Tạm xa những vồn vã, xô bồ của phố phường, chúng tôi ngược miền Tây Bắc những ngày cuối năm 2021 để đến với bản Láy, xã Tân Xuân – một xã vùng sâu của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Anh Hà Xuân Thuyền, Phó chủ tịch UBND xã Tân Xuân giới thiệu: “Bản Láy là nơi triển khai dự án tái định cư cho hơn 40 hộ dân ở cụm bản A Lang, hiện đang sinh sống trên đỉnh Pha Luông quanh năm mây mù bao phủ. Từ cuối năm 2020, bản A Lang được sáp nhập về bản Láy. Thực hiện chủ trương tái định cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong rừng đặc dụng quốc gia của tỉnh Sơn La, chính quyền xã Tân Xuân đã tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng cùng các điều kiện tốt nhất, rồi vận động bà con về nơi ở mới”.
Điểm tái định cư cho bà con A Lang nằm sát trục đường chính dẫn vào trung tâm bản Láy. Nơi đây đã có 4-5 nếp nhà của người dân ở A Lang vừa chuyển đến. Đến nay, mặt bằng bàn giao cho bà con đã được san lấp bằng phẳng, cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, công trình nước sạch đã được xã hoàn thiện cơ bản. Thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La, mỗi hộ dân khi di dời về nơi tái định cư được hỗ trợ 10 triệu đồng và cấp 300m2 đất để dựng nhà.
Gia đình anh Phàng A Tráng sống trong căn nhà gỗ còn thơm mùi sơn mới, được dựng trên nền đất tái định cư rộng gần 200m2 khang trang, vững chãi. Đón khách bằng bát nước lá nóng hổi, thơm phức, anh Tráng tâm sự, gia đình chuyển về khu tái định cư từ tháng 4-2021. Tráng là người Mông thế hệ thứ hai ở A Lang. Trước đây, bố mẹ anh và mấy chục hộ người Mông cùng chung dòng họ Phàng di cư vào sâu trong lõi rừng trên đỉnh Pha Luông và cứ thế dựng nhà, lập bản ở đó, đến nay đã gần 40 năm.
Nơi ấy tách biệt với “thế giới” và bám víu với “nhiều không”: Không đường kiên cố, không điểm trường, không trạm y tế, không điện lưới quốc gia và không sóng điện thoại. Bọn trẻ học con chữ phải đi bộ ra điểm trường ở bản Láy cách đó chừng 7km. Còn với thế hệ của Tráng, thời điểm cách đây 20 năm, xã chưa có điểm trường ở bản Láy nên phải đi bộ sang xã Chiềng Sơn (Mộc Châu, Sơn La) để theo học.
Trong số các gia đình đã chuyển về khu tái định cư, nhà Tráng thuộc diện khá giả nhất. Mấy năm nay, ngô, lúa được mùa, gia súc được giá nên gia đình cũng có của ăn của để. Trong khi đang chờ các cấp, các ngành kéo điện lưới quốc gia về khu tái định cư, anh mạnh dạn mua tấm pin năng lượng mặt trời loại nhỏ về dùng để có điện thắp sáng và xem ti vi. Hồi giữa năm 2021, có được khoản tiền kha khá từ nguồn bán gia súc, Phàng A Tráng quyết định mua chiếc ô tô cũ làm phương tiện đi lại.
Hài lòng với nơi ở mới, Tráng vui vẻ bộc bạch: “Hiện nước sạch đã kéo về đến tận nhà. Giao thông đi lại thuận lợi hơn rất nhiều nên việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cũng tốt hơn, trẻ con được học ở điểm trường ngay trung tâm bản Láy”. Cũng bởi thế mà hiện giờ, từ sâu trong rừng đặc dụng quốc gia, hàng chục hộ dân A Lang đã và đang rục rịch di dời nhà cửa, vận chuyển đồ đạc về nơi tái định cư để từng bước ổn định cuộc sống.
Người dân sẽ tụ hội đủ đầy ở nơi đây sau khi mùa màng được thu hoạch xong, rồi bắt tay chuẩn bị đón mùa xuân mới-Tết Nhâm Dần 2022. Đây sẽ là cái Tết đầu tiên tại nơi ở mới, cũng là một trang mới mở ra với bà con A Lang.
Chứng kiến khung cảnh và lòng dân rộn rã, chúng tôi cũng cảm thấy vui lây. Dẫu còn bao bộn bề gian khó, thiếu thốn, lo toan nhưng trên từng gương mặt, trong từng ánh mắt người A Lang đang ngập tràn niềm tin, hy vọng vào những điều tốt đẹp chờ đón phía trước. Đúng như tên gọi của xã Tân Xuân, một cuộc sống mới đẹp như mùa xuân mới đang nảy nở, sinh sôi trên chính mảnh đất vốn còn bao khốn khó.
Theo Quân đội nhân dân