Sau Tết nguyên đán Mậu Tuất (2018) vừa rồi mấy anh em chúng tôi rủ nhau sang đất Phật Myanmar. Và, khi đã tới Ranoon, đi đến nhiều nơi trên đất nước Myanmar chúng tôi mới biết thêm về xứ sở này.
Người dân Myanmar sùng đạo Phật, tại bất kỳ thành phố, thị xã nào đều có ít nhất một ngôi chùa và một tu viện Phật giáo. Đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn ở Myanmar, cuộc sống của người dân không tách rời các nghi lễ Phật giáo.
Mùa chay Phật giáo cũng được ghi trên lịch của Myanmar là ba tháng mùa mưa, tương đương với thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 dương lịch. Trong thời gian đó có các hoạt động ăn chay, cưới xin… thường không được tiến hành.
Cả nước Myanmar có khoảng 500.000 tăng ni. Đạo Phật ở Myanmar theo dòng Theravada, là Phật giáo nguyên thủy – tức dòng Phật giáo Tiểu thừa, giáo phái Nam Tông.
Sự tu hành của các sư cũng giống như Phật giáo tại Thái Lan, Lào, Sri Lanka, Campuchia: các sư không ở chùa mà ở thiền viện, buổi sáng hằng ngày đi khất thực, không ăn chay và chỉ được ăn từ khi mặt trời mọc đến trước 12h trưa, sau 12h trưa đến sáng hôm sau tuyệt đối không được ăn.
Myanmar cũng có rất nhiều thiền viện – là nơi ở của các nhà sư. Các Phật tử trong và ngoài nước thường tới thiền viện để tỏ lòng kính trọng và dâng đồ bố thí, cúng dường như thức ăn, tiền bạc, áo cà sa và vật dụng cho các sư.
Phật tử có thể lưu lại cả tuần, cả tháng, cả năm trong thiền viện để học thiền, nghe thuyết pháp hay nghiên cứu Phật pháp.
Nhiều nghi lễ tôn giáo, trong đó có lễ thụ giới và lễ dâng cà sa,… được tổ chức rất trang trọng tại các thiền viện.
Một số khu vực trong thiền viện cấm phụ nữ không được lui tới. Vào các kỳ nghỉ hè hằng năm, học sinh từ 6 đến 16 tuổi cũng tập trung ở đây làm lễ xuống tóc, đổi áo và dự một khóa tu khoảng một tháng để học các giới luật, nghe thuyết pháp và tu thiền.
Chùa Shwedagon (chùa vàng) ở Yangoon là chùa tháp lớn nhất và đẹp nhất Myanmar, được hình thành từ 2500 năm trước và được các triều đại phong kiến Miến Điện trước đây tu bổ, mở rộng dần.
Chùa Shewdagon tọa lạc trên một quả đồi cao, rộng, trên đỉnh tháp gắn nhiều kim cương, hồng ngọc, bích ngọc và các loại đá quý, chùa được dát vàng nên lấp lánh dưới ánh mặt trời vào ban ngày và ánh điện về ban đêm.
Ở Yangoon còn có chùa Phật nằm, chùa Phật ngọc, chùa tóc Phật, chùa răng Phật, v.v.. rất độc đáo.
Chùa Kyaikhtyo ở bang Mon là kỳ quan có một không hai trên thế giới. Chùa được xây trên tảng đá lớn màu vàng chênh vênh trên vách núi cao trông rất ngoạn mục.
Myanmar có nhiều học viện Phật giáo ở các thành phố lớn, nơi đã và đang đào tạo các sư có trình độ cao về Phật học.
Myanmar còn có trường đại học Phật giáo quốc tế tại Yangoon, dành cho sinh viên từ nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Xri Lanca, Nepan, Thái Lan, Campuchia, Lào… đến học miễn phí từ bậc đại học đến tiến sĩ.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945), Myanmar trở thành một chiến trường chính, ác liệt nhất tại Đông – Nam Á.
Sau những thắng lợi ban đầu (1942, với sự giúp đỡ từ quân đội Thái Lan và quân nổi dậy Myanmar) của Nhật Bản trong “Chiến dịch Miến Điện”, người Anh bị đẩy lùi khỏi đa phần nước này; tiếp theo phe Đồng minh đã phản công, tháng 7 năm 1945 họ giành lại toàn bộ lãnh thổ Myanma.
Sau chiến tranh, phe Đồng minh đã lập ra những nghĩa trang tưởng niệm chiến tranh trên toàn thế giới, ở Myanmar là Htauk Kyant. Nghĩa trang chiến tranh Htauk Kyant nằm ở thị trấn Mingaladon, cách Yangoon khoảng 32 km, trên đường tới Bago.
Khu tưởng niệm những người đã mất trong chiến tranh Htauk Kyant là nơi an nghỉ và lưu danh của 27.000 binh lính (mộ cùng tên tuổi) của những người lính trong quân đội Đồng minh (Khối thịnh vượng chung) đã chết trong “Chiến dịch Myanmar” của quân Nhật.
Nghĩa trang này được xây dựng vào năm 1951 quy tập phần mộ từ nhiều nghĩa trang và những ngôi mộ nằm rải rác khắp nơi hẻo lánh xa xôi không thể duy trì, chăm sóc.
Các ngôi mộ đã được quy tập tại Htauk Kyant được quy hoạch theo hàng lối đơn giản, nhỏ nhắn nhưng rất đẹp.
Bên những tấm bia mộ có ghi đầy đủ tên tuổi, quê quán, cấp bậc, ngày sinh, ngày mất là những khóm hoa tươi được cắt tỉa công phu, những lối đi quanh năm có hoa nở và những thảm cỏ xanh.
Trên các mái vòm, trên những cột cao là tên tuổi của những người lính đã mất, nhưng chưa tìm ra phần mộ.
Những thân nhân của họ (lính quân đội đồng minh) trên toàn thế giới thường đến thăm Htauk Kyan, nơi mà tên tuổi và mộ phần người thân của họ được chăm sóc, tôn trọng.
Người Myanmar mặc dù đã chiến đấu cho cả hai phía, nhưng không bao giờ đem lòng thù hận. Phần mộ của hai bên (quân đội đế quốc Nhật, quân Myanmar và quân đồng minh) luôn được giữ gìn.
Người Myanmar không những lưu giữ rất tốt những ngôi mộ của quân đội Nhật Bản, quân đội “phe trục” mà còn cả những người lính thua trận từ khắp nơi trên thế giới bằng tấm lòng từ bi, nhân đạo chân thành.
Người Myanmar – người đất Phật, người xứ Chùa Vàng đa số còn nghèo, còn lam lũ; tứ thời quấn váy longi, nhai trầu bỏm bẻm, lết dép tông…, nhưng hiền từ, thật thà và luôn làm việc nghĩa.
Myanmar rất đa dạng về chủng tộc dân cư, chính phủ nước này công nhận 135 dân tộc khác nhau.
Dù khác sắc tộc, nhưng những người dân sinh sống tại Myanmar đều có lối ăn mặc khá giống nhau. Cả nam và nữ đều quấn lọai sà rông mà tiếng Miến gọi là longyi.
Đối với nam longyi không hoa hòe, rực rỡ màu sắc như của nữ giới mà trang trí chủ yếu là đường kẻ ngang dọc, chìm nổi mà thôi. Nam thắt longyi trước bụng, còn nữ thắt ở bên hông.
Đi với longyi là loại dép lê như tông Thái, dép Nhật. Đế dép bằng cao su, trên có ép nhung, và quai dép cũng bằng nhung.
Dép của nam chủ yếu là màu đen hay màu thẫm; còn của nữ có những màu tươi và trang trí thêm những hạt cườm lóng lánh.
Nhiều người Myanmar hiện nay vẫn có tục lệ nhai trầu, cả nam lẫn nữ. Nhiều nam sinh viên khi đến trường miệng vẫn nhai trầu. Dọc đường hay ở các góc phố đều có quầy bán trầu, vôi, thuốc.
Vì nhai trầu, nên trên đường phố người ta có thể thấy rất nhiều vệt nước trầu đỏ thẩm do người nhai nhổ ra. Và cũng tương tự như người Thái, nhiều người Miến quyệt phấn trắng lên hai gò má hay cả mặt và tay, chân. Tuy nhiên, loại mà người Miến sử dụng không phải trắng như vôi mà trắng ngà …
Đối với người Việt Nam như chúng tôi thật ngạc nhiên khi đến thành phố Yangoon hiếm thấy được một chiếc xe máy giao thông trên đường phố. Lệnh cấm người dân sử dụng xe máy tại thành phố Yangoon bắt đầu có hiệu lực từ năm 2000.
Chỉ có một số cơ quan chức năng của chính quyền mới được phép sử dụng xe máy.
Phương tiện vận chuyển công cộng tại Yangoon là xe buýt. Những chiếc Nissan cũ kỹ hay những chiếc xe ca dài chạy khắp các tuyến đường trong thành phố Yangoon. Vì xe máy bị cấm nên người ta có thể thấy nhiều xe ô tô.
Đa phần là các loại xe cũ; nhưng nay bắt đầu xuất hiện nhiều xe ô tô mới mà chủ yếu là xe Nhật, xe Trung Quốc…
Tình trạng kẹt xe bắt đầu xuất hiện ở thành phố này khi mà xe cộ bắt đầu nhiều lên, nhưng đường xá chưa được xây dựng kịp đáp ứng. Cả thành phố Yangoon hình như chỉ có một cầu vượt đã hoàn thành và một cầu vượt đang được xây dựng.
Để di chuyển trong các khu dân cư sinh sống, người ta có thể sử dụng loại xe tricycle.
Đây là một xe đạp và bên hông được gắn thêm một bánh và hai ghế ngồi quay lưng lại với nhau để có thể chở được hai người. Loại xe này cũng chở đủ tất cả mọi thứ như vật liệu xây dựng…
Rời Rangoon ra ngoại ô, nhất là khi đến các tỉnh, người ta sẽ thấy rất nhiều xe “tự chế” chở đồ đạc cồng kềnh, người chen lẫn cùng gia súc, đôi khi là cả… bình ga rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, con người lại vô cùng thân thiện, chất phác, không có trộm cắp, móc túi. Người ta dường như không ai muốn làm giàu, thích đất đai nhà cửa, kiếm được tiền là làm “từ thiện” là cung tiến cúng dường; lại bảo, thà đi khất thực chứ không ăn xin ăn mày, ăn cắp.
Thị trường xây dựng, bất động sản và giá đất của Yangoon đang từng giờ.
Theo Daidoanket