Thương mến gửi anh Mịch Quang!
Đọc những bài anh viết và đăng nhiều nơi và nhất là đọc đi đọc lại quyển “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc” của anh, tôi vô cùng tâm đắc với nhiều điểm anh nêu ra, với cách nhận xét, phân tích dân ca, nhạc cổ Việt Nam, với thái độ quí trọng cổ mà không nệ cổ, mở rộng tầm hiểu biết để tiếp thu cái hay bên ngoài mà không “vọng ngoại”, thương anh “đơn thương độc mã” giữa rất đông “Lương Đăng hiện đại”. Trong tình trạng hiếm sách báo bên ngoài, mà anh làm nhiều lần việc, viết nhiều câu đến tôi không cầm được nước mắt khi đọc qua sách báo anh gửi cho.
Tôi bị sa vào nhiều “mê hồn trận”, lo việc trước mắt, cấp bách, ngày qua ngày, chưa tìm được phút yên tĩnh để mình với mình, làm việc mình thích làm, đọc sách mình thích đọc, đàn bản mình thích đàn, viết bài mình thích viết. Toàn là làm việc phải làm vì “người ta” đã sắp đặt cho mình hay mình phải sắp đặt vì người khác, con cái, học trò hay bạn bè.
Hai bữa nay, tôi bỏ các công việc, rời máy vi tính, điện thoại, hộp thư trên vùng Pari, đi nghỉ ít hôm tại miền duyên hải Đại Tây Dương, không đem sách chi cả ngoài quyển “Âm nhạc và sân khấu” của anh, đọc lại mấy đoạn thích đọc, và hai bài thơ, một của anh “mừng” tôi được Huân chương Lao động hạng Nhất, nhớ lại quyển sách về anh, một “lão tướng” trong lĩnh vực sân khấu dân tộc Việt Nam đặc biệt là Tuồng, cũng có đoạn, có ảnh chụp lúc anh nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, lúc đó tôi chẳng hay biết chi để mừng anh.
Hôm nay, viết mấy dòng này để “hứa” với anh, “hứa” để không dám “thất hứa”. Lúc trở về Pháp sẽ viết một bài nhỏ về cảm tưởng của tôi sau khi đọc quyển “Âm nhạc và sân khấu” của anh.
Trong thư này, chỉ gửi gấp bài thơ họa vận của tôi để tạ tình tri kỷ, tri âm, tuy không đạt lắm mà cũng nói qua công việc anh em mình đã làm, con đường anh em mình đã đi, và để vui rằng trên con đường đầy khó khăn ấy anh em mình đã, đang và sẽ là bạn đồng hành.
Thân kính họa vận bài thơ anh Mịch Quang đã gửi mừng tôi, nhân dịp tôi được nhận Huân chương lao động hạng Nhất:
Tạ tình tri kỷ, bạn văn chương
Nghiên cứu, đôi ta, chọn đúng đường
Vọng ngoại, mình chê, nhiều kẻ ghét
Vốn nhà, ta giữ, lắm người thương
Dân ca luôn hát cao hơi vọng
Quốc nhạc thương đàn rộn tiếng vang
Với nhạc Việt Nam, ta vẫn trọn
Một lòng chung thủy của tình lang.
Tôi xin ghi lại một vài điểm rất tâm đắc với anh qua những bài anh đã cho đăng đó đây:
1. Về phong cách, phương pháp và quan điểm của người nghiên cứu nhạc Việt Nam:
* Không thể lấy ống kính nhạc phương Tây mà nhìn nhạc ta và không căn cứ hay dựa vào những cách phân tích của những nhà nhạc học phương Tây để tìm hiểu dân ca cổ nhạc Việt Nam.
* Đọc sách Đông Tây, nhưng không bị các tác giả khảo cứu nước ngoài chi phối, hấp thụ có chọn lọc.
* Căn cứ vào những nét đặc thù trong dân ca cổ nhạc Việt Nam, những nguyên lý, triết học Việt Nam nói riêng châu Á nói chung để tìm hiểu âm nhạc truyền thống Việt Nam.
2. Rất tâm đắc với quan điểm của anh về cấu trúc động mở của nhạc Việt Nam, cấu trúc tĩnh đóng của nhạc phương Tây. Tôi đã cảm nhận được vấn đề này từ khi tôi giảng cho các trường đại học Âu Mỹ về quan niệm thẩm mỹ của người Việt Nam trong âm nhạc “chân phương, hoa lá” mà tôi đã học được trong gia đình tôi, và qua những buổi gặp gỡ nghệ nhân Việt Nam trong cả nước.
Rất sung sướng khi đọc mấy đoạn anh viết về việc “học cho chết, dùng cho sống”, “thục giả bất vong tân chế điệu” về cách hát, nống, luyến, láy…
3. Rất đồng ý với anh về điểm: đàn Việt Nam phải nhấn nhá, hát Việt Nam phải luyến láy. Tôi thường nói cho thính giả câu nói (kể cả mấy lần sang Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Philippin, Ấn Độ, Iran, Irắc trong cách đàn tranh Việt Nam):
Tay mặt: “sanh đẻ” ra thanh
Tay trái: “nuôi dưỡng” làm đẹp cho thanh hồi thanh âm.
Tay mặt: sanh cái “xác” của âm nhạc
Tay trái: cho “cái” hồn của âm nhạc
(Thanh là một tiếng đàn hay giọng ca về mặt vật lý học có cao độ, trường độ, cường độ, âm sắc mà chưa có nhạc tính. Âm là 1 tiếng đàn, giọng ca có nhạc tính.
Người Trung Quốc cũng vậy có hai tiếng “Sheng” và “Yin”
Người Ấn Độ cũng có hai từ “Svara” và “Shrati”)
4. Lấy Kinh Dịch để giải thích những cơ sở khoa học của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ngoài ra, tư tưởng Phật giáo cũng có những ảnh hưởng lớn tới những đặc sắc của âm nhạc dân tộc. Tôi rất thích thú khi anh giải thích những biến hóa vô cùng trong âm nhạc truyền thống, vấn đề lòng bản trong âm nhạc tài tử, láy lệ trong hát tuồng và những biến khúc những thay đổi nét nhạc, hay các láy thường rất đúng. Tôi cũng thường nhắc đến trong khái niệm “chân phương hoa lá” của mình.
5. Rất tâm đắc với anh là cụm từ “Dân tộc hiện đại” hiểu theo các ông Lương Đăng Tây rất sai. Dân ca nông dân khác hẳn loại “dân ca đài”, “dân ca đoàn”. Tôi đã chống việc ai đó xem nhạc dân tộc Việt Nam cần phải được “nâng cao”. Nâng cao là tự bản thân nó thấp quá. Mà ai là người cả gan dám khinh nhạc dân tộc Việt Nam là thấp? Mấy ông Lương Đăng Tây có hiểu gì về nhạc truyền thống mà dám cho nó thấp? Rồi “nâng cao”, ai là người có khả năng nâng cao nhạc truyền thống? Nâng cao cách nào? Lấy gì để nâng cao? Ai dám bảo hát một bè là thấp nhiều bè làm cho không ai hiểu lời ca là nâng cao? Ký âm hò xự xang là thấp đọc ra đô rê mi là nâng cao? Dùng đàn nhị, kèn, đàn tranh, là thấp, có piano, violon là nâng cao? Tôi đã chống lại động từ nâng cao từ lâu.
6. Tôi rất vui khi thấy anh dùng hai chữ “bài” và “bản” rất chính xác. Trong một bài về nhạc tài tử tôi cũng có nói qua về “bài” và “bản” khác nhau ra sao, cũng như “ca” và “hát”, “ca” là từ Hán Việt, “hát” là tiếng Nôm. Nhưng “ca” dùng cho một bài nhạc có lời và nhạc cố định như ca một bài Hành Vân. “Hát” dùng cho các điệu “Hát Khách”, “Hát Nam”.
Ca được phụ họa bằng đàn dây, sáo, mà không có bộ gõ. Hát được phụ bằng kèn, đàn… có bộ gõ. Khi ca người ca ngồi yên. Khi hát người hát cử động ra bộ làm màu, có khi múa người hát phải đi đứng, di chuyển không ngồi một chỗ. Đại khái việc định nghĩa chính xác các danh từ dùng tôi rất tâm đắc với anh.
Rất đồng ý với anh về rung giọng theo phong cách hát “cộng minh” không thể áp dụng khi ca, hay hát một bài ca, bài hát dân tộc. Về thanh nhạc, chúng ta có nhiều kỹ thuật rất độc đáo như “đổ hột”, “đổ con kiến”, “âm ự”, trong ca trù, “ngậm nước”, “ém hơi”… như anh đề cập. Chúng ta có những cái độc đáo không thể để cho loại rung giọng theo belcanto làm mất mát đi….
Ngày oi ả mùa hè Năm Kỷ Mão 1999
GS.TS Trần Văn Khê