Trên cổng trời Mường Lống, có một ngôi chợ khá đặc biệt, chuyên bán những đặc sản của vùng cao. Khác với những ngôi chợ khác thường nằm giữa khu dân cư đông đúc, chợ này cách ngôi nhà gần nhất đến cả tiếng đi bộ.
Ngôi chợ đặc biệt
Dưới cái rét đến thấu da thịt của ngày đầu năm mới, hàng chục phụ nữ người dân tộc Mông vẫn kiên nhẫn ngồi bên những chòi lá dựng bên đường để chờ khách. Với độ cao khoảng 1.500 mét so với mực nước biển, ở đây có những ngày nhiệt độ xuống dưới 5 độ C. Bốn bề không được che chắn, những người làm việc ở đây vì thế thường xuyên phải đối mặt với những đợt gió lùa rét buốt.
Đó là hình ảnh chúng tôi chứng kiến khi ghé thăm ngôi chợ ở trên cổng trời Mường Lống (Kỳ Sơn). Ngôi chợ được dựng cạnh ngã ba đường, thuộc địa phận xã Huồi Tụ, đoạn giáp ranh với Mường Lống. Ở đây chỉ cách cổng trời Mường Lống chừng 1km nên nhiều người vẫn gọi với cái tên “chợ cổng trời”. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn những người bán hàng ở ngôi chợ này đều đến từ bản Phà Xắc (xã Huồi Tụ).
Không giống như những ngôi chợ bình thường khác thường nằm giữa trung tâm dân cư, nơi đông đúc người qua lại để thuận tiện cho việc mua bán, ngôi chợ này được dựng nơi vắng vẻ. Ở đó cách khu dân cư gần nhất cũng hơn 1 km. Chính vì thế, phần lớn khách mua hàng ở chợ này đều là người dưới xuôi, hoặc là ở thị trấn Mường Xén có việc ngang qua đây.
Theo ông Dềnh Bá Lồng – Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, chợ này được hình thành tự phát, từ khoảng gần 10 năm nay. “Chợ hình thành sau khi tuyến đường từ Huồi Tụ đi Mường Lống được sửa sang. Thấy phương tiện qua lại đông đúc, đặc biệt là khách dưới xuôi lại thường dừng xe ở ngã ba để ngắm cảnh nên một vài hộ mang sản vật của gia đình lên đó bán. Thấy những người này bán được, nên các hộ khác cũng dần học theo. Rồi họ bắt đầu dựng lán”, ông Lồng nói. Đến nay, đã có gần 15 gian hàng ở ngôi chợ độc đáo này.
Do nằm trên đỉnh núi, phần lớn buổi sáng, ở đây luôn bị sương mù bảo phủ. Mùa này, những người phụ nữ bán hàng ở chợ cổng trời thường bị cái rét hành hạ. Để giữ ấm cho cơ thể, họ bị kín cơ thể, chỉ chừa mỗi đôi mắt. “Chợ này chẳng có giờ giấc gì cả. Ai bán hết thì về. Chỉ những ngày ế thì bán khi nào trời tối rồi thôi. Ở đây rét lắm, nhiều khách dưới xuôi nán lại một lúc thôi cũng chịu không được”, chị Và Y Xừ (32 tuổi), nói.
Đặc sản núi rừng
Những mặt hàng ở chợ cổng trời khá phong phú. Tất cả đều là đặc sản núi rừng, là những sản vật đồng bào dân tộc Mông gần đó trồng được hoặc hái lượm, săn bắt từ núi rừng. Nhưng nhiều nhất vẫn là cây cải ngồng. Mỗi bó cải ngồng ở đây được bán với giá 10.000 đồng. Để có được gần 100 bó cải mang lên chợ bán, chị Lầu Y May (40 tuổi, bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ), đã phải thức dậy từ lúc hơn 2h sáng. Toàn bộ số cải này đều được chị May trồng ở trên rẫy. Do rẫy ở xa, chị phải mất hơn một giờ đi bộ mới tới được. Sau khi tất bật hái rau, chị gùi trên lưng cuốc bộ ngược lên chợ cũng là lúc trời vừa sáng. “Người Mông mình làm việc như vậy quen rồi. Chẳng thấy vất vả gì cả”, chị May cười nói.
Không chỉ bán rau cải ngồng, gian hàng của chị May còn có ít bắp chuối rừng, được rao bán với giá từ 5.000 đến 10.000 đồng tùy loại. Đây là những bắp chuối mà chị May hái được dọc đường từ rẫy về. Như nhiều phụ nữ khác, chị May bán ở chợ cổng trời quanh năm. Hết mùa rau cải, chị lại bán khoai sọ, rồi dưa chuột… Tất cả đều do vợ chồng chị trồng được trên rẫy. Phần lớn rau cải ngồng được bán ở đây đều đã ra hoa. Theo chị May, trước đây người Mông trồng rau khi đã ra hoa là đã già, phải chặt bỏ trồng cây khác. Nhưng sau đó thấy người dưới xuôi thích loại rau cải đã ra hoa nên họ mới mang ra đường bán.
“Trồng rau trên này đơn giản lắm, không phải chăm sóc kỹ càng rồi phun thuốc như dưới xuôi đâu. Ở đây chỉ cần mang hạt giống lên rẫy rồi vãi ra, cứ thế nó tự lớn cho đến khi thu hoạch thôi. Có thể do đất và khí hậu tốt nên nó sinh trưởng nhanh lắm”, chị May nói thêm.
Ngoài rau, củ, quả, có một mặt hàng ở đây rất được ưa chuộng đó là chuột rừng. Đặc biệt là vào những ngày Đông giá rét. Mùa này, chuột rừng khá hiếm, bởi chúng thường trốn vào những hang sâu để tránh cái rét, việc săn bắt rất khó. Vì thế, mỗi con chuột được bán với giá khá cao. Có con thậm chí được rao hơn 100.000 đồng. Không giống như chuột nhà, thức ăn của chuột rừng phần lớn là thực vật. Tuy vậy, chúng khá lớn, có con nặng hơn nửa cân.
“Mùa này mà có con chuột rừng gác bếp nhâm nhi là tuyệt lắm”, chị Lầu Y Thờ (42 tuổi), chỉ tay vào đàn chuột rừng đang bị treo lơ lửng trước gian hàng nói. Chị Thờ nói rằng, 2 đứa con trai của chị đã phải thức trắng đêm trong rừng mới săn được đám chuột này. Chuột sau khi được săn về, liền được mang lên chợ bán mà không hề qua chế biến. Vì thế, mặt hàng này chỉ có thể bán trong ngày. Nếu bán không hết, họ sẽ mang về mổ bụng chế biến. “Nó là đặc sản đấy. Nhiều người dưới xuôi ghé qua thấy ghê nên không dám mua. Trên thực tế nó sạch lắm vì nó chỉ ăn cây hoa, ăn củ, hạt thôi. Nếu bán không hết thì mang về gác bếp, khi nào có khách quý thì mang ra đãi khách. Chứ không bán rẻ đâu”, chị Thờ nói.
Ông Và Chá Xà – Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho hay, ngôi chợ giữa ngã ba này hiện nay không chỉ là mua bán, trao đổi hàng hóa, mà còn là một điểm du lịch. “Hiện nay xã Mường Lống đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Và ngôi chợ cổng trời đó là điểm đến đầu tiên và rất quan trọng trong chuỗi hành trình của du khách khi đến với vùng đất này. Ở đó có mọi đặc sản của người dân nơi đây để du khách dưới xuôi mua về làm quà. Đó cũng là điểm ngắm cảnh tuyệt vời”, ông Xà nói.
Theo Baonghean