Những người làm Báo Cứu quốc là những học trò xuất sắc của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh.
Trong số đó phải kể tới nhà báo Xuân Thuỷ, cây viết chính luận của báo với tư cách là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Báo Cứu quốc từ năm 1994 đến năm 1950 và là Chủ nhiệm của Báo Cứu quốc từ năm 1950 đến năm 1961.
Báo Cứu quốc giai đoạn năm 1945-1954 sáng danh các nhà báo tên tuổi như Nguyễn Thành Lê, Chủ bút từ năm 1950 đến năm 1954, các nhà hoạt động Cách mạng, đồng thời là nhà báo, văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Nguyễn Ngọc Kha, Như Trần Đình Thọ, Thái Cương, Thái Duy,… đã tạo nên một đội ngũ làm Báo Cứu quốc hùng hậu và uy tín với bạn đọc.
Các tên tuổi lớn làm cho Báo Cứu quốc có vị thế trong làng báo Cách mạng Việt Nam, mặt khác Cứu quốc cũng làm cho các nhà báo, nhà văn, hoạ sĩ, các nhà hoạt động Cách mạng lưu danh cùng lịch sử báo chí và Cách mạng của dân tộc.
Báo Cứu quốc trong một thời gian ngắn từ tháng 8/1945 đến hết năm 1946, giai đoạn xuất bản công khai giữa lòng Thủ đô Hà Nội đã ghi tên mình vào một trong những tờ báo hàng đầu của báo chí Cách mạng có sự phát triển mạnh mẽ về mọi phương diện. Về nội dung, phong phú hơn, dung lượng lớn hơn và hình thức đẹp hơn.
Sự xuất hiện trang Văn chương của Báo Cứu quốc số 231, thứ 7, ngày 4/5/1946 có thể coi là một mốc phát triển khá thú vị. Ở đây ta không chỉ thấy sự trình bày hấp dẫn mà còn thấy những nội dung phong phú, những gương mặt mới và những thể loại mới trước đây chưa xuất hiện.
Ngay đầu trang 3 của số báo này, chữ VĂN CHƯƠNG được in to, đậm rất ấn tượng cho sự ra mắt. Góc trái là bài thơ Lòng đất Việt của tác giả Hoài Niệm. Góc phải là Ký ức đêm mưa nghe tiếng ngâm thơ của Tô Hoài. Đặc biệt, đáng chú ý là dòng giới thiệu tác phẩm dịch từ văn học nước ngoài: Trường thiên tiểu thuyết của Cứu quốc Trên sông Đông êm đềm tác giả Michael Chokolov, người dịch Hồng Hà.
Ngay trong số này, Cứu quốc quảng cáo trang văn chương kỳ sau: ‘’Một mục đọc sách dưới bút Cứu quốc: Tiểu luận về văn chương của Như Phong; Truyện ngắn, thơ, tuỳ bút của Nguyên Hồng, Nguyễn Ngọc Kha, Tô Hoài, Trần Độ,…’’.
Và đúng như thế, trong các kỳ tiếp theo, trang Văn chương đăng nhiều bài và xuất hiện nhiều cái tên quen thuộc với độc giả lúc bấy giờ và còn lưu danh đến mãi về sau này. Trên Báo Cứu quốc cũng bắt đầu xuất hiện các tranh vẽ, tuy mới giới hạn ở những tranh cổ động, đả kích, châm biếm, chân dung,… nhưng cũng gây được sự chú ý của độc giả lúc bấy giờ.
Sau trang Văn chương phải kể đến các chuyên trang dành cho các đối tượng độc giả, cụ thể như: trang Thiếu niên – Nhi đồng xuất hiện từ số 239, ngày 14/5/1946; trang Phụ nữ số 241, ngày 16/5/1946; trang Thanh niên số 244, ngày 19/5/1946.. và các số tiếp theo với các trang Phụ lão, Nông dân, Công nhân, Chiến sĩ…; nghĩa là mọi tầng lớp, lứa tuổi, trai gái đều được Cứu quốc dành cho các chuyên trang với nội dung và cách trình bày hợp với chuyên trang.
Ví như trang Thiếu niên – Nhi đồng có nhiều tranh vẽ ngộ nghĩnh lại thường xuất hiện: chân dung Bác Hồ; trang Phụ nữ có chân dung bốn cô gái: một cô tự vệ, một số cứu thương, một cô thị thành, một cô chân quê, cả bốn gương mặt đều rất duyên dáng. Chữ Trang Phụ nữ cũng được viết hoa với nét uốn lượn, mềm mại, ngay bên dưới đóng khung chữ nhật với một câu lục bát tuyên truyền cho việc học chữ quốc ngữ: ‘’Lấy chồng biết chữ là tiên, Lấy chồng dốt đặc là duyên con bò’’ (Cứu quốc số 241, ngày 16/5/1946). Hình thức và nội dung mỗi chuyên trang đều có nét bản sắc riêng, nhưng mục đích xuyên suốt là đại đoàn kết toàn dân vì sự nghiệp Cách mạng.
Những người làm Báo Cứu quốc có quyền tự hào về sự phát triển vượt bậc của tờ báo khi đọc lại trang quảng cáo ở bìa cuối đặc san Cứu quốc tháng 8/1948 nhân dịp kỉ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám. Quảng cáo chữ màu đò, được đóng khung lượn sóng với nội dung khá đầy đủ và tự tin: “Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh, tờ báo hàng ngày lớn nhất, 4 trang với những trang đặc biệt về:
Thanh niên và Thể dục… thứ hai
Thiếu nhi…………………..thứ ba
Đời sống mới……………..thứ tư
Phụ nữ………………………thứ năm
Quân sự……………………thứ sáu
Văn hoá…………………….thứ bảy’’
Dung lượng số đặc san này lên tới 64 trang. Hình thức và nội dung rất khá, Có nhiều bài báo hay như: ‘’Cách mạng Tháng Tám’’, ‘’Tổng khởi nghĩa’’ của Xuân Thuỷ; ‘’Nhận thanh kiếm vàng của cựu Hoàng đế Bảo Đại’’ của Trần Huy Liệu; ‘’Những ngày tháng Tám ở Hà Nội (1945)’’ của Như Phong; thơ ‘’Tháng Tám huy hoàng’’ của Nguyễn Ngọc Kha…
Nội dung hay lại được các tác giả ghi chính danh là các nhà hoạt động Cách mạng có uy tín trong điều kiện ra báo công khai đã góp phần đáng kể làm nên sức hấp dẫn của Cứu quốc.
Theo cuốn “Lịch sử xây dựng và phát triển Báo Đại Đoàn Kết”, NXB Sự thật, 2012