Để tránh khỏi tác động tiêu cực đến từ những content độc hại trên mạng xã hội, giới trẻ cần tự trau dồi, nâng cao nhận thức cũng như tri thức của bản thân.
Ngày 27/11 vừa qua, nhóm các bạn trẻ “Antbony Team” đến từ Khoa Viết văn, Báo chí (Đại học Văn hóa Hà Nội) đã tổ chức Talk show trực tuyến với chủ đề “Vắc-xin chống content bẩn 18+”.
Những năm gần đây, người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đã phải chịu tác động không nhỏ bởi những content (nội dung) độc hại mang yếu tố 18+. Với mục đích câu view, câu like và thu hút sự chú ý, nhiều tài khoản mạng xã hội bất chấp tất cả để sản xuất và đăng tải những hình ảnh, video có nội dung độc hại, phá vỡ quy chuẩn đạo đức văn hóa. Điều đó đã gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý cũng như nhận thức của xã hội nói chung và giới trẻ nói riêng.
Dưới góc độ của một người giảng dạy sản xuất nội dung trên mạng xã hội, ông Nguyễn Trung Hiếu, Giảng viên giảng dạy Content và hợp tác tại Vinalink Academy, cho rằng content bẩn là một thứ rất tinh vi và phức tạp. Nguy hiểm hơn cả, rất nhiều người sản xuất nội dung đang không nhận thức được đó có phải là content bẩn hay không.
Còn theo TS. Trịnh Lê Anh, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), content bẩn, bằng cách này hay cách khác, sẽ tiếp tục tồn tại, bởi trên không gian mạng, con người ta thoải mái bộc lộ cái tôi ‘đen tối’. Như thế, khi có cầu, ắt sẽ có nguồn cung. Content bẩn sẽ tìm được cách để lách luật, lách hệ quy chiếu đạo đức xã hội để tồn tại.
Chia sẻ tại talk show về những giải pháp cho vấn nạn content bẩn hiện nay, TS. Trịnh Lê Anh cho biết: “Chúng ta có thể thấy những giải pháp chống content bẩn đến từ các biện pháp quản lý từ Luật định, quy định, chế tài xử phạt của Chính phủ, sự cam kết của các nền tảng mạng xã hội và sự lên tiếng của các chuyên gia, những người có ảnh hưởng trong xã hội… Theo tôi tất cả những biện pháp đó đều sẽ cần nhưng chưa đủ! Giải pháp căn cơ, theo tôi, lại đến từ chính những người tiếp cận trực tiếp hoặc gián tiếp với content bẩn, tức là công chúng, người thụ hưởng những content đó.”
Theo đó, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, mỗi một người trong cộng đồng, là người tiếp cận với content bẩn, phải tự tạo cho mình một ‘kháng thể’ chống lại virus content bẩn. Sức đề kháng đó sẽ đến từ sự nâng cao tri thức và trải nghiệm của mỗi người. Một khi đã hiểu biết gốc rễ của vấn đề, người ta sẽ dễ dàng nhận diện và cân nhắc lựa chọn tiếp cận hay không với content bẩn.
“Sẽ có những ý kiến cho rằng các bạn trẻ không thể có sức đề kháng như trên! Tôi cho rằng cần cổ vũ người trẻ mạnh mẽ và sống bản lĩnh, lý trí và dám nhận trách nhiệm hơn. Nếu chúng ta cứ để những người trẻ hồn nhiên sống một cách yếu đuối về lý trí, khi gặp hậu quả chỉ biết chịu trận, rồi chúng ta lại phải đi sửa chữa, giúp đỡ họ thì đến bao giờ mới có thể giải quyết được vấn đề? Trong khi những người trẻ đều ở độ tuổi hoàn toàn đủ nhận thức về hành vi và ý thức về hậu quả của hành vi. Chủ động hay gián tiếp tạo ra, cổ vũ hay tiếp cận, thụ hưởng, đều là sự tiếp tay cho content bẩn”, TS. Trịnh Lê Anh bày tỏ.
Talk show “Vắc-xin chống content bẩn 18+” cũng có sự tham dự của KOL Deus Tiến Đạt, người đi đầu trong phong trào chống lại content bẩn trên mạng xã hội và KOL Vũ Ngọc Kim Chi, một người đã và đang là nạn nhân của vấn nạn content bẩn 18+.
“Là một giảng viên đại học, trong quá trình giảng dạy, tôi luôn cố gắng để đưa những câu chuyện cụ thể vào các buổi sinh hoạt chuyên môn hay bài giảng của mình. Các bạn trẻ rất hào hứng với những câu chuyện, ví dụ cụ thể và có xu hướng từ chối tiếp thu những nội dung giáo điều, những lời răn dạy chung chung.
Việc đưa ra những ví dụ cụ thể sẽ gợi ý phương pháp để bạn trẻ có thể tự suy đoán, nếu mình ở trong hoàn cảnh ấy thì sẽ như thế nào. Và những bài học kinh nghiệm đó sẽ được các bạn trẻ nhớ lâu hơn, qua đó tự tạo cho mình ‘kháng thể’ đối với virus content bẩn”, TS. Trịnh Lê Anh chia sẻ.
P.V