Trong sâu thẳm tâm hồn người Việt Nam, mỗi khi nhắc đến quê hương, không ai lại không nhớ đến hình ảnh chiếc cổng làng. Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng trở thành một nét hồn quê.
Tôi là một cố gái phố thị , nơi tôi sinh sống luôn rộn rào xe cộ và không bao giờ có cổng làng. Có lần tôi được cùng bố mẹ trở về quê hương, bước chân qua cổng làng tôi thấy một nét đẹp dịu dàng hồn nhiên và đầy hồn quê , từ đó đến nay tôi không bao giờ quên cổng làng quê hương cùng cây đa bên cạnh. Cứ mỗi lần nhìn thấy tranh cổng làng hay phim cổng làng nỗi nhớ quê hương trong tôi lại trào về…
Tôi thấy cổng làng mang một lối kến trúc cổ và vô cùng độc đáo, cổng trước mang nhiệm vụ nghênh tiếp, cổng sau hàm ý tiễn đưa. Cổng tiền: tức cổng trước thường trổ về hướng Đông Nam, hướng của gió lành, hướng của mặt trời mọc. Cổng tiền là Cổng chính, cổng trước của làng, thường dành cho người sống; Cổng tiền là nơi đón người đi làm đồng về, đón khách lạ, đón quan kinh lý, đón người đăng khoa đỗ đạt, đón kẻ tha hương cầu thực trở về bản quán và quan trọng nhất là đón dâu mới nhập làng. Nghĩa là đón nhận những gì tốt đẹp nhất
Cổng hậu: tức cổng sau thường trổ ra hướng Tây, hướng mặt trời lặn. Cổng hậu là cổng phụ, cổng sau của làng, thường dành cho người chết; Cổng hậu dành để tiễn người chết ra nghĩa trang, tống khứ kẻ xấu ra khỏi làng. Kẻ nào bị làng phạt vạ đuổi khỏi làng bao giờ cũng phải đi ra bằng cổng hậu. Nghĩa là cái cổng hậu có chức năng tống tiễn những gì không xứng đáng được tồn tại trong làng – Ma quỷ, trộm cắp, bất lương… ra khỏi cõi sống, xua đuổi chúng vào cõi chết.
Cổng làng mang biểu tượng quê hương rất đẹp. càng lớn tôi càng hiểu về ý nghĩa của cổng làng đó là hình tượng của quê hương, xứ sở. Đây là điểm để phân biệt các ngôi làng. Là điểm ngăn cách nơi ở của cư dân với đồng ruộng, với bên ngoài. Mỗi cổng làng đều có một nét văn hóa riêng tuỳ theo đặc điểm của làng đó, biểu trưng cho sự uy nghi, nề nếp của mỗi làng quê. Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng. Kiến trúc cổng làng xưa không cầu kỳ, phô trương mà chỉ nhằm khẳng định chỗ đứng của mình trong khoảng không gian của làng quê.
Từ mỗi chiếc cổng làng, ta hình dung ra bộ mặt của làng xã, phía sau đó là một xã hội thu nhỏ. Cổng làng không chỉ tồn tại gắn bó với nhiều thế hệ dân làng mà còn mang ý nghĩa trong sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp của con người sinh sống nơi đây. Cổng làng là bản sắc của văn hóa Việt Nam. Những nét kiến trúc, những đại tự, câu đối trên cổng làng đều có ý nghĩa dạy bảo con cháu mỗi lần đi về đọc để hiểu, để làm người. Những chữ nghĩa trên cổng làng còn để cho những người khách của làng hiểu phong tục, tập quán của làng. Các cụ có câu “nhập hương vấn tục”, đến một làng, nhìn chữ ở cổng làng để biết phong tục của làng, lễ hội, hương ước, tình cảm trong họ hàng của làng ra sao.
Tuy là một cô gái phố thị nhưng tôi cảm nhận đc rằng ai đã từng sinh ra ở làng đều có một tuổi thơ thật êm đềm, đẹp đẽ, bởi nếu ngôi nhà là nơi trở về sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi thì làng quê lại là sự trở về sau những chuyến đi dài của cuộc đời. Về với làng, nghe tiếng bước chân mình rộn lên nền gạch dẫn vào làng hay chạm tay vào lớp đá ong xù xì nhưng mát rượi của chiếc cổng làng sẽ cảm nhận thấy có điều gì đó vẫn còn tiềm ẩn dưới lớp đá dày trầm mặc.
Theo VH&PT