Làn sóng dịch bệnh thứ 5 do biến thể Delta gây ra (cũng là đợt lây nhiễm nghiêm trọng nhất) ở Nhật Bản đã đột ngột kết thúc một cách đầy khó hiểu. Trong 3 tháng, vào thời điểm đỉnh dịch, số ca mắc COVID-19 ở “xứ sở hoa anh đào” đã giảm từ gần 26.000 ca/ngày xuống dưới mức 200 ca/ngày như hiện nay và hầu như không còn ca tử vong nào sau khoảng 15 tháng. Các nhà nghiên cứu cho rằng các đột biến có khả năng khiến virus “tự diệt” có thể là một trong những nguyên nhân đằng sau sự biến mất này.
Theo một nhóm các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản từ Viện Di truyền Quốc gia và Đại học Niigata, câu trả lời có thể là do các đột biến xuất hiện trong quá trình tự nhân bản khiến biến thể Delta dần biến mất.
Cụ thể, theo ông Ituro Inoue, giáo sư đến ừ Viện Di truyền Quốc gia Nhật Bản, biến thể Delta ở nước này đã tích lũy quá nhiều đột biến trên loại protein phi cấu trúc có chức năng sửa lỗi di truyền tên là nsp14. Kết quả là, virus đã dần mất đi khả năng tự sửa lỗi ở gen và cuối cùng dẫn đến việc “tự diệt”.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có ngày càng nhiều người dân châu Á mang enzyme phòng vệ có tên APOBEC3A với khả năng tấn công virus corona (gây bệnh COVID-19). Do đó, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Di truyền Quốc gia và Đại học Niigata (Nhật bản) đã thực hiện nghiên cứu nhằm xác định cách thức mà protein APOBEC3A tác động lên protein nsp14 và khả năng ức chế virus corona của nó.
Các nhà khoa học đã phát ra rằng hiện biến thể Delta ít đa dạng về mặt di truyền hơn biến thể Alpha. Bên cạnh đó, protein nsp14 của nhiều mẫu virus corona ở Nhật Bản dường như đã qua nhiều lần đột biến ở vị trí A394V.
“Chúng tôi rất kinh ngạc khi phát hiện ra điều này. Biến thể Delta ở Nhật Bản có khả năng lây lan mạnh và tỏ ra vượt trội so với các biến chủng khác. Nhưng chúng tôi tin rằng khi xuất hiện ngày càng nhiều đột biến, thì virus sẽ bị lỗi và dần mất đi khả năng tự nhân bản. Vì số ca nhiễm bệnh không tăng lên, nên chúng tôi cho rằng virus corona có thể đã tự biến mất trong quá trình đột biến”, ông Inoue cho hay.
Giả thuyết của ông Inoue có thể giúp giải thích cho việc số ca nhiễm COVID-19 đột ngột giảm xuống tại Nhật Bản. Ông Takeshi Urano, giáo sư chuyên ngành y tại Đại học Shimane cũng có quan điểm tương tự.
“Protein nsp14 giúp virus corona không bị phân hủy. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi nsp14 bị suy yếu, khả năng tự nhân bản của virus sẽ giảm đi đáng kể. Đây có thể là nguyên nhân khiến cho làn sóng lây nhiễm này kết thúc. Loại chất hóa học có khả năng ức chế nsp14 có thể dẫn đến sự ra đời của phương thuốc tiềm năng giúp điều trị COVID-19 trong tương lai”, ông Urano chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông cũng cho biết thêm rằng: “Nếu virus vẫn còn sống khỏe, thì số ca mắc COVID-19 chắc chắn sẽ tăng lên bởi việc đeo khẩu trang và tiêm chủng không ngăn ngừa được tình trạng nhiễm bệnh trong một số trường hợp”.
Theo Japan Times