Chuyện Nhật Bản thoát phương Tây, đánh bại Nga, trở thành cường quốc

9:25 | 22/12/2021

Trong giai đoạn khai thác thuộc địa, châu Phi và nhiều nước châu Á trở thành thuộc địa của các nước phương Tây, Nhật Bản cũng bị nhòm ngó. Thế nhưng khác với đại đa số các nước khác, Nhật Bản không chỉ thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa, mà còn vươn lên thành cường quốc hàng đầu thế giới.


Đề phòng phương Tây

Năm 1543, một nhóm người Bồ Đào Nha trên một chiếc thuyền Trung Quốc bị trôi dạt đến đảo Tanegashima, nằm ở phần cực nam đảo Kyushu. Họ đưa ra một số loại súng ống của phương Tây. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tiếp xúc với loại vũ khí hiện đại này.

Bấy giờ ở Nhật Bản đang là thời kỳ chiến quốc (1467-1615) nên vũ khí rất được coi trọng. Người Nhật đã tìm hiểu và chế tác theo loại súng này. Đến năm 1560, súng ống đã được các lãnh chúa và Mạc phủ sử dụng cho các binh sĩ của mình.

Sau thời kỳ chiến quốc, Nhật Bản bước vào giai đoạn hòa bình. Cũng trong giai đoạn này, các nước phương Tây bắt đầu tìm hiểu và muốn mở rộng tới thị trường Nhật Bản. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha muốn được đến Nhật để buôn bán và truyền Đạo. Nhưng người Nhật Bản vốn có truyền thống tín ngưỡng của riêng mình, nên dần dần có cái nhìn đề phòng, thậm chí lựa chọn thái độ bài xích, cấm đoán.

Thuyền Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đến Nhật buôn bán (tranh thế kỷ XVI). (Public Domain).

Nhật Bản chỉ mở một cảng ở vịnh Nagasaki cho người Hà Lan đến buôn bán, bởi họ cho rằng người Hà Lan không can thiệp vào Nhật Bản mà chú trọng buôn bán hơn. Đồng thời thông qua việc giao thương này, người Nhật cũng có thể tiếp thu kỹ thuật phương Tây.

Bị Mỹ uy hiếp bắt mở cửa, châu Âu dòm ngó

Sau hơn 200 năm người Nhật lựa chọn thái độ cấm đoán, năm 1852, Phó đề đốc hải quân Mỹ là Matthew Perry đưa 4 tàu chiến là Mississippi, Plymouth, Saratoga, Susquehanna đến Nhật Bản nhằm tìm kiếm Hiệp ước thương mại. Các tàu chiến Mỹ đến gần Edo (Tokyo ngày nay). Perry hướng đại bác vào đất liền đe dọa, Nhật Bản cho các tàu chiến của mình vây quanh và yêu cầu các tàu chiến Mỹ rời đi.

Phó Đề đốc hải quân Mỹ Matthew Perry (Ảnh: Mathew Brady, Wikipedia, Public Domain)

Tuy nhiên Perry yêu cầu các tàu Nhật phải tránh xa nếu không sẽ dùng vũ lực tiêu diệt. Đồng thời Perry cho người chuyển thư của Tổng thống Mỹ đến Mạc Phủ kèm một lá cờ trắng ngụ ý buộc đầu hàng. Trong thư nêu rõ Mỹ muốn được giao thương với Nhật, nếu không sẽ dùng vũ lực. Sau đó Perry rời đi và nói sẽ quay trở lại nhận câu trả lời.

Tháng 2/1854, Perry trở lại Nhật Bản với số tàu chiến tăng gấp đôi. Trước sức mạnh của vũ khí phương Tây, Nhật Bản phải nhượng bộ. Đàm phán diễn ra, hai bên đồng ý ký Hiệp định Kanagawa, khiến phía Nhật chịu nhiều thiệt thòi.

Theo sau Mỹ, các nước châu Âu cũng đổ bộ vào Nhật Bản, buộc Nhật phải ký tiếp các Hiệp ước với Anh, Nga, Hà Lan, v.v.. Đây đều là các Hiệp ước không có lợi cho Nhật.

Sau khi thực thi các Hiệp ước bất bình đẳng với phương Tây, chế độ Mạc Phủ ngày càng suy yếu, khủng hoảng mọi mặt về xã hội, kinh tế và chính trị. Nhiều tầng lớp xã hội bất mãn bởi việc này.

Thiên Hoàng nắm quyền, bắt đầu thời kỳ Minh Trị

Trong lịch sử Nhật Bản thì rất nhiều thời kỳ Thiên Hoàng không nắm quyền. Năm 1868-1869 diễn ra cuộc chiến giữa các Phiên ủng hộ danh nghĩa Thiên Hoàng và quân của Mạc Phủ. Kết quả chế độ Mạc Phủ thua trận và sụp đổ, Triều đình Thiên Hoàng nắm quyền, thời kỳ Minh Trị bắt đầu.

Thời điểm này nhiều nước Đông Nam Á đã trở thành thuộc địa phương Tây. Người Nhật hiểu rằng để tránh trở thành nước thuộc địa thì cần cải cách đưa đất nước đến hùng mạnh, có tiềm lực quân đội ngang phương Tây thì mới được.

Thiên hoàng Minh Trị. (Tranh trong cuốn Tenno Yondai No Shozo, Wikipedia, Public Domain)

Cùng với rất nhiều nhân vật lỗi lạc thời đó, Thiên Hoàng đã thực hiện chính sách cải cách thay đổi quân sự, xã hội, chính trị và kinh tế, đưa Nhật Bản trở thành cường quốc công nghiệp. Tuy nhiên vì tự chủ động thay đổi nên người Nhật vẫn giữ được văn hóa truyền thống và niềm tin tín ngưỡng của dân tộc mình ở mức độ khá cao.

Giáo dục được thay đổi, ngoài giáo dục theo truyền thống, Nhật thuê 500 giảng viên nước ngoài đến 15 trường đại học để giảng dạy về khoa học và quân sự phương Tây. Các giảng viên này được trả lương đến 300 yên/tháng, cao gấp 10 lần so với người Nhật. Đồng thời Nhật Bản cũng cử những sinh viên giỏi sang du học ở phương Tây.

Nhật Bản cho nhập khẩu vũ khí từ phương Tây, thuê chuyên gia nước ngoài hướng dẫn tìm hiểu, hướng đến có thể tự sản xuất được vũ khí. Các sĩ quan nước ngoài trực tiếp huấn luyện quân đội: hải quân theo mô hình của Anh, bộ binh theo mô hình của Đức, hệ thống hậu cần được học hỏi từ nước Mỹ, đồng thời các sĩ quan của Nhật cũng được đưa sang Anh, Pháp học tập. Sau một phần tư thế kỷ, quân đội Nhật Bản thay đổi hoàn toàn.

Học viện quân sự Ichigaya được Pháp xây dựng ở Nhật, chụp năm 1874. (Ảnh: Christian Polak, Wikipedia, Public Domain).

Năm 1894-1895 diễn ra cuộc chiến Trung-Nhật, Nhật Bản giành được chiến thắng, thay thế nhà Thanh, buộc nhà Thanh phải từ bỏ quyền thiên triều đối với Triều Tiên. Hơn nữa, nhà Thanh còn phải cắt Đài Loan, quần đảo Bành Hồ cùng bán đảo Liêu Đông (Lữ Thuận) giao cho Nhật Bản.

Năm 1902, trước sự hùng mạnh của mình, người Nhật đã tự tin tuyên bố xóa bỏ các hiệp ước bất bình đẳng đã ký trước đó với các nước phương Tây. Đương nhiên phương Tây cũng không thể làm gì trước sự hùng mạnh của người Nhật.

Đánh bại Đế quốc Nga

Lúc này Đế quốc Nga hùng mạnh liên tục tiến về phía đông, từ Trung Á đến tận bán đảo Kamchatka (ở miền viễn đông nước Nga). Việc bành trướng của Nga khiến Nhật lo lắng bị ảnh hưởng quyền lợi, nhất là ở Triều Tiên và cả vùng Mãn Châu (phía đông bắc Trung Quốc). Cuộc chiến Nga-Nhật đã xảy ra.

Nhà Thanh được phương Tây khuyên nên nằm ngoài cuộc chiến. Các nước phương Tây giữ thái độ trung lập nhưng ngầm ủng hộ Nga, chỉ có Anh là ủng hộ Nhật Bản vì lo Nga sẽ tràn vào Ấn Độ vốn là thuộc địa của mình. Nhiều nước nhận định Nga sẽ thắng vì tiềm lực mạnh mẽ của Đế quốc này.

Thế nhưng thực tế người Nhật giành chiến thắng liên tục, khiến hạm đội Thái Bình Dương nổi tiếng của Nga cũng bị xóa sổ. Thế giới bị bất ngờ, chiến thắng đã đưa Nhật Bản trở thành cường quốc.

Quân Nga thảm bại, phải rút khỏi bán đảo Liêu Đông. (Ảnh: P. F. Collier & Son, Wikipedia, Public Domain)

Nga và Nhật ký Hòa ước Portsmouth, theo đó Nga phải triệt thoái khỏi Triều Tiên, Mãn Châu, đồng thời phải cắt đất trên đảo Sakhalin (một đảo lớn ở bắc Thái Binh dương) cho Nhật.

Từ một đất nước không cởi mở, bị hải quân Mỹ uy hiếp bắt mở cửa, bị phương Tây nhòm ngó muốn khai thác làm thuộc địa, Nhật Bản đã có cuộc thay đổi triệt để về mọi mặt, vươn lên thành cường quốc trên thế giới.

 

Theo VisionTimes

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái