Làm quan thanh liêm là một trong những tiêu chuẩn làm người thời cổ đại. Người làm quan mà giữ được lòng thanh liêm thì mới được coi là người tốt, mới có thể truyền gia làm quan và lưu lại tiếng thơm trong sử sách.
Gia phong thanh cao, con cháu kế tục
Thời Ngụy Văn Đế có một vị quan tên là Hồ Chất, tự là Văn Đức. Ông là người Thọ Xuân, Hoài Nam, làm quan đến chức thái thú Đông Hoản, thứ sử Kinh Châu, sau được phong chức Quan Nội Hầu. Con của ông là Hồ Uy, tự là Bách Hổ, thời Tấn Vũ Đế làm quan tới chức ngự sử, thứ sử Thanh Châu. Hai cha con Hồ Chất và Hồ Uy làm quan thanh liêm, chính trực, lại hết lòng tạo phúc cho dân chúng.
Khi còn trẻ, Hồ Chất là một người có phẩm hạnh ưu tú, nổi tiếng khắp một vùng Giang Hoài. Bấy giờ phụ thân của Hồ Chất là Hồ Thông Đạt được giới thiệu với Tào Tháo, khiến Tào Tháo rất cao hứng, hỏi: “Hồ Thông Đạt đức cao vọng trọng như vậy, con cháu đời sau của ông ta thế nào?” Người tiến cử đáp: “Hồ Thông Đạt có một người con trai gọi là Hồ Chất, cũng là một bậc hiền giả được người người kính ngưỡng.” Tào Tháo bèn triệu Hồ Chất vào triều, phong làm huyện lệnh huyện Đốn Khâu.
Sau này, dưới sự ảnh hưởng của ông và cha, Hồ Uy tuổi tuy còn nhỏ nhưng rất trưởng thành. Cũng nhờ đời ông và đời cha nổi tiếng tu thân nên danh tiếng Hồ Uy càng vang dội, được Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm hết mực tán dương, làm đến chức ngự sử.
Làm quan thanh liêm không màng lợi ích quyền thế
Mỗi khi Hồ Chất tới nơi nào đó nhậm chức, ông đều có thể an định một phương, trên thuận dưới hòa, ai nấy đều ca tụng. Ông khuyến khích canh nông, khiến một vùng nghèo đói trở nên giàu có, “nông dân cả một vùng rộng lớn đều có thóc lúa tích lũy, năm sau vẫn còn dư”. Ông trị quân cũng có phép tắc, quốc phòng được củng cố, bách tính an cư lạc nghiệp. Cả một đời làm quan, mỗi lần lập công được ban thưởng, ông đều chia cho thuộc hạ, bản thân không giữ lại chút gì. Tới khi tạ thế, trong nhà cũng không dư dả. Mọi người kiểm tra di vật của ông, chỉ có một bộ quan phục do hoàng đế ban thưởng và một chiếc hòm nhỏ đựng sách.
Một năm nọ, Hồ Uy từ kinh thành về Kinh Châu thăm phụ thân. Mặc dù Hồ Chất làm quan, nhưng gia cảnh chẳng hề giàu có. Hồ Uy tới thăm cha cũng không có lấy một cỗ xe, một con ngựa, không người hầu kẻ hạ, chỉ một thân một mình cưỡi lừa lên đường. Khi nghỉ trọ giữa đường, ông tự mình chẻ củi, nấu cơm, chăn lừa.
Khách trọ sau khi biết ông là con của thứ sử Kinh Châu Hồ Chất, ai nấy đều kinh ngạc và muôn phần thán phục. Sau khi thăm phụ thân, Hồ Uy ở lại vài ngày rồi chuẩn bị cưỡi lừa quay trở lại kinh thành. Lúc sắp đi, Hồ Chất tặng con một tấm lụa. Hồ Uy lập tức hỏi cha: “Cha trước nay thanh liêm như nước, con không biết tấm lụa này có được từ đâu?” Hồ Chất giải thích rằng: “Là cha mua bằng bổng lộc của mình, để con làm lộ phí.” Hồ Chất nghe vậy mới yên lòng.
Hồ Uy khởi hành về kinh, không ngờ sau khi xuất phát từ Kinh Châu, lại gặp một người bạn đồng hành. Người bạn đồng hành này đã chi trả toàn bộ chi phí ăn ở dọc đường của Hồ Uy, Hồ Uy khăng khăng không nhận. Sau nhiều lần chất vấn, mới biết được người bạn đồng hành này là một đô đốc, là thuộc hạ của Hồ Chất, xin phép về kinh thăm phụ thân. Nghe nói Hồ Uy cũng muốn trở lại kinh thành, bèn muốn đồng hành để lấy lòng ông. Hồ Uy nghe xong, lập tức đưa tấm lụa cho ông ta. Sau khi tạ từ, đường ai nấy đi. Sau khi trở lại kinh thành, Hồ Uy đã viết thư cho cha kể về chuyện này. Hồ Chất điều tra rõ ngọn ngành, đã bãi chức vị đô đốc nọ. Cha con Hồ Chất đều không dung túng cho những kẻ nịnh nọt bợ đỡ.
Danh lợi đã vậy, đối với quyền thế Hồ Chất lại càng không màng. Một lần nọ, đại tướng Trương Liêu và quan hộ quân Vũ Chu của nước Ngụy nảy sinh mâu thuẫn. Trương Liêu nghe nói Hồ Chất là bậc hiền tài, bèn muốn Hồ Chất thay thế Vũ Chu, nhưng Hồ Chất khéo léo chối từ. Trương Liêu cho rằng Hồ Chất không hiểu ý tốt của mình, bèn tìm tới ông, không khách khí hỏi thẳng rằng: “Ta coi trọng ông như vậy, vì sao ông lại không nể mặt ta?”
Hồ Chất đáp: “Sự giao hảo giữa người hiền năng dựa trên cơ sở thấu hiểu lẫn nhau. Bạn bè có được nhiều lợi ích đến đâu, dẫu biết mà cũng không tham. Bạn bè bại, dù biết cũng chẳng e dè. Nghe được những lời đồn thổi về bạn mình, cũng không dễ dàng tin theo. Cho nên mới có thể làm bạn cả một đời. Vũ Chu tiên sinh là một người cao thượng, nho nhã, trước kia ngài khen Vũ tiên sinh không ngớt miệng. Nay lại vì một chút mâu thuẫn nhỏ mà đã tuyệt giao, Hồ Chất tôi không tán thành. Hơn nữa, tài đức của tôi còn xa mới theo kịp Vũ tiên sinh, e rằng khó trở thành bạn suốt đời của tướng quân!” Những lời của Hồ Chất đã khiến Trương Liêu xúc động, và giảng hòa với Vũ Chu.
Dám can gián được hoàng đế tán thưởng
Sau này Hồ Uy làm quan ngự sử tại Tây Tấn. Ông cũng kế thừa phong thái của phụ thân, trước mặt Hoàng đế thẳng thắn đưa ra ý kiến bất đồng. Tấn Vũ Đế với quan trên thì khoan hồng, nhưng với quan dưới lại nghiêm khắc. Cao quan trong triều phạm sai lầm thì nhìn như không thấy, nhưng với những quan lại từ chức Thượng Thư Lang trở xuống, chỉ cần có chút sai sót là xử phạt rất nghiêm. Hồ Uy bèn dâng tấu can gián, chỉ ra việc khoan hồng và nghiêm khắc như vậy là không thỏa đáng, đứng trước pháp luật là không công bằng, là sai lầm.
Tấn Vũ Đế nói: “Những tiểu quan từ Thượng Thư Lang trở xuống, trừng phạt nghiêm khắc cũng chẳng hề gì.” Hồ Uy phản bác rằng: “Lời can gián của vi thần, không phải là ý nói hoàng thượng không nên yêu cầu nghiêm khắc với quan lại cấp dưới, mà là muốn nói rằng: Với những quan lại cấp cao như vi thần, cũng nên yêu cầu nghiêm khắc. Chỉ khi đại quan, tiểu quan đều được yêu cầu nghiêm khắc, theo tiêu chuẩn cao thì quốc gia mới thịnh trị, thiên hạ mới thái bình.”
Tấn Vũ Đế rất khâm phục đạo làm người của cha con Hồ Chất và Hồ Uy. Một lần nọ, ông hỏi Hồ Uy: “Khanh và phụ thân của mình, nếu so ra thì ai thanh liêm hơn?” Hồ Uy không hề do dự đáp: “Thần không bằng phụ thân của mình.” Tấn Vũ Đế lại hỏi: “Vì sao?” Hồ Uy đáp: “Phụ thân của thần thanh liêm không muốn để người khác biết được. Còn thần chỉ e người khác không biết đến. Vậy nên thần còn kém xa so với phụ thân!” Tấn Vũ Đế cho rằng câu trả lời của Hồ Thích “thẳng thắn mà khéo léo, khiêm nhường mà quy thuận”, nên đã tán thưởng ông.
Cha con Hồ Chất, Hồ Uy dám thẳng thắn can gián những quyết sách không đúng đắn của thượng cấp. Họ làm quan không dựa vào việc nịnh nọt, bợ đỡ, cũng không dung túng cho việc hối lộ, mà chỉ dựa vào nhân phẩm và tài năng, chỉ muốn làm việc tốt cho bách tính, không vì mưu lợi riêng, cho nên hành sự mới có thể đường đường chính chính. Trên từ hoàng đế, dưới đến lê dân trăm họ đều tán tụng cha con họ Hồ làm quan thanh liêm, gia phong cao khiết, con cháu kế tục truyền thừa.
Theo Sound Of Hope