Suốt 1 năm, nhóm các họa sĩ, biên kịch cùng nhau sản xuất những tập phim dã sử để thắp lên ngọn lửa yêu sử Việt trong giới trẻ. Và họ mang đến cho khán giả những tập phim hoạt hình của dự án Việt sử kiêu hùng sâu sắc, kỹ lưỡng, hình ảnh trau chuốt, vượt ra ngoài sự mong đợi.
Để người xem tự tìm câu trả lời
Sau thành công của “Tử chiến thành Đa Bang – Hồi 1: Giấy”, nhóm dự án Việt sử kiêu hùng chuẩn bị cho ra mắt tập phim dã sử tiếp theo có tựa đề “Huyết mạch Trần gia” vào ngày 24.6 trên YouTube. Tập phim này có thể xem là một góc nhìn mới về thời kỳ hậu Trần trong lịch sử.
Nhóm dự án chia sẻ, đây là tập phim ngoại truyện của phần phim đã phát sóng hồi 1 “Tử chiến thành Đa Bang”. Nếu “Tử chiến thành Đa Bang” tái hiện cuộc chiến bi hùng của vua tôi nhà Hồ với ngoại xâm giặc Minh thì “Huyết mạch Trần gia” quay ngược thêm 100 năm nữa về giai đoạn cuối triều Trần giữa lúc suy tàn.
“Nhắc đến thời Trần, chúng ta thường ca ngợi những chiến tích hiển hách 3 lần đập tan vó ngựa Nguyên Mông, nhưng có phải triều đại kéo dài 200 năm ấy chỉ toàn những trang huy hoàng chói lọi? Chúng ta vẫn hay nghe nhắc về Hồ Quý Ly như một tội nhân thiên cổ cướp ngôi vua rồi làm mất nước.
Nhưng có phải vì mưu tính quyền lực để hưởng vinh lạc cho riêng mình, hay chính lịch sử đã chọn ông giữa thời cuộc đảo điên đó? Chúng tôi muốn thông qua tập phim này khán giả sẽ tự tìm được câu trả lời thỏa đáng cho mình” – Trần Tuấn – người khởi xướng dự án – chia sẻ.
Nếu đã từng xem “Tử chiến thành Đa Bang: Hồi 1: Giấy”, khán giả có thể dễ dàng nhận ra ở “Huyết mạch Trần gia” có một phong cách nghệ thuật khác. Trần Tuấn cũng chia sẻ sau khi phát sóng hồi 1, bên cạnh những lời khen thì khán giả cũng đã chỉ ra những điểm yếu của phim như nét vẽ thiếu chi tiết, khó phân biệt…
Do đó, nhóm quyết định thử nghiệm phong cách mới để khắc phục những nhược điểm, đồng thời đưa được các chi tiết về hoa văn, trang phục đặc trưng của Việt Nam vào phim.
Khán giả đang quay lại với sử Việt
Khởi xướng bắt đầu từ giữa năm 2017 và tới tháng 12, nhóm Việt Sử kiêu hùng cho ra mắt tập phim thử nghiệm “Võ Tánh” nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Tới tháng 1.2018, “Tử chiến thành Đa Bang – Hồi 1: Giấy” đã làm nức lòng bao bạn trẻ.
Dũng Phan – tác giả rất trẻ với “Sử Việt 12 khúc tráng ca”, cuốn sách lịch sử hiện tượng của năm 2017 – nhận xét về dự án: “Rất cuốn hút, lời thoại rất chất, cảnh phim tạo hiệu ứng. Người trẻ còn mong gì hơn thế cho những khô khan đã chịu đựng vừa qua?”
Điều đó cho thấy rõ ràng người trẻ không quay lưng với lịch sử Việt, chỉ là người viết sử chưa biết cách khơi gợi lên tình yêu sử trong họ mà thôi.
Vài năm gần đây, sự nhen nhóm của các dự án về lịch sử như các dự án phục dựng “Hoa văn Đại Việt”, “Ngàn năm áo mũ” của nhóm Đại Việt Cổ Phong, dự án “Vẽ về hát bội”, “Dệt nên triều đại” tại Vietnam Center, dự án giao lưu đàm đạo sử việt “Sử Talk”, hay mới đây nhất là “Loa Thành rực lửa”… đang nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Đó là một tín hiệu mừng cho thấy khán giả đang dần quay lại với sử Việt qua những cách truyền tải mới mẻ, sáng tạo và hấp dẫn.
Cần chung tay tiếp sức
“Đụng đến sử thì cái gì cũng khó, vừa khó vừa mắc. 15 phút mọi người xem trên phim là cả mấy tháng trời nhiệt huyết của tất cả” – diễn viên lồng tiếng gạo cội Đạt Phi chia sẻ.
“Để có được 15 phút trên phim, chúng tôi mất tới cả tháng trời để tìm đọc và nghiên cứu sử liệu. Tài liệu Tiếng Việt thôi không đủ, nhóm còn phải tìm đọc thêm các tài liệu tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp… để có được các góc nhìn khách quan nhất về thời đại và các nhân vật lịch sử. Thông tin nhiều, phải quyết định lựa chọn xem cái nào sẽ kể trên phim, cái nào không và kể như thế nào cho hấp dẫn…” – Trần Tuấn cho biết.
Đấy là mới riêng khâu nghiên cứu sử liệu, theo sau là cả chục khâu khác như lên kịch bản phân cảnh, thoại, phác thảo storyboard, vẽ máy, lên màu, làm chuyển động animation, dựng phim, lồng tiếng, âm nhạc, âm thanh, hiệu ứng… và vô số các công việc không tên khác.
Hiện tại nhóm có 8 thành viên chính thức, ngoài ra còn rất nhiều các bạn cộng tác viên hỗ trợ. Những lúc cao điểm có khi lên tới gần 30 người, có những bạn ở xa như Hà Nội, Đà Nẵng và thậm chí ở nước ngoài như: Nhật, Đức… Chỉ tính riêng chi phí vận hành cơ bản (ăn uống, đi lại, máy móc thiết bị, vật liệu…) đã lên tới 150 triệu đồng/tập phim, chưa kể toàn nhóm vẫn đang làm việc hoàn toàn không lương với sự hỗ trợ hoàn toàn miễn phí từ các đối tác.
Hiện nhóm cũng đang thực hiện series phim phóng tác dã sử hợp tác với biên kịch Phạm Vĩnh Lộc và Đạt Phi Media, đã phát sóng được 2 tập (Võ Tánh, Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu Thành – Phần 1). Các tập phim ra mắt đều được khán giả đón nhận hết sức nhiệt tình, dù vẫn đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư cho series này.
Theo Laodong