Tôi quen Thế Hùng khi Anh đã thành danh. Khi đó Anh còn ở với cụ thân sinh tại ngôi nhà tập thể của ngành Tài chính ở phố Tôn Đản, ngay kề Bảo tàng Cách mạng, nơi Tạp chí “Xưa& Nay” tá túc. Ngôi nhà tập thể tầm tầm nhưng 2 căn hộ thì bước vào đã thấy sang trọng . Ngoài cái piano là rất nhiều sách, tranh và ảnh. Lại còn cây cối, nhưng cái làm nên sự sang trọng còn ở chủ nhân. Trước hết là Ông cụ thân sinh của Hùng, điềm đạm, quý khách và ý tứ, nhất là những khi tôi mượn chỗ để tiếp khách nước ngoài. Với khách nước ngoài không để khoe sự sang trọng về nội thất mà chủ yếu để cho bạn biết về tính cách và thẩm mỹ của một nghệ sĩ lại là tiến sĩ, lại là một người bạn của tờ Tạp chí mà tôi là tổng biên tập. Tính nghệ sĩ thường dễ kết nối nhau…
Còn, tôi quen Thế Hùng khi anh nhờ tôi giúp một việc nhỏ những lại hệ trọng là đăng cho anh bài viết để hoàn chỉnh hồ sơ thi sau đại học của Anh. Bài viết về đề tài nằm ở ranh giới giữa Mỹ học, bộ môn anh bảo vệ và lịch sử chứa đựng trong những giá trị văn hóa là đối tượng anh khảo cứu. Giúp bạn một việc đúng với chức năng nghề nghiệp là điều đơn giản, hơn thế được Thế Hùng đăng bài cũng làm tờ báo được danh giá… Đôi bên cũng hoan hỉ…
Thế Hùng làm được những gì, trên lĩnh vực nào và được đánh giá ra sao, tôi có nói thêm cũng bằng thừa, vì đó là những lĩnh vực tôi ít am hiểu mà chỉ biết hưởng thụ thôi. Gần đây Tổ chức kỷ lục đã tặng danh hiệu “kỷ lục gia” cho Thế Hùng theo môt quy trình mà tôi cũng có ít nhiều trải nghiệm đã nói lên được nhiều điều. Hơn thế ấn phẩm mà Thế Hùng dự định cho ra mắt nhân ghi nhận 75 năm có mặt ở trên đời, trong đó có bài viết này của tôi sẽ là câu trả lời dễ thuyết phục nhất. Tài hay không, nhiều hay ít, khen hay chê, thậm chí thật hay giả… Thế Hùng lấy sự minh bạch in trên trang giấy để mọi người và có thể cả đời sau soi xét. Tôi rất thích tính minh bạch, nói thẳng không e ngại dễ bị gán là tự cao tự đại , thích nổ, thích nổi, thích trội, thích khoe khoang …mà người đời nay dễ gán và nhiều người dễ sợ để tìm cách thu mình thay bằng sự “khiêm nhường” giả vờ.
Tôi lấy cái đầu đề “lắm tài” để người đọc dễ liên tưởng tới cái hệ quả “nhiều tật”.
Thì chính điều tôi viết ở trên là cái tật lớn nhất, dễ nhận thấy, dễ chỉ trích nhất ở Thế Hùng. Nhưng những gì Anh công bố lần này , trong cuốn sách này nó sẽ làm rõ tất cả : từng ấy bài thơ, từng ấy bài báo, từng ấy bài hát, từng ấy bức tranh, từng ấy khuôn mặt, từng ấy lời bình, từng ấy cuốn sách đã xuất bản, từng ấy buổi thuyết trình… sẽ nói lên tất cả. Trên những chương trình truyền thông , Thế Hùng chẳng từng nói thẳng là anh nỗ lực kiếm tiền để có cuộc sống dư dả như ai cũng mong muốn; Anh muốn hưởng thụ tất cả những gì có thể hưởng thụ được…nhưng bằng chính lao động và năng lực của mình. Và tôi cũng biết đến không ít những việc anh thầm lặng làm để giúp bạn bè, học trò hay những gì chạm vào lòng trắc ẩn của con người nghệ sĩ ấy …
Giờ đây quan hệ của tôi với Thế Hùng đã hiểu nhau nhiều hơn đến mức có thể đặt những câu hỏi có vẻ thiếu tế nhị như : Cậu nhiều tài, nhiều chức danh các nhà đến nỗi người ta gọi cậu là “nhà tập thể”, cậu nghĩ sao? Thế Hùng trả lời thẳng băng : “nhà tập thể thì đông lắm” nhiều “nhà lắm”, chỉ vì thiếu thời gian thôi, nếu có đủ thời gian thì Thế Hùng này… cũng chẳng xá gì ! Dường như với Thế Hùng không biết thói né tránh mà luôn tìm một cách thể hiện rõ ràng và minh bạch điều mình nghĩ một cách chân thành. Ai chẳng ham sống, nhưng chắc chắn Thế Hùng là người ham sống nhất, để làm được nhiều hơn, để thể hiện mình nhiều hơn và để góp cho đời nhiều hơn, trong đó có niềm vui bạn bè. Vì thế mà đồng tuế với tôi (Đinh Hợi 1947) nhưng Thế Hùng luôn có gương mặt và vóc người lúc nào cũng trẻ.
Cũng vì thế, dù trong nhà tôi có một số bức tranh đẹp của các họa sĩ thành danh, nhưng tôi vẫn chọn tấm tranh sơn mài của Thế Hùng vẽ Sen treo giữa phòng làm việc của mình đã hơn hai chục năm nay và không thay đổi. Để tự nhắc rằng trong rất nhiều bạn bè của mình có một Thế Hùng đáng “nể” như thế.
Đầu Đông 2021
Dương Trung Quốc/VHVN