Ngôi làng cổ Thủy Triều (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm) có từ bao giờ cho đến nay vẫn chưa thể xác định chính xác. Nhưng theo các bậc cao niên, sử sách ghi lại: Từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX người dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định… đã vào đây đánh bắt sản ở vùng biển ven đầm, phát hiện ra đầm Thủy Triều, họ đã bám trụ lại đây, và hình thành ngôi làng Thủy Triều từ đó.
Dấu xưa làng cổ
Chúng tôi đến xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm những ngày này, được khám phá ngôi làng cổ Thủy Triều có bề dày lịch sử nghìn năm và rất nhiều dấu tích xa xưa còn ghi dấu nơi đây.
Theo chân ông Lê Văn Kha – Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông chúng tôi được mục sở thị nhiều di tích lâu đời đang tồn ở làng Thủy Triều như: Đình Thủy Triều, cây chai lá cong hơn 200 năm tuổi, cây me hơn 300 năm tuổi. Ông Lê Văn Kha, cho biết: Trong nhân dân truyền miệng, và lịch sử cách mạng xã Cam Hải Đông có ghi lại: Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trên vùng đất huyện Cam Lâm nói chung, Thủy Triều nói riêng dân cư sinh sống thưa thớt. Riêng ở vùng quanh đầm Thủy Triều ban đầu chỉ có chừng vài chục người vào đây sinh sống với nghề chính là khai thác, đánh bắt thủy sản. Điểm đến đầu tiên là Vũng Bùn (xóm 4, Thủy Triều, Cam Hải Đông ngày nay). Một thời gian họ sinh sống ở ven biển bằng nguồn nước ngọt dồi dào và nguồn thủy hải sản phong phú. Tiếp sau đó, họ đi sâu hơn vào đất liền thì khám phá ra đầm lầy mà bây giờ gọi là đầm Thủy Triều.
Những người dân quyết định vượt đầm để vào sống sâu hơn trong đất liền và bắt đầu trồng dừa, xoài và hình thành làng Thủy Triều cho đến ngày nay. Dấu tích của sự di dân vào sống khu vực Thuỷ Triều còn đến nay gồm có: Đình Thuỷ Triều, chùa Thanh Triều, chùa Thanh Sơn, miếu Ấp Trung… Trong đó, Đình Thủy Triều là một ngôi đình cổ nghìn năm, là di tích lịch sử cấp tỉnh tồn tại cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Thủy Triều. Đó là một minh chứng cho sự ra đời và phát triển của làng Thủy Triều suốt triều dài lịch sử, trong đó hội tụ đầy đủ những giá trị mà các bậc tiền nhân sáng tạo ra và lưu truyền lại cho thế hệ mai sau.
Anh Ngô Văn Tân, một người chuyên đánh bắt hải sản ở đầm Thủy Triều cho biết, từ bao đời nay người dân ở làng Thủy Triều đã sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Anh Tân thổ lộ, ở đầm Thủy Triều có rất nhiều thuỷ hải sản tự nhiên phong phú. Trong đó có loại sò huyết nổi tiếng từ xa xưa, xếp ngang hàng với sò huyết đầm Ô Loan (Phú Yên) và sò huyết Tam Giang (Thừa Thiên Huế). Đầm Thuỷ Triều là một đầm nước mặn rộng lớn nằm ẩn sau những đồi cát trắng phía sau lưng bán đảo Cam Ranh và dưới chân núi Cù Hin. Độ sâu dao động từ 3m – 7m tuỳ vị trí. Diện tích đầm tự nhiên vào khoảng 12.000 ha. Đáy đầm có khoảng 1500 loại thủy sinh cư trú. Do đó, chính đầm Thủy Triều là nguồn sống của gia đình tôi, và nhiều ngư dân tại đây.
Anh Huỳnh Văn Trung, làm nghề bắt còng tại đây, cho biết: Còng dễ khai thác, sản lượng cũng như thu nhập khá hơn các loài khác. Dụng cụ bắt còng cũng không có gì khác, ngoại trừ mắt lưới túi đựng thưa hơn. Một ngày, từ sáng sớm đến 2 giờ chiều, thợ lặn còng tại đây có thể bắt được 10 – 12kg. Giá bán từ 80.000 – 100.000/kg.
Những đổi thay nơi làng cổ
Ông Nguyễn Trọng Khương, Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông, thổ lộ: Người dân làng cổ Thủy Triều (xã Cam Hải Đông) bao đời hiền hòa và chân chất, chăm chỉ cần cù lao động và mến khách. Từ xa xưa làng Thủy Triều bên đầm Thủy Triều rộng lớn, người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản là chủ yếu và cuộc sống luôn no đủ. Những năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến huyện nên Cam Hải Đông đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Tổng thu nhập toàn xã Cam Hải Đông năm 2021 đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng.
Thời gian qua, trong xã đã có nhiều khu du lịch mọc lên, đặc biệt là Khu du lịch Bãi Dài thu hút một lượng khách rất lớn đến tham quan mỗi năm. Đầm Thủy Triều ngoài khai thác đánh bắt thủy sản thì nay cũng đã hình thành các tour du lịch để du khách khám phá văn hóa và thưởng thức các món hải sản tươi ngon tại đây. Giao thông, đường xá trong xã được quy hoạch và xây dựng khang trang sạch đẹp từ xã đến thôn.
“Điều đáng mừng là lao động trong xã đang có sự chuyển dịch rất lớn từ Nông, Lâm, Ngư nghiệp sang dịch vụ. Do dịch vụ tăng nên nhiều lao động đã chuyển sang làm ở các nhà hàng, khu du lịch, điểm tham quan… có mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này khá ổn định và cao hơn so với làm nông nghiệp và một số nghề khác”, ông Nguyễn Trong Khương nói.
Một điều đáng mừng là các thiết chế văn hóa, thể thao luôn được địa phương đề cao và đầu tư phát triển. Trong hầu hết các thôn của xã hiện nay đều có nhà văn hóa. Các chỉ tiêu về văn hóa xã hội, giảm nghèo trong năm 2021 luôn đạt kế hoạch huyện giao. Trong năm 2021, UBND xã đã hoàn thành 8 công trình, trong đó có nhiều công trình văn hóa: Nhà văn hóa thôn Thủy Triều; đài liệt sĩ xã Cam Hải Đông; Trường tiểu học xã Cam Hải Đông; chợ xóm 2 xã Cam Hải Đông…
Đặc biệt, 2 cây chai lá cong hơn 200 năm tuổi, cây me hơn 300 năm tuổi bên miếu Ấp Trung và đình Thủy Triều vừa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Thể hiện sự quan tâm gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử để “hồn làng” còn mãi mãi với thời gian.
Theo Văn hóa