Phó Đức Phương và khát vọng sử ca

8:08 | 14/10/2024

Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã ra đi khi chưa hoàn thành bộ sử ca cho đất nước như khát vọng của anh. Người cháu ruột của vị trí thức trẻ tuổi lỗi lạc Phó Đức Chính, nói rằng anh đang ấp ủ một chương trình âm nhạc hóa tất cả những trang sử vàng chói lọi của đất nước của riêng mình, tức sáng tạo một bộ sử ca Việt mang thương hiệu Phó Đức Phương.

Sử ca đã là một phần quan trọng trong thời kỳ đầu của tân nhạc Việt Nam, khi đất nước còn nằm dưới sự cai trị của thực dân Pháp. Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Phạm Duy, các nhạc sĩ lớn của đất nước, là những người viết nhiều nhất thể loại này với nhiều ca khúc phổ biến khá rộng thời ấy như ʺNon sông gấm vócʺ, ʺBạch Đằng Giangʺ, ʺẢi Chi Lăngʺ, ʺHát Giang trường hậnʺ (sau đổi tên là Hồn tử sĩ), ʺHờn sông Gianhʺ, ʺNgười xưa đâu táʺ (Lưu Hữu Phước) và “Chiều buồn trên sông Bạch Đằng”, “Gò Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc”, “Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang” (Văn Cao), “Gươm tráng sĩ”, “Tình ca”, “Con đường cái quan”, “Mẹ Việt Nam” (Phạm Duy) và các ca khúc khác như “Hùng Vương”, “Trưng Nữ vương”, của Thẩm Oánh hay “Bóng cờ lau” của Hoàng Quý…Các ca khúc tràn đầy tình thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc này không chỉ xuất hiện dưới thời Pháp thuộc mà còn xuất hiện trở lại trong phong trào yêu nước của học sinh sinh viên các đô thành miền Nam thời chống Mỹ, có tác dụng khích lệ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, nhận thấy vai trò quan trọng của sử ca trong giáo dục truyền thống, Hội âm nhạc và Thành đoàn TPHCM đã phối hợp phát động phong trào sưu tầm, sáng tác và phổ biến sử ca trong thanh niên thành phố. Ngoài việc làm sống lại các sử ca của các nhạc si tiền chiến, phong trào đã có được khá nhiều sáng tác sử ca mới của các nhạc sĩ Minh Châu, Vũ Hoàng, Phạm Đămg Khương, Lê Quang, Trương Quang Lục,Lê Văn Chiêu, Nhất Sinh, Nguyễn Tiến Hưng, Nguyễn Văn Hiên, Trần Quang Huy…Ở miền Bắc có hai nhạc sĩ có tên trong chương trình này là Xuân Giao, và Dân Huyền. Từ đó đã xuất hiện hai album sử ca Việt Nam rất được yêu thích trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Phó Đức Phương là một tên tuổi lớn của âm nhạc đại chúng Việt Nam hôm nay với các ca khúc trữ tình được nhiều người yêu thích mang đậm âm hưởng dân ca Bắc Bộ mà nhiều người quen gọi là dòng dân ca đương đại. Đó là những “Những cô gái quan họ”, “Hồ trên núi”, “Huyền thoại hồ núi Cốc”, “Trên đình Phù Vân”, “Chày đi sông ơi”, “Một thoáng Tây Hồ”, “ Không thể và có thể”,”Về quê”, “Mênh mamg một khúc sông Hồng”, “Khúc hát phiêu ly”

Điều đặc biệt là trong các ca khúc trữ tình hay các tình ca này, ngoại trừ “Những cô gái quan họ” anh viết năm 20 tuổi hay “Về quê” ở tuổi “tri thiên mệnh” rất dịu nhẹ, gần gũi, còn các ca khúc khác có một đặc điểm lớn là luôn chứa đựng một không gian mênh mông, thời gian vô chừng. Như trong “Trên đỉnh Phù Vân” cái điệp khúc “Đâu người ta yêu dấu/Bao giờ thôi tơ vương” đã diễn ra giữa “Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử/Vi vi vu vu Trúc Lâm thiền tự/Lên đỉnh núi cao cách trời ba thước/ Xuống đáy thung sâu thăm thẳm sông dài”. Bài “Chảy đi sông ơi”, theo Phó Đức Phương cũng là một tình ca anh viết trong lúc thất tình như “Trên đỉnh Phù Vân” nhưng không có vẻ gì là ca khúc tình yêu mà về chính con sông được gọi là sông Cái của đất nước “Sông mấy ngàn năm tuổi, miệt mài chảy mãi không nguôi, chuyện bao đời sông biết cả, mà sao sông trẻ mãi không già”. Đó là dấu hiệu sử thi trong các ca khúc trữ tình của Phó Đức Phương. Còn ở “Một thoáng Tây Hồ” thì cảm hứng sử thi đã rất đậm nét:

“Mênh mông hồ sương thu tan trong gió
Bát ngát trăng ngân một khoảng trời
Một khoảng trời, khoảng tình lắng sâu bao trong đục vơi đầy
Ðây Dâm đàn, Lãng bạc, ngàn thu qua bao lần sóng gió
Tây Hồ, Tây Hồ, Tây Hồ, Tây Hồ
Kìa mặt gương xanh soi bóng trời Thăng Long xưa”

Khi anh đã nhìn thấy trong sóng nước Tây Hồ hình bóng của Thăng Long xưa. Phó Đức Phương, từ trong tâm khảm của mình đã là một nhạc sĩ như vậy: cả khi riêng tư nhất anh luôn thấy không gian rộng lớn, thời gian xưa xa của quê hương đất nước hòa quyện trong mình. Nói theo ngôn ngữ tâm linh thì Phó Đức Phương đã mang trong mình “chân mệnh sử thi”.Bởi vậy, việc anh viết sử ca như một đương nhiên, chỉ là sớm hay muộn thôi.

Bài sử ca đầu tiên của Phó Đức Phương viết cách đây đã 21 năm. Đó là năm 1999, khi ca sĩ Minh Ánh nhờ anh viết cho một ca khúc để cô tham gia Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2000 cùng Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long. Phó Đức Phương nhớ rằng không hiểu nguyên cớ nào lúc đó đã thôi thúc anh viết cho Minh Ánh “Bài ca thần Chim Lạc”. Dù chưa chuẩn bị trước đó, ý tưởng hình thành rất nhanh, hình tượng âm nhạc và ca từ ào ạt đến, Phó Đức Phương gần như chỉ ghi lại cho kịp:

“Ta là thần chim lạc, sải cánh chín tầng trời
Qua biển Đông sóng dậy, về núi Tây điệp trùng
Đây Hồng Hà nặng đỏ, kia chín nhánh sông Rồng
Giang sơn muôn ngàn dặm, cháu con ước triệu người
Ta bay qua thời gian, từ thuở hồng hoang
Ta bay thấu không gian, biển rộng núi cao
Đi hết cõi hữu hình Ta vào miền vô ảnh, nặng tình nhân gian
Bồn chồn nỗi cháu con nòi giống
Ta bay qua những lầu son, đầy nặng cuồng tham
Đến với nỗi cơ hàn, nhọc nhằn tối tăm
Bay qua những thăng trầm, bao vương triều hưng phế…Bay lên, bay lên.. Con cháu Lạc Hồng
…Ta mừng vì giang sơn biền vững, vì cháu con thảo thuận
Nhưng ta cũng mong các ngươi bày mở tấm lòng rộng
Giải phóng tầm mắt ra, để sải cánh bay cùng cõi thế này…”
.

Hoàn thành bài hát vào nửa đêm như vừa hoàn thành được một việc thật trọng đại, đầy hứng khởi, Phó Đức Phương điện cho Minh Ánh đến để vỡ bài cùng ông. Bài hát này sau được ông dàn dựng cho Minh Ánh rất độc đáo khi cho chị hát với chỉ một dàn trống, đã gây ấn tượng mạnh mẽ tại Hội diễn và được tặng huy chương vàng. Ngay sau đó, “Bài ca thần Chim Lạc” trở thành bài tủ của hai ca sĩ Tùng Dương, Minh Thu và nhiều ca sĩ khác cả hai miền Nam Bắc.

Phó Đức Phương cũng không ý thức được đây là bài mở đầu cho giai đoạn sáng tác mới của anh, giai đoạn sử ca, bởi ngay sau đó “Chàng hiệp sĩ sông Hồng” đã say mê lao vào cuộc trường chinh 18 năm đòi bản quyền cho giới nhạc sĩ VN, say mê quên cả việc sáng tác. Chỉ đến năm 2018, sau khi chính thức giao lại công việc bản quyền âm nhạc cho đàn em, trở về với sáng tác, Phó Đức Phương đã tiếp tục chương trình sử ca của mình, lần này là đầy ý thức.

Đầu tiên là anh nhận lời Tổng đạo diễn Lê Quý Dương viết ca khúc mở màn cho Đại lễ kỷ niệm 1050 Đinh Tiên Hoàng lên ngôi thành lập nhà nước Đại Cồ Việt ở Ninh Bình. Đó là bài “Hoa Lư đại trận tập”. Bài hát như một tuyên cáo thống nhất đất nước hùng hồn của vị vua cờ lau “Ta và các ngươi, trên vâng mệnh trời, dưới thế lòng dân, hết lòng khắp nơi dẹp loạn/Yên định phía Nam, canh chừng phương Bắc/ Để nước Việt ta từ đây quy về một mối/Quốc thống vẹn toàn/Đời đời bền vững”.

Vốn sáng tác rất chậm, trước kia vài năm mới có một ca khúc mới, nhưng khi mạch cảm hứng sử thi tuôn chảy trở lại, Phó Đức Phương liên tiếp viết đến 4 bài sử ca là “Bạch Đằng, bản hùng ca sông thiêng”, “Lời thề sông Hóa”, “Mênh mang một khúc sông Hồng”“Tiếng trống Mê Linh”. Đó là các bản hùng ca chan chứa tinh thần yêu quê hương đất nước, tự hào vì lịch sử hào sảng với những vị anh sẵn sàng xả thân bảo vệ độc lập dân tộc, kiên cường chiến đấu và chiến thắng mọi loại giặc ngoại xâm.

“Lời thề sông Hóa” thể hiện quyết tâm quyết chiến quyết thắng quân Nguyên trên sông Hóa của Đức Thánh Trần Hưng Đạo nói với Voi chiến lỡ sa lầy và khóc ngoài bến sông vì không ra trận diệt quân xâm lược được:

“Hỡi ơi! Voi đồng đội của ta
Voi chiến binh của ta
Ơi! Voi dũng mãnh của ta
Ta hiểu rồi, Voi hận vì không được ra chiến trường
Voi muốn cùng ta lên đường để ngày đêm diệt tan lũ giặc Thát
Ta và Voi hàng trăm trận chiến đấu
Làn tên mũi giáo sống chết Voi xá gì…
Ta và Ngươi hỡi Dã Tượng, cùng nhau đã mang chiến bào, nợ dân, nợ nước khoác vào, bảo nhau hãy diệt tan lũ Thát…
Sông Hóa ta mau vượt qua quyết trận này lấy đầu Ô Mã Nhi…ʺ
.

Còn “Tiếng trống Mê Linh”, Phó Đức Phương muốn là bản tấu rung chuyển trời đất của vị nữ anh hùngTrưng Trắc với lời thề “trả thù nhà, đền nợ nước” trước ba quân tướng sỹ. Anh cho biết đây là sáng tác làm tổn hao rất nhiều trí lực, nhưng cũng là tác phẩm mà anh vô cùng tâm đắc:

“Từng nghe trời sinh con người làm tông chủ muôn loài
Nhưng lưới trời lồng lộng, đạo trời cao nghiêm, vậy mà… nay có kẻ khác nòi tên là Tô Định, lòng dạ chó dê tham tàn bạo ngược
Tội ác chất chồng đầy núi, đầy sông
Khiến đất trời, thần linh, người người căm giận…”.

Có lẽ, Phó Đức Phương còn tâm đắc hơn với “Mênh mang một khúc sông Hồng”, bản sử ca viết về khúc sông Hồng qua quê hương anh ở Văn Giang, Hưng Yên. Phó Đức Phương từng có nhiều bài về khúc sông thân yêu này như “Chảy đi sông ơi”, “Con sông tuổi thơ”, “Dòng sông ký ức”, “Lội khúc sông quê”…đều rất hay, đậm chất trữ tình nhưng lần này vừa là trữ tình vừa là tráng ca, hùng ca: “Là đây một khúc sông Hồng Lấp lánh ánh vàng trên mặt nước mênh mang, ta xuôi ngược dọc ngang. Gió nắng chang chang bến bờ xôn xang, thênh thang ta hát… Ta nghe sóng xô dạt dào như dòng đời không nghỉ ngơi chan chứa đầy vơi”. Tác giả nhìn được từ ánh nước lấp lánh, nghe được từ tiếng sóng của khúc sông quê hương cả lịch sử đấu tranh sinh tồn chống lại thiên tai và ngoại xâm đầy gian khổ, hy sinh nhưng quang vinh của dân tộc. Đây là bài sử ca mang đậm âm hưởng và tinh thần hiện đại, nói lên cảm nhận của con người hôm nay về lịch sử, để vút lên thật chói sáng, vang xa tình yêu và niềm tự hào vô hạn về quê hương đất nước. Ca khúc này có sự hòa điệu rất đẹp giữa âm nhạc ngũ cung dân tộc và thang âm 7 nốt thế giới.

Phó Dức Phương và vợ

Đặc điểm lớn nhất của sử ca Phó Đức Phương là ông không đứng ngoài cuộc để quan sát và kể chuyện lịch sử mà nhập thần vào các nhân vật lịch sử, để truyền lại các thông điệp tâm huyết cho đời sau. Kể từ “Bài ca thần chim Lạc” đến “Tiếng trống Mê Linh”, âm nhạc sử ca của Phó Đức Phương sử dụng nhuần nhuyễn, biến hóa nhiều chất liệu của âm nhạc tuồng, bộ môn sân khấu của chủ nghĩa anh hùng, cũng như bộ gõ dân tộc, đặc biệt là vận dụng ngữ điệu, ngữ khí của thanh nhạc tuồng rất sáng tạo và hiệu quả khi dựng các ca khúc này của ông. Cách hát các sử ca Phó Đức Phương của Minh Thu, Từng Dương, Phương Anh…cho thấy điều đó.

Phó Đức Phương từng nói với các đồng nghiệp thân thiết rằng anh đã từng viết về Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, anh sẽ còn viết tiếp về Lý Thường Kiệt, Quang Trung…Và tất nhiên, Phó Đức Phương chắc chắn sẽ viết về nhà cách mạng Phó Đức Chính và cuộc khởi nghĩa Yên Bái, cuộc khởi nghĩa của những anh hùng “không thành công nhưng đã thành nhân”. Lịch sử sẽ mãi ghi nhớ hình ảnh lẫm liệt của chàng kỹ sư công chánh 23 tuổi, người đã cùng thầy giáo hơn ông 1 tuổi Nguyễn Thái Học sáng lập, lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng và khởi nghĩa Yên Bái. Khởi nghĩa thất bại, ông Học, ông Chính bị xử tử cùng 11 chiến hữu. Trước tòa đại hình, Nguyễn Thái Học còn đọc 4 câu thơ tiếng Pháp “Chết vì tổ quốc/Cái chết vinh quang/Lòng ta sung sướng/Trí ta nhẹ nhàng” (dịch) còn Phó Đức Chính cũng khảng khái nói lớn “Đại sự không thành! Chết là vinh/Còn chống án làm chi vô ích!”. Khi lên máy chém, Phó Đức Chính yêu cầu được nằm mở mắt để ung dung đón lưỡi dao của máy chém hành quyết mình.

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà Phó Đức Phương xin đi thăm quần đào Trường Sa bằng được vào tháng 5/2019, khi đã 75 tuổi và lúc nằm trên giường bệnh, Phó Đức Phương hay kể với bạn bè về Phó Đức Chính. Có lẽ, cùng các bài hát về Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông…anh đang nung nấu hai bài hát về Trường Sa cũng như về người ông vĩ đại của mình. Đó chắc chắn là hai bài sử ca hay, rất hay, rất được mong đợi của người nhạc sĩ lớn của âm nhạc Việt Nam, của lịch sử Việt Nam..

Phó Đức Phương ra đi khi chưa hoàn thành khát vọng cháy bỏng của mình về sử ca Việt Nam. Nhưng những di sản sử ca công phu, trách nhiệm và đầy sức sống của anh sẽ được xã hội trân trọng tiếp nhận, nhân rộng phục vụ công cuộc dựng nước giữ nước hôm nay và cổ vũ mạnh mẽ các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam viết tiếp những sử ca mà ông chưa kịp viết về Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Phó Đức Chính…nối tiếp dòng sử ca sâu sắc, hào sảng xứng đáng với các bậc danh nhân kiệt xuất và lịch sử oai hùng của dân tộc…

Giờ này, Phó Đức Phương đã có thể yên tâm gặp gỡ các bậc tiền bối Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Phạm Duy, Thẩm Oánh… nói với họ rằng những gì họ để lại đã được anh tiếp nối sáng tạo trao truyền cho sử ca sẽ mãi mãi tuôn chảy, đầy sức cảm hóa trong âm nhạc và lịch sử đất nước.


Nguyễn Thế Khoa
VĂN HIẾN VIỆT NAM – SỐ 7+8 (354+355) 2024


Cùng chuyên mục

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Người rời thành phố vào sáng sớm

Người rời thành phố vào sáng sớm

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Nỗi lòng của một khán giả khi xem vở tuồng “LỤC VÂN TIÊN VÀ KIỀU NGUYỆT NGA”

Nỗi lòng của một khán giả khi xem vở tuồng “LỤC VÂN TIÊN VÀ KIỀU NGUYỆT NGA”