Hàng năm cứ tới ngày 14.2, ngày được xem là Lễ tình nhân, các cặp đôi trên khắp thế giới đều dành cho nhau những lời chúc ngọt ngào, những món quà ý nghĩa như hoa hồng, chocolate… Thế nhưng, ít ai biết rằng, đằng sau đó là một câu chuyện đầy tang thương về Thánh Valentine.
Những truyền thuyết về Thánh Valentine và Ngày Lễ tình nhân
Truyền thuyết phổ biến nhất ở châu Âu cho rằng, Thánh Valentine là một người xuất thân ở thời La Mã cổ đại. Dưới thời kì trị vì của hoàng đế Claudius đệ nhị, đế chế La Mã tham gia vào rất nhiều cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu. Nhà vua rất khó khăn trong việc tuyển mộ quân lính. Claudius bạo chúa nghĩ rằng đó là do đàn ông còn bận tâm về gia đình vợ con nên mất hết ý chí; thay vào đó, những người đàn ông trẻ độc thân thì chiến đấu sẽ tốt hơn. Kết quả là một đạo luật hà khắc ra đời: ông đã cấm tất cả đàn ông được kết hôn. Đạo luật đi trái với ý Chúa và người dân nên gây ra nhiều phẫn nộ.
Trước tình cảnh đó, một vị linh mục nhân ái tên Valentine đã bí mật tổ chức hôn lễ cho nhiều cặp tình nhân trong nhà thờ. Sự việc bại lộ, vị linh mục tốt bụng bị bắt giam trong ngục trước khi bị xử tử bởi hình phạt dã man là chém đầu, kéo lê xác khắp thành. Điều kỳ diệu là trong thời gian sống trong ngục tối, linh mục đã giúp chữa khỏi mù cho cô con gái quản ngục vốn mù lòa bẩm sinh, tên Julia. Trước khi ra pháp trường ngày 14.2 khoảng năm 270 TCN, ông đã gửi cho Julia một tấm thiệp ký tên “dal vostro Valentino” – “from your Valentine”. Cảm động trước lòng tốt của vị linh mục tốt bụng này, ngày lễ Valentine ra đời với ý nghĩa tưởng nhớ những công lao của ông trong việc bảo trợ tình yêu con người.
Hiện nay, ở Dublin, Ireland có một nhà thờ mang tên Whitefriars được cho là nơi lưu giữ trái tim của Thánh Valentine sau khi bị xử tử.
Tuy nhiên, bà Lisa Bitel, giáo sư tôn giáo và lịch sử tại Đại học Nam California và là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới nghiên cứu về Thánh Valentine, cho biết theo các văn bản lịch sử thì có tới ba vị thánh tên là Valentini đã qua đời vào ngày 14.2 trong thế kỷ thứ 3. Vẫn theo bà Bitel, không có bằng chứng nào cho thấy cả ba người trên có tác động lớn tới tình yêu của các cặp đôi, mà nhiều khả năng đó chỉ là những câu chuyện truyền miệng trong dân gian. Ngày 14.2 ban đầu chỉ được coi là ngày ghi dấu việc Thánh Valentine bị hành quyết.
Bách khoa toàn thư Công giáo cũng nói về các vị thánh Valentine đã chết vào ngày 14.2 là Valentine thành Roma (Valentinus presb. M. Romae) và Valentine của Terni (Valentinus ep. Interamnensis. M. Romae) và một Valentine tử đạo ở châu Phi cùng 1 số đồng đạo.
Trong đó, Valentine của Rome là một linh mục ở Rome, chết vào khoảng năm 269 và được chôn cất trên con đường Via Flaminia.
Valentine thành Terni đã trở thành giám mục của Interamna (hiện nay là Terni) khoảng năm 197 và được cho là đã tử vì đạo trong cuộc đàn áp dưới thời hoàng đế Aurelianus. Ông cũng được chôn cất trên đường Via Flaminia, nhưng ở một vị trí khác so với Valentine của Rome. Di hài của ông hiện nay đặt tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Valentine ở Terni (Basilica di San Valentino).
Còn theo giáo sư Lịch sử và Thần học Henry Kelly tại UCLA, ngày lễ Valentine lần đầu tiên diễn ra vào 14.2.496, do Giáo hoàng Gelasius đệ nhất tổ chức để tôn vinh vị thánh này. 1.000 năm sau, nhà thơ Anh thời trung cổ Geoffrey Chaucer có thể là người đưa chất lãng mạn vào ngày Valentine. Trước khi bài thơ Parliament of Foules của Chaucer ra đời vào năm 1375, không ai ăn mừng 14.2 như một ngày lễ tình nhân. Chaucer đã kết nối tình yêu với ngày lễ Valentine.
Valentine trên khắp thế giới
Vào ngày này, ở nhiều quốc gia trên thế giới, từ phương Tây đến phương Đông, trong đó có Việt Nam, nam nữ thường tặng nhau những món quà ý nghĩa như hoa hồng, chocolate… và những bữa tối lãng mạn dưới ánh nến.
Theo U.S. Greeting Card Association của Mỹ, mỗi năm, vào ngày này, có hơn 1 tỷ tấm thiệp Valentine được trao với khoảng 85% khách hàng mua thiệp Valentine là phụ nữ.
Tuy nhiên, ở một số nơi, Lễ Valentine lại mang sắc thái khác:
Tại Nhật Bản, các nữ nhân viên có tặng chocolate, bánh kẹo,… cho các nam đồng nghiệp. Tục lệ này mang tên giri-choko; giri có nghĩa là “bổn phận”, choko là chocolate. Đúng một tháng sau đó, trong ngày 14 tháng 3, tức ngày White Day, thì nam giới lại tặng quà ngược lại cho các nữ đồng nghiệp đã chiếu cố đến mình trong ngày Valentine, những món quà này thông thường phải mang màu trắng.
Trong khi đó, tại Iran, Ả Rập Saudi, Malaysia và một số quốc gia theo Hồi giáo, cấm tổ chức các hoạt động kỷ niệm, mừng và bán những món quà ngày lễ tình nhân, kể cả hoa hồng đỏ nhằm “ngăn chặn sự lây lan của văn hóa phương Tây” và cho rằng Valentine là khuyến khích các quan hệ ngoài hôn nhân.
Theo Motthegioi