Chuyện người khai dựng quốc sử

17:00 | 19/12/2021

Với tài năng lỗi lạc, nhà viết sử Lê Văn Hưu là tác giả của Đại Việt sử ký – bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam, đây cũng là cơ sở để đến thời Hậu Lê, sử gia Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Nhờ những đóng góp quan trọng, người con ở Kẻ Rỵ xứ Thanh được hậu thế nhắc nhớ trong vai trò “người khai dựng quốc sử”.


Đền thờ và lăng mộ nhà sử học Lê Văn Hưu ở xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) được tôn tạo, là điểm đến tham quan của người dân và du khách xa gần.

Tuổi trẻ tài cao

Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) tại giáp Thần Hậu (nay là làng Phủ Lý Nam, xã Thiệu Trung). Thân phụ là Lê Văn Minh, cháu 6 đời Trấn Quốc Bộc xạ Lê Lương. Thân mẫu là con gái cụ Đỗ Tất Bình, một người từng theo Nho học, tinh tường thuật phong thủy (địa lý) ở thôn Phúc Chữ (nay là làng Phủ Lý Trung). Theo gia phả họ Lê Lương và truyền thuyết làng Kẻ Rỵ, thì thân phụ Lê Văn Hưu bị ốm chết từ khi thân mẫu mới mang thai ông được bốn tháng. Từ nhỏ, cậu bé Hưu chịu ảnh hưởng giáo dục của ông ngoại và mẹ, vốn là những người nổi tiếng hay chữ và tinh thông phong thủy trong vùng.

Thiên phú thông minh, lại được mẹ thường xuyên chỉ dạy chữ nghĩa nên tiếng tăm hay chữ của Lê Văn Hưu nổi tiếng khắp vùng. Giai thoại vùng đất Kẻ Rỵ kể lại, trong một lần đi học về qua lò rèn, cậu bé Hưu dừng chân xem bác thợ mài dùi đóng vở. Thấy cậu bé Hưu thích thú nên bác thợ rèn đã ra vế đối: “Than trong lò, lửa trong lò, sắt trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở”, kèm lời thách đố nếu đối được sẽ được tặng dùi vở và ba tiền. Lời bác thợ rèn vừa dứt, Lê Văn Hưu đã ứng đối ngay: “Giấy trong túi, bút trong túi, mực trong túi, viết lúi húi mà đậu Khôi nguyên”. Và cậu học trò đã được nhận thưởng của bác thợ rèn, cùng lời khen ngợi.

Cũng theo truyện kể dân gian, người con đất Kẻ Rỵ còn thể hiện chí nam nhi kẻ sĩ từ rất sớm. Trước khi ra kinh đô dự thi, Lê Văn Hưu đã đến chùa Báo Ân dưới chân núi Nhồi để ôn luyện văn tài. Ở đây, cậu làm bạn tri kỷ với một cụ già uyên bác. Một hôm, nhìn cây thiên tuế trước cửa chùa xanh tươi, cụ già trầm ngâm: “Cây thiên tuế sống ngàn năm”, ý nói cây sống lặng lẽ nơi cảnh chùa không vướng bụi trần nên thọ đến ngàn năm. Lời cụ già vừa dứt, Lê Văn Hưu đã chỉ dàn thiên lý trước mặt mà đọc: “Hoa thiên lý thơm vạn dặm”. Là hoa thiên lý tỏa mùi thơm cho đời, đem tinh túy của đất trời đến vạn dặm chứ không lặng lẽ riêng mình như thiên tuế ngàn năm.

Năm 1247, dưới thời vua Trần Thái Tông, trong kỳ thi Thái học sinh được mở vào đầu xuân Đinh Mão, Lê Văn Hưu xuất sắc đậu Tam khôi, bậc Bảng nhãn khi mới 17 tuổi.

