Nội hàm của chữ Nhẫn qua hai câu chuyện tưởng chừng trái ngược

14:55 | 16/11/2021

Cổ nhân có câu: “Không nhịn được việc nhỏ, sẽ làm hỏng việc lớn”. Người nhẫn nhịn thường kín đáo, trí tuệ rộng lớn, biết nhìn xa trông rộng. Bởi vậy từ xưa đến nay, phàm là người làm được việc lớn thì đều có khả năng nhẫn nại, khả năng nhẫn nại lớn đến đâu thì làm được việc lớn đến đó. Tuy nhiên như thế nào là nhẫn nhịn? Trong lịch sử có hai câu chuyện về chữ Nhẫn thường được lấy ra để làm ví dụ, nhưng nó lại cho thấy hai mặt tưởng chừng trái ngược nhau của chữ Nhẫn.


 

Ảnh minh họa: Andrew Mayovskyy/Shutterstock, Royalty-free stock photo.

Câu chuyện nổi tiếng nhất về chữ Nhẫn có thể nói là chuyện Hàn Tín chịu nhục chui háng. Những ai để tâm trau dồi khả năng nhẫn nhịn có lẽ đều đã đọc qua chuyện này.

Chữ Nhẫn của Hàn Tín

Hàn Tín là đại tướng quân của Lưu Bang, ông đã đánh bại nhà Tần, chặn Sở, diệt Ngụy, lấy Triệu, thu Yên, thu Tề, đánh trận “thập diện mai phục” với Hạng Vũ lưu danh sử sách, cuối cùng khiến nhà Hán lập nên nghiệp Đế. Hậu nhân cho rằng sở dĩ ông có năng lực lớn thế là nhờ có tâm Đại Nhẫn.

Thời còn trẻ Hàn Tín luyện võ, học phép dùng binh và thường khoác kiếm đi ngoài đường. Một hôm Hàn Tín đang đi trên phố sá sầm uất thì gặp một đám côn đồ, một trong số chúng hét lên: “Này, ngươi trông thật nhát gan. Tại sao ngươi mang kiếm?”

Hàn Tín không muốn trả lời và chỉ muốn đơn giản bước đi. Điều này khiến đám côn đồ vô lại giận dữ hơn nữa: “Nếu nhà ngươi có gan giết ta thì hãy rút kiếm đâm ta xem nào. Nhưng nếu nhà ngươi nhát gan thì phải chui háng ta!”.

Đám đông tụ lại hồ hởi theo dõi xem sự việc thế nào. Kẻ vô lại thấy Hàn Tín không dám đâm liền dang rộng hai chân ra thách thức. Hàn Tín dù là tay kiếm rất giỏi nhưng không muốn phạm pháp, nên đã cúi mình bò dưới hai chân kẻ vô lại kia. Những kẻ đứng xem đều cười lên thích thú chế giễu Hàn Tín hèn nhát mà cũng mang theo kiếm.

Nhiều năm sau, Hàn Tín trở thành Đại tướng quân của Lưu Bang, giúp Lưu Bang đánh thắng hết trận này đến trận khác. Lưu Bang không có Hàn Tín giúp thì cũng không thể lập ra nhà Hán được. Sau này gặp lại kẻ vô lại kia, Hàn Tín còn ban thưởng, nói rằng vì hắn mà ông có được thành tựu như vậy, hàm ý là sự việc kia đã giúp ông rèn được nội tâm Đại Nhẫn.

Khi nói về chữ Nhẫn, người xưa còn nhắc tới chuyện Tô Vũ. Nhưng mà cách Tô Vũ nhẫn chịu lại không giống như Hàn Tín.

Chữ Nhẫn của Tô Vũ

Tô Vũ người thời Hán, phụng mệnh mang theo phù tiết đi sứ Hung Nô với chức danh Trung Lang. Thiền Vu nhiều lần dùng lợi dụ dỗ, muốn ông quy hàng. Trước tiên Thiền Vu dùng phú quý, quan tước mê hoặc, Tô Vũ đều chính trực từ chối theo chính nghĩa, tôn nghiêm.

Sau này Thiền Vu lại mưu đồ huỷ hoại ý chí ông bằng cuộc sống gian nan, khốn khó, đưa ông tới vùng Bắc Hải chăn dê, và ngạo nghễ nói rằng khi nào dê đực sinh con thì mới thả ông về nước.

Tô Vũ không khuất phục trước quyền uy, lòng dạ không lay chuyển bởi cảnh nghèo khó. Khát thì ông uống tuyết, đói thì ông đào cây dại ăn. Vật duy nhất bất ly thân mỗi thời mỗi khắc với ông chính là chiếc cờ hiệu “Tinh tiết” mà ông mang theo khi đi sứ. Ban ngày ông cầm tinh tiết đi chăn dê, ban đêm ông ôm tinh tiết ngủ. Ông duy hộ sự tôn nghiêm của nhà Hán, thời thời khắc khắc cũng không quên thân phận sứ giả của mình.

Tô Vũ bị bắt giữ tại Hung Nô, lưu lạc 19 năm, trải qua biết bao gian khó, trốn đi được vẫn không quên nhiệm vụ, nên lại bị bắt, rồi lại trốn đi. Trước sau tiết tháo của ông vẫn không thay đổi. Cuối cùng ông cũng về được đến Trường An.

Hàn Tín chịu nhục chui háng, người đời khen ông là có tâm Đại Nhẫn. Tô Vũ không chịu nhục mà cúi đầu, người đời cũng khen ông là có tâm Đại Nhẫn. Vậy rốt cuộc chữ Nhẫn này có nội hàm như thế nào đây?

Nội hàm của chữ Nhẫn

Kỳ thực chuyện Hàn Tín chịu nhục chui háng là nhắm thẳng vào việc cá nhân ông chịu đựng ủy khuất, có thể nhẫn chịu những việc người thường không thể nhẫn, cuối cùng đã làm nên đại sự. Nhưng ở đây việc mà Hàn Tín làm không tổn hại đến chính nghĩa, không thương thiên hại lý, không tổn hại đến người khác, do đó cái nhục mà ông phải chịu là cái nhục cá nhân.

Tô Vũ thân làm Sứ tiết của Hán triều, đại biểu cho một nước. Dưới tình huống bị bắt giữ gặp phải thống khổ cực lớn nhưng ông không hề cúi đầu chịu nhục. Bởi vì nếu cúi đầu thì ông sẽ làm tổn hại đến chính nghĩa, tổn hại đến lòng tự trọng của triều đình, của dân chúng.

Do đó, cổ nhân tôn sùng chữ Nhẫn, nhưng khi Nhẫn thì phải xem xem đây là vấn đề cá nhân hay vấn đề nguyên tắc, xem nếu làm thì có tổn hại đến chính nghĩa, có tổn hại đến người khác, có tổn hại đến lẽ phải, đến sự chính trực, công bằng hay không. Nếu là vấn đề nguyên tắc, thì khi hành xử lại phải dùng “Thiện” để giữ “Nhẫn” và thể hiện ra “Chân”.

Một ví dụ cho điều này là chuyện năm xưa các tín đồ Kitô bị chính quyền La Mã bức hại. Rơi vào cảnh ngộ thảm thương như vậy, nhưng họ không cúi đầu “nhẫn chịu” cứ để cho binh lính La Mã đàn áp một cách tùy ý. Bởi vì họ có đức tin chân chính, nên họ đã dùng niềm tin tín ngưỡng của mình để phân biệt đúng sai, bảo cho người dân và binh lính biết đâu là chân lý. Một mặt, đối với các khổ đau cá nhân trong cuộc bức hại suốt hàng trăm năm, họ nhẫn nhịn và thiện đãi người khác. Một mặt, họ duy hộ chân lý nơi tâm, truyền rộng chân lý đó đến xã hội La Mã. Kết quả cuối cùng chính là đế quốc La Mã hùng mạnh diệt vong, còn Kitô giáo thì truyền đi rộng khắp. Đây cũng là nhờ trong “Nhẫn” có “Thiện” và có “Chân” vậy.

Cảnh giới cao hơn có nội hàm sâu hơn

Chữ Nhẫn này ở cảnh giới càng cao lại càng có những nội hàm thâm sâu hơn. Chẳng hạn như có người không tín Thần thắc mắc rằng, nếu Thần, Phật, Chúa tốt như vậy, thì tại sao không hiện ra cứu vớt con người đi thôi?

Có một “câu chuyện ngụ ngôn” kể rằng, một kẻ lang thang đi vào chùa, thấy Bồ Tát ngồi trên Đài Sen nhận cúng bái của mọi người, thì vô cùng ngưỡng mộ.

Kẻ lang thang nói: “Con có thể đổi chỗ ngồi với Người một lát không?”

Bên tai anh ta bỗng vang lên tiếng trả lời: “Con không thể. Con còn chưa biết yêu cầu của mình bất kính đến nhường nào. Con hãy đứng bên cạnh đây và nhìn đi, chỉ cần con không mở miệng, không ai sẽ nhìn thấy con hết.”

Kẻ lang thang đứng cạnh đài sen. Trước mắt của anh ta là cả ngày hỗn loạn ầm ĩ, người đến phần lớn là cầu điều này cầu điều kia. Anh ta vẫn cố gắng chịu đựng trước sau không mở miệng.

Mấy ngày sau, một người giàu có đến trước tượng Bồ Tát cầu xin: “Cầu Bồ Tát ban cho con một đức tính tốt.”

Nói xong ông ta dập đầu, đứng dậy, nhưng ví tiền lại bị rớt xuống mặt đất. Kẻ lang thang vừa muốn mở miệng nhắc nhở, nhưng kịp nhớ đến điều kiện của Bồ Tát nên ngừng lại.

Sau khi người giàu có đi ra, thì có một người nghèo bước vào. Người nghèo nói: “Cầu xin Bồ Tát ban cho con ít tiền. Người nhà con lâm bệnh nặng, đang rất cần tiền ạ.”

Cầu xong ông ta dập đầu, đứng dậy và nhìn thấy một túi tiền rơi trên mặt đất. Người nghèo khổ thốt lên: “Bồ Tát quả thật hiển linh rồi.”

Người nghèo khổ cầm túi tiền bước đi. Kẻ lang thang muốn mở miệng nói không phải hiển linh, đó là đồ người ta đánh rơi, nhưng anh ta lại nhớ đến điều kiện của Bồ Tát nên cũng kịp ngậm miệng lại.

Lúc này, một người ngư dân đi vào. Người ngư dân cầu xin: “Cầu Bồ Tát ban cho con bình an, ra biển không gặp sóng gió.”

Người ngư dân dập đầu, đứng dậy, ông vừa muốn đi, lại bị người giàu có vừa quay trở lại níu áo. Người giàu có cho rằng người ngư dân đã lấy túi tiền của mình, mà ngư dân thì cảm thấy bị oan uổng không cách nào chịu đựng nổi. Vì túi tiền, hai người đánh nhau túi bụi.

Kẻ lang thang đến lúc này đã không thể nhịn được nữa, anh ta liền hô to: “Dừng tay!” Rồi đem sự việc nói ra. Tranh chấp nhờ đó mà được yên.

Chuyện qua rồi, bên tai kẻ lang thang vang lên tiếng nói: “Con cảm thấy làm vậy là đúng chăng? Con hãy tiếp tục đi làm kẻ lang thang đi! Con tự cho mình rất công bằng, nhưng người nghèo vì vậy mà không có tiền cứu chữa người thân, người giàu không có cơ hội tu đức hạnh, còn người ngư dân lần này ra biển gặp sóng gió chôn thân dưới đáy biển. Nếu con không mở miệng, mạng sống người nhà kẻ nghèo kia được cứu, người giàu tốn chút tiền nhưng sẽ tu được tâm tích được đức, ngư dân cũng vì dây dưa kéo dài thời gian mà không có cách nào lên thuyền.”

Kẻ lang thang im lặng, tần ngần hồi lâu, dập đầu trước Bồ Tát và lui ra…

Đây là một câu chuyện hàm chứa câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi. Quay trở lại việc vì sao Thần linh không trực tiếp hiện ra phẩy tay cứu giúp con người, vì sao cầu không được ước không thấy. Kỳ thực Thần, Phật, Chúa là các vị Giác Giả duy hộ chân lý, tất nhiên sẽ không tùy tiện mà hủy đi duyên nợ nơi thế gian. Con người làm điều xấu thì rồi sẽ có lúc phải hoàn trả. Dẫu có bảo con người hướng thiện, giúp đỡ con người tu tâm, bảo hộ con người, thì cũng là lòng từ bi của các vị Giác Giả. Lựa chọn thiện ác là ở con người vậy. Đây lại là một cảnh giới cao hơn nữa của chữ Nhẫn vậy.

 

Theo VisionTimes


Cùng chuyên mục

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông áp dụng từ 1/1/2025

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông áp dụng từ 1/1/2025

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương