Vang bóng một thời, kiệt tác từ một kiệt tác

14:50 | 02/03/2022

Chắc chắn nhiều người sẽ nói tôi quá lời khi đánh giá vở diễn Vang bóng một thời của Sân khấu Lệ Ngọc trong đêm tổng duyệt 1/3/2022 là một kiệt tác. Tuy vậy, tôi cũng chắc chắn nhiều người cùng xem, nhất là các nhà chuyên môn sân khấu và văn học sẽ đồng ý với tôi về đánh giá này. Đó thật sự là một kiệt tác sân khấu bắt đầu từ một kiệt tác văn học của nhà văn Nguyễn Tuân do nhà viết kịch Nguyễn Hiếu, đạo diễn Bùi Như Lai và sân khấu Lệ Ngọc tạo ra.


Giữa năm 2021, trong những ngày dịch dã căng thẳng nhất ở nước ta, NSND Lệ Ngọc gọi cho tôi nói rằng chị muốn thực hiện một vở diễn từ tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của nhà văn Nguyễn Tuân để kỷ niệm 35 năm ngày mất của ông (1910 – 1987). Chị bảo chị rất thân với họa sĩ Thu Giang, con gái nhà văn Nguyễn Tuân, phu nhân danh họa Nguyễn Tư Nghiêm và chị Giang rất khích lệ cho dự định này. Lệ Ngọc nhờ tôi chuyển thể hoặc giới thiệu giùm chị người có thể chuyển thành công Vang bóng một thời sang kịch. Tôi nói đã rất lâu rồi tôi không viết kịch, hiện đang rất bận rộn làm báo xã hội hóa như chị làm sân khấu và nói đồng môn của tôi, nhà văn Nguyễn Hiếu, người từng có kịch bản Tấm Cám, làm nên một trong hai vở diễn ăn khách nhất của sân khấu Lệ Ngọc cho đến lúc ấy (cùng với Thị Nở Chí Phèo), có lẽ là người tốt nhất có thể làm được việc này. Tuy vậy, thật lòng tôi không tin Vang bóng một thời sẽ được đưa lên sân khấu và đưa lên thành công.


Nhưng chỉ ít tháng sau, Sân khấu Lệ Ngọc đã công bố sẽ dựng vở Vang bóng một thời theo kịch bản của Nguyễn Hiếu, do đạo diễn Bùi Như Lai dàn dựng. Và trong suốt tháng 1 và tháng 2 lạnh giá, ngoài ít ngày nghỉ tết, cả ekip sáng tạo và tập thể sân khấu Lệ Ngọc đã tập trung cật lực cho cuộc chơi ngoại hạng này. Trong suốt nửa tháng tham gia ban giám khảo Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tại TPHCM, NSND Lệ Ngọc đã đem theo kịch bản để học thuộc lời và tự tập vai diễn. Việc dựng vở kéo dài đến hai tháng, một ngoại lệ của Sân khấu Lệ Ngọc, là bởi phải đứt quãng vì có diễn viên bị F0. Và Vang bóng một thời đã biểu diễn tổng duyệt kịp ngay trước đỉnh dịch tại Hà Nội.

Không thể không coi Vang bóng một thời, tập truyện ngắn Nguyễn Tuân công bố ở tuổi 29 mà nhà bách khoa văn học Vũ Ngọc Phan từng đánh giá là “văn phẩm gần tới sự toàn thiện, toàn mỹ”, là một kiệt tác của văn học VN trong thế kỷ 20. Và trong đó thì Chữ người tử tù với hình tượng bất hủ Huấn Cao chắc chắn là kiệt tác của kiệt tác.


Nguyễn Hiếu hiểu rõ điều đó nên anh dựa hẳn vào thiên truyện để viết kịch bản Vang bóng một thời cùng với sự bổ sung những nhân vật và chi tiết của Chém treo ngành, Những chiếc ấm đất…Nguyễn Hiếu cũng hiểu rằng cũng như nhiều nhà văn lớn thế giới, với Nguyễn Tuân, nhà văn được nhiều người quá nhấn mạnh là ngông và duy mỹ bậc nhất văn học VN, thì thực ra cái đẹp, cái ngông mà ông suốt đời tôn thờ có hạt nhân là cái chân, cái thiện, cái nhân. Bởi thế cái tư tưởng: sự thiên lương sẽ cứu rỗi con người được Nguyễn Hiếu quán xuyến suốt bản chuyển kịch. Nguyễn Hiếu cũng rất trung thành với văn Nguyễn Tuân trong đối thoại kịch bởi anh biết đó chính là những hạt vàng phải hết sức gìn giữ. Cho đến nay, không phải ai đọc Nguyễn Tuân cũng thấm thía được cái hay, cái thâm thúy của văn Nguyễn Tuân. Chỉ giữ được phần kịch mà đánh mất phần văn, cái vĩ đại của kiệt tác Nguyễn Tuân sẽ “bay đi rất nhiều”.

Bùi Như Lai vài năm nay đã chứng tỏ một khát vọng và triển vọng của một tài năng đạo diễn sân khấu lớn bởi việc chịu đọc, chịu nghĩ, chịu làm. Nhưng đến Vang bóng một thời trên Sân khấu Lệ Ngọc, thì ta có thế khẳng định điều này.


Với vở diễn này, Bùi Như Lai đã chọn con đường ngắn nhất nhưng khó nhất, đẳng cấp nhất với một đạo diễn kịch nói: chinh phục khán giả bằng chính kịch và nói, không cần sự trợ giúp của bất kỳ thứ gì khác. Tất nhiên, để có được điều này, Bùi Như Lai đã rất yêu, rất tin và đồng cảm sâu xa với văn chương của Nguyễn Tuân và kịch bản của Nguyễn Hiếu. Và bởi thế, nói như đạo diễn tiền bối Nguyễn Đình Nghi, Bùi Như Lai đã thành một “luật sư nhiệt thành bảo vệ kịch bản” chứ không phải như một “công tố hung hăng dè bĩu kịch bản” mà một vài vị siêu đạo diễn thế hệ trước Bùi Như Lai đã và đang hào hứng làm.

Tuyệt nhất là Bùi Như Lai đã tìm ra chìa khóa để tạo nên thành công của vở diễn: tập trung khai thác đến mức cao nhất nghệ thuật của người diễn viên, cả nghệ thuật thoại và nghệ thuật diễn. Trang trí, phục trang, âm nhạc cũng tập trung tôn nghệ thuật biểu diễn của diễn viên để làm nên một chỉnh thể không thể tuyệt vời hơn. Nhờ thế, chúng ta may mắn được xem những cảnh diễn thật hay, thật kỳ công, đầy sức chinh phục và những lời thoại làm nghẹt thắt trái tim, run rẩy thân thể, làm bừng sáng tâm trí. Thạc sĩ Phạm Ngọc Anh, giám đốc nhà xuất bản Sân khấu, cùng đi xem với tôi, sau buổi diễn, hân hoan nói với tôi: “Lần đầu tiên cháu được xem một vở kịch chỉ có nói mà hay thế này. Hay quá. Hay không thể tưởng tượng được”. Tôi cũng cùng một tâm trạng hân hoan, hạnh phúc như cháu sau đêm diễn.

Tất nhiên, trước hết và sau cùng, thành công của tác phẩm kịch nói Vang bóng một thời được tạo nên từ tập thể Sân khấu Lệ Ngọc.Từ hai nghệ sĩ gạo cội Lệ Ngọc, Văn Hải đến dàn diễn viên cơ hữu của Sân khấu Lệ Ngọc gồm các nghệ sĩ trẻ đã khẳng định được tài năng ở đây như Anh Tuấn, Quang Tú, Lâm Cương, Huy Hoàng, Anh Đào, Châu Sa, Hoàng Nam…Đây là dàn diễn viên rất hợp với một sân khấu xã hội hóa: ít mà tinh, mà rất đa năng hứa hẹn sẽ gắn bó lâu dài với Sân khấu Lệ Ngọc.

Từ khi được xem Sân khấu Lệ Ngọc và quen biết anh Văn Hải, chị Lệ Ngọc, tôi luôn bất ngờ với những gì anh chị làm được cho sân khấu và cả văn học nước nhà. Phải là những người có kiến thức và nhãn quan văn hóa sâu rộng, một tình yêu văn hóa mãnh liệt mới đề ra một tôn chỉ nghệ thuật như thế này: mang quá khứ về hiện tại và mang Việt Nam ra thế giới. Ban đầu, ai cũng tưởng đó chỉ là một khẩu hiệu to tát suông nhưng rồi kinh ngạc khi chứng kiến đó là những gì Sân khấu Lệ Ngọc đã và đang làm. Mới chỉ 5 năm mà Sân khấu Lệ Ngọc đã đưa rất nhiều giá trị văn học dân gian và hiện đại VN lên sàn diễn của mình: Ngũ biến (hầu đồng), Tấm Cám, Cây tre thần, Huyền thoại Gò Rồng Ấp, Quan Âm Diệu Thiện, Thị Nở Chí Phèo, Huyền thoại Đinh Tiên Hoàng, Dế mèn…và bây giờ là Vang bóng một thời. Không phải ngẫu nhiên giữa thời mà sân khấu chỉ quẩn quanh trong nước thì Sân khấu Lệ Ngọc đã xuất ngoại biểu diễn ở 11 nước Á, Âu chỉ trong năm 2019. Nếu không vì covid, trong hai năm 2020, 2021, không biết họ sẽ còn đem văn hóa VN đến những đâu trên thế giới nữa. Trong năm nay, dù chưa hết covid, Sân khấu Lệ Ngọc đã có hai lời mời xuất ngoại: trở lại Vương quốc Buthtan, nơi có vị vua rất quý trọng Lệ Ngọc và đến Hy Lạp, quê hương của người đốt đền Herostrast vừa được đưa lên Sân khấu Lệ Ngọc.


Ở trong nước thì các buổi diễn của Sân khấu Lệ Ngọc bao giờ cũng cháy vé. Người xem đến với Lệ Ngọc không chỉ vì những vở diễn luôn làm vì khán giả mà còn vì khán giả luôn được thực sự coi là Thượng đế, với các địa điểm biểu diễn tiện nghi, sang trọng, với sự chăm sóc tận tình và sự thấu hiểu sâu sắc. Những nơi coi sân khấu là thánh đường và khán giả là thượng đế như Sân khấu Lệ Ngọc không còn nhiều ở VN. Chúc mừng nhà văn lớn Nguyễn Tuân đã thực sự phục sinh đúng dịp 35 năm giỗ ông trong một kiệt tác sân khấu xứng đáng với kiệt tác văn học của mình.

Chúc mừng Sân khấu Lệ Ngọc đã có một kiệt tác cho sân khấu VN. Chúc mừng nhà viết kịch Nguyễn Hiếu, đạo diễn Bùi Như Lai, nghệ sĩ trẻ Anh Tuấn rất thành công trong vai nhà trí thức Huấn Cao và tập thể Sân khấu Lệ Ngọc đều đã lớn vụt trong vở diễn rồi sẽ bất hủ này.


Riêng với NSND Lệ Ngọc và nghệ sĩ toàn năng Văn Hải, những nhà lãnh đạo tài năng, tâm huyết, dũng cảm, sáng tạo của Sân khấu Lệ Ngọc, với những gì anh chị đã đang và sẽ làm cho sân khấu, văn học và văn hóa VN, tôi xin được gọi anh chị là hai nhà hoạt động văn hóa ưu tú.

Tôi tin rằng dự án mới của Sân khấu Lệ Ngọc, một tác phẩm kịch nói về Bác Hồ trong năm 1945-1946, sẽ thành công tốt đẹp trong năm 2022 và sẽ trở thành một trong những tác phẩm hay nhất về Hồ Chí Minh của sân khấu VN. Đây là một dự án khó, còn khó hơn Vang bóng một thời nhưng thành công của Vang bóng một thời sẽ tạo niềm tin cho họ. Chắc chắn thế.

Nguyễn Thế Khoa/Tạp chí Văn Hiến bản in


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình