Xây dựng thương hiệu chuỗi, nhất là chuỗi F&B chưa bao giờ là điều dễ dàng. Chỉ cần sơ sẩy một chút, nhà đầu tư sẽ thua lỗ nặng nề. Trước sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cơ hội lại càng mong manh.
Nhìn vào thị trường, tiềm năng ngành F&B Việt Nam rất lớn khi dân số trẻ và thu nhập trên đầu người được cải thiện. Với 70% dân số dưới 35 tuổi và thu nhập ngày càng tăng, các giải pháp sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm và đồ uống tiện lợi, chất lượng cao với mô hình độc đáo luôn được chào đón ở những thị trường mới nổi như Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhu cầu tăng cao đối với thực phẩm hữu cơ. Trong những năm gần đây, nhận thức của người tiêu dùng toàn cầu ngày càng tăng về thực phẩm hữu cơ, bảo quản tự nhiên, nguồn gốc thiên nhiên. Theo Vietnam Report (2019), các sản phẩm xanh và sạch sẽ là xu hướng dẫn đầu tại Việt Nam trong nhiều năm tới.
Ngoài ra, tác động của các Hiệp định Thương mại Tự do. Việt Nam hiện đã ký 16 hiệp định thương mại tự do với các nước. Thành tích này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở bậc nhất thế giới, cùng với đó sẽ là những làn sóng mới về thương mại và đầu tư quốc tế.
Cùng với đó, niềm tin của người tiêu dùng cao. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 3 trong Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Thế giới với 129 điểm phần trăm, cho thấy cơ hội việc làm cao, tài chính cá nhân được cải thiện & người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu.
Cuối cùng là dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Công nghệ đã được áp dụng sớm và phổ biến trong lĩnh vực F&B cho phép khách hàng thanh toán nhanh chóng và hưởng thụ các dịch vụ, tiện lợi. Các doanh nghiệp có thể theo dõi nguồn, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng từ dữ liệu thu thập được.
Theo số liệu từ Statista, doanh thu từ thị trường thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại Việt Nam trong năm 2019 chạm mốc 200 tỉ USD, tăng 34,3% so với số liệu của năm 2018. Đến năm 2023, dự báo doanh thu của ngành này có thể đạt 408 tỉ USD. Do đó, F&B sẽ tiếp tục trở thành một miếng bánh hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường F&B tại Việt Nam vốn đã cho thấy những dấu hiệu giảm tốc, nay lại thêm tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều cá nhân, cửa hàng, thậm chí cả chuỗi F&B cũng phải tạm đóng cửa, trả lại mặt bằng, nhượng quán.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thị trường F&B “ảm đạm”, hiếm nhà đầu tư triển khai các chuỗi lớn. Thậm chí nhiều doanh nghiệp kinh doanh ảm đạm. “Ông lớn” trong ngành F&B, Golden Gate (doanh nghiệp đầu ngành chuỗi F&B Việt, sở hữu chuỗi 400 nhà hàng các thương hiệu Vuvuzela, Manwah, Gogi House…) cho thấy con số 80% lợi nhuận bị sụt giảm trong năm 2020. Doanh thu thuần năm 2020 ở mức 4.559 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 65 tỷ đồng, giảm gần 5 lần so với năm 2019 và không đạt được 1/2 kế hoạch đặt ra.
Khó khăn lớn nhất của Golden Gate trong Covid-19 là các thương hiệu của họ phân bố chủ yếu ở phân khúc trung, cao cấp, phù hợp phục vụ tại nhà hàng hơn là tại gia. Vậy nên khi bước vào các đợt giãn cách, sản phẩm của họ không thích hợp bán qua online, cũng như không chuẩn bị đủ cơ sở vật chất cho việc bán hàng online.
Doanh thu sụt giảm nhanh chóng, Golden Gate cũng như nhiều doanh nghiệp khác đã gặp phải tình trạng đứt gãy dòng tiền, tiếp cận nguồn tín dụng gặp nhiều khó khăn. Việc duy trì hoạt động và thanh toán các khoản nợ đứng trước nhiều nguy cơ to lớn.
Chưa dừng lại ở đó, một loạt thông tin rộ lên rằng Lotteria Việt Nam đứng trước nguy cơ đóng cửa, theo sau các chi nhánh Indonesia. Dù sau đó Lotteria đã bác thông tin này, nhưng kết quả kinh doanh lỗ nhiều năm cũng khiến dư luận ái ngại.
Cuối cùng, RedSun – doanh nghiệp chuỗi F&B lớn thứ 2 thị trường Việt Nam (chỉ sau Golden Gate), bị nhà cung cấp của mình tố việc không chịu trả công nợ đúng hạn cho họ. Lý do cũng bởi vì… Covid-19.
Chúng ta có thể thấy câu chuyện của Red Sun, Golden Gate, Lotteria có nhiều điểm tương đồng. Mặc dù quy mô chuỗi lớn song lợi nhuận không đáng kể, thậm chí thua lỗ.
Báo cáo của Vietnam Report cho thấy COVID-19 đã phơi bày nhiều điểm yếu của ngành F&B, điển hình là các vấn đề liên quan đến logistics, phân phối, quản trị nhân sự. Hoạt động bán lẻ của ngành diễn ra qua những kênh sau: truyền thống (General Trade), hiện đại (Modern Trade), nhà hàng (Key account) và chuỗi bán lẻ riêng của từng hãng (nếu có); trong đó kênh truyền thống chiếm tỷ trọng đa số.
Đối mặt với một cú sốc như COVID-19, 85% doanh nghiệp gặp khó khăn liên quan đến việc phân phối, logistics: nhu cầu thực phẩm thiết yếu, đóng gói tăng cao nhưng lượng hàng lưu kho không đủ, doanh nghiệp phải tăng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong khi các nhà hàng đóng cửa khiến mức tiêu thụ đồ uống giảm xuống…
Hơn 90% doanh nghiệp đã nhận ra điểm yếu này và đang điều chỉnh lại cơ cấu tỷ trọng và mạng lưới phân phối của mình để có thể thích nghi với khủng hoảng. Đây cũng là một trong những hành động ưu tiên của ngành ứng phó với tác động của COVID-19.
Một số biện pháp mà các doanh nghiệp đã áp dụng có thể kể đến như: nhận đặt hàng/giao hàng tại nhà, tăng cường kênh giao nhận… Một khó khăn khác nữa mà doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt chính là việc quản trị nhân sự khi số lượng lao động sử dụng khá lớn, vấn đề đảm bảo an toàn y tế và lao động tại nơi làm việc, phân chia lao động hợp lý… Bên cạnh đó là việc đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu do không chủ động được nguồn cung…
Nguyễn Hoàng Phương
Chuyên gia trưởng tổ chức giáo dục đào tạo PTI
Cố vấn trưởng của một số các DN