Bảng nhãn Lê Văn Hưu được vua Trần tin tưởng chọn làm thầy học của các hoàng tử lúc bấy giờ. Các hoàng tử dưới sự chỉ dạy của thầy Hưu về sau đều là những bậc hiền tài, trụ cột của triều đình như: Trần Hoảng (tức Trần Thánh Tông); Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải (quan Thái sư đứng đầu bách quan, văn võ toàn tài); Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (nhà ngoại giao kiệt xuất)…

Đến người “Khai dựng quốc sử”

Con đường làm quan của Lê Văn Hưu kinh qua nhiều vị trí chức vụ khác nhau. Từ năm 1253 (23 tuổi), ông giữ chức Hàn lâm viện thị độc giữ việc giảng kinh sách cho vua. Năm 1271, khi Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải làm Tướng quốc Thái úy nắm giữ việc nước, ông được giao trọng trách Phó quan giúp việc Thái úy. Không lâu sau, ông lại giữ chức Kiểm pháp quan của Viện Đăng văn – chức quan tra xét hình ngục. Và khi 44 tuổi (năm 1274), ông đã giữ đến chức Thượng thư bộ Binh.

Tuy nhiên, dấu ấn trong sự nghiệp làm quan của Lê Văn Hưu được hậu thế nhắc nhớ nhiều nhất là khi ông giữ chức Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử giám tu – chức quan đứng đầu Viện Quốc sử. Ở vị trí này, ông được giao nhiệm vụ soạn Quốc sử. Và theo lệnh của vua Trần Thái Tông, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu Lê Văn Hưu đã hoàn thành việc biên soạn Đại Việt sử ký- Bộ quốc sử đầu tiên của triều đại phong kiến Việt Nam.

Đại Việt sử ký gồm 30 quyển ghi lại các sự kiện quan trọng của đất nước trong thời gian khoảng 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế (Triệu Đà) tới Lý Chiêu Hoàng. Đánh giá về tài năng viết sử của Lê Văn Hưu, sử gia nổi tiếng đời sau Ngô Sĩ Liên ca tụng, gọi ông là “Đại thủ bút đời Trần”. Đại Việt sử ký sau khi hoàn thành (năm 1272) đã được vua Trần Thái Tông hết mực ngợi khen, thưởng cho ông tước Nhân Uyên Hầu.

Đáng tiếc, nhà Minh với dã tâm đồng hóa, khi xâm lược nước ta cùng với việc ra sức vơ vét tài nguyên sản vật, đã thiêu rụi các tài liệu sử sách. Theo nhà sử học Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược: “Đại Việt sử ký là bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Sau khi xâm lược Đại Ngu (niên hiệu nước ta dưới thời Hồ), nhà Minh đã đưa sách của nước Nam về Trung Quốc, trong đó có 30 quyển Đại Việt sử ký”.

Tuy nhiên, từ những tài liệu mà sử gia Lê Văn Hưu đã dốc lòng biên soạn trước đó, các nhà sử học về sau như Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên… đã tiếp tục biên soạn quốc sử. Những ghi chép của sử gia Lê Văn Hưu được sử gia Ngô Sĩ Liên trân trọng ghi lại trong bộ Đại Việt Sử ký toàn thư và đề cao: “Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa, thế là được rồi”.

Đọc Đại Việt sử ký toàn thư, ở nhiều vụ việc, những lời bàn của sử gia Lê Văn Hưu được Ngô Sỹ Liên ghi lại chi tiết. Như khi nhắc đến Hai Bà Trưng, ông viết: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu – chân, Nhật – nam, Hợp – phố và 65 thành ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, đủ biết là hình thế đất Việt ta có thể dựng được cơ nghiệp bá vương”; hay khi nói về vị vua sáng lập ra nhà Tiền Lê, ông thẳng thắn: “Lê Đại Hành giết chết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc… dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi yên tĩnh, cái công đánh ấy tuy nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được…”.

Làm quan trải nhiều chức vụ khiến người đời nể trọng, như “hoa thiên lý thơm ngàn dặm”, song khi mất, ông lại chọn cho mình nơi an nghỉ ở chốn quê nhà Kẻ Rỵ, nay là làng Phủ Lý Nam, xã Thiệu Trung. Năm 1990, đền thờ nhà sử học ở quê nhà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Năm 2018, di tích được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.

Ông Trần Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, cho biết: “Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu trên địa bàn xã Thiệu Trung do UBND huyện Thiệu Hóa làm chủ đầu tư. Hiện nay, các hạng mục đang được gấp rút hoàn thiện trước khi diễn ra lễ tưởng niệm 700 ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu (23 tháng 3 năm 2022, âm lịch). Sau khi hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo, cùng với di sản văn hóa phi vật thể nghề đúc đồng làng Chè, di tích sẽ là điểm đến tham quan, du lịch hấp dẫn người dân và du khách khi về với vùng đất và con người nơi đây”.

Theo báo Thanh Hóa

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương