toàn

Nguyễn Chế Nghĩa rất thích thơ văn, ông đã sáng tác rất nhiều bài thơ, tiếc rằng hiện nay đã thất lạc, chỉ còn lại được 4 bài là Vô đề, Tự thuật, Đoan ngọ tiết và Bắc sở hành.

Vua Anh Tông gả công chúa Ngọc Hoa cho ông. Đây là việc hiếm có bởi nhà Trần từ Trần Thủ Độ đã quy định chỉ gả con gái cho người trong dòng tộc để tránh bị ngoại tộc cướp ngôi, dù sau này có một số lần phá lệ.

Sau đó Nguyễn Chế Nghĩa được phong làm Thái úy, tước Nghĩa Xuyên Công.

Mất trong loạn

Đến cuối đời vua Trần Minh Tông, Triều đình có nhiều dấu hiệu suy yếu, mâu thuẫn. Nguyễn Chế Nghĩa là một trong những người ủng hộ để con trưởng vua Minh Tông lên ngôi hiệu là Hiến Tông, đồng thời phản đối việc để Hoàng tử Trần Hạo lên ngôi. Sau đó ông xin từ quan, về quê nhà ở Cối Xuyên. Tại đây ông giúp dân khai khẩn đất hoang, mở chợ Cuối, mở lò dạy võ cho thanh niên.

Tuy nhiên vua Hiến Tông không may mất sớm, Trần Hạo lên ngôi hiệu là Dụ Tông. Vua Dụ Tông trả thù những người phản đối mình lên ngôi trước đây, sai võ sĩ mai phục chém chết Nguyễn Chế Nghĩa.

Tưởng nhớ

Vì Nguyễn Chế Nghĩa là người có công lớn nên Triều đình vẫn cử bộ Lễ làm tang lễ cho ông theo nghi thức Vương gia, đồng thời phong cho ông là An Nghĩa đại vương. Vùng Cối Xuyên quê ông cùng rất nhiều địa danh nơi ông từng đóng quân đều lập miếu thờ.

Ngày nay lăng mộ của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa được đặt trong đền Cuối, trong lăng mộ có bia đá: “Mộ quan nhập nội thị, Thái úy, Phò mã đô úy triều Trần, tôn thần họ Nguyễn, tên Chế Nghĩa, người bản xã cùng công chúa Nguyệt Hoa sắc phong Thành Hoàng.” Lăng của công chúa Ngọc Hoa cùng con trai và mẹ của ông cũng được xây gần đấy, theo kiểu long đình, có tường đá bao quanh.

Là một vị tướng lập công lao to lớn, các Triều đại sau này đều có sắc phong cho Nguyễn Chế Nghĩa. Triều Lê có 21 sắc phong, triều Tây Sơn 2 sắc phong, triều Nguyễn có 8 sắc phong.

Hàng năm đền Cuội đều có tổ chức lễ hội, rước kiệu cùng các trò chơi dân gian, và nhất thiết phải có trò chơi “đánh thó” (đánh côn) đây cũng là môn võ sở trường của Nguyễn Chế Nghĩa.

Chợ Cuối trước kia ông mở để dân buôn bán, sau đó ngày càng phát triển mở rộng, trở thành nơi giao thương sầm uất của cả một vùng. Bên cạnh chợ Cuối vẫn còn “ao Sao”, trước đây ông xem thiên văn, cho đào để giúp dân trồng trọt theo đúng mùa vụ.

Nguyễn Chế Nghĩa là niềm tự hào của người dân Gia Lộc, tên của ông được đặt cho nhiều con phố, trong đó có cả ở thành phố lớn như Hà Nội, Hải Dương và Sài Gòn.

 

Theo Trithucvn

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương