Cổ ngữ nói: “Cát tường tựa như cá gặp nước, chim gặp trời và con người gặp không khí vậy”. Trong “Thuyết văn giải tự” lại nói: “Cát, thiện dã. Tường, phúc dã”, ý nói “cát” chính là điều tốt điều hay còn “tường” chính là phúc. Xu cát tị hung là điều mà người ta mong muốn hướng đến. Bởi vậy một số người làm việc thường chọn ngày giờ tốt, vào các dịp lễ cũng tặng nhau những vật phẩm ý nghĩa để mong được thuận lợi, may mắn. Tranh Tết cũng không nằm ngoài ý nghĩa này.
Thời xưa, người ta sử dụng các phù hiệu, vật biểu tượng hay các hoa văn hình vẽ có ý nghĩa chỉ sự may mắn cát tường để biểu đạt tấm lòng mong mỏi một năm mới tốt lành, thuận lợi. Ví như tứ linh “Long, Lân, Quy, Phụng” là những vật biểu tượng cát tường được công nhận hàng ngàn năm qua. Lân tượng trưng cho điềm lành, là linh vật hiền hòa, nhân từ. Long và Phượng đều là linh vật tượng trưng cho địa vị tôn quý. Quy là linh vật tượng trưng cho sự trường thọ.
Ngoài ra dưới đây là một số vật biểu tượng cát tường khác, thường được người xưa sử dụng trong tranh Tết:
Con dê: Cổ nhân rất nhiều khi dùng chữ “dương” (dê) thay cho chữ “tường” (cát tường). Cách nói “đại cát dương” cũng chính là chỉ “đại cát tường”. Những hoa văn trang trí có hình con dê đều mang ý nghĩa chỉ điềm lành, thuận lợi, tốt đẹp.
Con hổ: Thời cổ, hổ là con vật mang tính dương, mạnh mẽ hơn các loài vật khác. Nó có thể áp chế người bắt giữ mình, đồng thời chống lại được yêu ma quỷ quái. Vì thế, người xưa thường dùng các bức tranh có hình con hổ để trấn trạch, canh giữ nhà cửa.
Con gà: Gà là biểu tượng cát tường, có tác dụng trừ tà. Cổ nhân cho rằng chỗ đen tối là nơi trú ẩn của ma quỷ. Gà trống gáy lúc mặt trời mọc, vừa điều hòa âm dương, vừa xua đuổi ma quỷ.
Con hươu: Con hươu trong chữ Hán và chữ “lộc” trong bổng lộc, phúc lộc có cách đọc giống nhau. Vì thế cổ nhân xem con hươu là biểu tượng cho tài phú, của cải đầy đủ.
Chim am thuần: Bởi vì chữ “am” và “an” (bình an, an ổn) là cùng âm nên chim am thuần được người xưa xem là biểu tượng cho sự may mắn, bình an.
Con voi: Con voi được coi là thần thú trong Phật giáo, tượng trưng cho sự cao quý. Nó cũng là loài có sức mạnh nhất ở trên mặt đất, nên có hàm ý chỉ năng lực dũng mãnh hoặc uy nghi, trang nghiêm. Vì thế, trong tranh tết thường xuất hiện hình ảnh trẻ con cưỡi voi.
Con hạc: Dân gian coi hạc là loài biểu tượng cho sự trường thọ, vì thế có cách nói “hạc thọ”. Tranh tết có chim hạc mang ý nghĩa chúc nhau sống thọ.
Hoa cúc: Hoa cúc là loài hoa không sợ sương giá, phẩm cách cao quý, mang ý nghĩa chỉ cát tường, trường thọ. Trong tranh, người xưa thường vẽ cây cúc và cây tùng để tạo thành bức “Ích thọ diên niên” với hàm ý trường thọ.
Hoa mẫu đơn: Hoa mẫu đơn vừa đoan chính thanh nhã lại khoan thai lộng lẫy nên được xem là loài hoa tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý.
Hoa đào: Tương truyền trong vườn của Vương Mẫu Nương Nương trồng cây bàn đào, ăn vào có thể trường sinh bất lão. Cho nên cây bàn đào còn được gọi là thọ đào, tượng trưng cho trường thọ.
Cây trúc: Trong sách “Kinh sở tuế thì” viết rằng, vào các ngày vui, ngày lễ hội thời cổ đại, người ta dùng lửa đốt trúc làm phát ra các tiếng kêu, gọi là “pháo”. Tiếng pháo phát ra có thể đuổi trừ được ma quỷ. Vì vậy, tranh cây trúc mang ý nghĩa may mắn, đem lại sự yên ấm.
Những tác phẩm hội họa người xưa dùng để biếu tặng, treo ở những nơi trang nghiêm hay trong nhà đều có nội hàm sâu sắc, mang ý nghĩa nhân sinh chân chính. Nó không chỉ thể hiện lòng kính ngưỡng, tâm mong cầu được Trời đất che chở bảo vệ, mà còn thể hiện ý nguyện xu cát tị hung. Ngày nay, không ít người chú trọng nhiều hơn đến sự mới mẻ nên bằng nhiều cách để tạo ra sự khác biệt, độc tôn, từ đó xuất hiện rất nhiều bức họa lập dị kỳ quái. Treo những bức tranh như thế trong gia đình liệu có thể biểu hiện được nguyện ước thiện lành như cổ nhân hay không?
Theo Epoch Times tiếng Trung