Niềm vui và vinh dự

19:40 | 01/02/2022

Trong cuộc đời hiến dâng cho báo chí, ai cũng có nhiều niềm vui và không ít nỗi buồn.


Niềm vui và vinh dự lớn nhất đời tôi, như tôi từng kể nhiều lần, là được tổ chức phân công tháp tùng và viết bài, tin một số chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với cán bộ, đồng bào trong nước. Nhờ vậy, đôi ba lần tôi được Bác Hồ trực tiếp động viên, dạy bảo.

Còn một niềm vui và vinh dự khác nữa. Với tư cách Tổng Thư ký rồi Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, tôi may mắn được trao tặng Huy chương vì sự nghiệp báo chí (nay gọi là Kỷ niệm chương) đến một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, những học trò và cộng sự thân cận của nhà báo Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Họ từng làm báo, dùng cây bút làm vũ khí “phò chính trừ tà” thời đất nước ta còn dưới ách thực dân đến những ngày đổi mới: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) đón nhận Huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam, và nhận lời chúc mừng của nhà báo Phan Quang thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam.

1. Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm và làm việc với Đài. Ông nói: “Phát thanh, truyền hình, báo chí chủ yếu là công việc tập thể. Nhiều người lặng lẽ cống hiến rồi lặng lẽ đi qua. Bản thân tôi cũng từng có thời gian làm việc ở đài phát thanh”. Tháng 5/1988, tại một buổi gặp và làm việc với giới báo chí, ông nói: “Trong quá trình hoạt động cách mạng ngày trước, tôi đã từng viết báo”. Và giữa lúc này ông đang làm dư luận cả nước xôn xao, mọi người cùng quan tâm theo dõi loạt bài ngắn gọn theo phong cách báo chí Hồ Chí Minh với tiêu đề chung “Những việc cần làm ngay” đăng đều đều trên báo Nhân Dân bắt đầu từ số ra ngày 25/5/1987.

Cuối buổi làm việc, tôi thưa: “Thưa anh, Hội Nhà báo Việt Nam vừa lập Huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam. Lãnh đạo Hội xin được tặng anh Huy chương, cùng lúc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ba nhà báo lão thành từng có nhiều cống hiến cho báo chí cách mạng. Mong được anh chấp nhận. Hôm nào anh thu xếp được thời gian, chúng tôi xin phép trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng trao tặng anh huy chương làm kỷ niệm”. Ông tỏ vẻ ngạc nhiên: “Tôi rất vinh dự về việc ấy. Song đã được Hội ưu ái, tôi phải tới cơ quan Hội Nhà báo nhận huy chương chứ!”.

Lễ trao Huy chương vì sự nghiệp báo chí diễn ra trọng thể tại Câu lạc bộ Báo chí, 12 phố Lý Đạo Thành, Hà Nội ngày 7/3/1991 với sự tham dự của nhiều nhà báo. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cũng có mặt.

5 năm sau, 1995, kỷ niệm 50 ngày thành lập, Đài TNVN đón nhận Huân chương Sao Vàng. Lúc này đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thôi trọng trách Tổng Bí thư. Ông đến thăm Phòng bá âm của Đài vừa xây mới ở phố Bà Triệu. Có phu nhân Ngô Thị Huệ – nhà cách mạng lão thành, Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ I cùng đi. Chúng tôi mời ông phát biểu trực tiếp với thính giả tại phòng studio trang bị hiện đại, một “cách tân” quan trọng của Đài thời gian ấy. Phát biểu xong, ông ghi vào sổ lưu niệm: “Nhân dịp 50 năm thành lập Đài TNVN, tôi có lời chúc mừng Đài ngày càng trưởng thành, trở thành một công cụ thông tin và giáo dục tốt của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.

2. Thủ tướng Phạm Văn Đồng dường như ít được các nhà báo trẻ ngày nay biết ông từng là một nhà báo xuất sắc. Ông tham gia hoạt động cách mạng khi còn rất trẻ, bị thực dân Pháp đuổi học, bắt vào tù, đày ra Côn Đảo. Năm 1936, do Mặt trận Bình dân Pháp chiếm đa số trong Quốc hội, các chính khách thuộc phái tả có xu hướng tiến bộ lên cầm quyền. Thực dân Pháp tại Đông Dương buộc phải tạm thời trả lại tự do cho một số chí sĩ Việt Nam yêu nước và nhà cách mạng. Phạm Văn Đồng ra Hà Nội làm báo. Ông tham gia “Nhóm Tin tức” mà cơ quan ngôn luận chính là báo Tin tức do đồng chí Trường Chinh phụ trách.

Với thế mạnh thành thạo Pháp ngữ, Phạm Văn Đồng chủ yếu viết các báo tiếng Pháp, kịch liệt phê phán các chính sách thực dân và quan lại triều đình phong kiến. Ông thường xuyên có bài đăng các báo do ta xuất bản hoặc làm nòng cốt như Le travail (Lao động), Notre voix (Tiếng nói của chúng ta) ký nhiều bút hiệu khác nhau. Dù vậy, vẫn không thể qua mắt bọn mật thám. Phạm Văn Đồng lại bị bắt, buộc phải trở về miền Trung “an trí” (từ tòa án Nam Triều dùng, thực tế là giam lỏng) không được tham gia bất kỳ công việc gì.

Sau ngày kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ cuối năm 1946, với tư cách Phó Thủ tướng Chính phủ, ông được phái về công tác tại Nam Trung Bộ. Mặc dù bộn bề công việc, ông đã viết một thiên chính luận – tùy bút về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định đó là một trong những bài hay nhất viết về Bác Hồ. Từ năm 1948 cho đến nay hiếm có những bài viết bằng tiếng Việt công phu, bài bản có nhiều ý mới đến vậy.

Phạm Văn Đồng khuyên những người cầm bút: “Hãy yêu nghề, say sưa với nghề, trau dồi nghề nghiệp của mình, coi đó là sự nghiệp của cả đời mình, và đem nhiệt tình để làm nên những tác phẩm có giá trị”.

Lễ trao Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam tổ chức tại nhà Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc này đã nghỉ công việc tại Chính phủ. Ngoài mấy cán bộ chủ chốt của Hội…, chúng tôi còn mời anh Hà Đăng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương tham gia. Lúc này thời tiết đã vào hè. Mọi người mặc sơ mi có hoặc không thắt cà vạt, có người còn dùng áo thể thao. Đến nơi, thấy vị Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng nghiêm trang trong bộ áo vét cài kín cổ (hồi ấy gọi áo đại cán) đang chờ.

Nói mấy lời mở đầu, tôi xin phép được gọi ông là “Anh Tô”. Ông cười sang sảng: “Các anh cứ gọi như thế cho thân mật. Tôi đã già nhưng các anh không được gọi Bác Tô”.

Ông đứng thẳng người nhận tấm kỷ niệm chương và bó hoa từ tay các đồng nghiệp hậu sinh. Sau đó, dành toàn bộ thời gian còn lại của buổi sáng đặt ra nhiều câu hỏi, có vẻ như không đợi nghe trả lời mà chính ông phân tích, bình luận luôn: “Thông tin đại chúng là một điều kỳ diệu, cách đây chưa lâu không ai nghĩ tới. Ở nước ta có điều nghịch lý là các phương tiện thông tin đại chúng đều dưới quyền quản lý của Nhà nước song sự quản lý lại rất lỏng lẻo, thậm chí có khi không quản lý, tạo những kẽ hở cho các sản phẩm độc hại từ trong nước hay du nhập từ nước người lan tỏa, làm ô nhiễm môi trường xã hội”…

Ông nhấn mạnh: “Thông tin đại chúng có thể ví như thức ăn hằng ngày của người dân. Người ta có thể nhịn ăn chứ không thể nhịn nghe một thông tin quan trọng. Phương tiện của ta còn nghèo thì những người làm chủ nó càng phải vững vàng hơn, thông minh hơn, sáng tạo hơn. Phải biết sử dụng nó với hiệu quả”.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (phải) đón nhận Huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam do Chủ tịch HNBVN Phan Quang thay mặt Lãnh đạo Hội trao ngày 7/3/1991.

3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân tiếp chúng tôi ở nhà riêng. Ông mặc bộ áo ký giả ngắn tay màu sáng, không phải quân phục hầu như bất ly thân của ông. Cũng không phải bộ âu phục ông thường dùng khi cần tiếp khách nước ngoài với tư cách Phó Thủ tướng. Sau khi nhận chiếc huy chương chúng tôi gắn lên áo ông tươi cười mời mọi người chuyện trò. Bộ áo ký giả dường như muốn phát đi một thông điệp: đây là nhà báo chuyên nghiệp nhận kỷ niệm chương từ tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của những người làm báo chuyên nghiệp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi vào nghề báo khá sớm. Ông cộng tác với báo Tiếng dân ấn phẩm định kỳ đầu tiên ở miền Trung do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập năm 1928. Có lần ông nói riêng với tôi: “Cụ Huỳnh bảo Anh thông minh, có học, viết báo hay, hãy viết cho nhiều, chớ nghe những lời xằng bậy”. Ông viết nhiều bài tiếng Việt ký bút hiệu Hải Thanh nhưng nổi tiếng nhất là mấy bài viết bằng tiếng Pháp phê phán một số chính sách thực dân, đăng trên báo L’Annam xuất bản tại Sài Gòn do luật sư Phan Văn Trường làm chủ nhiệm.

Ông suốt đời tâm huyết với báo chí. Dù bận nhiều trọng trách do Đảng và Nhà nước giao, ông luôn sẵn sàng tiếp và trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài hay trong nước. Ông ít khi từ chối viết báo, nếu được mời. Các Hội báo Xuân, bắt đầu tổ chức đều đều từ đầu những năm 1990, Đại tướng luôn có mặt tại Lễ khai mạc, sau đó xem báo, giao lưu, trò chuyện với anh em. Có lần do bận việc không thể đến dự lễ khai mạc, ngay trưa hôm ấy ông gọi điện cho tôi hẹn chiều sẽ đến như mọi nhà báo bình thường. Có lần ông trao đổi với anh em: “Làm báo bây giờ phải nhanh nhậy hơn trước. Nhưng các bạn nên nhớ: nhanh là cần, quan trọng hơn cả vẫn là thông tin phải chuẩn xác. Đúng sự thật, đó là thế mạnh nhất của báo chí cách mạng”.

Nhiều năm sau, sáng mùng 4 Tết Mậu Dần 1998, tôi rời cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam ở phố Quán Sứ sang báo Nhân Dân phố Hàng Trống thăm anh em. Đang trên đường bỗng có tiếng chuông điện thoại cầm tay. Một mở máy. Từ đầu kia, giọng nói từ tốn: “Tôi, Anh Văn, Võ Nguyên Giáp đây. Nhân dịp đầu xuân, với tư cách một nhà báo, một đồng nghiệp, tôi chúc anh và gia đình mạnh khỏe, vạn sự như ý”.

“Hội báo Xuân vừa rồi tốt lắm, phải không? Tôi có nhận được giấy mời nhưng cuối năm bận tiếp nhiều khách, lại lắm việc, không sao đi được. Xin cảm ơn anh”.

Anh hỏi tiếp:

“Có phải anh vừa viết một bài về Tết Mậu Thân 1968, cái được và cái chưa được?”.

Tôi thưa:

“Đó là bài của một người trong cuộc: “Cái nhìn từ chiến hào” đăng một tờ báo trong Nam”.

Qua máy vẫn giọng anh Văn bình thản:

“Anh em ở truyền hình có phỏng vấn tôi về chủ đề ấy. Tôi nói nhiều về thắng lợi, ưu điểm, nói hết số. Sau đó, có đề cập một vài bất cập, sai lầm. Nói qua thôi. Nhẹ hơn bài viết trong Đảng sử (chữ anh dùng) nhiều. Vậy mà khi anh em cho tôi xem trước khi phát sóng, phần này bị bỏ. Tôi có góp ý với anh em nên giữ lại mấy câu nói về một sự kiện trọng đại, phải có ưu có khuyết. Thế nhưng khi nghe bài phát qua sóng tôi vẫn không thấy phần này”.

Tiếp đó Anh Văn chuyển sang nói về phong cách làm báo của Bác Hồ. Anh nói từ tốn mạnh lạc, chiếc xe hơi tôi đi đã đến phía trước Nhà thờ lớn, câu chuyện vẫn chưa dứt. Không thể vào báo Nhân Dân mừng năm mới, anh em ra đón, mình vẫn nói điện thoại. Mà tắt máy, thì không dám. Tôi đành ra hiệu bảo anh lái cho xe ghé sát vỉa hè, tạm dừng một lát… Vừa lúc ấy từ điện thoại phát ra mấy tiếng tách tách báo sắp cạn nguồn pin. Dường như anh Văn cũng nghe mấy tiếng đó. Anh ngừng câu chuyện, vẫn không quên nhắc lại lời chúc năm mới trước khi tắt máy.

Phan Quang

Nguồn Báo điện tử Công Luận


Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Tân Chủ tịch nước Lương Cường: Nỗ lực hết sức mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó

Tân Chủ tịch nước Lương Cường: Nỗ lực hết sức mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó