Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

11:50 | 18/10/2024
Tượng danh sĩ Ngô Thì Nhậm tại vườn tượng danh nhân Bảo tàng Văn học Việt Nam

Phiên âm:

PHÂN MAO LĨNH

Nhất đới thanh sơn Sở Việt giao,
Hoàng mao dịch lộ nhận Phân Mao.
Thiên thư bất tận Hành Dương giới,
Địa khí hoàn phù Nhạn Trạch mao.
Trưng Trắc kiếm mang khai động phủ,
Uý Đà quế đố lạc sơn sào.
Phong lai giải uấn tây nam lợi,
Vị hứa Hùng Bi vạn nhận cao.

Dịch nghĩa:

NÚI PHÂN MAO

Một dải núi xanh giáp giới Sở Việt,
Trên đường trạm Hoàng Mao, nhận ra núi Phân Mao.
Sách trời ghi biên giới không quá Hành Dương,
Khí đất làm trôi ngược lông chim nhạn ở Nhạn Trạch.
Lưỡi gươm của Trưng Trắc mở mang động phủ,
Mọt quế của Uý Đà còn đậu trong hang núi.
Gió từ tây nam làm nguội cơn nóng nực,
Núi Hùng Bi dù cao muôn nhận, cũng chẳng thấm vào đâu.

Dịch thơ:

Một dải non xanh liền Sở Việt,
Hoàng Mao đường trạm, nhận Phân Mao.
Sách trời ranh giới Hành Dương định,
Khí đất lông chim Nhạn Trạch vèo.
Trưng Trắc lưỡi gươm khơi động thẳm,
Uý Đà mọt quế đậu hang sâu.
Gió nguôi nóng bức tây nam thổi,
Chấp cả Hùng Bi vạn trượng cao.

(Khương Hữu Dụng dịch)

Núi xanh chia Việt ­Sở xưa,
Cao cao Mao Lĩnh cũng vừa thấy đây!
Sách trời ghi rõ điều này,
Trung Nguyên biên giới tới đây thì dừng.
Lưỡi gươm Trưng Trắc lẫy lừng,
Úy Đà mọt quế đã từng đầy hang.
Giải sầu, có gió đông nam,
Hùng Bi muôn trượng, đã làm sợ ai!

(Vũ Bình Lục dịch)

Tập thơ Hoàng hoa đồ phả của danh sĩ Ngô Thì Nhậm có khoảng hơn trăm bài (kể cả một số chùm 2 bài liên hoàn). Có Ngũ ngôn trường thiên, có Cổ phong, có Thất ngôn bát cú. Trong số hơn trăm bài thơ chữ Hán viết trong chuyến đi sứ cuối cùng của Ngô Thì Nhậm sang nhà Thanh xin phong tước An Nam Quốc Vương cho vua Quang Toản (1793), sau cái chết “bất đắc kỳ tử” của Quang Trung Hoàng Đế (1792).

Ngô Thì Nhậm viết tới gần hai chục bài về vùng đất Lĩnh Nam của ta thời Hai Bà Trưng trị vì (40 SCN­43 SCN), tức đất Nam Việt của ta thời Triệu Vũ Đế (240 TCN­137 TCN) làm chủ trước đó.

Khác hẳn và hơn hẳn người cha của mình là cụ Ngô Thì Sĩ (1726­1780), Ngô Thì Nhậm (1746­ 1803) có nhãn quan chính trị rõ ràng hơn, dứt khoát và mạnh mẽ hơn, đặc biệt là tầm nhìn lịch sử sâu rộng hơn, về vấn đề lãnh thổ từng có của tổ tiên mình, do tổ tiên mình xây dựng, mặc dù, đã bị kẻ thù phương Bắc dùng vũ lực cướp mất.

Bài thơ Phân Mao lĩnh (Núi Phân Mao) là một trong số hơn hai chục bài thơ viết ở Quảng Tây sầm uất, về một chủ đề chung. Đó chính là biên giới của Bách Việt (Ngoài Ngũ Lĩnh) và Trung Nguyên (Phương Bắc).

Mở đầu, nhà thơ viết:
Một giải núi xanh, nơi giáp giới Sở ­Việt,
Trên đường trạm Hoàng Mao, nhận ra núi Phân Mao

Chính tác giả chú rằng: “Núi Phân Mao ở địa giới Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam, cỏ mao rẽ hai ngả Nam, Bắc, trên đường có biển đề “Phân Mao lĩnh”.

Nhà thơ viết tiếp:
Sách trời ghi biên giới (của Trung Nguyên với Nam Việt) không quá Hành Dương,
Khí đất làm trôi ngược lông chim nhạn ở NhạnTrạch.

Thế là sao? Chả là ở thiên Kinh chế, sách Kinh lễ chép rằng: “Địa giới Trung Nguyên phía Nam không quá Hành Sơn”! Thế nghĩa là biên giới của Trung Quốc với Nam Việt ta đã được phân chia rất rõ ràng. Đất đai Trung Quốc chỉ đến núi Hành Sơn là hết. Lại như “Khí đất làm trôi ngược lông chim nhạn”, là vì sông Tương chảy về phía Bắc, chim hồng nhạn mùa thu bay về, lông chim nhạn rụng xuống, lại trôi ngược về phương Nam, nổi lềnh bềnh trên sông Ly, cho nên khúc sông này gọi là Nhạn Trạch.

Đọc đến đây, chúng ta lại phải quay về với bài thơ Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam), tương truyền do Lý Thường Kiệt viết:

NAM QUỐC SƠN HÀ

Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

Tạm dịch:
Sông núi nước Nam, (thì) do vua nước Nam làm chủ,
Điều ấy đã ghi rất rõ ràng ở sách trời!
Cớ sao lũ nghịch tặc đến đây xâm phạm?
Chúng bay nhất định sẽ phải chuốc lấy bại vong!

Nước Nam ở đây, chính là nước Nam Việt của người Bách Việt ta ở thời Triệu Vũ Đế, cũng là nước Lĩnh Nam ở thời Hai Bà Trưng giành lại quyền tự chủ từ tay nhà Hán. Sách trời đã ghi rõ ràng điều đó. Triệu Vũ Đế làm chủ nước Nam Việt. Hai Bà Trưng làm chủ nước Lĩnh Nam, đất đai cũ của nhà Triệu. Vua Hán chỉ có quyền làm chủ đất đai của họ, từ Hành Dương, có núi Phân Mao này ngược lên phía Bắc mà thôi!

Đời Trần (1226­1400), khi Hưng Đạo Đại Vương ốm nặng, vua Trần Anh Tông từ Thăng Long về Vạn Kiếp thăm và hỏi rằng: “Vạn nhất chẳng may Ngài mất, thì kế sách đánh giặc phương Bắc như thế nào?”. Đại Vương trả lời đại ý rằng: “Nước Đại Việt ta, kể từ Triệu Vũ Đế đã dùng kế sách…”

Đến như Nguyễn Trãi (thế kỷ 15) từng viết trong Đại cáo bình Ngô, rằng:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc, Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”…

Thì đương nhiên, Bắc ở đây là để chỉ người Hán ở phương Bắc, còn Nam, chính là nước Nam Việt, của ta thời nhà Triệu, tức nước Lĩnh Nam của chúng ta thời Hai Bà Trưng. Nước Đại Việt ta sau này, chính là thành tố văn hóa và lịch sử quan trọng nhất, lớn nhất và tiêu biểu nhất trong cộng đồng Bách Việt.

Phải hiểu như thế, để khẳng định rằng biên giới của hai nước Trung Quốc và Đại Việt ta, chính là ở núi Phân Mao này đây, chứ đâu phải chỉ là một tẹo đất đai vùng Bắc Bộ, từ Lạng Sơn đến dãy Hoành Sơn của Hà Tĩnh mà thôi! Sách Kinh lễ của Trung Quốc đã chép rõ ràng như vậy! Sách trời đã viết như thế, ai tự tiện bác bỏ được nào?

Kìa như:
Lưỡi gươm của Trưng Trắc mở mang động phủ,
Mọt quế của Úy Đà còn đậu trong hang núi.

Chả là, ở phía Nam hồ Động Đình, có đền thờ Trưng Trắc, dân gian thường gọi là “Miếu Bà Trắc”. Năm 40 SCN, Hai Bà Trưng, hậu duệ vua Hùng dựng cờ khởi nghĩa, giành lại toàn bộ đất đai nước Nam Việt của ta thời nhà Triệu, đóng đô ở Phiên Ngung, kinh đô cũ của nhà Triệu (chứ không phải ở Mê Linh như nhiều người lầm lẫn). Vùng đất Lưỡng Quảng và quần đảo Hải Nam, Trung Quốc chiếm giữ của ta, có rất nhiều đền thờ Hai Bà Trưng, hiện vẫn còn. Đền thờ ở bên hồ Động Đình chỉ là một trong số hàng trăm đền miếu rải rác khắp Lưỡng Quảng và quần đảo Hải Nam mà thôi!

Lại như câu “Mọt quế của Úy Đà còn đậu trong hang núi” là sao? Số là, Triệu Đà được vua Tần Nhị Thế phong chức Úy ở quận Nam Hải. Nhân nhà Tần loạn, Triệu Đà đánh chiếm cả vùng Quế Lâm, Tượng Quận, diệt Thục Phán An Dương Vương, thành lập nước Nam Việt do người Bách Việt làm chủ. Triệu Đà xưng Đế, tức Triệu Vũ Đế. Do sức ép ngoại giao của nhà Hán, Triệu Đà bề ngoài tự hạ cấp xuống tước Vương (Triệu Vũ Vương), nhưng thực chất ông vẫn giữ nguyên là Triệu Vũ Đế. Đó chẳng qua là sách lược ngoại giao kiểu “cây tre”, “nội cương ngoại nhu” rất khôn khéo đấy thôi!

Mục tiêu của sự nhún mình khôn khéo này, là để giữ được mối hòa hiếu với nhà Hán, giữ vững hòa bình. Đó mới là mục tiêu tối thượng. Bề ngoài tỏ vẻ mềm mỏng một tý, nhưng bên trong vẫn là ý chí độc lập tự chủ. Người Việt ta, trong đó có Ngô Thì Sĩ, nhất là mấy chục năm gần đây, một vài người cho rằng Triệu Vũ Đế đã đầu hàng nhà Hán. Đó là một sự hiểu biết nông cạn, thậm chí là thiển cận, trái ngược với chính sử nước ta ghi chép về nhà Triệu, về Triệu Vũ Đế anh hùng tài lược, tiếp nối sự nghiệp các vua Hùng…

Ở đây, có câu chuyện “mọt quế”, đại khái, Triệu Vũ Đế hàng năm vẫn cho người đem quế (một loại hương liệu rất quý ở phương Nam) sang biếu nhà Hán. Tuy nhiên, trong bụng Triệu Vũ Đế vẫn khinh nhờn nhà Hán. Triệu Đà cho người bắt con cà cuống, đóng vào giỏ đem dâng cống cho nhà Hán, nói dối rằng, quế đã bị “quế đố”, tức mọt quế ăn hết cả rồi. Vậy xin dâng cống “quế đố), tức con cà cuống thay thế. Đó chỉ là một cái mẹo, để nhà Hán thôi việc bắt Nam Việt cống nạp hương liệu vỏ quế đấy thôi.

Nhà thơ kết luận: Gió từ phía Tây Nam làm nguội cơn nóng nực, Núi Hùng Bi dù cao muôn nhận, cũng chẳng thấm vào đâu Núi Hùng Bi ở địa phận huyện Kỳ Dương, tỉnh Hồ Nam. Dãy núi này rất cao, giáp giới giữa Hồ Nam và Quảng Tây, tức vùng biên giới giữa Trung Quốc và Quảng Tây nước Nam Việt. Nhà Thơ cho rằng, Núi Hùng Bi kia dẫu rất cao, nhưng cũng chưa lấy gì làm sợ hãi. Vẫn còn có núi cao hơn thế nữa kia!

Phân Mao lĩnh (Núi Phân Mao) là một bài thơ rất hay. Không phải nó hay ở công phu gọt đẽo câu chữ, mà hay ở tầm tư tưởng lớn, ở lòng yêu nước, niềm tự niềm hào về quá vãng xa xăm của dân tộc Đại Việt ta, một thời vang bóng. Nó cũng là bằng chứng rất sinh động về lãnh thổ, cương vực bờ cõi nước ta xưa.


VŨ BÌNH LỤC
Đăng trên VĂN HIẾN VIỆT NAM – SỐ 7+8 (354+355) 2024

Cùng chuyên mục

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Người rời thành phố vào sáng sớm

Người rời thành phố vào sáng sớm

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Phó Đức Phương và khát vọng sử ca

Phó Đức Phương và khát vọng sử ca

Nỗi lòng của một khán giả khi xem vở tuồng “LỤC VÂN TIÊN VÀ KIỀU NGUYỆT NGA”

Nỗi lòng của một khán giả khi xem vở tuồng “LỤC VÂN TIÊN VÀ KIỀU NGUYỆT NGA”