Từ cậu bé cõng em học lỏm trở thành vị trạng nguyên trung nghĩa

18:48 | 11/12/2021

Đây là một vị trạng nguyên trung nghĩa, là trung thần tử tiết của nhà Lê. Tên tuổi và danh tiếng của ông đã được người đời truyền tụng, và lan sang tới tận Trung Hoa, triều nhà Thanh.


Cậu bé cõng em học lỏm

Cậu bé Vũ Nghĩa Chi sinh năm 1468 trong một gia đình nghèo ở làng Trình Xá, tỉnh Phú Thọ. Bố mẹ cậu suốt ngày phải làm việc ngoài đồng mà cũng không đủ tiền lo cho con ăn học. Đã thế Vũ Nghĩa Chi lại phải hàng ngày trông em, lo việc bếp núc.

Trong một lần tình cờ đi ngang qua lớp học của thầy đồ mở gần nhà, Vũ Nghĩa Chi đứng ngoài nghe thầy giảng về chữ nghĩa thì cảm thấy rất yêu thích. Từ đó về sau cứ đến giờ học là cậu lại cõng em đứng ngoài hành lang để học lỏm.

Thầy đồ nghĩ rằng cậu bé chỉ tò mò đứng ngoài xem cho biết, thế nhưng lạ thay đã hơn nửa năm qua, cậu bé vẫn không vắng một buổi nào. Cứ vào giờ học thầy đồ lại đưa mắt nhìn ra hành lang và thấy cậu bé cõng em nhìn vào lớp học nghe giảng bài.

Cậu bé cõng em học lỏm. (Tranh: Trí Thức VN)

Vậy là thầy đồ nghĩ cách để thử tài cậu bé nọ. Ông định bụng ra một câu hỏi khó, để nếu cậu bé ngoài hành lang thực sự là người tài, thì ông sẽ tìm cách giúp đỡ. Còn nếu cậu không trả lời được thì có nghĩa là không có phúc phận, sẽ cả thẹn mà không đến nhìn ngó khiến học trò mất tập trung.

Đầu tiên, thầy đồ hỏi các học trò ngồi trong lớp trước, nhưng câu trả lời đều khiến thầy không ưng ý. Sau đó, ông mới đưa mắt nhìn ra “cậu trò học lỏm” hỏi: “Liệu con có đáp được câu hỏi của ta không?”. Câu trả lời của Vũ Nghĩa Chi khiến thầy rất hài lòng, các trò trong lớp cũng trố mắt thán phục.

Sau lớp học, thầy hỏi thăm mới biết Vũ Nghĩa Chi do gia cảnh nghèo khó nên không có tiền đi học. Thầy bèn cho phép cậu từ nay trở đi có thể đàng hoàng vào lớp.

Thầy đồ còn nói: “Cái tên Vũ Nghĩa Chi tuy hay nhưng chưa xứng với tài năng của con, nay thầy đổi cho con thành Vũ Công Duệ (thông minh, tài chí), con có vừa ý không?”. Nghĩa Chi đồng ý rồi vái tạ thầy, bế em ra về.

Thất tuế thần đồng

Được chính thức cho vào lớp, Vũ Công Duệ càng ngày càng thể hiện tài trí của mình. Dân gian vẫn còn lưu truyền nhiều giai thoại về ông.

Một lần có người đến nhà đòi nợ, chỉ thấy có Vũ Công Duệ ở nhà, bèn hỏi: “Bố mẹ mày đâu?”.

Duệ đáp rằng: “Bố tôi đi nhổ cây sống, trồng cây chết; mẹ tôi đi bán gió, mua trăng”.

Người đòi nợ lấy làm lạ, không biết cha mẹ cậu làm gì mà cậu nói thế, bèn căn vặn mãi. Thấy Duệ chỉ cười không đáp, ông ta bèn dỗ dành: “Mày mà nói thật, ta sẽ tha nợ cho nhà mày, không đòi nữa”.

Duệ lấy cục đất dẻo bảo người nọ in ngón tay vào làm tin, người kia cũng làm theo thử xem sao.

Sau rồi Duệ bèn giải là: “Cha tôi đi nhổ mạ cấy lúa, còn mẹ tôi đi bán quạt mua dầu về thắp đèn buổi tối”.

Người đòi nợ thấy Duệ giải hợp lý, lấy làm kỳ lạ lắm, lẳng lặng ra về.

Hôm khác chủ nợ lại đến nhằm lúc bố mẹ có nhà. Vũ Công Duệ đưa hòn đất có vết tay in lần trước ra nói: “Tay ông điểm chỉ vào đây rồi còn đòi gì nữa!”. Chủ nợ cũng cả cười nói với bố mẹ Duệ rằng nên khuyến khích cậu bé này đi học, còn khoản nợ coi như là ông giúp tiền đèn sách.

Duệ học rất thông minh, 7 tuổi đã đọc thông viết thạo và biết làm thơ, các sách kim cổ chỉ đọc là thuộc, người đương thời thường gọi cậu là “Thất tuế thần đồng”.

Trạng nguyên

Khi thi Hương, Vũ Công Duệ đỗ giải nguyên. Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), dưới thời vua Lê Thánh Tông, Vũ Công Duệ đỗ trạng nguyên khi mới 22 tuổi.

Nhờ tính cương trực, Vũ Công Duệ được vua cất nhắc lên làm đô ngự sử, là chức quan cao nhất trong Ngự Sử Đài của nhà Lê. Thời bấy giờ, Ngự Sử Đài là cơ quan có đặc quyền được tấu lên tất cả mọi việc không đúng hoặc chưa tốt của các quan lại.

Vũ Công Duệ được các quan trong triều đình kính nể. Suốt 32 năm làm quan, ông giữ các vị trí trọng yếu qua các đời vua Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục, Tương Dực và Chiêu Tông.

Đến đời vua Chiêu Tông, ông giữ chức Lại bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ nhập thị kinh diên, được tặng Thiếu bảo, tước Trình Khê hầu và được ban phong là Trinh Ý công thần.

Trung thần tử tiết

Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, năm 1522, Mạc Đăng Dung soán quyền, phế truất vua Chiêu Tông, lập vua Lê Cung Hoàng. Thế nhưng Vũ Công Duệ quyết trung thành với với vua Lê Chiêu Tông chứ không theo nhà Mạc.

Biết trung thành với nhà Lê thì thế nào cũng bị giết, Vũ Công Duệ đến lạy tạ lăng mộ các vua Lê ở Lam Sơn rồi tự tận.

Về cái chết của ông, có nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Có nguồn cho rằng ông đeo ấn ngự sử nhảy xuống cửa bể Thần Phù (Thanh Hóa) tự trầm vào ngày 16 tháng 8 (âm lịch) năm Nhâm Ngọ (1522), sau 32 năm tận tuỵ.

Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi chép lại thì Vũ Công Duệ cùng lại bộ thượng thư Ngô Hoán và môn đồ là Nguyễn Mẫn Đốc thống suất hương binh đi theo vua Lê Chiêu Tông, nhưng đến Thanh Hóa thì mất liên lạc với vua. Nguyên nhân là do Trịnh Tuy bức vua phải rời đi sau khi thấy vua không làm chủ được chính sự. Không tìm được vua, mọi người đến bái lăng tẩm nhà Lê ở Lam Sơn rồi tự vẫn vào tháng 10/1522.

Cuốn “Sách văn học thế kỷ XV-XVII” lại ghi chép rằng Vũ Công Duệ uống thuộc độc tự vẫn. Còn theo bài viết “Danh nhân Vũ Duệ” của tác giả Vũ Kim Biên thì cả Vũ Công Duệ và Nguyễn Mẫn Đốc đều lao đầu vào đá mà chết.

Tưởng nhớ

Sau khi đánh dẹp xong nhà Mạc, năm 1666, vào đời vua Lê Huyền Tông, triều đình bàn luận công lao, Vũ Công Duệ đứng đầu trong số 13 trung thần tử tiết. Di cốt của ông được đưa từ Thanh Hóa về quê ở làng Trình Xá, tỉnh Phú Thọ mai táng.

Vũ Công Duệ cũng là một trong những nhà lý học hàng đầu lúc bấy giờ. Dù đã mất nhưng tên tuổi của ông cũng lan sang tận nhà Thanh.

Đời vua Khang Hy, năm Chính Hòa thứ tư (1683), sứ giả nhà Thanh là Chu Sán dâng biểu tấu về nhân tài Đại Việt lên triều đình như sau:

Nhân vật nước này, về phần lý học có Trình Tuyền (tức Nguyễn Bỉnh Khiêm), Vũ Duệ, Nguyễn Đăng Cảo và Hồ Sĩ Dương; về phần kinh tế (kinh bang tế thế) có Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh; còn về phần văn học có khá nhiều.

Đền thờ trạng nguyên Vũ Công Duệ được xây dựng ở đầu làng. Ở cổng đền có ghi 3 chữ “Tiết nghĩa từ”, phía trong có tấm hoành phi ghi 4 chữ “Vương thất huân lao”. Đây đều là do vua Lê Huyền Tông ban. Vũ Công Duệ cũng được phong là “Thượng đẳng phúc thần”.

Người dân làng Trình Xá tôn Vũ Công Duệ làm thành hoàng làng. Lễ tế chính được tổ chức hàng năm vào ngày 16 tháng 8 (âm lịch), tức ngày mất của ông.

 

Theo VisionTimes

Video hay


Cùng chuyên mục

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông áp dụng từ 1/1/2025

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông áp dụng từ 1/1/2025

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình