Bộ trưởng Không quân Mỹ xác nhận, Mỹ – Trung đang tham gia vào đường đua phát triển các loại vũ khí siêu thanh.
Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall nhấn mạnh, Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua vũ trang phát triển các loại vũ khí siêu thanh có tính sát thương cao nhất. Do đó, Washington và Bắc Kinh đang cho phát triển và thử nghiệm thêm nhiều loại vũ khí thế hệ mới với tốc độ bay cực nhanh.
“Đây là một cuộc chạy đua vũ trang, không phải để tăng số lượng mà là tăng chất lượng. Cuộc chạy đua vũ trang đã diễn ra từ lâu. Trung Quốc rất quyết liệt”, Bộ trưởng Kendall nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn tại Lầu Năm Góc hôm 30/11.
Trước đó, hồi tháng 10, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley xác nhận Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm vũ khí siêu thanh. Ông Milley nhấn mạnh, các cuộc thử nghiệm của Trung Quốc “vô cùng đáng quan ngại” và là “khoảnh khắc Sputnik”. Cụm từ gợi nhớ tới vụ phóng vệ tinh đầu tiên của Liên Xô cũ vào năm 1957 giúp quốc gia này dẫn đầu thế giới về cuộc đua trong không gian và khiến Mỹ bị sốc.
Các chuyên gia quân sự lo ngại, dường như Bắc Kinh muốn phát triển một hệ thống hoạt động trong quỹ đạo Trái đất để né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Còn trong năm nay, Lầu Năm Góc đã thực hiện một số vụ thử nghiệm vũ khí siêu thanh. Vào tháng 10, hải quân Mỹ đã thử nghiệm thành công động cơ tên lửa đẩy được thiết kế nhằm phóng tên lửa siêu thanh lên cao.
Di chuyển trong bầu khí quyển với tốc độ nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh (khoảng 6.200 km/h), vũ khí siêu thanh trở thành thách thức đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện thời.
Bộ trưởng Kendall cho biết trong khi quân đội Mỹ tập trung ngân quỹ vào Iraq và Afghanistan, Mỹ đã lơ là với vũ khí siêu thanh.
“Điều đó không có nghĩa là chúng tôi không làm gì cả, chỉ là làm chưa đủ”, ông Kendall nói.
Giữa lúc Lầu Năm Góc tính toán cho khoản ngân sách quốc phòng thường niên năm 2023, ông Kendall hy vọng Mỹ sẽ dùng số tiền bảo trì tốn kém chi cho các hệ thống cũ để chuyển sang hệ thống mới như chương trình phát triển vũ khí siêu thanh.
“Tôi yêu chiến đấu cơ A-10. Máy bay vận tải C-130 rất tuyệt vời và hiệu quả trong nhiều nhiệm vụ. Máy bay không người lái MQ-9 hiệu quả trong sứ mệnh chống khủng bố. Chúng vẫn hữu ích, nhưng không có thứ gì có thể khiến Trung Quốc sợ hãi”, ông Kendall cho hay.
Trong khi đó, các nhà thầu quốc phòng hy vọng nguồn kinh phí đầu tư cho vũ khí siêu thanh không chỉ phục vụ quá trình phát triển, mà còn được đầu tư cho hệ thống phát hiện và ngăn chặn loại vũ khí tối tân này.
Các nhà sản xuất vũ khí Mỹ như Tập đoàn Lockheed Martin, Northrop Grumman và Raytheon Technologies đã chào hàng các chương trình vũ khí siêu thanh cho các nhà đầu tư, trong bối cảnh thế giới chuyển trọng tâm sang cuộc đua vũ khí siêu thanh.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc vẫn muốn các nhà thầu quốc phòng cắt giảm chi phí tối đa của vũ khí siêu thanh bởi chi phí phát triển các tên lửa siêu nhanh thế hệ mới sẽ có giá hàng chục triệu USD mỗi tổ hợp.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa siêu thanh lần đầu tiên vào năm 2014, còn Nga tham gia cuộc đua phát triển loại vũ khí tối tân này vào năm 2016 với 2 lần phóng thử thiết bị lướt siêu thanh mang tên Avangard.
Kể từ lần thử nghiệm đầu tiên, Bắc Kinh đã nhiều lần phóng thành công DF-17, tên lửa đạn đạo tầm trung được thiết kế để phóng thiết bị lượn siêu thanh.
Mỹ đã tích cực phát triển vũ khí siêu thanh vào đầu những năm 2000 theo chương trình tấn công toàn cầu, mặc dù khoản ngân sách dành cho chương trình này chỉ có hạn, theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ.
Theo infonet