Tính đến nay, Sân khấu Lệ Ngọc đã đi được một chặng đường 5 năm 3 tháng. 5 năm không phải là một thời gian dài, nhưng cũng đủ “độ thử” sức chịu đựng của một đơn vị nghệ thuật sân khấu tư nhân đầu tiên ở miền Bắc, nơi cơ chế bao cấp đã chi phối mọi hoạt động của bộ máy Nhà nước Xã hội chủ nghĩa hơn 40 năm (1945 – 1986), riêng đối với lĩnh vực nghệ thuật thì cho đến tận hôm nay, khi các nhà hát trung ương và các đơn vị sân khấu cấp tỉnh, thành phố vẫn được bao cấp 100%.
Những con số biết nói
Như mọi đơn vị nghệ thuật tư nhân (xã hội hóa) ở Việt Nam, Sân khấu Lệ Ngọc không hề nhận được một khoản tài chính hỗ trợ nào từ Nhà nước, cũng phải tự đi thuê mặt bằng để đặt trụ sở làm việc, còn địa điểm biểu diễn thì luôn phải đi thuê là chuyện đương nhiên. Ấy thế mà, trong vòng 5 năm khởi nghiệp đầy khó khăn thử thách, Sân khấu Lệ Ngọc đã làm được một khối lượng công việc khổng lồ mà bất kỳ một đơn vị nghệ thuật sân khấu nào, công lập cũng như ngoài công lập, phải mơ ước. Trong 5 năm qua, Sân khấu Lệ Ngọc đã dàn dựng những 19 vở kịch, trung bình mỗi năm có 4 vở mới ra mắt. Trong hai năm 2020 và 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp có xu hướng ngày càng tăng nặng, lại là những năm Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng được nhiều vở mới hơn cả: năm 2020 dựng 6 vở, năm 2021 dựng 5 vở.
Năm 2020 là một năm đặc biệt ấn tượng mà Sân khấu Lệ Ngọc đã để lại trong lòng khán giả cả nước với hơn 200 buổi diễn. Trong bối cảnh cả nước cũng như hàng trăm quốc gia trên thế giới căng mình chống chọi với đại dịch Covid, tất cả mọi hoạt động kinh tế cũng như cuộc sống của triệu triệu người dân dường như ngưng chậm lại bởi những đợt cách ly, giãn cách, đóng cửa trường học, công sở… thì giữa lòng Hà Nội vẫn có một nhóm nghệ sĩ lặng lẽ và miệt mài ôn luyện vở cũ, tập vở mới, chờ ngày được trở lại hoạt động bình thường thì lập tức sẵn sàng lên sàn diễn. Không lâu sau khi lệnh giãn cách được cởi bỏ, từ ngày 25 tháng 6 đến mồng 5 tháng 7, Sân khấu Lệ Ngọc đã thực hiện chuyến lưu diễn tại TPHCM với 3 vở diễn đang được khán giả Thủ đô yêu mến gồm: Cây tre thần (tác giả Lê Thế Song, đạo diễn NSUT Bùi Như Lai), Thị Nở – Chí Phèo (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn NSND Lê Hùng) và Hoa sen lửa (tác giả Chu Thơm, đạo diễn Thanh Lê).
Song song với việc biểu diễn các nghệ sĩ đã bắt tay khởi công dàn dựng vở mới “Tình bạn và công lý” (tác giả Minh Nguyệt, đạo diễn Hán Quang Tú). Nhờ đó, trở về Hà Nội sau chuyến lưu diễn phía Nam, Sân khấu Lệ Ngọc đã có ngay 2 vở để tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ IV, diễn ra ngay trong tháng 7 năm 2020, tại Hà Nội. Tại Liên hoan này vở “Tình bạn và công lý” đã được tặng HCV cùng với 4 HCV và 2 HCB dành cho diễn viên, còn vở “Hoa sen lửa” đoạt 2 HCV và 2 HCB cho diễn viên. Đây là thành quả thật đáng ngưỡng mộ. Ngay sau khi Liên hoan kết thúc, Sân khấu Lệ Ngọc đã có một đợt biểu liên tục phục vụ khán giả Thủ đô tại Nhà hát Lớn, rạp Hồng Hà, rạp Đại Nam, luân phiên giữa các vở; Đặc biệt Sân khấu Lệ Ngọc đã diễn liên tục 28 ngày tại rạp Đại Nam, chủ yếu diễn vở “Thị Nở, Chí Phèo”, là món quà tri ân để tưởng nhớ nhà văn Nam Cao nhân dịp kỷ niệm 103 năm ngày sinh của ông. Liền sau đó, Sân khấu Lệ Ngọc lại lên đường làm cuộc “Nam tiến” lần thứ hai, từ ngày 29 tháng 11 đến mồng 6 tháng 12 tại Nhà hát Thành phố, đoàn diễn liên tục với tần suất từ 2 – 3 show một ngày. Điều đáng kinh ngạc là diễn liên tục như vậy mà suất diễn nào của Sân khấu Lệ Ngọc, ở trong Nam cũng như ngoài Bắc, đều đầy chật khán phòng, ít khi còn ghế trống. Riêng hai đợt vào diễn ở Thành phố Hồ Chí Minh, tổng cộng gần 40 buổi, chỉ diễn tại Nhà hát Thành phố, đó là điều bất kỳ đơn vị nghệ thuật xã hội hóa nào của Thành phố cũng không dám mơ ước, vì từ trước tới nay chưa có nhà hát nào có thể “trụ” nổi ở sân khấu Nhà hát Thành phố với chừng ấy suất diễn liên tục trong dài ngày như vậy.
Năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng hơn, thời gian giãn cách nhiều và dài hơn nên hoạt động biểu diễn nghệ thuật càng bị hạn chế hơn những năm trước. Dù chỉ có hơn 40 buổi diễn, nhưng Sân khấu Lệ Ngọc vẫn tiếp tục dàn dựng vở mới, trong đó 4 vở đã ra mắt công chúng trong năm 2021, vở thứ 5 đang tích cực tập luyện, phấn đấu sẽ công diễn trong dịp năm mới Nhâm Thìn (2022). Cũng trong năm 2021, Sân khấu Lệ Ngọc đã tham dự Liên hoan Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc với hai vở: “Thị Nở, Chí Phèo” và “Làm Vua” (tác giả: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: Lê Quý Dương), trong đó “Làm Vua” được trao Huy chương Vàng, cùng với nhiều Huy chương Vàng, Bạc cho cá nhân nghệ sĩ.
Những Sứ giả văn hóa
Những năm qua Sân khấu Lệ Ngọc không chỉ là cái tên rất quen thuộc với công chúng yêu sân khấu Thủ đô và cả nước, mà còn được nhiều chính khách, nhà ngoại giao và khán giả của nhiều quốc gia ở châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thailand, Philippines, Bhutan, Bangladesh), châu Âu (Pháp, Italy, Monaco) biết đến và yêu thích qua những vở diễn đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam như Ngũ biến, Thị Nở – Chí Phèo, Huyền thoại Gò Rồng ấp, v.v…
Sân khấu Lệ Ngọc còn hợp tác với đạo diễn từ Singapore là tiến sĩ Chua Soo Pong dựng vở “Kim Tử” (phỏng theo nguyên tác Nguyên Dã của nhà viết kịch nổi tiếng người Trung Quốc là Tào Ngu). Vở diễn đã góp phần tăng thêm tính đa sắc màu của bảng kịch mục Sân khấu Lệ Ngọc, thực sự thu hút khán giả cả hai miền Nam, Bắc. Đây cũng là vở diễn đã đoạt hai giải thưởng xuất sắc tại Liên hoan sân khấu Trung Quốc – ASEAN năm 2016 với giải Tiết mục xuất sắc và giải Nghệ sỹ trình diễn xuất sắc cho NSND Lệ Ngọc trong vai Tiêu Đại Mẫu – mẹ chồng của Kim Tử.
Bảy lần liên tục tham gia Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN tại Nam Ninh – Trung Quốc, bốn lần tham gia Liên hoan sân khấu quốc tế tại Hàn Quốc, lần nào Sân khấu Lệ Ngọc và cá nhân NSND Lệ Ngọc cũng được trao tặng những giải thưởng cao nhất. Năm 2019 là năm bội thu thành tích của Sân khấu Lệ Ngọc với những chuyến xuất ngoại biểu diễn tại 10 nước. Có lẽ chưa một đơn vị nghệ thuật nào của Việt Nam có được vinh dự như Sân khấu Lệ Ngọc là được đích danh nhà Vua Bhutan mời sang biểu diễn; Theo lời mời của Bộ Văn hóa Singapore, tháng 4-2019 Sân khấu Lệ Ngọc sang nước bạn biểu diễn, thì tháng 6 Đoàn lại nhận được lời mời của Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore sang biểu diễn nhân dịp kỷ niệm 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Singapore, với sự có mặt của các đại sứ khách mời của 57 quốc gia đang đặt trụ sở tại Singapore. Sân khấu Lệ Ngọc xứng danh là Sứ giả văn hóa, đem nghệ thuật kịch Việt Nam đến với hàng vạn khán giả của nhiều nước trên thế giới.
Bí quyết thành công
Nhiều người trong giới sân khấu không ít lần đã phải đặt câu hỏi: Trong điều kiện của cơ chế hiện hành không mấy thuận lợi cho đơn vị nghệ thuật tư nhân hoạt động, lại thêm trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 hoành hành suốt 2 năm qua, mà sao Sân khấu Lệ Ngọc lại có thể hoạt động rất hiệu quả đến thế? Những người chủ của đoàn có “bí quyết” gì đây? Với người viết bài này, cũng đã từng, không phải một lần, “thắc mắc” với những câu hỏi trên, và đã tự đưa ra câu trả lời như sau:
Trước hết, thỏa mãn niềm đam mê của bản thân!
Tình yêu sân khấu của NSND Lệ Ngọc nảy nở từ thủa còn bé thơ, được di truyền từ người cha – một người Hà Nội gốc, đó là nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa Hoài Việt nổi tiếng một thời… Tình yêu ấy như được nhân đôi khi người bạn đời của chị – nghệ sĩ Văn Hải, là bạn nghề cùng trang lứa với Lệ Ngọc khi cùng về “đầu quân” làm diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam. Sau hơn 16 năm công tác, vào thời kỳ kinh tế cả nước rất khó khăn, anh đã phải dừng nghề diễn, ra ngoài làm kinh tế, trở thành hậu phương vững chắc cho gia đình, để vợ có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi niềm đam mê sân khấu của mình. Sau hơn 40 năm gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam, ngày chính thức được về nghỉ hưu theo chế độ, lại là ngày cuộc đời nghệ thuật của NSND Lệ Ngọc bước sang trang mới, khi chị có thể cùng Văn Hải toàn tâm toàn ý xây dựng cho riêng mình một sân khấu Kịch mang tên Sân khấu Lệ Ngọc, nơi anh chị tiếp tục được hóa thân vào nhiều vai diễn, và đảm nhiệm vai trò Chỉ đạo nghệ thuật, quản lý… Sau nhiều năm kinh doanh, gây dựng kinh tế vững chắc cho gia đình, NS Văn Hải lại cùng vợ chăm lo cho Sân khấu Lệ Ngọc, lại cùng chị đứng trên sân khấu để cùng nhau vươn đến những nấc thang nghệ thuật mới, làm nên một “cặp đôi hoàn hảo” của Sân khấu Lệ Ngọc được khán giả rất yêu mến.
Niềm đam mê sân khấu suốt gần nửa thế kỷ qua đã tạo nên và nuôi dưỡng nguồn năng lượng dồi dào cho cặp vợ chồng nghệ sĩ Lệ Ngọc – Văn Hải luôn cháy hết mình cho nghề, từ đó anh chị lại truyền sang cho lớp trẻ, những diễn viên mới bước vào nghề đang muốn được thử sức và tìm chỗ đứng tạo dựng sự nghiệp. Trong 5 năm qua Sân khấu Lệ Ngọc vừa là nơi rèn dũa chuyên môn, đồng thời còn là nơi bồi dưỡng ý chí và ý thức làm nghề cho nhiều diễn viên trẻ, là “bệ đỡ” cho họ có cơ hội bay cao, bay xa hơn.
Khán giả là “thượng đế”
Yêu sân khấu cũng đồng nghĩa với yêu khán giả, vì khán giả là thành phần sáng tạo thứ năm của vở diễn sân khấu. Ai cũng hiểu rằng: không có khán giả, bất thành sân khấu! Hơn ai hết, vợ chồng NSND Lệ Ngọc – Văn Hải luôn tâm niệm: Sân khấu Lệ Ngọc cần có khán giả, phục vụ khán giả là trên hết và mục đích cuối cùng là khán giả! Theo tôi, điều này hoàn toàn đúng, không phải chỉ vì cái chân lý “không có khán giả, bất thành sân khấu” kia, mà còn vì đây là một đơn vị nghệ thuật tư nhân, có nghĩa là họ “sống” bằng đồng tiền của chính khán giả.
Có thể có người sẽ hỏi: Nếu nghệ thuật (sân khấu) coi “khán giả là thượng đế” thì có phải nghệ thuật chỉ chạy theo thị hiếu của khán giả mà coi nhẹ vai trò giáo dục, hướng dẫn, định hướng cho khán giả hay không? Theo tôi, hai phạm trù này không đối nghịch với nhau nếu hiểu đúng nghĩa của cụm từ “khán giả là thượng đế”: điều này ngụ ý cần phải coi trọng khán giả, cần hiểu được khán giả nghĩ gì, muốn gì, khao khát cái gì? Hiểu được những điều đó là để xây dựng những tác phẩm nghệ thuật đáp ứng đúng nhu cầu chính đáng của khán giả, là đem đến cho các “thực khách” đúng những món ăn mà họ đang cần.
Dàn kịch mục phong phú, đa dạng, phục vụ kịp thời
Nhắm tới công chúng khán giả đa dạng, nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi, Sân khấu Lệ Ngọc đã có một chương trình kịch mục khá phong phú về đề tài và đa dạng về thể tài: có những vở dựa theo truyện kể dân gian như “Tấm Cám”, “Cây tre thần”; có vở dã sử mang màu sắc huyền thoại như “Huyền thoại gò Rồng ấp”; vở “Thị Nở – Chí Phèo” và “Vang bóng một thời” được phóng tác từ tác phẩm của Nam Cao và Nguyễn Tuân; vở “Ngũ biến” là màn trình diễn đặc sắc dựa trên năm giá hầu đồng theo phong tục tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; lại có những vở nóng hổi hơi thở thời đại hôm nay như “Tình bạn và công lý”, “Hoa sen lửa”. Đặc biệt, ngay trong những ngày đại dịch Covid-19 đang đe dọa cuộc sống của hàng triệu con người, Sân khấu Lệ Ngọc là đơn vị nghệ thuật duy nhất trong cả nước kịp thời dàn dựng và biểu diễn vở Cuộc chiến Covid (tác giả: Minh Nguyệt, đạo diễn: NSND Lê Hùng), tri ân và ca ngợi đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch…
Năm 2021 đánh dấu một bước tiến rõ rệt của Sân khấu Lệ Ngọc khi đầu tư xây dựng hai vở kịch “lớn” là “Làm Vua” và “Vụ án người đốt đền” (“Herostrastus”) (tác giả: Nguyễn Đăng Chương và Grigori Gorin, đạo diễn: Lê Quý Dương). “Làm Vua” là vở kịch đề tài lịch sử, nói về triều đại Đinh Tiên Hoàng Đế, “Vụ án người đốt đền” là một tác phẩm kinh điển của sân khấu thế giới, cả hai vở đều được dàn dựng một cách nghiêm túc, công phu, thể hiện tầm vóc của Sân khấu Lệ Ngọc đã khá chững chạc về nghệ thuật và đang đi đúng hướng.
Lãnh đạo là những nhà tổ chức tài ba
Ngoài niềm đam mê diễn kịch mãnh liệt khiến bạn bè đồng nghiệp ngưỡng mộ, NSND Lệ Ngọc và NS Văn Hải còn được biết đến là hai nhà tổ chức tài ba, rất nhạy bén, dám quyết đoán và có tầm nhìn xa, trông rộng. Mỗi hoạt động của Sân khấu Lệ Ngọc được anh chị tính toán kỹ càng, cẩn trọng và có kế hoạch. Sân khấu Lệ Ngọc luôn chủ động tìm đến khán giả để kéo họ đến với mình, chứ không thụ động chờ khán giả đến với sân khấu, như mấy chục năm nay nhiều nhà hát công lập vẫn quen với kiểu làm việc của cơ chế bao cấp thụ động.
Giống như các đơn vị nghệ thuật tư nhân khác ở Việt Nam, Sân khấu Lệ Ngọc có những thiệt thòi và khó khăn. Dù cho Đảng và Nhà nước có chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật đã hơn hai mươi năm (từ khi có Nghị quyết 90/CP ngày 21 tháng 8 năm 1997), nhưng cho đến nay các đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập vẫn được hưởng chế độ bao cấp toàn phần như trước. Trong khi đó, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa (ngoài công lập) không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước; Nhà nước cũng chưa có cải tiến gì về mặt chính sách để tạo điều kiện cho các đơn vị ngoài công lập được nhận tài trợ cho hoạt động nghệ thuật (điều mà nhiều nước đã thực hiện rất tốt). Bên cạnh đó, ở các “sân chơi” như Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp, nhiều khi các đơn vị tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử, vẫn còn đó đây cách đánh giá bất công giữa đơn vị tư nhân và nhà hát công lập… Trong bối cảnh như vậy mà Sân khấu Lệ Ngọc vẫn tự thân vận động, hoạt động sôi nổi và hiệu quả hơn rất nhiều đơn vị sân khấu công lập. Điều này chứng tỏ những người “đứng mũi chịu sào” của Sân khấu Lệ Ngọc thực sự là các nhà quản lý tâm huyết và tài giỏi, nổi bật lên là vai trò của NSND Lệ Ngọc, một nhà đối ngoại tài ba.
Tất nhiên, để Sân khấu Lệ Ngọc có được những bước đi vững chắc và liên tiếp gặt hái thành công trong 5 năm qua, đồng hành cùng NSND Lệ Ngọc có vai trò rất quan trọng của người chồng là nghệ sĩ Văn Hải với vai trò là Giám đốc. Với những kinh nghiệm có được sau hơn 20 năm lăn lộn trên thương trường, doanh nhân thành đạt Văn Hải giờ đây cùng vợ điều hành Sân khấu Lệ Ngọc đúng nghĩa là một doanh nghiệp kinh doanh nghệ thuật biểu diễn. Từ giữa năm 2021 Sân khấu Lệ Ngọc trở thành Công ty TNHH Nghệ thuật Sân khấu Lệ Ngọc, trong đó NSND Lệ Ngọc là Chủ tịch HĐQT, nghệ sĩ Nguyễn Văn Hải là Giám đốc Sản xuất kiêm Chỉ đạo nghệ thuật. Với một “sức vóc” mới, tin tưởng rằng Sân khấu Lệ Ngọc sẽ ngày càng phát triển vững chắc.
Sân khấu Lệ Ngọc là hồi chuông “lạc quan” cho những nhà hoạch định chính sách, cần phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn để thực hiện xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật, kèm theo đó cần có các chính sách hỗ trợ cho hoạt động nghệ thuật ngoài công lập.
Bước sang năm mới 2022, chúc cho niềm đam mê nghệ thuật sân khấu tiếp tục hội tụ lại nơi Sân khấu Lệ Ngọc để cùng nhau sáng tạo nên thật nhiều vở diễn đặc sắc, tiếp tục cống hiến cho khán giả những “bữa tiệc sân khấu” hoành tráng, tiếp tục bay cao, bay xa đem sân khấu Việt Nam đến với bạn bè quốc tế trên nhiều châu lục.
GS.TS Lê Thị Hoài Phương