Đến với Cao Bằng, du khách dễ dàng bắt gặp những hàng rào đá ấn tượng có ở khắp nơi, nhất là tại Phúc Sen, trở thành một nét riêng của người Nùng An nơi đây. Hàng rào đá phản ánh sự sáng tạo không ngừng của người Nùng An chắt chiu quỹ đất nhỏ hẹp để canh tác trong điều kiện khó khăn.
Đá núi được vận chuyển về xếp bao quanh nhà, quanh vườn rau, cây cối như một bức tường thành bảo vệ mỗi gia đình. Hàng rào đá thường có độ cao ngang tầm ngực người, kéo dài nối tiếp, đan xen, đa dạng, hình thù khác lạ, phong phú, nhìn từ xa như một bức ký họa với gam màu chân chất, gần gũi thiên nhiên.
Khi quan sát cận cảnh các dãy hàng rào đá, du khách sẽ thán phục bởi sự tài hoa trong nghệ thuật xếp đá của những người “nghệ sỹ nông dân”. Hàng rào đá tưởng như chênh vênh dễ đổ nhưng đâu biết đã tồn tại hàng trăm năm nay cùng với sự phát triển của nền văn hóa dân tộc Nùng An. Đặc biệt hơn là tài xếp đá đơn của những người dân lao động nơi đây. Đó là loại đá vừa phải để khi chồng lên, chèn, khóa, xếp không chiếm diện tích sản xuất mà vẫn vững chắc. Đá được chọn xếp hàng rào được lấy từ núi cao, dù là đá to hay nhỏ, gồ ghề hay bằng phẳng được chọn sắp xếp tạo nên một cảnh quan vừa có tính thẩm mỹ, vừa hữu dụng trong việc bảo vệ thành quả lao động.
Hàng rào đá cũng phản ánh không gian sinh hoạt văn hóa làng xã được tồn tại qua bao đời. Sự bền vững của hàng rào đá được biết đến khi trải qua thời gian, mưa nắng mà không dễ đổ, qua thời gian xanh đen lại và gắn kết vào nhau như có một chất keo gắn bó bền chặt. Hàng rào đá gây ấn tượng bởi người Nùng An đã sáng tạo ra một thứ văn hóa riêng biệt gắn với quá trình lao động, sản xuất tự cung, tự cấp, từ dệt vải chàm đến tự làm dao, búa, cày, bừa, làm ngói âm dương…
Theo Đảng Cộng sản Việt Nam